Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

Nên đi đâu, đến đâu?

  Gần đây có đến vài diễn đàn lớn về phát triển như làm sao để thúc đẩy khu vực tư nhân hay phát triển công nghệ. Có vẻ như động lực chính của thời kỳ đầu như lao động và tài nguyên rẻ đang yếu dần, đà phát triển đang chững lại và người ta muốn tìm giải pháp cho nó. Có thể nhận thấy có ít hơn những chỉ thị và hô hào mà bắt đầu có tranh luận. Tuy nhiên, mọi tranh luận dường như vẫn ở trong một “khuôn khổ” định sẵn nào đó, không phải là trong một văn bản chính thức nào, mà có lẽ là ở ngay trong “não trạng” người phát biểu. Cuối cùng thì các diễn đàn kiểu như thế này cũng sẽ có một số tác động nào đó. Có lẽ sẽ có người tự hỏi tại sao lại không nên/không thể có những diễn đàn tự do và không e ngại sợ hãi về những chủ đề rộng hơn, giống như một cái nhìn toàn cảnh để có thể thấy đất nước xuất phát từ đâu, từ đó nên đi về đâu, tại sao và làm thế nào, v.v. Thế giới có khá nhiều hình mẫu phát triển có thể tham khảo, học hỏi. Cũng chỉ nên và chỉ có thể như thế thôi bởi “trời sinh ra” không ai giống ai, không nước nào giống nước nào hoàn toàn cả. Có những ví dụ “sờ sờ” nay trước mắt. Bắc Hàn quả thực có một sự “ổn định” với một “chính phủ mạnh” suốt gần bảy chục năm qua. Cái giá phải trả là mức sống rất thấp của dân kể cả về kinh tế và dân trí, thậm chí là có cả nạn đói, sự cô lập gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Hình ảnh đối lập hoàn toàn ở ngay bên cạnh là Nam Hàn với nền kinh tế thuộc tốp đầu thế giới, cả công nghệ và dân trí phát triển cao, mức sống cao, có một hộ chiếu cực mạnh cho phép đi tới hầu hết các nước trên thế giới mà không cần visa. Có một điểm dễ nhận thấy của hệ thống chính trị Nam Hàn, đó là sự “bất ổn định” của chính phủ. Đã nhiều lần, người ta “lôi cổ” những nhà lãnh đạo một thời được coi là có nhiều công lao ra để xét xử lại công/tội, và kết quả là có những vị phải ngồi tù. Gần đây nhất, một vị tống thống nữa bị hạ bệ, phải ra tòa, phải vào tù vì một vài “tội” mà so với những nước như TQ, Nga hay VN, chúng chỉ là “muỗi” mà thôi. Nhưng với tinh thần “thượng tôn pháp luật, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai có thể đứng trên pháp luật’ như người ta hay nói gần đây thì có lẽ Nam Hàn chính là một ví dụ tốt cần học tập. Nước hàng xóm khổng lồ phía bắc dường như vẫn “ổn đinh” và họ mong muốn như vậy dưới một sự “lãnh đạo” vô thời hạn của nhà lãnh đạo đương nhiệm. Có gì liên quan không khi mà gần đây tốc độ phát triển của TQ đã chững lại, nhiều công ty lớn có dấu hiệu muốn dời đi nơi khác, vấn đề môi trường đang lớn dần lên và khả năng một thảm họa thực sự không phải là điều có thể “bỏ ngoài tai” nữa, sự bành trướng kinh tế ồ ạt bằng những khoản tiền khổng lồ ở nước ngoài đón nhận cả sự “hoan nghênh” lẫn hoài nghi và phản đối. Ở TQ, luôn có sự “nhất trí cao” đơn giản vì không ai có thể/có quyền hoài nghi chứ chưa nói đến phản đối. Khi chính quyền cực mạnh và tập trung, với một đường lối “đúng”, ít nhất về kinh tế, như ở TQ cho tới giờ thì có thể có một sự phát triển ngoạn mục. Nhưng nếu sai thì sao, và nhất là khi không có ý kiến phản biện? Đó là điều đã xảy ra với Liên Xô: sự “sụp đổ” vào năm 1991. Ở những thời điểm hiểm nguy, khẩn cấp như chiến tranh, một sự lãnh đạo mạnh và nhanh, không bàn cãi nhiều có thể là cần thiết, dù biết rằng kết quả có thể phải trả bằng sinh mạng của hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu người. Trong điều kiện hòa bình, những quyết sách lớn liên quan đến cuộc sống của hàng triệu người cần có ý kiến rộng rãi và thật sự của toàn dân. Gần đây, dân Anh quyết định đi hay ở lại EU qua một cuộc trưng cầu dân ý. Quyết định “ra đi” nay lại gây tranh cãi vì nhiều người có vẻ đã “nghĩ lại’ và nay lại muốn “ở lại”. Điều đó cho thấy là không phải lúc nào người dân bình thường cũng biết rõ mình muốn gì. Song điều đó không thể dẫn đến việc cần có một nhóm nhỏ một số người “sáng suốt” để quyết định thay cho hàng triệu người khác, kể cả khi đám đông dân chúng cứ “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” như ở Anh bây giờ. Liệu có ai nghĩ rằng chính cái cách đó – gọi là dân chủ hay là gì tùy bạn – lại là một cách quản trị đất nước tốt, dẫn đến kết quả nước Anh là một xã hội đáng mơ ước, là nơi mà hầu như tất cả những gia đình “có điều kiện” ở VN đều muốn gửi con em sang học tập, làm việc và sinh sống? Đó là một cách quản trị “chậm nhưng chắc”. Có lẽ điều quan trọng hơn cả là hệ thống đó sẽ không cho phép một kẻ - có thể coi là tài năng xuất chúng – như Hitler lên nắm quyền, hoặc có lên nắm quyền cũng không thể đưa dân tộc mình và nhiều dân tộc khác vào “chỗ chết” như ông ta đã từng làm trong Thế Chiến 2 mà không ai ở Đức khi đó dám “có ý kiến khác”. Con đường VN đang đi – cũng như con đường của các dân tộc khác - đều có nguyên nhân không hề đơn giản. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố vô cùng phức tạp như kinh tế, lịch sử, địa lý, khí hậu, văn hóa, trình độ phát triển, bối cảnh thế giới, v.v. kể cả những yếu tố tưởng như là ‘tình cờ”. Cho nên có lẽ không mấy có ích khi cứ mãi tranh luận theo kiểu “khi đó mà làm như thế này mà không như thế kia, thì bây giờ thì đất nước sẽ được như các nước abc, rồi cứ đổ lỗi cho một nhóm người, thậm chí là một cá nhân nào đó. Chẳng có ai có thể dẫn dắt một dân theo ý riêng của mình.  Nên chăng là tạm bỏ qua quá khứ - vì có thay đổi được đâu – bình tĩnh, kỹ lưỡng cân nhắc hiện tại, tương lai gần và tương lai xa hơn để thấy đất nước nên đi về đâu, muốn đến cái đích nào, muốn được như nước nào. Thực ra thì chính Cụ Hồ cũng đã từng có một tầm nhìn cho đất nước như thế, được thể hiện rõ trong những tài liệu lịch sử về thời kỳ đầu của VNDCCH, còn khá đủ trong lưu trữ.                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét