Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

Một cuộc “cách mạng chậm”


Một nhóm học sinh phổ thông vừa mới chế ra “bãi gửi xe thông minh”. Một em học sinh ở một vùng quê Nam Định chế được ô tô chạy bằng pin mặt trời. Một bác nông dân ở Tây Ninh chế được máy bay trực thăng. Ngày nay, những sáng tạo như vậy ngày càng nhiều hơn. Những nhà phát minh sáng chế như thế học được kiến thức từ đâu? Chắc chắn là có một phần từ trường lớp họ đã qua. Nhưng phần kiến thức quan trọng nhất thì họ tự học được “từ trên mạng”. Kể từ khi ra đời cách đây mới vài chục năm, mạng internet toàn cầu có lẽ là cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử. Không chỉ hỗ trợ đắc lực cho những đầu óc sáng tạo kỹ thuật như các em học sinh hay bác nông dân nói trên mà nó còn giúp cho hàng tỷ người trên trái đất tiếp cận tất cả những gì người ta quan tâm. Kiến thức – và từ đó là quyền lực - không còn là độc quyền của một nhóm nhỏ những người có “đặc quyền đặc lợi” từ nguồn gốc gia đình và tự cho mình là “elite” – tầng lớp cao nhất xã hội nữa.  Bây giờ ai cũng có thể trở thành nhà phát minh, làm phim, diễn viên điện ảnh, triết gia, nhà bình luận chính trị, nhà báo, nhiếp ảnh gia, người đấu tranh cho công lý, v.v. Đó chính là một phần quan trọng của dân chủ, tự do và bình đẳng: tự do học tập, hiểu biết và sáng tạo. Xưa kia ở những xã hội Ki Tô giáo phương tây, nhân dân được gọi là ‘con chiên”, nghĩa là “đàn cừu”, được dẫn dắt bởi các cha đạo – được gọi là “người chăn cừu.” Ở Á đông thì còn tệ hơn nữa: dân thường bị vua quan coi là “thảo dân” – nghĩa là “cỏ rác”, có thể bị chà đạp lên mà không cần một mảy may suy nghĩ. Tất cả những gì người dân được phép biết là qua nhà thờ và vua chúa, qua những kẻ thống trị với hệ thống kinh sách được coi là những chân lý “bất di bất dịch”. Ai nói gì khác là có thể bị coi là “tà đạo” và bị trừng trị thẳng tay. Nhưng thời nào cũng có những người dũng cảm,thông minh và có đầu óc tự do.  Họ thà bị chết thiêu trên dàn lửa, chịu tù “mọt gông”, chịu chết chém chứ không chấp nhận những điều phi lý. Nhưng những người như thế là vô cùng ít. Đa số thì vẫn là đàn cừu, ngoan ngoãn đi theo kẻ chăn cừu. Cho đến tận gần đây, một dân tộc thông minh và giỏi giang như người Đức mà vẫn bị một “kẻ chăn cừu” như Hitler dẫn dắt vào chỗ gây ra hủy diệt và chết chóc cho các dân tộc khác và cho chính mình. Một trong những lý do khiến Hitler làm được như vậy là vì có trong tay một bộ máy đàn áp và tuyên truyền khổng lồ. Khi người dân sợ hãi, bị “tẩy não” và không còn lựa chọn nào khả dĩ nữa, như hoàn cảnh của dân Đức khi đó thì họ buộc phải làm bất cứ điều gì dù là ngu ngốc hay dã man tàn bạo tới đâu. Nhưng xã hội ngày nay đã khác. Với trí tuệ sẵn có được trời đất ban cho và được tăng thêm sức mạnh to lớn do khả năng tiếp cận internet – nơi chứa đựng một khối lượng vô hạn những kiến thức loài người tích lũy được, dân chúng không còn là “đám người ngu muội và ngoan ngoãn” dễ dàng bị dắt mũi như xưa nữa. Khi hàng triệu người ý thức được quyền của mình, biết điều gì là phải là trái, là công bằng hay bất công, họ sẽ tự nhiên dần dần hành động theo suy nghĩ và niềm tin của mình.  Xã hội dường như đang chuyển động. Nó có thể là rất từ từ, thậm chí khó nhận ra được. Chuyển động đó vô cùng mạnh mẽ do được điều khiển bởi “những bàn tay vô hình” theo những quy luật tự nhiên mà không ai ngăn cản được. Đó là “Thiên Mệnh”, nếu theo cách nói của người xưa. Đó là một “dòng thác Cách Mạng” mới, nếu thích cách nói của các bậc tiền bối gần đây. Đó là một cuộc “cách mạng chậm”, nếu như cần đặt một thuật ngữ mới. Không ai còn có thể áp đặt những điều phi lý lên hàng triệu người đã và đang giác ngộ nữa. Nếu ý thức được và thuận theo ‘Mệnh Trời” này, xã hội sẽ tốt đẹp lên. Còn nếu cứ “khăng khăng” ép buộc cả xã hội hàng triệu con người theo ý riêng của mình – mà thường chỉ là sự dốt nát và ích kỷ, thuật ngữ của nhà Phật gọi là “vô minh” – thì việc đó cũng giống như là lấy bàn tay mình để che mặt trời. Khi trở thành vật cản thì sớm muộn sẽ bị dòng thác cuốn băng đi.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét