Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019
Chuyện Ucraina có gì liên quan?
Ở Ucraina đang diễn ra một sự kiện mà truyền
thông trong nước ít quan tâm: Cuộc bầu cử tổng thống. Có lẽ là vì chuyện đó khá
là xa vời với dân Việt, hầu như là không liên quan. Vòng một đã khép lại. Trong
hai ứng viên lọt vào vòng 2 – vòng cuối cùng – thì một người là đương kim tổng
thống. Có chuyện khá lạ là người thứ hai, người đang dẫn đầu vòng 1 với số phiếu
vượt khá xa vị tổng thống là một người khá trẻ tuổi. Anh ta là một diễn viên
hài, chưa hề có kinh nghiệm hoạt động chính trị nào. Hay nói đúng hơn, anh ta
có một chút “kinh nghiệm” trong show diễn có tên là “Người đày tớ của nhân dân”, trong đó anh thủ vai tổng thống. Trong
vai diễn này, vị “tổng thống” trăn trở một điều: Có thể làm tổng thống, làm
lãnh đạo đất nước mà không “ăn cắp” không? Dường như điều này đã “gãi đúng chỗ
ngứa” của dân Ucraina. Suốt 15 năm qua, kể từ “cách mạng cam” 2004, rồi cuộc bạo
loạn euromaidan 2014 cho tới hôm nay, những gì người dân Ucraina phải chịu đựng
là sự bất lực của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề hệ trọng của đất
nước như cuộc chiến ở vùng Donbas, sự đói nghèo, nạn đấu đá tranh giành quyền lực,
tham nhũng, tệ nạn xã hội, tội phạm tràn lan. Mức sống của dân Ucraina tụt xuống
hàng thấp nhất châu Âu. Hàng triệu người phải rời bỏ đất nước đi kiếm sống ở nước
ngoài. Người dân quá thất vọng với những chính trị gia chuyên nghiệp. Họ muốn
thay đổi. Vì thế họ đã chọn một gương mặt có thể nói là “hoàn toàn mới” với hy
vọng là sẽ cải thiện được tình hình tồi tệ ở Ucraina. Vòng 2 vẫn còn ở phía trước.
Mọi chuyện vẫn đều có thể xảy ra. Cuối cùng thì nhân dân phải tự quyết định
mình muốn gì, nắm vận mệnh của mình trong tay, phải tham gia việc thực hiện quyết
định đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Không có phép mầu nào từ
trên trời rơi xuống cả. Không có bữa tiệc nào được dọn sẵn để ta chỉ việc hưởng
cả. Người Việt có câu “muốn ăn thì lăn
vào bếp”. Không ai có thể làm thay ta. Đó là bài học đắt giá mà mấy chục
triệu dân Ucraina đã học được sau 15 năm đi qua “con đường đau khổ” của mình.
Bây giờ thì có vẻ như họ đang đi đúng hướng. Ucraina là một dân tộc lớn, tài
năng, từng có trình độ phát triển cao trong Liên Xô cũ. Miễn là đi đúng đường –
con đường tất cả các dân tộc dân chủ, thịnh vượng, tiên tiến, văn minh đã đi -
sớm muộn dân tộc Ucraina cũng sẽ được như vậy.
Trở lại với hiện tượng “thờ ơ, bàng quan” của dân Việt, hay ít nhất là
truyền thông với những sự kiện như thế, người ta không khỏi tự hỏi là tại sao?
Dân Việt muốn gì? Những nhà thuộc loại “có điều kiện” – theo cách nói bình dân
hiện nay nghĩa là có nhiều tiền – thì đa số đều chọn cho con cháu mình du học ở
Tây Âu hay Bắc Mỹ. Nếu ở châu Á thì là Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore. Nghe
nói dân “có điều kiện” hiện nay hay hỏi nhau “Có quốc tịch chưa? Có thẻ xanh
chưa? Có nhà bên ấy chưa? Họ nói đến việc chuẩn bị sẵn cho gia đình con cái và
cả bản thân để khi thích/khi cần là sang định cư ở Bắc Mỹ hay Tây Âu. Người “có nhiều tiền” hiện nay ở Việt Nam thường
là quan chức nhà nước, thường là người ở những chức vụ cao, ở những vị trí công
tác mà người dân và doanh nghiệp phải “cầu cạnh” để được giải quyết nhanh chóng
và thuận lợi những việc liên quan đến cuộc sống và việc làm ăn của họ. Nhóm người
có tiền thứ hai là các chủ các doanh nghiệp tư nhân hoặc các vị trí cao cấp ở
các doanh nghiệp lớn. Con em nhà thường dân thì chỉ còn một cách là phải học giỏi
để có thể xin được học bổng của nước ngoài. Đa số các em học xong thì chọn ở lại
nước ngoài vì điều kiện làm việc và cuộc sống tốt hơn. Việc phổ biến ngoại ngữ,
nhất là tiếng Anh và internet làm cho việc tiếp cận những kiến thức, ý tưởng mới,
hiện đại ở các nước phát triển và tiên tiến dễ dàng hơn. Kể cả khi không biết
ngoại ngữ thì việc tiếp cận kiến thức mới về mọi mặt như kinh tế, chính trị, quản
lý nhà nước, v.v. cũng không còn khó khăn vì nhiều tác phẩm “kinh điển” về kinh
tế thị trường, chính trị, luật pháp, v.v. đều có bản dịch và phổ biến miễn phí
bằng dạng sách điện tử trên mạng internet. Với kinh tế khá lên, hàng triệu người
Việt đi du lịch nước ngoài hàng năm và tận mắt thấy những gì đang diễn ra ở đó.
Như vậy, dù ai muốn nói gì thì nói, trong tư tưởng, trong suy nghĩ, tất cả mọi
người đều hướng về các nước giàu có, văn minh, tiên tiến. Những nước có một đặc
điểm chung là có hệ thống dân chủ. Đó là lẽ tự nhiên bởi ai cũng muốn thế cả.
Và người ta sẽ dần dần nhận ra cái gì đang cản trở đất nước trên con đường trở
nên có thể “sánh vai với các cường quốc
năm châu”, như ước vọng của Cụ Hồ, người sáng lập nước Việt Nam hiện đại.
Cái đích mà Việt Nam nên tiến tới thực ra từng đã được đặt ra vào năm 1945, khi
Cụ Hồ đặt tên nước là Việt Nam – Dân Chủ - Cộng Hòa. Cái mà dân Ucraina, dân Việt
Nam, hay dân ở đâu cũng vậy đều mong muốn là được Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
theo đúng nghĩa của những từ ngữ này. Điều đang xảy ra ở Ucraina là một ví dụ
sinh động cho thấy cách mà một nền dân chủ vận hành. Do đó câu chuyện của
Ucraina là rất đáng để ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét