Vừa rồi có một phim tài liệu
mới của Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Phim khá lớn, dài 10 tập, xem mất 18 giờ và
mất tới 10 năm để hoàn thành. Cuộc chiến VN đã kết thúc cách đây gần nửa thế kỷ
rồi. Trong khoảng thời gian này, người Mỹ và phương tây đã làm không biết bao nhiêu
bộ phim về cuộc chiến này. Năm 1980 đã từng có một phim dài tới 26 tập của một
đạo diễn Canada. Biết rồi, khổ lắm, nói
mãi là câu người Việt có thể nói về chuyện này. Nhưng đối với người Mỹ,
cuộc chiến này quá dài, quá phức tạp, quá khổ đau, quá nhiều mất mát, chia rẽ,
tranh cãi và nhiều thứ quá nữa đến mức họ khó có thể ngừng suy ngẫm về nó. Có
một điều tưởng như là nghịch lý. Ấy là càng lùi xa về quá khứ, sự việc dường
như lại rõ hơn. Những phim trước kia chỉ nói về người Mỹ. Phim này nói nhiều cả
về người Việt, nhất là những người từng bị coi là “kẻ thù đáng ghét nhất” – Việt
Cộng và lính Bắc Việt. Có 2 tuyến nhân vật – một bên là Mỹ, bên kia là Việt –
là người thật, bằng xương thịt, có tên tuổi, có câu chuyện cuộc đời họ, có lời
họ nói. Đó là chuyện thật chứ không phải là Rambo, một lính Mỹ tưởng tượng hồi
đầu sau chiến tranh, một anh lính Bắc Việt vô hồn, hay một anh Việt Cộng sắt đá
. Là “người thật, việc thật” nên nó sinh động, đôi khi thật cảm động. Một bà mẹ
Mỹ có con ra chiến trường thì cũng chẳng khác gì bà mẹ Việt, cũng mòn mỏi đêm
ngày mong ngóng tin con. Thanh niên Mỹ lứa tuổi 18 đôi mươi ngày đó cũng thật
lòng yêu nước và ngây thơ, bỏ cả vào đại học để ra trận, để “ngăn chặn chủ
nghĩa cộng sản, bảo vệ thế giới tự do” thì cũng không khác gì cậu bé Bắc Việt
nhét cục gạch vào túi cho “đủ cân” để được vào bộ đội, ra chiến trường “chống
đế quốc Mỹ xâm lược, vì độc lập tự do của Tổ Quốc”. Những lính Mỹ trẻ măng ra
trận lần đầu trước mưa đạn từ phía đối phương mà cứ thế xông lên chiếm cho bằng
được đỉnh cao của ngọn đồi không tên nào đó thì cũng gan dạ chẳng kém những
người lính Bắc Việt hành quân dưới mưa bom bão đạn trên đường mòn Hồ Chí Minh. Anh
thanh niên Mỹ trốn quân dịch chạy sang Canada thì cũng không khác anh lính Bắc
Việt trẻ đào ngũ ở trận chiến Ia Drang. Ở đâu cũng có người như thế, và chuyện đó
thường thôi. Sau chiến tranh, những cựu binh Mỹ đầu tiên quay lại chiến trường
xưa. Họ gặp những cựu chiến binh Bắc Việt, những người đã từng bắn vào họ khi
xưa. Sau ít phút ngờ vực, đôi bên nhanh chóng nhận ra rằng họ chẳng khác nhau
mấy, cũng giản dị, chân thật, ấm áp, rất “con người” cả. Và thời gian cũng đã
đủ lâu, đủ dài để người ta ngẫm nghĩ về cuộc chiến. Người Mỹ tự hỏi rằng bấy
nhiêu mất mát, khổ đau cuối cùng thì để làm gì? Đạt được gì? Có đáng phải thế
không? Những người “phía bên kia” cũng hỏi những câu tương tự. Hàng triệu người
phải hy sinh có quá đắt không? Liệu có con đường khác không? Cuối cùng thì
người dân ở đâu cũng đều có những mong muốn như nhau. Rất giản dị. Đó là cơm ăn
áo mặc, cuộc sống bình yên, yêu và được yêu. Dù là ở những tỉnh lẻ đâu đó ở Mỹ
hay là những vùng quê Việt Nam thì cũng không khác nhau là bao. Cách đây 2500
năm, triết gia TQ cổ đại Lão Tử nêu ra ý tưởng “vô vi” cho quản trị xã hội. Vô
vi có nghĩa là thuận theo tự nhiên, không cần cố can thiệp vì mọi việc cuối
cùng sẽ “đâu vào đấy” cả. Bộ phim kết thúc bằng bài hát Let It Be của ban nhạc Beatles lừng danh. Let it be cũng có nghĩa là hãy để mọi việc tự trôi, theo lẽ tự
nhiên. Phải chăng đó là một bài học lớn từ chiến tranh Việt Nam, cho thế giới, cho
tất cả mọi người?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét