Thói quen của mỗi cá nhân, bất kể tốt xấu, đều rất mạnh và khó bỏ vì như có người nói, chúng đã thành bản năng. Một dân tộc cũng có những thói quen như vậy. Người Việt có thói quen “ăn Tết”. Tục này có thể do người Trung Hoa đưa vào, nhưng lâu ngày, có lẽ đã hai ngàn năm, nó trở thành “ngày lễ cổ truyền của dân tộc ta” lúc nào không biết. Người Việt xưa chủ yếu sống ở vùng châu thổ sông Hồng, sống bằng nghề trồng lúa, quanh năm chân lấm tay bùn, một nắng hai sương, cố chống thiên tai “chiêm khô mùa lụt” mà thường vẫn chẳng đủ ăn đủ mặc. Ấy là chưa kể đến sưu cao thuế nặng và chiến tranh liên miên mà tất cả gánh nặng bao giờ cũng đổ lên đầu họ. Khó có thể sống mãi cuộc đời lầm than như thế mà không có lúc nào, dù là ngắn ngủi, được nghỉ ngơi và vui vẻ một chút. Và Tết chính là lúc người nông dân được thoát khỏi việc cày cuốc, được nghỉ ngơi, ăn no hơn, ngon hơn, có cả một chút rượu để vui hơn một chút, mặc quần áo sạch sẽ hơn, “chơi bời” tý chút, ai làm ăn xa thì về nhà tụ họp với cha mẹ ông bà, ít nhất là trong vài ngày. Trẻ con thì mong đến Tết để được “sách mới áo hoa” lành lặn, ăn bánh chưng, chơi pháo nổ “đì đùng” và được người lớn “mừng tuổi” một chút tiền lẻ. Thế là người ta cố gắng chịu đựng vất vả cả năm để mong đến Tết. Với một nền kinh tế “con trâu đi trước cái cày đi sau” , cuộc sống cứ lặp đi lặp lại như thế trong hàng ngàn năm. Thế là “ăn Tết” trở thành một thói quen, một bản năng của cả một dân tộc gần trăm triệu người. Cho đến mãi gần đây, hầu như ai cũng mong đến Tết vì những lý do như nói trên. Mà đã mong cái gì thì thường cảm thấy lâu. Khi dân Bắc muốn nói “còn lâu” theo cách hơi đùa, người ta nói “đến Tết nhé !” Gần đây với công nghệ và quản trị mới, cuộc sống của dân Việt, kể cả nông dân có phần khác xưa, bớt vất vả hơn. Cái ăn, cái mặc, cái vui chơi, việc tụ họp gia đình không nhất thiết phải “đợi đến Tết” nữa. Thế là người ta, ít nhất là dân thành thị, có vẻ không còn mong Tết như xưa nữa. Sự giao lưu với thế giới mang đến những cái mới như tục Nô-en của người phương Tây, lạ hơn, hào nhoáng hơn, nhất là đối với người trẻ tuổi. Người ta thấy, ít nhất là qua tivi những cảnh đón năm mới, pháo hoa, tuyết trắng, ông già và Công chúa Tuyết, quà cho trẻ em, những bài hát vui vẻ náo nức, v.v. Và người ta không khỏi tự hỏi sao mình không đón năm mới như các nước “văn minh tiên tiến” kia nhỉ? “Tết Tây” ở Hà Nội – như cách người ta gọi năm mới theo Dương Lịch – thường nhạt nhẽo, hầu như không có gì vì Việt Nam không chủ trương “ăn” Tết này. Rồi chẳng bao lâu sau đó, người ta lại lao vào chuẩn bị Tết Âm Lịch. Lại đào, quất, bánh chưng, v.v. như mọi năm. Trẻ con bây giờ hình như không còn háo hức mong Tết nữa, vì những cái chúng mong như ngày xưa nay ngày nào chả có, và còn hơn thế nhiều. Tất nhiên là chúng thấy Nô-en và Tết Tây thú vị hơn, hiện đại hơn. Cứ xem mấy “Ông Già Tuyết” áo quần đỏ râu trắng, đi xe máy “khủng” phân khối lớn, vai đeo túi quà đi phát cho trẻ con, tranh thủ phóng “ầm ầm” quanh Hồ Gươm vài vòng trước con mắt đầy ngưỡng mộ của các cô bé tuổi “Teen” thì biết. Các bà nội trợ thì cứ đến gần Tết là bắt đầu nỗi lo gánh nặng mua sắm. Thêm vào đó, cứ dịp này là giá cả tăng vọt, người bán ở Hà Nội “chém” vô tội vạ cho những nải chuối xanh, những quả bưởi nhạt mà ngày thường chả ai mua, theo cái cách “vừa chửi vừa rao vẫn đắt hàng” như cụ Tú thành Nam xưa đã nói. Khổ nhất là những “nàng dâu trưởng” ở những nhà ba bốn thế hệ, con cháu đầy đàn bởi họ phải lo đi chợ, nấu nướng rồi lại rửa bát, dọn dẹp cho cả mấy chục người ăn ít nhất là một bữa “linh đình mâm cao cỗ đầy” vào tối 30 “tất niên” hay sáng mùng Một để rồi sau đó thức ăn thừa mứa có khi còn phải đổ đi. Bây giờ người ta không đợi đến Tết mới được ăn uống như xưa. Sau đó thì bắt đầu “màn” thăm hỏi, cứ cả “đoàn quân” kéo từ nhà nọ sang nhà kia, có khi vừa gặp nhau lại gặp nữa, để nói vẫn những câu chúc Tết, ăn vẫn những thứ như mứt , bánh kẹo hay hạt bí , xem vẫn đào - quất mà nhà nào cũng như nhà nào. Hình như Tết đang dần dần chuyển từ một dịp sung sướng vui vẻ đầy mong chờ háo hức sang một thủ tục, một gánh nặng không chỉ cho người chịu trách nhiệm tổ chức và “chi” cho mọi việc mà cả đến người chỉ phải tham gia thôi. Gần đây có một số người tạm gọi là đi “trốn Tết” bằng cách đi du lịch nước ngoài vì nếu ở nhà, họ không thể “thoát” Tết. Hình như vừa rồi có một vị đáng kính nào đó công khai đề xuất việc bỏ Tết, và tất nhiên, công chúng “nhảy dựng” lên ngay vì làm sao mà lại dám bỏ một ngày “cổ truyền thiêng liêng, truyền thống ngàn năm của dân tộc, v.v.”. Bao giờ chả thế, hễ cứ ai có suy nghĩ gì mới, khác người và không theo đám đông, nhất là lại dám “động chạm” đến những gì mọi người coi là truyền thống, là phong tục, là giá trị tinh thần của dân tộc, v.v. là lập tức bị la ó ngay. Thực ra thì Tết ngày nay cũng không hẳn như xưa. Xưa kia, Tết là phải có cây nêu, tràng pháo, câu đối đỏ. Cây nêu đã bị bỏ đi lâu rồi vì khó làm nhất là ở thành phố, nên bây giờ nhiều người không biết nó là cái gì nữa (ngày xưa Tết đến là trước nhà phải trồng một cái cột cao, thường là bằng cây tre, trên có treo một miếng vải, nghe nói để xua đuổi ma quỷ). Bây giờ cũng ít nhà treo câu đối đỏ, nhất là các gia đình trẻ vì trông nó cứ “quê quê”. Còn pháo thì Nhà Nước cấm từ mấy năm nay, vì lý do an ninh, nên không có, rồi mãi cũng quen. Đêm giao thừa xưa thấy cảm xúc thiêng liêng khi nghe pháo nổ ran khắp nơi, ngửi mùi thơm thơm của thuốc pháo, xem giấy xác pháo đỏ khắp hè phố, nghe Cụ Hồ chúc Tết bằng cái giọng xứ Nghệ khá là ấm áp. Tất cả những cái đó không còn nữa.
Ngày 30 Tết Nhâm Thìn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét