Thời “bao cấp” ở Việt
Nam, cuộc sống chỉ ở mức “tồn tại”. Mỗi người một tháng được 13kg gạo và 100g
thịt lợn, mỗi năm được vài mét vải thô để may quần áo, phụ nữ thì được thêm một
ít vải xô màn để dùng như người ta dùng băng vệ sinh bây giờ. Ngoài ra còn một
ít các thứ khác nữa, mà cũng thuộc loại “nhu yếu phẩm” cả. Thế nhưng người ta
cũng đã thích “hàng hiệu”. Đó không phải là Gucci
hay Chanel,
mà là bếp dầu Thăng long, xe đạp Phượng hoàng, phích nước Rạng đông, chăn vải “chéo” Trung Quốc,
và một vài thứ nữa. Đơn giản là vì chúng tốt và bền lâu hơn. Cuộc sống khi đó
chỉ cần đến thế. Ngày nay, người ta vẫn thích “hàng hiệu” với lý do tương tự:
chất lượng. Nhưng khi hàng tiêu dùng cá nhân ngày càng nhiều hơn và khi mới giàu
lên nhanh chóng như nhiều người ở Trung Quốc, Nga, Ấn Độ hay Việt Nam, người ta
bắt đầu suy nghĩ khác. Lúc ấy, tốt là chưa đủ mà còn phải “hiệu” gì, xuất xứ ở
đâu. Nhiều người cảm thấy hãnh diện khi xách một cái túi giá hàng ngàn đôla hiệu
Louis Vuiton, đeo đồng hồ Rolex giá hàng chục ngàn đôla, đi xe ôtô
hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu đôla. Người ta cảm thấy kém cỏi, thậm chí xấu
hổ khi dùng những hàng không có tên tuổi và giá rẻ hơn, mặc dù vẫn có chất lượng
tốt. Không ai muốn là kẻ vô giá trị cả. Nhưng khi không có gì “đáng giá” ở trong
mình như tài năng và đức độ, người ta đành phải dựa vào những thứ ở bên ngoài. Và
hàng hiệu là một giải pháp làm “tăng giá trị” của người ta một cách dễ dàng nhất,
nếu người ta tin như thế. Tương tự như thế, người ta cảm thấy vinh hạnh và “có giá”
hơn khi được chụp ảnh chung với chủ tịch nước hay nữ hoàng Anh, học cùng khóa với
nhà toán học nổi tiếng X hay đã may áo vét cho ông thủ tướng Y, v.v. Cứ như thế, người ta cảm
thấy hãnh diện cả khi có một người “gốc Việt” nào đó thành đạt về học hành, chính
trị, kinh doanh, nghệ thuật hay thể thao ở một nước phát triển, kể cả khi người
đó có rất ít liên hệ với Việt Nam. “Bệnh” này không mới. Người Việt xưa gọi là “thấy người sang bắt quàng làm họ ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét