Nhiều
người, nhất là những người lớn tuổi đều còn nhớ ngày 7/11/1917. Đó là ngày kỷ
niệm cuộc Cách Mạng tháng Mười Nga. Trong hàng chục năm, cho tới năm 1991, đó
từng là ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở nước Nga và tất cả các nước trong
Liên Bang Xô Viết như Ucraina, Belarus, Kazakstan, v.v. Tại Quảng trường Đỏ ở
thủ đô Mạc Tư Khoa luôn diễn ra một lễ diễu binh của những đoàn quân oai hùng
và các loại vũ khí hạng nặng trong tiếng nhạc của những hành khúc bất hủ, với
những lá cờ đã từng theo bước Hồng Quân trong các trận chiến khốc liệt chống lại
cuộc xâm lăng của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến 2. Tiếp theo luôn là cuộc tuần
hành của đông đảo nhân dân với cờ đỏ búa liềm, hoa cẩm chướng đỏ và chân dung
vị lãnh tụ của Cách Mạng là Lenin. Lá cờ đỏ có hình búa liềm là biểu tượng của
Liên Bang Xô-Viết hùng cường, đầy tự hào trong hơn bảy chục năm. Nhiều người đã
quá quen với biểu tượng đó đến mức khi không có nó, người ta cảm thấy thiếu đi
một hình ảnh thân thuộc. Nhưng nhiều người Nga, nhất là những người đã ở tuổi
trưởng thành trong giai đoạn "đổi mới" - tiếng Nga gọi là Perestroika - thời kỳ 1985-91 đều còn
nhớ rõ một Liên Bang Xô-Viết, một nước Nga hoàn toàn khác. Trong thời kỳ đó,
Liên Bang Xô-Viết gặp phải những khó khăn to lớn, đặc biệt là về mặt kinh tế. Khắp
nơi, người ta thấy những dòng người xếp hàng dài chỉ để mua những nhu yếu phẩm
hàng ngày như bánh mỳ, sữa, xà-phòng, giấy vệ sinh. Thời đó có một câu truyện
cười về một dòng người dài dằng dặc chờ mua rượu vodka. Sau khi chờ nhiều giờ, những người xếp hàng được cửa hàng
thông báo là tạm thời hết hàng và đề nghị họ chờ thêm. Một số người quá bực tức
quyết định đã đến lúc phải giải quyết gốc rễ của vấn đề thiếu thốn mọi thứ của
đời sống xô-viết. Họ quyết định đi thẳng tới điện Kremli để "xử lý"
những người đứng đầu ở đó. Những người thiếu can đảm hơn thì ở lại tiếp tục chờ
rượu về. Một lát sau, khi những "nhà cách mạng mới" quay về cửa hàng vodka, những người vẫn xếp hàng hỏi họ
đã "giải quyết" xong vụ Kremli chưa. Và câu trả lời là: ở đó người ta
xếp hàng còn đông hơn ở đây nhiều! Truyện cười nào cũng chứa đựng một phần sự
thật. Mẩu truyện cười kia té ra lại là một lời tiên đoán về số phận của chính
quyền xô-viết. Năm 1917, khẩu hiệu "Bánh
Mỳ, Ruộng Đất, Hòa Bình" đã giúp những người cộng sản bôn-se-vich
giành được sự ủng hộ của đông đảo dân Nga và giúp họ giành được chính quyền.
Hơn bảy chục năm sau, cũng chính vấn đề "bánh mỳ" đã làm mất lòng tin
của hàng triệu dân Nga vào chính quyền của họ. Tại sao Liên Bang Xô-Viết hùng
mạnh là thế mà lại sụp đổ là một đề tài lớn, phức tạp, nhiều nhà nghiên cứu đã tốn
không ít công sức và giấy mực trong hàng chục năm qua mà vẫn chưa thể đồng ý
với nhau. Có một sự kiện lịch sử là vào một buổi tối tháng 12-1991, khi người
ta chính thức "khai tử" Liên Bang Xô-Viết bằng cách buộc Ô.
Gorbachev, Tổng Thống Liên Bang Xô-Viết từ chức và cho hạ lá cờ đỏ búa liềm
khỏi cột cờ trên nóc Cung Đại Hội trong khu điện Kremli, không có một ai tới để
bảo vệ lá cờ đó. Thế mà 20 triệu người Nga và các dân tộc khác trong Liên Bang
Xô-Viết đã hy sinh trong Thế Chiến 2 để bảo vệ nước Nga, bảo vệ chính quyền
xô-viết, bảo vệ lá cờ đó. Cách đây gần sáu thế kỷ, mở đầu bản thiên cổ hùng văn
Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết: Việc
nhân nghĩa cốt ở yên dân. Có thể hiểu nôm na rằng việc cốt yếu nhất của mọi
chính sách của nhà cầm quyền là phải làm sao để cho đại đa số người dân được
yên ổn làm ăn sinh sống. Không làm được như thế thì khó có chủ nghĩa hay chính
thể nào tồn tại được mãi. Người ta chỉ tin vào cái bánh thật - hay nồi cơm cũng
thế - ăn được và no bụng mà ít ai ngu dại đi tin vào các loại "bánh
vẽ".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét