Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Hữu hình và Vô hình

Cả đời chúng ta lao tâm khổ tứ để giành lấy và lo giữ cho mình những thứ chủ yếu thuộc loại “hữu hình” vì cho chúng mới là thật, là chắc. Đi một cái xe hơi bóng lộn thật là thích thú và hãnh diện. Ở một cái nhà mới xây to đẹp bề thế cho ta cái cảm giác thật an toàn và dễ chịu. Của cải tiền bạc tích cóp được cho vào nhà băng giữ hộ làm ta thật yên tâm. Nhưng ai cũng nhìn thấy những ngôi nhà bị phá đi, phút chốc tan tành thành đống gạch vụn để xây nhà khác hoặc lấy chỗ làm việc khác. Cái xe mới toanh kia mà ta ra sức lau chùi cuối cùng rồi cũng biến thành một đống sắt rỉ ở một bãi “tha ma” xe hơi nào đó. Bao nhiêu tiền bạc rồi thì cũng thành mây khói, của thiên trả địa hết. Những tấm bằng, giấy chứng nhận mà ta tốn bao công sức mới có, những tấm ảnh ta nâng niu hãnh diện gìn giữ cuối cùng thì cũng sẽ bị vứt vào một thùng rác nào đó thôi. Đến cả cái thân xác mà ta ra sức chăm sóc, tẩm bổ, thuốc thang, tập luyện, tỉ mẩn đến từng sợi tóc, từng cái móng tay cuối cùng – mà cũng nhanh chóng lắm – thì cũng thành một nắm xương tàn hay tro bụi mà thôi. Có người biết thế nên cậy quyền thế tiền bạc đã cẩn thận làm lăng mộ cho to, cho kiên cố, rồi tạc cả tượng đồng tượng đá, gắn bia đục chữ trên đá cho cái nơi “an nghỉ cuối cùng” được vĩnh viễn. Ở ngay giữa Sài Gòn từng có một cái nghĩa trang cho toàn ông to bà lớn, những kẻ đầy tiền bạc quyền thế mới được vào đó. Những ngôi mộ được xây cất bề thế to đẹp lắm. Nhưng rồi thời thế thay đổi. Chính quyền mới không ưa cái nghĩa trang này. Thế là các ngôi mộ bị đập đi và di dời đi đâu không ai biết để lấy chỗ làm công viên. Những thứ tưởng chừng như bền chắc vĩnh cửu sớm muộn thì cuối cùng rồi cũng tan biến, đi vào quên lãng hết, chẳng còn lại gì. Nhưng lạ thay, cái còn lại, cái bền lâu, cái vĩnh cửu lại là những thứ vô hình. Đức Phật mất đã mấy ngàn năm. Giả sử lúc sống mà Người chỉ lo giữ của cải và ngai vàng thì những thứ ấy đã thành tro bụi từ lâu, mà chúng ta ngày nay thì sẽ chẳng biết Phật là ai. Phật nghĩa là “giác ngộ” – cho nên cái vị vua trẻ ấy mà không giác ngộ thì cũng sẽ biến mất trong cõi hư vô, như vô vàn các vua chúa, tổng thống,v.v. khác thôi. Người hiểu được nỗi khổ của cái vòng luẩn quẩn là kiếp sống con người, muôn đời bị trói buộc bởi những ham muốn tầm thường mà chỉ ra rằng có một con đường có thể giải thoát loài người, mang đến tự do hạnh phúc.  Cái cõi thiên đường ấy – gọi là Niết Bàn – không ở đâu xa. Nó ở ngay chính trong ta mà ta không biết nên cứ mải miết đi tìm những thứ “hữu hình” bên ngoài để rồi thất vọng buồn khổ mà rên lên “đời là bể khổ”. Nhưng tại sao con người vẫn khổ, vẫn bị trói buộc? Phải chăng ta lại vẫn vấp phải cái lỗi lầm muôn thuở của con người. Ta “theo” Phật, nhưng là theo cái “hữu hình” – cái tượng Phật, ra sức làm cái tượng cho to, cho khổng lồ, rồi thì đua nhau dát vàng bạc châu báu vào. Sau đó thì ra sức khấn cái tượng đó để nó ban cho của cải, chức tước, sức khỏe, may mắn,v.v. Tiếc rằng ít người hiểu được cái tinh thần của Phật, cái của quý vô hình mà Phật để lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét