Có tin Bắc Hàn vừa xử tử một
số quan chức cao cấp vì tội “làm cuộc đàm phán Trump – Kim ở Hà Nội thất bại”.
Thực hư thế nào thì khó biết, vì đó là Bắc Hàn. Làm cho lãnh tụ không vừa ý là
đủ để cấu thành một trọng tội, đáng tử hình mà không cần xét xử gì cả.Thời
phong kiến xưa kia, tội đó gọi là “khi quân”, tạm gọi là thiếu kính trọng, coi
thường, xúc phạm vua. Bắc Hàn là hình ảnh một xã hội quân chủ phong kiến hà
khắc, cha truyền con nối. Chuyện này nhắc nhở rằng chủ tịch Kim là một hoàng đế
tàn bạo, chứ không phải là “một người đàn ông bình thường” như có lúc người ta
tưởng khi xuất hiện ở Hà Nội hồi đầu năm nay. Đi tới một xã hội dân chủ là một
con đường dài gập ghềnh. Nam Hàn cho đến gần đây cũng đã từng phải trải qua một
thời kỳ “đẫm máu”, hàng trăm người biểu tình bị tàn sát, mấy vị tổng thống bị
ám sát, tử hình hay tù chung thân mới có được một xã hội phồn vinh và dân chủ
như bây giờ. Nước Nga phá bỏ chế độ chuyên chế Nga Hoàng bằng cách mạng cách đây
một trăm năm. Sau đó thì vẫn là một xã hội không kém hà khắc, nhất là ở thời
lãnh tụ Stalin. Liên Xô tan rã năm 1991. Ngay sau đó, một hiến pháp dân chủ ra
đời. Vài chục năm sau đó, phồn vinh và dân chủ vẫn chưa thấy đâu. Tham nhũng và
khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Nhiều người Nga bắt đầu thấy nuối tiếc
quá khứ khi Liên Xô là một siêu cường, cuộc sống không giàu có nhưng khá đầy
đủ, xã hội bình đẳng, có tôn ti trật tự. Thậm chí dân Nga còn quay lại tôn vinh
Stalin, người đã từng bị chính họ lên án nặng nề vì độc tài và tàn bạo. Ý tưởng
dân chủ xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp. Nhưng cả ngàn năm sau đó, các nước Tây Âu
vẫn phải trải mấy thế kỷ “đêm trường trung cổ” dưới áp bức nặng nề của vua chúa
và nhà thờ. Để tiến tới dân chủ, cuối thế kỷ 18, dân Pháp đã phải làm cách mạng
lật đổ chế độ phong kiến, chặt đầu nhà vua. Sau rất nhiều thăng trầm sau đó,
dân Pháp mới thực sự có dân chủ. Do đó những nước có chế độ phong kiến, rồi thuộc
địa cho đến tận gần đây như TQ hay VN thì “nhảy một phát” – như nhiều người
mong muốn - lên hàng các nước giàu có, văn minh, dân chủ là không dễ, thậm chí có
lẽ là không thể. Những di sản cũ nhiều thế kỷ không dễ “biến mất” nhanh như
thế. Tòa lâu đài nguy nga của phồn vinh, văn minh, dân chủ không dễ xây như
thế. Dân chủ không phải là một thiên đường dưới sự trị vì của một vị “vua hiền”
thay dân chịu trách nhiệm về mọi việc, còn người dân chỉ việc “hưởng thái bình”.
Cần có thêm thời gian và cố gắng bền bỉ của tất cả mọi người để tiến dần từng
bước một. Nhưng ít nhất, nếu đất nước không đến nỗi quá tệ như xã hội Bắc Hàn
thì không việc gì phải bi quan cả. Cây nhỏ dần dần sẽ lớn, ra hoa và kết quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét