Vì sao chúng ta buồn? Thi sỹ Xuân Diệu cũng đã có lần phải thốt lên:
“Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”
Con người chúng ta lạ lắm. Nhiều khi không hiểu được nguyên nhân những cảm xúc trong người mình. Mà có “hiểu” thì chắc gì là đúng như vậy. Hôm qua ta còn cảm thấy nhẹ lâng lâng phơi phới trong lòng, vừa đi vừa hát khe khẽ, nhìn ai ta cũng mỉm cười vì thấy họ dễ thương quá. Thế mà hôm nay vẫn cảnh và người ấy thì lại thấy trời u ám làm sao, mà sao trông ai cũng khó chịu thế không biết. Con người ta là một bộ máy sinh học vô cùng phức tạp, lại sống trong trời đất và xã hội loài người. Mỗi suy nghĩ, mỗi cảm giác, mỗi hành động của ta là một kết quả của một sự tương tác và tổng hợp phức tạp của các yếu tố bên trong ta, như hoạt động của các cơ quan tiêu hóa, tim mạch, thần kinh, v.v. và các yếu tố bên ngoài như thời tiết, cảnh vật, ánh sáng, những người xung quanh, v.v. Ấy là còn chưa nói đến những thứ như hoạt động của mặt trời, từ trường, v.v. Cho nên cái sự buồn vui mà ta hay thi vị lên hay là đổ lỗi cho ai đó có khi chỉ là kết quả của một phản ứng hóa học bên trong cơ thể làm tiết ra một chất gì đó, và cái chất đó làm ta vui phơi phới hoặc trở nên cáu kỉnh cũng nên. Nguyên nhân nó phức tạp như thế nên khó mà hiểu được. Thì ra cái ông thi sỹ Xuân Diệu kia thật giỏi, nói quá đúng. Chứ không phải như khi xưa ta đi học ở miền Bắc, câu thơ trên của Xuân Diệu thường được trích dẫn để chứng minh cho một quan điểm “chính thống” rằng văn nghệ sỹ mà chưa “giác ngộ cách mạng”, chưa có “lý tưởng cách mạng” thì “mất phương hướng” như vậy. Chả trách mà Tú Xương cũng từng viết:
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Chẳng ai biết vì sao cả. Nhưng có lẽ chính cái sự vu vơ ấy lại làm nên thi vị của cuộc đời, làm nhẹ bớt cái gánh nặng mưu sinh của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét