Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019
Tản mạn ngày cuối tháng Tư
Hôm nay là ngày 30/4. Đó là một trong những ngày
gợi cho người Việt những suy nghĩ rất khác nhau bởi vì dù đa số dân Việt sống ở
trong mảnh đất nhỏ hình chữ S, vẫn phải kể đến nhiều triệu người Việt khác đang
sống ở khắp nơi trên thế giới mà nhiều nhất là ở Mỹ. Thế giới dường như vẫn
bàng hoàng về vụ đánh bom tự sát ở Sri Lanka. Người ta thấy khó hiểu vì sao trong
số những kẻ đánh bom có cả hai anh em con một tỷ phú giàu có bậc nhất Sri Lanka ? Sao
họ không “biết sướng” mà hưởng thụ cái khối tài sản khổng lồ, niềm mơ ước của
đa số chúng ta mà lại đi lao vào chỗ chết như vậy? Bỏ qua chuyện phải trái đúng
sai, thứ chỉ gây tranh cãi muôn thuở mà chỉ nhìn vào sự kiện thì có thế thấy
xưa nay vẫn có những người như thế. Đối với họ, lý tưởng là cao nhất, là cái mà
vì nó họ có thể bình thản hy sinh tất cả. Đức Phật chính là một ví dụ. Ngài từ
bỏ vị trí một hoàng tử, một vị vua tương lai, để trở thành một “kẻ ăn mày”,
ngày ngày khất thực để suy nghĩ về lý tưởng “giải thoát” loài người. Sri Lanka chỉ
là một ví dụ tiếp theo của một mâu thuẫn nhiều thế kỷ giữa Hồi Giáo và Thiên
Chúa Giáo. Nói đúng hơn thì có lẽ đó là những nhóm cực đoan nhất trong hai tôn
giáo này. Không ai biết được mâu thuẫn Hồi Giáo – Thiên Chúa Giáo bao giờ sẽ
chấm dứt. Vừa rồi mâu thuẫn 70 năm Nam – Bắc Triều Tiên mới lóe lên
tia hy vọng ở Hà Nội để rồi lại nhanh chóng vụt tắt. Hôm nay ở Hà Nội hay tp
HCM hình như không thấy có những hoạt động rầm rộ kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam như những
năm trước đây. Dân trong nước còn bận về quê hoặc đi nghỉ ở bãi biển hay vùng
núi. Ở “bên kia”, không biết không khí trong cộng đồng mấy triệu người Việt hải
ngoại – số người bằng dân số của nhiều quốc gia – như thế nào trong ngày mà ít
nhất một số người coi là “ngày quốc hận”. Cũng không ai biết bao giờ thì câu
chuyện “ngày giải phóng vs ngày quốc hận” sẽ thành chuyện quá khứ, chuyện lịch
sử. Vừa rồi một danh hài trẻ trở thành tổng thống Ucraina. Trong không khí “ăn
mừng” sau khi nghe thông báo kết quả bầu cử, ông có nói đại ý là “khi tôi hãy
còn là một người dân thường, chưa chính thức thành tổng thống, tôi muốn nói với
nhân dân các nước thuộc Liên Bang Xô Viết cũ: hãy nhìn chúng tôi đây này, mọi
sự đều có thể xảy ra! Hiểu rộng hơn một chút thì Việt Nam, TQ, Bắc Hàn, Cuba
cũng có thể coi là thuộc khối LX cũ mà khi đó có tên chính thức là “phe XHCN”.
Người Nhật từng coi Mỹ là kẻ thù số một cản trở việc thực hiện giấc mơ bá chủ
châu Á – Thái Bình Dương của họ. Khi giấc mơ đó tan tành dưới hai quả bom
nguyên tử của Mỹ và cuộc tấn công vũ bão của Hồng Quân LX vào đội quân Quan
Đông cả triệu người tinh nhuệ nhất, người Nhật dường như đã tỉnh giấc, hiểu
rằng họ đã sang một thời kỳ hoàn toàn mới, một cơ hội mới. Hàng triệu người
Nhật lại đoàn kết, học tập và lao động miệt mài ngày đêm để rồi từ một đống tro
tàn đổ nát, sau hai chục năm họ đã thành một nước phát triển văn minh. Năm
1989, sau khi bức tường Berlin
sụp đổ, hai vùng Đông và Tây Đức sau bốn chục năm bị chia cắt lại hòa vào nhau
“như chưa từng có cuộc chia ly”. Ngẫm nghĩ thì thấy dân Nhật và dân Đức quả là
khôn ngoan. Họ hiểu rất rõ cái câu “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng,
miễn là bắt được chuột” trước cả ô. Đặng ở TQ. Không biết chừng thì chính ô.
Đặng là người học được điều đó từ người Nhật và người Đức cũng nên. Sau nhiều ngày nóng “như đổ lửa”, sáng nay có
cơn mưa lớn ào ạt đổ xuống. Trời đất
bỗng tối sầm rồi lại sáng lên, dịu mát và trong lành lạ thường. Hình như quy
luật của trời đất là thế. Cứ cái gì đã tới ‘cùng cực” thì nó lại trở về cái đối
nghịch của nó. Nếu khôn ngoan mà sớm hiểu được cái lẽ đó thì người ta có thể
giúp đẩy nhanh quá trình. Còn nếu cứ “khăng khăng” với “chân lý” của mình thì
sớm muộn sẽ trở thành vật cản cho sự dịch chuyển tự nhiên không có gì cản nổi
của Thiên Mệnh mà thôi.
Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019
Một cuộc “cách mạng chậm”
Một nhóm học sinh phổ thông vừa mới chế ra “bãi
gửi xe thông minh”. Một em học sinh ở một vùng quê Nam Định chế được ô tô chạy bằng
pin mặt trời. Một bác nông dân ở Tây Ninh chế được máy bay trực thăng. Ngày nay,
những sáng tạo như vậy ngày càng nhiều hơn. Những nhà phát minh sáng chế như
thế học được kiến thức từ đâu? Chắc chắn là có một phần từ trường lớp họ đã
qua. Nhưng phần kiến thức quan trọng nhất thì họ tự học được “từ trên mạng”. Kể
từ khi ra đời cách đây mới vài chục năm, mạng internet toàn cầu có lẽ là cuộc
cách mạng lớn nhất trong lịch sử. Không chỉ hỗ trợ đắc lực cho những đầu óc
sáng tạo kỹ thuật như các em học sinh hay bác nông dân nói trên mà nó còn giúp
cho hàng tỷ người trên trái đất tiếp cận tất cả những gì người ta quan tâm.
Kiến thức – và từ đó là quyền lực - không còn là độc quyền của một nhóm nhỏ
những người có “đặc quyền đặc lợi” từ nguồn gốc gia đình và tự cho mình là
“elite” – tầng lớp cao nhất xã hội nữa. Bây giờ ai cũng có thể trở thành nhà phát
minh, làm phim, diễn viên điện ảnh, triết gia, nhà bình luận chính trị, nhà
báo, nhiếp ảnh gia, người đấu tranh cho công lý, v.v. Đó chính là một phần quan
trọng của dân chủ, tự do và bình đẳng: tự do học tập, hiểu biết và sáng tạo. Xưa
kia ở những xã hội Ki Tô giáo phương tây, nhân dân được gọi là ‘con chiên”,
nghĩa là “đàn cừu”, được dẫn dắt bởi các cha đạo – được gọi là “người chăn
cừu.” Ở Á đông thì còn tệ hơn nữa: dân thường bị vua quan coi là “thảo dân” –
nghĩa là “cỏ rác”, có thể bị chà đạp lên mà không cần một mảy may suy nghĩ. Tất
cả những gì người dân được phép biết là qua nhà thờ và vua chúa, qua những kẻ
thống trị với hệ thống kinh sách được coi là những chân lý “bất di bất dịch”.
Ai nói gì khác là có thể bị coi là “tà đạo” và bị trừng trị thẳng tay. Nhưng
thời nào cũng có những người dũng cảm,thông minh và có đầu óc tự do. Họ thà bị chết thiêu trên dàn lửa, chịu tù
“mọt gông”, chịu chết chém chứ không chấp nhận những điều phi lý. Nhưng những
người như thế là vô cùng ít. Đa số thì vẫn là đàn cừu, ngoan ngoãn đi theo kẻ
chăn cừu. Cho đến tận gần đây, một dân tộc thông minh và giỏi giang như người
Đức mà vẫn bị một “kẻ chăn cừu” như Hitler dẫn dắt vào chỗ gây ra hủy diệt và
chết chóc cho các dân tộc khác và cho chính mình. Một trong những lý do khiến Hitler
làm được như vậy là vì có trong tay một bộ máy đàn áp và tuyên truyền khổng lồ.
Khi người dân sợ hãi, bị “tẩy não” và không còn lựa chọn nào khả dĩ nữa, như hoàn
cảnh của dân Đức khi đó thì họ buộc phải làm bất cứ điều gì dù là ngu ngốc hay dã
man tàn bạo tới đâu. Nhưng xã hội ngày nay đã khác. Với trí tuệ sẵn có được
trời đất ban cho và được tăng thêm sức mạnh to lớn do khả năng tiếp cận
internet – nơi chứa đựng một khối lượng vô hạn những kiến thức loài người tích
lũy được, dân chúng không còn là “đám người ngu muội và ngoan ngoãn” dễ dàng bị
dắt mũi như xưa nữa. Khi hàng triệu người ý thức được quyền của mình, biết điều
gì là phải là trái, là công bằng hay bất công, họ sẽ tự nhiên dần dần hành động
theo suy nghĩ và niềm tin của mình. Xã
hội dường như đang chuyển động. Nó có thể là rất từ từ, thậm chí khó nhận ra
được. Chuyển động đó vô cùng mạnh mẽ do được điều khiển bởi “những bàn tay vô
hình” theo những quy luật tự nhiên mà không ai ngăn cản được. Đó là “Thiên
Mệnh”, nếu theo cách nói của người xưa. Đó là một “dòng thác Cách Mạng” mới,
nếu thích cách nói của các bậc tiền bối gần đây. Đó là một cuộc “cách mạng
chậm”, nếu như cần đặt một thuật ngữ mới. Không ai còn có thể áp đặt những điều
phi lý lên hàng triệu người đã và đang giác ngộ nữa. Nếu ý thức được và thuận
theo ‘Mệnh Trời” này, xã hội sẽ tốt đẹp lên. Còn nếu cứ “khăng khăng” ép buộc
cả xã hội hàng triệu con người theo ý riêng của mình – mà thường chỉ là sự dốt
nát và ích kỷ, thuật ngữ của nhà Phật gọi là “vô minh” – thì việc đó cũng giống
như là lấy bàn tay mình để che mặt trời. Khi trở thành vật cản thì sớm muộn sẽ
bị dòng thác cuốn băng đi.
Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019
Chuyện Ucraina có gì liên quan?
Ở Ucraina đang diễn ra một sự kiện mà truyền
thông trong nước ít quan tâm: Cuộc bầu cử tổng thống. Có lẽ là vì chuyện đó khá
là xa vời với dân Việt, hầu như là không liên quan. Vòng một đã khép lại. Trong
hai ứng viên lọt vào vòng 2 – vòng cuối cùng – thì một người là đương kim tổng
thống. Có chuyện khá lạ là người thứ hai, người đang dẫn đầu vòng 1 với số phiếu
vượt khá xa vị tổng thống là một người khá trẻ tuổi. Anh ta là một diễn viên
hài, chưa hề có kinh nghiệm hoạt động chính trị nào. Hay nói đúng hơn, anh ta
có một chút “kinh nghiệm” trong show diễn có tên là “Người đày tớ của nhân dân”, trong đó anh thủ vai tổng thống. Trong
vai diễn này, vị “tổng thống” trăn trở một điều: Có thể làm tổng thống, làm
lãnh đạo đất nước mà không “ăn cắp” không? Dường như điều này đã “gãi đúng chỗ
ngứa” của dân Ucraina. Suốt 15 năm qua, kể từ “cách mạng cam” 2004, rồi cuộc bạo
loạn euromaidan 2014 cho tới hôm nay, những gì người dân Ucraina phải chịu đựng
là sự bất lực của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề hệ trọng của đất
nước như cuộc chiến ở vùng Donbas, sự đói nghèo, nạn đấu đá tranh giành quyền lực,
tham nhũng, tệ nạn xã hội, tội phạm tràn lan. Mức sống của dân Ucraina tụt xuống
hàng thấp nhất châu Âu. Hàng triệu người phải rời bỏ đất nước đi kiếm sống ở nước
ngoài. Người dân quá thất vọng với những chính trị gia chuyên nghiệp. Họ muốn
thay đổi. Vì thế họ đã chọn một gương mặt có thể nói là “hoàn toàn mới” với hy
vọng là sẽ cải thiện được tình hình tồi tệ ở Ucraina. Vòng 2 vẫn còn ở phía trước.
Mọi chuyện vẫn đều có thể xảy ra. Cuối cùng thì nhân dân phải tự quyết định
mình muốn gì, nắm vận mệnh của mình trong tay, phải tham gia việc thực hiện quyết
định đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Không có phép mầu nào từ
trên trời rơi xuống cả. Không có bữa tiệc nào được dọn sẵn để ta chỉ việc hưởng
cả. Người Việt có câu “muốn ăn thì lăn
vào bếp”. Không ai có thể làm thay ta. Đó là bài học đắt giá mà mấy chục
triệu dân Ucraina đã học được sau 15 năm đi qua “con đường đau khổ” của mình.
Bây giờ thì có vẻ như họ đang đi đúng hướng. Ucraina là một dân tộc lớn, tài
năng, từng có trình độ phát triển cao trong Liên Xô cũ. Miễn là đi đúng đường –
con đường tất cả các dân tộc dân chủ, thịnh vượng, tiên tiến, văn minh đã đi -
sớm muộn dân tộc Ucraina cũng sẽ được như vậy.
Trở lại với hiện tượng “thờ ơ, bàng quan” của dân Việt, hay ít nhất là
truyền thông với những sự kiện như thế, người ta không khỏi tự hỏi là tại sao?
Dân Việt muốn gì? Những nhà thuộc loại “có điều kiện” – theo cách nói bình dân
hiện nay nghĩa là có nhiều tiền – thì đa số đều chọn cho con cháu mình du học ở
Tây Âu hay Bắc Mỹ. Nếu ở châu Á thì là Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore. Nghe
nói dân “có điều kiện” hiện nay hay hỏi nhau “Có quốc tịch chưa? Có thẻ xanh
chưa? Có nhà bên ấy chưa? Họ nói đến việc chuẩn bị sẵn cho gia đình con cái và
cả bản thân để khi thích/khi cần là sang định cư ở Bắc Mỹ hay Tây Âu. Người “có nhiều tiền” hiện nay ở Việt Nam thường
là quan chức nhà nước, thường là người ở những chức vụ cao, ở những vị trí công
tác mà người dân và doanh nghiệp phải “cầu cạnh” để được giải quyết nhanh chóng
và thuận lợi những việc liên quan đến cuộc sống và việc làm ăn của họ. Nhóm người
có tiền thứ hai là các chủ các doanh nghiệp tư nhân hoặc các vị trí cao cấp ở
các doanh nghiệp lớn. Con em nhà thường dân thì chỉ còn một cách là phải học giỏi
để có thể xin được học bổng của nước ngoài. Đa số các em học xong thì chọn ở lại
nước ngoài vì điều kiện làm việc và cuộc sống tốt hơn. Việc phổ biến ngoại ngữ,
nhất là tiếng Anh và internet làm cho việc tiếp cận những kiến thức, ý tưởng mới,
hiện đại ở các nước phát triển và tiên tiến dễ dàng hơn. Kể cả khi không biết
ngoại ngữ thì việc tiếp cận kiến thức mới về mọi mặt như kinh tế, chính trị, quản
lý nhà nước, v.v. cũng không còn khó khăn vì nhiều tác phẩm “kinh điển” về kinh
tế thị trường, chính trị, luật pháp, v.v. đều có bản dịch và phổ biến miễn phí
bằng dạng sách điện tử trên mạng internet. Với kinh tế khá lên, hàng triệu người
Việt đi du lịch nước ngoài hàng năm và tận mắt thấy những gì đang diễn ra ở đó.
Như vậy, dù ai muốn nói gì thì nói, trong tư tưởng, trong suy nghĩ, tất cả mọi
người đều hướng về các nước giàu có, văn minh, tiên tiến. Những nước có một đặc
điểm chung là có hệ thống dân chủ. Đó là lẽ tự nhiên bởi ai cũng muốn thế cả.
Và người ta sẽ dần dần nhận ra cái gì đang cản trở đất nước trên con đường trở
nên có thể “sánh vai với các cường quốc
năm châu”, như ước vọng của Cụ Hồ, người sáng lập nước Việt Nam hiện đại.
Cái đích mà Việt Nam nên tiến tới thực ra từng đã được đặt ra vào năm 1945, khi
Cụ Hồ đặt tên nước là Việt Nam – Dân Chủ - Cộng Hòa. Cái mà dân Ucraina, dân Việt
Nam, hay dân ở đâu cũng vậy đều mong muốn là được Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
theo đúng nghĩa của những từ ngữ này. Điều đang xảy ra ở Ucraina là một ví dụ
sinh động cho thấy cách mà một nền dân chủ vận hành. Do đó câu chuyện của
Ucraina là rất đáng để ý.