Nói
đến ô-tô Đức, bạn sẽ nghĩ ngay đến BMW, Audi hay Mercedes, những chiếc xe hơi
nổi tiếng là tốt, đẹp và cũng khá đắt nữa? Đúng. Nhưng đó chưa là tất cả câu
chuyện về ô-tô Đức. Trong mấy chục năm, hàng triệu người Đức đã từng đi một
chiếc xe có tên là Trabant. Đó là một
loại xe nhỏ, hai cửa, dùng động cơ 2 kỳ, làm mát bằng không khí. Cái động cơ
này tương tự như ở chiếc xe máy Simson,
cũng do người Đức chế tạo, từng một thời "làm mưa làm gió" ở Việt
Nam. Nhưng đó là một nước Đức khác, có tên chính thức là Cộng hòa Dân chủ Đức,
gọi tắt là Đông Đức, một quốc gia tồn tại được bốn chục năm trước khi biến mất
vào năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ. Khi đổ xăng cho xe Trabant, người ta phải pha lẫn vào xăng
một ít dầu nhờn - người miền nam gọi là "nhớt". Xe Trabant không có tiện nghi gì cả ngoài
một chiếc đồng hồ báo tốc độ. Cái cần chuyển số khá là phiền phức và dễ gây
nhầm lẫn bởi không rõ phải gạt về phía nào để vào số gì. Nếu muốn gạt mưa ở
kính trước, bạn sẽ phải kéo một chiếc núm ra, sau đó lại ấn vào, và cứ tiếp tục
kéo ra - ấn vào như vậy. Vì chạy bằng xăng pha dầu nên xe thường phun khói mù
mịt, giống như mọi loại xe máy dùng động cơ 2 kỳ. Cửa xe đóng không kín và
thiếu cách âm nên người trên xe tha hồ mà hít khói và nghe tiếng động cơ 2 thì
rú rít và tiếng lọc cọc ầm ỹ phát ra từ gầm xe và các bộ phận khác do chế tạo
thiếu chính xác và thiếu bảo dưỡng định kỳ. Ấy vậy mà Trabant đã từng là ước mơ của nhiều thế hệ người Đông Đức. Đơn giản
là vì họ không có lựa chọn nào khác. Liên Xô vốn là một cường quốc công nghiệp.
Nhưng họ lại quá chú trọng vào sản xuất xe tăng, có những chiếc xe tăng tốt
nhất thế giới, mà lại ít chú ý vào việc sản xuất xe hơi cho nhân dân. Kết quả
là số xe hơi sản xuất ra đã kém về chất lượng lại còn quá ít so với nhu cầu của
dân chúng. Có câu chuyện - có lẽ là chuyện cười - kể về một người đàn ông Xô-Viết
sau nhiều năm làm việc tích lũy đủ tiền thì quyết định mua ô-tô. Sau khi làm đủ
các loại giấy tờ theo yêu cầu của cửa hàng ô-tô của nhà nước và thanh toán đủ
tiền, người đàn ông hỏi:
-
Bao giờ thì tôi được nhận xe?
- Năm năm nữa
thì đồng chí quay lại đây nhận xe.
- Được rồi. Đúng
5 năm nữa tôi sẽ quay lại. Đồng chí cho tôi hỏi thêm là buổi sáng hay buổi
chiều ạ?
- 5 năm nữa thì
sáng hay chiều có khác gì nhau?
- Có khác đấy ạ.
Vấn đề là buổi sáng thì tôi phải ở nhà để chờ thợ sửa chữa đường ống nước. Công
ty cấp thoát nước của chính quyền xô-viết cũng vừa hẹn tôi đúng 5 năm nữa họ sẽ
cho thợ đến xem!
Việt
Nam - trừ thành thị ở Miền Nam trước năm 1975 - là một đất nước hầu như không
có xe hơi. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp. Thỉnh thoảng mới thấy một vài
chiếc ô-tô chạy trên đường và cũng chỉ có vài loại. Tất cả đều là xe của cơ
quan nhà nước hay đơn vị quân đội. Tất cả đều do lái xe chuyên nghiệp lái. Tất
cả đều là đi công tác. Không ai có xe riêng. Không ai biết lái xe cả. Nếu là UAZ
- loại xe quân sự nhỏ do Liên Xô chế tạo, tương tự như xe Jeep của Mỹ - thì đó
là xe dùng chung cho cán bộ của chính phủ hoặc quân đội. Nếu là xe Moscovit - một
loại sedan nhỏ - thì ở trong sẽ là một vị thứ trưởng. Còn nếu là Volga - một
loại sedan lớn hơn - thì đó là một vị bộ trưởng. Có ai đó đã làm câu thơ
"nhại" thơ của Tố Hữu, một nhà thơ cách mạng nổi tiếng ở Việt Nam hồi
đó như sau:
Bầm ơi có rét
không bầm
Volga con phóng
gà hầm con xơi!
Xe
Volga thời đó là đỉnh cao của sự sang trọng, có lẽ còn "oách" hơn cả
Mercedes loại sang bây giờ. Ấy vậy mà nó chẳng có tiện nghi gì cả. Vào mùa hè,
khi trời nóng bức tới hơn 40 độ C, ta có thể thấy một vị bộ trưởng béo tốt
trắng trẻo - rất dễ nhận ra bởi dân thường ai cũng gầy gò vì thiếu ăn và đen
đủi vì thường xuyên phải đạp xe dưới trời nắng - oai vệ từ trong xe bước ra, áo
đẫm mồ hôi vì xe không có điều hòa. Cái xe này cũng chẳng kín hơn cái Trabant là bao nhiêu nên trong xe thường
có mùi xăng thoát ra từ những bộ phận không kín khít của động cơ. Ai vừa đi xe
ô-tô thì biết ngay bởi quần áo đầu tóc toàn mùi xăng dầu. Ô-tô chỉ là một trong
vô vàn thiếu thốn hàng tiêu dùng cho cuộc sống hàng ngày ở Liên Xô, Đông Đức,
Ba Lan, TQ, Việt Nam, v.v, những xã hội từng bác bỏ kinh tế thị trường thời đó.
Dù theo tư tưởng gì đi nữa thì cuối cùng, ai cũng thích đi một chiếc xe hơi
tốt, được ăn no và ngon, ở nhà có tiện nghi và toilet sạch sẽ. Khi hàng triệu
người đều muốn một điều gì đó mà họ thấy rõ là tốt hơn, dù là chiếc xe hơi hay
một cấu trúc xã hội thì sớm hay muộn, sẽ phải có thay đổi. Đó là điều tất yếu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét