Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018
Âm nhạc và lòng yêu nước
Tình cờ gặp trên youtube một tác phẩm âm nhạc
Việt Nam khá cũ. Đó là bản giao hưởng-hợp xướng Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy được nhạc sỹ Tô Hải sáng tác cách đây nửa thế kỷ. Âm nhạc kỳ lạ ở chỗ
nó là tiếng nói của trái tim. Khi nghe bản giao hưởng Ma Vlast - người ta dịch là Tổ Quốc Tôi- của nhạc sỹ Séc thế kỳ 19
Bedric Smetana, ta như nhìn thấy, nghe thấy một dòng sông thơ mộng và hùng vĩ,
thấy yêu đất nước ấy, dù chưa tới bao giờ. Nghe Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy, người ta bỗng thấy lòng mình
trào dâng một cảm xúc dạt dào, bạn gọi đó là tình yêu quê hương đất nước hay là
gì cũng được. Cái quan trọng đó là một tình cảm chân thành, nếu có trong bạn
thì âm nhạc có thể tạo nên sự cộng hưởng, làm cho nó bùng cháy lên. Điều không
ngờ là sự hoành tráng của tác phẩm. Người Nhật sùng kính âm nhạc cổ điển Châu
Âu đến mức mà họ đã từng dựng lên một dàn hợp xướng tới mười ngàn người cho Giao
Hưởng số 9 của Beethoven. Bản hợp xướng của Tô Hải cũng xứng đáng được dàn dựng
lớn và công phu. Thế nhưng không biết vì lý do gì mà người ta "bỏ quên"
một tác phẩm quan trọng như vậy. Nhưng người nước ngoài lại phát hiện ra tác
phẩm này. Giàn nhạc giao hưởng Rouen của Pháp và giàn hợp xướng Quê Hương - có
lẽ là của Việt kiều và/hoặc sinh viên gần đây đã giàn dựng và trình bày khá
thành công. Solzhenhisyn là một nhà văn Nga thời Liên Xô. Ông có viết một tác
phẩm văn học không được xuất bản ở Liên Xô. Thế nhưng nó lại được xuất bản ở
nước ngoài và giành được giải Nobel văn học năm 1970. Mãi về sau ông mới được
vinh danh ở nước Nga tổ quốc mình. Đến một ngày nào đó người ta sẽ trả lại cho Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy và
nhạc sỹ Tô Hải một vị trí xứng đáng vì âm nhạc đỉnh cao và lòng yêu nước chân
chính trong tác phẩm của ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét