Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013
Những bức tường
Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của mình, con người dựng nên vô vàn những bức tường với nhiều mục đích khác nhau mà chủ yếu là để ngăn cản con người với con người. Có cái dài hàng ngàn cây số như Vạn Lý Trường Thành. Nổi tiếng nhất ở thời hiện đại là bức tường Berlin. Được Đông Đức dựng lên năm 1961, bức tường đồ sộ kiên cố bằng bê tông này cao gần 4 mét, dài khoảng 150km vây quanh Tây Berlin nhằm ngăn cản người Đông Đức chạy sang Tây Berlin. Bức tường này quả là khá hữu hiệu trong mục đích đó. Có những người Đông Đức liều lĩnh trèo qua đã bị lính canh Đông Đức bắn chết. Vững chắc là thế nhưng nó đã sụp đổ vào năm 1989 khi phe XHCN rạn nứt từ bên trong. Đó là sự không bền vững của những bức tường hữu hình. Cũng trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại trên Trái Đất, con người tạo ra vô vàn những bức tường vô hình. Bức tường chủng tộc ngăn cản người da trắng với người da đen và các màu da khác. Bức tường tôn giáo ngăn cản người Hồi Giáo với người Thiên Chúa Giáo, Ấn Độ giáo. Bức tường kinh tế ngăn cản người giàu và người nghèo. Bức tường văn hóa ngăn cản những người theo những lối sống và phong tục khác nhau. Bức tường tư tưởng ngăn cản người theo “chủ nghĩa” này với người theo “chủ nghĩa” khác. Mỗi con người lại thường dựng nên những bức tường để ngăn cản mình với người khác, bảo vệ mình khỏi những tổn thương do sự khác biệt trong ý thích, quan niệm và lối sống, các bảng giá trị, quan điểm chính trị và xã hội, v.v. Những bức tường vô hình này tỏ ra bền vững hơn nhiều so với những bức tường bằng gạch, đá hay bê tông. Xã hội loài người với vô vàn những “bức tường” ngăn cách như thế là một nơi khá phù hợp cho một lối sống “an toàn” vô cảm, thờ ơ với số phận và khổ đau của người khác. Đó là những gì ta thấy hàng ngày ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét