Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Chuyện của một ngôi nhà


Bạn bảo ngôi nhà vô tri vô giác ư? Không phải đâu nhé. Nó cũng có tâm hồn và tình cảm đấy. Hồn của nó vốn là ở cái đất ấy. Khi người ta làm nhà, hồn của đất quyện với tình cảm chủ nhà thành ra hồn nhà. Người Anh có lý khi gọi ngôi nhà mình là “home” mà tạm dịch ra tiếng Việt là “tổ ấm”. Tôi là một ngôi nhà nhỏ ở trong một cái ngõ nhỏ gần khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám ở Hà Nội. Dân trong ngõ là những người loại "dân nghèo thành thị" buôn bán nhỏ ở chợ ga hay làm thợ. Hà Nội hồi đó nhỏ lắm. Xưa kia chỗ này vốn là một cái ao trồng rau muống, thứ rau mà người Việt ngày nào cũng ăn mà không chán. Thế rồi người ta lấp ao xây một ngôi nhà nhỏ mái ngói đỏ một tầng. Chủ nhà ở đó một thời gian rồi có lẽ là muốn ra mặt phố nên đã bán tôi cho hai vợ chồng trẻ có một cô con gái bé. Anh chị chủ mới có vẻ thích tôi lắm nên họ cũng không mặc cả nhiều, chủ cũ nói bao nhiêu là đồng ý ngay. Tôi cũng khấp khởi mừng thầm vì lần này chắc là sẽ thành một tổ ấm đây. Chủ mới chỉ sửa chữa gọi là rồi nhanh chóng dọn đến ngay. Gọi là dọn nhà cho oai chứ thực ra tất cả “gia tài” của họ chỉ là một cái giường cũ, vài bộ quần áo, một ít sách và vài thứ lặt vặt khác, xếp chưa đầy một chuyến xích-lô. Có lẽ đây là ngôi nhà đầu tiên của họ nên họ mới háo hức như thế. Cô chủ nhỏ ngoan lắm. Còn bé thế mà đã biết giúp cha mẹ rửa bát rồi. Chị chủ thì sắm các thứ đồ bếp núc như nồi niêu bát đĩa mới. Anh chủ đạp xe xuống tận chợ Mơ để mua cây về trồng thêm. Đất đây tốt nên mới vài năm cây cối đã mọc lên xum xuê. Khóm hoa giấy phủ kín tường rào. Còn giàn hoa đăng tiêu lại phủ kín mái ngói, hoa nở rực đỏ đầy mái nhà. Họ còn trồng cả mướp nữa, tiếc là quả không ăn được. Cái bể nước mới xây ở sân, trên úp bát đĩa, có giàn mướp ở trên trông như ở thôn quê thích lắm. Chỉ hơi tiếc là giàn trầu không rất đẹp của chủ cũ để lại chẳng may lại chết mất.Tôi vui lắm vì được nhà chủ yêu và chăm sóc. Vì thế tôi nguyện hết lòng giúp vun đắp hạnh phúc của họ. Anh chị chủ sống hòa thuận lắm, chẳng cãi nhau bao giờ. Chỉ hơi tiếc là chưa được bà cụ thân sinh anh ấy ở chỗ tôi là bao nhiêu. Những ngày cuối đời mình, bà cụ có đến ở chỗ tôi được ít ngày rồi sau đó cụ mất. Bà cụ thật phúc hậu mà cuộc đời lại vất vả quá. Cụ mất thấm thoắt mà đã được 20 năm. Được mấy năm thì nhà chủ phá cái nhà cũ đi. Họ cũng tiếc mà tôi cũng tiếc giàn cây và hoa lắm. Nhưng thôi, cuộc sống mới cần chỗ ở rộng hơn. Tôi vui vì họ vẫn làm nhà mới trên nền đất cũ. Thế là tôi vẫn được tiếp tục sống với nhà chủ mà tôi đã đem lòng quý mến. Ngôi nhà mới rộng hơn nhà cũ, cũng khá là xinh xắn tiện nghi. Tôi mừng lắm vì từ đây có lẽ là sẽ được phục vụ nhà chủ lâu dài hơn. Sau khi cụ bà mất ít lâu, cụ ông đến ở hẳn với chúng tôi. Tôi vẫn lặng lẽ theo dõi cuộc sống của gia đình chủ. Tôi đặc biệt quý bà chủ vì cái cách đối xử thật tình cảm và trách nhiệm với ông cụ khi cụ ngày càng già yếu. Ông cụ ở chỗ tôi đến mười năm rồi ra đi vì tuổi cao và bệnh tật. Tôi cũng buồn lắm khi nhìn thấy cụ tàn lụi dần mà không làm gì được. Sống chết là việc của Trời Đất, ta phải chấp nhận thôi. Thời gian cứ thế trôi qua. Cô chủ nhỏ lớn lên nhanh chóng. Có lẽ đất này gần miếu thờ Khổng tử nên được cụ phù hộ cho mà cô chủ học giỏi lắm, được vào thẳng đại học rồi sau đó lại được cả học bổng đi học nước ngoài. Ông chủ tóc bắt đầu bạc đi nhiều. Bà chủ có vẻ yếu đi nhiều hơn, lên xuống cầu thang khá vất vả mệt nhọc. Thế là họ nghĩ đến việc tìm một chỗ ở khác sao cho đủ rộng mà lại không phải leo cầu thang. Lúc đó tôi thấy hơi buồn vì sắp đến ngày phải chia tay nhà chủ. Thế rồi họ dọn đi chỗ khác thật. Tôi lo lắng không biết rồi mình sẽ bị bán cho ai, chủ mới có tử tế không? Thế nhưng mặc dù dọn đi chỗ khác, ông bà chủ vẫn giữ nguyên nhà cũ, không bán mà cũng chưa cho thuê. Có lẽ họ vẫn quyến luyến tôi lắm. Tôi đã phục vụ họ tận tụy gần hai mươi năm, đã thành người thân trong nhà thì làm sao mà họ có thế bỏ tôi đi như một thứ đồ cũ, dùng xong thì vứt bỏ được. Nhưng tôi vẫn hơi buồn vì từ đó ngôi nhà luôn đóng cửa tối đèn. Cái nhà khó thành tổ ấm nếu thiếu người ở. Những hôm mưa dột chẳng có ai leo lên bịt chỗ dột cả. Tường bị thấm nước bắt đầu mốc meo. Lớp vôi trát cứ bong dần, có khi rơi xuống từng mảng. Bộ xa-lông ở phòng khách trước kia sáng bóng mà bây giờ phủ một lớp bụi trắng. Cái sân gạch trước kia đỏ tươi mà bây giờ đầy bụi đất và rác phía ngoài lọt vào. Buồn nhất là có lẽ là cái bếp. Xưa kia bà chủ thường nấu những món thơm ngon. Sáng nào mùi cà-phê thơm ấm áp cũng lan khắp căn nhà. Buổi tối nào gia đình cũng quây quần ấm cúng lắm. Giờ đây đã lâu rồi không ai bật bếp lửa nữa. Ngôi nhà mà không có bếp lửa thì như không có hồn vậy. Bây giờ ngôi nhà im ắng quá. Tôi nhớ những tiếng động của cuộc sống xưa lắm. Tiếng tivi, tiếng ấm nước reo, tiếng người nói lao xao, tiếng cười tiếng khóc của trẻ con, tiếng bước chân lên xuống cầu thang, chuông điện thoại, chuông gọi cửa, tiếng nước chảy, tiếng cánh cổng sắt đóng mở loảng xoảng. Những âm thanh thân thương quen thuộc bao năm với tôi ấy giờ đây không còn nghe thấy nữa. Chỉ còn chiếc đồng hồ vẫn tích-tắc đều đều buồn bã. Mùa hè còn đỡ buồn một chút. Đến mùa đông gió lạnh tràn vào nhà, chỉ có mình tôi với cái bàn thờ cũ thờ hai cụ thân sinh ông chủ, tôi thấy lòng buồn lắm. Tôi ngắm những đồ vật cũ trong nhà và có cái cảm giác của một kẻ phục vụ trung thành tận tụy nhiều năm để cuối cùng bị chủ bỏ rơi, tuy tôi biết là không phải thế. Nhưng đôi khi tình cảm nó át cả lý trí. Ông chủ hình như hiểu được nỗi niềm thầm kín ấy nên thỉnh thoảng về thắp hương bàn thờ các cụ cho có mùi hương đỡ lạnh lẽo nhà. Bà chủ cũng mấy lần về dọn dẹp quét tước cho đỡ bụi bặm. Tương lai của tôi ra sao hình như ông bà chủ vẫn chưa quyết định. Trong thâm tâm, tôi vẫn mong một ngày nào đó, ông bà chủ lại quay về cái tổ ấm xưa. Sắp đến giao thừa rồi mà ngôi nhà vẫn tối đen như thường lệ. Tôi nhớ lắm những đêm giao thừa xưa khi ông chủ lúc nào cũng chờ đến sát 12 giờ đêm để đốt pháo mừng xuân và sau đó tiếng pháo dòn dã trong nhà và khắp nơi, mùi thơm thuốc pháo và màu đỏ của giấy pháo rải rác khắp nhà. Nhưng tôi biết ông bà chủ vẫn còn tình nghĩa với tôi lắm. Nghĩ vậy nên mặc dù ngoài kia gió lạnh Đông Bắc vẫn thổi rít lên từng hồi mà lòng tôi dần ấm lại. Tôi biết cái tổ ấm mà tôi góp phần gây dựng ấy vẫn còn khi người ta ở xa nhau mà vẫn còn tình nghĩa với nhau.  
Đêm giao thừa Tết Nhâm Thìn 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét