Nhiều
người Việt lớn tuổi, nhất là những người đã từng học tập hay làm việc ở Liên
Bang Xô Viết, gọi tắt là Liên Xô, vẫn còn giữ một tình cảm tốt đẹp với LX, với
nước Nga. Nhưng đó là một đất nước khác xa với nước Nga bây giờ. Những năm 90
sau khi LX sụp đổ, nước Nga rơi vào một giai đoạn hỗn loạn. Chính sách tư nhân
hóa ồ ạt khi đó đã làm thất thoát những tài sản khổng lồ mà LX có được nhờ
thiên nhiên ưu đãi, nhờ lao động cần cù và hy sinh xương máu của bao thế hệ
người LX. Những chính trị gia tham nhũng bắt tay với đám doanh nhân tội phạm vơ
vét vô tội vạ của cải của đất nước, phá tan cơ cấu kinh tế cũ, sản xuất đình
đốn, kinh tế sụt giảm, thất nghiệp trầm trọng, lạm phát phi mã, những khoản
tiết kiệm cả đời cho tuổi già tan biến, tội phạm hoành hành, đời sống của hàng
triệu người đi vào chỗ khốn cùng. Lúc đó Putin xuất hiện và với "bàn tay
sắt" của mình lập lại được trật tự ở nước Nga. Kinh tế và xã hội cũng dần
ổn định. Nhờ chính sách kinh tế thận trọng hơn, trấn áp được sự lũng đoạn của
các đại gia tội phạm, tận dụng nguồn nhân lực tốt, trình độ khoa học kỹ thuật
cao, cơ sơ hạ tầng sẵn có và nhờ giá dầu lúc đó tăng, nước Nga đi vào phục hồi
và phát triển. Kinh tế tăng trưởng, đời sống của đông đảo nhân dân cải thiện rõ
rệt. Năm 2014, nhân lúc tình hình Ucraina rối ren, một cuộc trưng cầu dân ý -
được cho là có sự hậu thuẫn mạnh của Nga - được tổ chức ở bán đảo Crimea và kết
quả là vùng này được sáp nhập vào Nga. Những việc này làm cho uy tín của Putin
lên cao và kết quả là Putin và đảng của ông ta nắm quyền lãnh đạo nước Nga liên
tục suốt gần hai chục năm qua, cho đến tận bây giờ. Nhưng không phải mọi chuyện đều êm đẹp. Vừa
rồi một cô "gái gọi" thuộc một công ty người mẫu Nga sau khi đi
"phục vụ" một nhóm khách VIP có viết một cuốn sách nhỏ kể về cách "quyến
rũ và chinh phục" tỷ phú, có lẽ chỉ nhằm khuếch trương bản thân cô ta.
Nhưng cuốn sách vô tình lộ ra vài chi tiết gây được sự chú ý của Navalny, một
chính trị gia đối lập nổi tiếng ở Nga về chống tham nhũng. Dựa vào những chi
tiết đó, nhóm điều tra của Navalny phát hiện ra rằng nơi cô gái đến là Na uy,
trên một du thuyền sang trọng thuộc sở hữu của một tỷ phú Nga nổi tiếng. Vị
khách VIP mà ông ta tiếp đãi trên con tàu của mình là một trong các "cận
thần" thân tín nhất của TT Nga đương nhiệm. Navalny đã mang quyển sách và
câu chuyện đó lên kênh truyền hình của mình. Câu chuyện rất nhanh chóng lan
truyền đến hàng triệu người xem. Vị tỷ phú kia kiện cô gái ra tòa án Nga về tội
vi phạm quyền riêng tư của người khác. Cô bị bắt khi đang ở Thái Lan vì vi một
điều luật gì đó của Thái. Tiếp theo thì không rõ số phận của cô ra sao. Câu
chuyện là một minh họa cho cơ cấu quyền lực ở nước Nga ngày nay. Phương Tây có
đưa ra một tài liệu mà họ gọi là "bản
danh sách của Putin". Đó là danh sách mấy chục tỷ phủ có quan hệ gần
gũi với TT Nga, trong đó có cả vị đại gia bí ẩn trong câu chuyện của cô gái
trên. Tổng tài sản của các vị này lên tới vài trăm tỷ đô-la mà theo đánh giá
của Forbes chiếm tới khoảng 35% tài sản của toàn bộ 144 triệu dân Nga cộng lại.
Cũng theo Forbes, Mạc Tư Khoa được coi là "thủ đô của các tỷ phú". Họ
làm gì mà có tài sản lớn như vậy? Theo mô tả ở bản "danh sách", họ là
chủ những công ty lớn nhất ở Nga như dầu mỏ, khí đốt, kim loại quý như nikel,
sắt thép, phân bón, v.v. Đó vốn là những tài sản công bị "tư nhân
hóa" - chính xác hơn là bị chiếm đoạt trong thời kỳ hỗn loạn sau khi LX
sụp đổ. Các ông chủ mới của nước Nga - những oligarkh gọi theo tiếng Nga,
tạm dịch là "đại gia" (hay là "tư bản lũng đoạn" theo cách
gọi chính thức ở Việt Nam trước đây) và nhóm quan chức chóp bu - chuyển những
khoản tiền khổng lồ họ chiếm được thành những "biệt phủ" rộng mênh
mông ở nước Nga, những lâu đài cổ, du thuyền siêu sang ở nước ngoài. Đó mới là
phần nổi. Còn phần chìm của tảng băng như những khoản tiền gửi ở các ngân hàng
và đầu tư ở nước ngoài thì không ai biết là bao nhiêu cả. Đó là một sự
"chảy máu vốn" rất lớn. Người Việt xưa có câu "Thượng bất chính, hạ tắc loạn" - có thể hiểu nôm na là
khi những người cầm quyền, những người lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo các doanh
nghiệp mà không tuân thủ pháp luật và đạo đức thì dân chúng cũng sẽ coi thường
pháp luật và đạo đức, xã hội sẽ rối loạn. Điều này thể hiện rõ ngay trong cuộc
sống hàng ngày khắp nơi ở nước Nga. Bất cứ việc gì liên quan tới nhân viên nhà
nước các cấp, muốn họ bỏ qua những vi phạm của mình thì "đút tiền" là
xong. Thậm chi chỉ yêu cầu họ làm việc gì trong phạm vi nhiệm vụ của họ thì
cũng phải đưa vsiatki, nghĩa là đưa phong bì, đưa tiền hối lộ. Việc càng lớn
thì tiền hối lộ phải càng lớn. Một bộ máy điều hành đất nước dựa trên những
quan chức tham nhũng, một nền kinh tế dựa vào những đại gia tham nhũng, một cơ
cấu quyền lực dựa vào sự câu kết của những người như thế thì khó mà che dấu và
bưng bít mãi được, khó mà có được sự tin tưởng và ủng hộ lâu dài của đại đa số
nhân dân Nga. Ngày 7-11 vừa rồi tại Quảng Trường Đỏ cũng có một sự kiện chính
thức, nhưng không phải là để kỷ niệm Cách Mạng Tháng 10, mà là để diễn tả lại
cuộc diễu binh ngày 7/11/1941. Trong buổi diễu hành hôm đó, không có lá cờ,
biểu ngữ hay một lời nào trong diễn văn của vị thị trưởng Mạc Tư Khoa, người
chủ trì buổi lễ, nhắc tới Cách Mạng Tháng Mười, tới Lenin cả. Có thể hiểu rằng
chính quyền hiện tại của nước Nga muốn người ta quên dần đi ngày 7/11/1917 và
sự kiện gắn với ngày đó là cuộc Cách Mạng Tháng Mười dưới sự lãnh đạo của
Lenin. Nhưng nhân dân thì vẫn không quên. Cũng trong ngày hôm ấy, cũng tại Mạc
Tư Khoa, một cuộc tuần hành khá lớn khác đã diễn ra tại một khu vực khác của
thành phố. Cuộc tuần hành này khá giống những những cuộc tuần hành ngày 7/11
những năm trước 1991, với nhiều cờ đỏ búa liềm, chân dung Lenin, những biểu ngữ
về Cách Mạng Tháng 10 Nga, những khúc quân nhạc và bài hát quen thuộc thời kỳ
Xô-viết. Người ta thấy rõ nhiều biểu ngữ lớn mang dòng chữ "Tháng Mười Mới sẽ đến". Người tham
gia tuần hành đa phần là những người lớn tuổi, những người mà cuộc đời đã từng
gắn bó với đất nước và xã hội Xô-viết. Họ vẫn còn nhớ một "thời thanh niên
sôi nổi", khi mà con người sống với một lý tưởng cao đẹp vì đất nước, vì
mọi người. Họ vẫn thấy nuối tiếc xã hội Xô-viết trong sạch lành mạnh, nơi không
có cái kiểu những đại gia giàu sụ và quan chức tham nhũng bòn rút của cải của
đất nước, sống xa hoa phè phỡn trong khi đất nước vẫn đầy rẫy người nghèo khổ,
vô gia cư, thất nghiệp, nghiện hút, đĩ điếm và trẻ lang thang. Người ta thấy có
nhiều bạn trẻ cũng tham gia đoàn tuần hành. Ở đâu và bao giờ cũng vẫn luôn có
những người trẻ tuổi có xu hướng "nổi loạn" chống lại những bất công
xã hội. Nhưng bất công như thế mà không được xử lý tận gốc rễ của vấn đề thì sẽ
tích tụ lại và lớn dần lên. Đến một mức nào đó, nó sẽ phá vỡ cái cơ chế chính
trị, kinh tế, xã hội đã tạo ra nó. Và có thể lại một lần nữa nước Nga lại trở
thành ngọn cờ cách mạng của loài người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét