Đàn chó đói sẽ tranh giành nhau, nếu chỉ có một cục xương. Nếu có đủ cho cả đàn, chúng sẽ không tranh nhau. Bầy người đói cũng tranh nhau – như khi xảy ra động đất, chiến tranh, nạn đói, v.v. - nếu chỉ còn một chiếc bánh mỳ. Nếu có đủ bánh cho tất cả, có thể họ sẽ chia đều và không tranh nhau. Tuy nhiên, lúc nào cũng có một vài kẻ tham, khôn, nhanh, mạnh hay may hơn những người khác chiếm lấy nhiều bánh hơn. Tranh giành nhau thường dẫn đến đánh nhau. Suy rộng ra, đó là cách hành xử của con người với nhau từ xưa đến nay, dù đó là cái bánh mỳ, ngôi nhà, mảnh đất, mỏ dầu hay một vùng biển thì cũng không khác nhau là mấy.
Nhiều người theo đạo Ki-tô trước mỗi bữa ăn đều cám ơn Trời đã cho bánh ăn. Đó là một tục lệ rất ý nghĩa nếu ta hiểu được rằng không phải lúc nào ta cũng có sẵn cơm ăn. Có lúc ta phải nhịn đói, phải đổ mồ hôi nước mắt, phải chịu cay đắng, thậm chí phải giành giật, nhục nhã, mới có miếng ăn. Người Việt Nam xưa có câu: “ Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét