Cứ vào dịp Tết Âm Lịch
là nhiều chùa ở Hà Nội - mà có lẽ ở nhiều nơi khác nữa – tấp nập người đến
“dâng sao, giải hạn”. Không rõ tục lệ này có từ bao giờ, nhưng hẳn là xa xưa lắm
nên người ta mới tin. Người ta cho là mỗi người “ứng” với một ngôi sao nào đó.
Những sao này có tên hẳn hoi, như La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô, v.v. và còn được
phân loại thành “tốt” hay “xấu”. Nếu năm nay bạn bị một sao xấu “chiếu mệnh”
thì bạn sẽ gặp những những điều không may trong cuộc sống, làm ăn, v.v. Muốn
tránh hoặc giảm bớt tác động này, bạn phải nhờ nhà chùa làm lễ “giải hạn”. Ngược
lại, nếu được sao tốt chiếu, bạn cũng phải nhờ nhà chùa làm lễ “dâng” để cám
ơn. Cuộc đời người ta thì luôn có những điều trắc trở, không như ý. Vì thế nhiều
người nghĩ theo kiểu “bầy đàn” – có thờ
có thiêng, có kiêng có lành – một câu nói cổ xưa được truyền miệng đến tận
ngày nay. Cái gì có lâu đời rồi thì có lý, thế thôi, việc gì phải suy nghĩ nhiều
cho mệt. Thế là người ta cứ ào ào kéo nhau đến các chùa. Có chùa người ta đứng
chờ làm lễ chật hết cả đường, giao thông tắc nghẽn. Nhiều bà nhiều cô vẻ mặt lo
âu ngơ ngác, tra bảng dán ở chùa để xem năm nay mình bị sao nào chiếu mệnh. Chỉ
có 2 lựa chọn thôi, và đằng nào thì cũng phải nộp phí VND100 ngàn (khoảng 5
Đô-la). Người giàu thì không nói làm gì. Có người “mời” cả thầy đến tận nhà làm
lễ. Có lẽ vì thế nên chuyến bay nào của Vietnam Airlines mà chả thấy một vài
“thầy chùa” đi chạy “Sô” theo kiểu các sao ca nhạc. Nhưng nhiều người nghèo,
ngày kiếm chỉ được 20-50 ngàn cũng cố nộp với hy vọng sang năm, khi “hạn” đã
“giải” thì có thể kiếm khá hơn một chút. Thế là không biết có bao nhiêu vạn con
người hàng năm “nhờ” các chùa làm lễ. Các sư sãi nhà chùa thì cũng cố gắng và
sáng kiến lắm. Tuy nhiều người như thế nhưng cũng chỉ vài cuộc lễ là xong vì
nghe đâu cũng chỉ có khoảng 9 chòm sao thôi. Chắc là khi xưa nhìn bằng mắt thường
nên người ta chỉ thấy có ngần ấy. Chứ giả sử các nhà “phát minh” ra dâng sao giải
hạn mà sống lại để nhìn vào kính thiên văn hoặc xem các ảnh chụp thiên hà của
kính thiên văn bay trong vũ trụ Hubble để thấy rằng có hàng tỷ tỷ sao và thiên hà
trong vũ trụ thì có lẽ họ sẽ há hốc mồm và lắc đầu: “Thôi, chả dám giải hạn giải
hiếc gì nữa đâu!”. Không biết các chùa “kiếm” được bao nhiêu mỗi dịp Tết. Nhưng
có lẽ số tiền cũng không nhỏ - bởi thế nên bọn “đạo chích” mới mò cả vào chùa -
và đủ để cho các sư có thể yên tâm tụng kinh niệm phật và ngồi thiền cả năm. Cũng phải thông cảm là có đi “khất thực” cả ngày
và đặt bao nhiêu hòm “công đức” đi nữa thì cũng chỉ thu được một ít tiền lẻ
thôi, có khi còn chẳng đủ tiền “dầu đèn”. Thời buổi kinh tế thị trường ngày nay
chả ai cho không ai cái gì cả. Ngay cả các “đại gia” cho tiền tỷ vào từ thiện
thì cũng muốn mua danh tiếng là người không tham. Phải có hàng hóa, dịch vụ để
bán và phải có người mua thì mới có tiền. Nếu cứ theo đúng lời dạy của Phật thì
có khi “đói”, chả còn sức mà “vực” đạo nữa.Thế cho nên nhà chùa cũng phải “đổi
mới tư duy” và “vận dụng sáng tạo” một chút. Mặc dù có vị đại diện UNESCO đã lên
tiếng là dâng sao giải hạn là mê tín dị đoan, không có cơ sở khoa học, có vị trụ
trì một chùa lớn vẫn khéo giải thích là nhà chùa chỉ làm lễ cầu an thôi để đáp ứng
nhu cầu tâm linh chính đáng của nhân dân. Khi người ta đã lên được hàng lãnh đạo,
nhất là lãnh đạo chính trị, tinh thần hay tôn giáo thì người ta “giỏi” lắm, nói
thế nào cũng “đúng” cả. Giá Đức Phật Thích Ca sống lại mà thấy cái cảnh tiền bạc cứ ào ào đổ vào cửa
Phật thế này thì có khi ngài cũng phải thở dài chắp tay mà “bái phục” các “tỳ
kheo” thế kỷ 21. Nhưng thế này chưa là gì so với vị trụ trì ngôi chùa “Thiếu
Lâm Tự ” nổi tiếng của xứ Trung Hoa. Vị này nghe nói còn có cả bằng MBA (quản
trị kinh doanh) Mỹ chính hiệu. Đấy là học. Còn “hành” thì mới giỏi nữa. Nghe
nói “doanh thu” của cái “công ty biểu diễn” này là hàng chục triệu Đô-la mỗi
năm. Ở Ấn độ cũng có ngôi đền thiêng (không phải là Phật Giáo – vì Phật Giáo,
ít nhất là ở thời Đức Phật thì không mê tín nên đã bị “đuổi” khỏi Ấn độ do
không hợp với lòng mê tín thần thánh của dân Ấn) – thu mỗi ngày cả triệu Đô-la.
Bắc Việt Nam có đền Trần ở Nam Định năm nào cũng có cảnh chen lấn giẫm đạp lên
nhau đến ngất xỉu để xin Thánh ban “ấn” – một miếng vải mầu vàng có “triện” của
vua - với hy vọng là năm mới sẽ được “thăng quan tiến chức”. Người ta cũng chen
lấn không kém ở đền Bà Chúa Kho để xin vị thánh này ban “lộc” để năm mới làm ăn
phát đạt. Và tất nhiên là phải có “lễ”, ít thì vài chục ngàn, nhiều thì bạc triệu.
Nếu Đức Phật mà sống lại thì không biết Người sẽ vui hay buồn. Có thể sẽ buồn
vì thấy ở thời đại Internet và Ipad, cái “vô minh” vẫn tràn ngập thế giới. Thậm
chí ngay cả ở chùa chiền, nơi mà người ta nhân danh là đệ tử của Phật để giảng
những lời dạy nhắm phá cái “vô minh” của con người. Nhưng như thế có lẽ còn
“khá” hơn là việc đã biết là dân vô minh – mà đọc kinh Phật suốt ngày thì ắt là
phải biết - thì đã không phá mà lại còn lợi dụng danh Phật để làm cho dân vô
minh hơn để kiếm lợi. Hành vi này mà có luật để xử thì có khi phải khép vào tội
“lợi dụng chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chắc là Phật sẽ buồn lắm vì mình đã từ bỏ hết vàng bạc châu báu để đi tìm
chân lý và sự giác ngộ mà ngày nay, người ta lại đem hết vàng ngọc để làm tượng
Phật và biến những bức tượng này thành những món hàng xa xỉ đắt tiền. Mà có thể
Phật sẽ vui vì tư tưởng của Ngài sau mấy ngàn năm – mặc dù có khi bị biến dạng
tới mức chính Người không còn nhận ra nữa – vẫn còn sống sót. Có khi Người còn
phải “ôm bụng cười” như ông Di-Lặc vì người Việt thật hài hước, dám “phạm thượng”
tới mức ví von “Đồng tiền là Tiên là Phật”. Thời Phật còn sống chưa có chủ
nghĩa tư bản nên có thể Người chưa biết hết sức mạnh của đồng tiền. Vả lại, phải
chăng chính Phật đã nói rằng mọi thứ trên đời đều “vô thường”? nghĩa là không
có gì là bất biến cả. Có lẽ Phật cũng không loại trừ cả những tư tưởng và lời dạy
của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét