Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Thừa và Thiếu


Chúng ta đều yêu cái gì đáng yêu. Đó là một điều tự nhiên. Loài vật có lẽ cũng vậy. Một con chó sẽ thích gần ta nếu ta thích nó. Nhưng con người có lẽ sẽ hơn con vật ở chỗ là ta “yêu” được cả những gì khó chịu, không đáng yêu. Ta vẫn yêu mẹ ta, mặc dù người đã già nua, bệnh tật, xấu xí, lẩm cẩm, khó tính,v.v. Ta vẫn yêu thương làng ta, nước ta mặc dù nó còn nghèo khổ, với những người dân nhếch nhác, bẩn thỉu, vô học. Nhìn rộng ra, thế giới này còn biết bao nhiêu nơi, bao nhiêu người còn phải chịu đói nghèo, khổ đau và áp bức. Thế giới này có đủ và có lẽ thừa mọi thứ. Chúng ta không chỉ có đủ thức ăn, nước uống, chỗ ở cho tất cả mọi người. Chúng ta còn rất sẵn có ích kỷ, tham lam, thù hận. Nhưng cái còn thiếu, thiếu rất nhiều là tình thương. Thiếu tình thương, con người khó có thể phá vỡ cái vòng luẩn quẩn của khổ đau và bất hạnh.

Đàn bà và Đàn ông

Trái Đất hút mọi vật trên bề mặt của nó. Còn đàn bà thì "hút” đàn ông. Đó là sự việc hiển nhiên không cần phải chứng minh bởi vì Tạo Hóa sinh ra con người là như vậy. Mọi thứ “đạo lý” nhằm tách đàn bà ra khỏi đàn ông đều là phi đạo lý.

Đè nén không tiêu diệt được mà có khi còn làm cho những bản năng tự nhiên của con người bùng phát ra một cách không thể kiểm soát được.

 Loài vật không có khái niệm “ngoại tình”. Chúng chỉ làm những gì theo bản năng thiên nhiên ban cho chúng thôi. Loài người khi mới thoát thai khỏi động vật có lẽ cũng vậy. Nhưng rồi dần dần, có lẽ do nhu cầu cải thiện việc nuôi dưỡng và chăm sóc con cái, loài người nghĩ ra quy tắc “Vợ-Chồng” để ràng buộc trách nhiệm. Quy tắc đó dần dần biến thành luật pháp, đạo đức, phong tục tập quán, v.v. để “buộc” chặt hơn. Nhưng “con” người, dù trải qua hàng vạn năm tiến hóa vẫn mang theo bản năng tự nhiên của loài vật. Vì thế “Ngoại tình” – một câu chuyện cổ xưa nhất về loài người, vẫn là chuyện hôm nay.

Điểm “yếu” của đàn ông làm nên sức mạnh của đàn bà. Người Trung Hoa xưa biết rõ điều đó nên khi nói về những người đẹp trong lịch sử Trung Hoa, họ nói những người này đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” – có thể hiểu đại ý là vua chúa say mê sắc đẹp, lơ là cả việc nước đến mức mất thành mất nước. 

Đối với phụ nữ, tình yêu là cả cuộc đời. Có khi còn hơn thế nữa! Có lẽ đó là lý do tại sao phụ nữ thường đau khổ vì tình yêu hơn nam giới. Họ hát về tình yêu cũng thường tha thiết và cháy bỏng hơn. Đàn ông lại thường coi trọng “sự nghiệp” hơn. Thậm chí họ có thể hy sinh tình yêu, nếu họ cho rằng nó cản trở sự nghiệp của họ.

Điểm yếu của một người làm nên sức mạnh của người khác. Điểm yếu của đàn ông làm nên sức mạnh của đàn bà. Ý thức rõ điều này nên phái nữ thường tận dụng lợi thế này để đạt được những điều họ muốn. Có lẽ đó là lý do mà quan tâm hàng đầu của đa số phụ nữ là làm sao cho đẹp hơn, hấp dẫn nam giới hơn. Họ chịu mỏi chịu đau để đi những đôi giày gót cao, chịu rủi ro của những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, chi những khoản tiền không nhỏ cho áo quần, giày dép, phấn son. Họ nhịn ăn, uống thuốc hay cần mẫn tập thể dục. Tất cả cũng vì mục đích đẹp hơn, gợi tình hơn, hấp dẫn hơn. Thậm chí, họ có thể làm tất cả những gì đàn ông muốn để đổi lấy những gì họ muốn mà đàn ông có thể cho.

Đạo đức: Thật và Giả


Một triết gia Pháp thời xưa có nói rằng đạo đức của chúng ta thường chỉ là những thói xấu được che đậy. Có lẽ ông đã không nói quá lời. Trong tiếng Anh có câu nói “too good to be true” – tạm dịch nghĩa là cái gì mà quá tốt thì chưa chắc đã là sự thật.  

Đạo đức giả có lẽ là cách mà cá nhân đối phó với một xã hội muốn mọi người theo những mẫu người lý tưởng không có trong thực tế.

Phần lớn chúng ta ít nhiều đều sống giả dối vì ta có những ham muốn mâu thuẫn nhau. Ta vừa muốn “được tiếng” là trong sạch, nhưng vẫn tham lam, vẫn muốn nhận “đút lót”, nhất là những người ở những vị trí công tác có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người khác.

Nếu phải lên diễn ở sân khấu một nhà hát, chúng ta sẽ đều là những diễn viên tồi. Nhưng trên “sân khấu” cuộc đời, chúng ta lại diễn giỏi đến mức kinh ngạc. Chúng ta nói dối như thật, đóng vai đạo đức giống tới mức ít ai nghi ngờ.

Ít người có thể cho mà không mảy may nghĩ là sẽ được gì. Có lẽ vì thế nên người Việt mới có câu “có đi có lại mới toại lòng nhau.”  

Học là gì?


Nhiều trường học ở Việt Nam treo khẩu hiệu “Tiên học lễ - Hậu học văn” . Nhưng những gì ở ngoài đường, ngoài xã hội lại cho thấy chúng ta còn khá “vô lễ” trong cách đối xử với nhau và khá là “vô văn” hay nói nôm na là còn tối tăm dốt nát về nhiều mặt. Sống trong một biển người còn thiếu cả “lễ” lẫn “văn”, thật là khó cho cả thầy lẫn trò dạy và học theo tinh thần ấy.

Ngày xưa học là tích lũy và “thuộc lòng” kiến thức để sau đó trích dẫn theo kiểu “tầm chương trích cú” suốt đời. Ngày nay học là để biết chọn lọc, xử lý kiến thức để biến thành của mình và phát triển thêm trên cơ sở đó.

Các bậc thánh hiền xưa dạy rằng hãy im lặng nhưng không gì không biết. Chúng ta ngày nay thì làm ngược lại. Mới học được một chút nhưng vẫn phải “tự tin” và ra vẻ như đã học được nhiều. 

Những bài học tốt nhất là do cuộc đời dạy, thường cay đắng và đắt giá.

Học trước hết là học “nghệ thuật” sống. Hầu như ngày nào cũng có cơ hội để học. Vì thế nên người xưa có câu “đi một đàng học một sàng khôn”.  

Học là để nhận ra và vứt bỏ cái tâm địa hẹp hòi “bẩm sinh” của chúng ta, để có thể nhận ra không chỉ cái xấu cái ác mà còn cái hay cái đẹp của mọi người và cuộc sống quanh ta. 

Nếu vẫn ít bao dung với mọi người thì ta vẫn chưa học được gì đáng kể. Hãy xem Trời Đất bao dung chúng ta như thế nào. 
    
Một ngày “học” được thêm một điều gì về bản thân mình là một ngày học được nhiều. 

Xã hội và nền văn hóa ngày nay thường chỉ coi học như là để có được một nghề, có giấy chứng nhận để đi làm kiếm sống và để kiếm được cho nhiều tiền. Toàn bộ nền giáo dục được xây dựng bởi các loại chuyên gia theo hướng đó. Ít ai tin rằng học trước hết và trên hết phải là học làm người. 
    
Một ngày không học được gì là một ngày uổng phí.

 Kiến thức ta thu nhận một cách thụ động qua các giờ học ở trường, xem tivi hay đọc báo thường không mấy ích lợi, có lẽ cũng chỉ là những vật trang sức phù phiếm hoặc để cất trong “kho” mà ít khi dùng tới. Chỉ những gì ta chủ động học để tìm câu trả lời cho những vấn đề ta thực sự quan tâm, những “bài học” đau đớn do cuộc đời dạy ta và nhất là sự quan sát bền bỉ hàng ngày những suy nghĩ, hành động và lời nói của bản thân để nhận ra ta là người thế nào mới là những kiến thức có ích và thực sự của ta.

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Tại sao Trời không giúp?


Tại sao Trời Đất lại để xảy ra mà lại không làm gì để ngăn chặn bao nhiêu là điều ác “Trời không thể dung Đất không thể tha” như vậy? Có người đã trả lời là vì Trời Đất đã sinh ra và cho bạn cơ hội làm Người đấy!

Tạo Hóa đã tạo đủ mọi thứ cần thiết và cho con người trí thông minh để sống tự lập trên Trái Đất. Con người đã có nhiều cố gắng mới tạo dựng được cuộc sống như ngày nay. Nhưng con người đã lạm dụng trí thông minh ấy và tự gây ra cho mình vô vàn vấn đề như xung đột, chiến tranh, đói nghèo, bất công, tàn phá môi trường, v.v. Con người phải tự giải quyết chúng nếu muốn tồn tại. Tạo Hóa, Chúa Trời, Thượng Đế,v.v. không thể cứu chúng ta bởi “họ” còn bận thực hiện cái “dự án lớn” tạo ra và vận hành vũ trụ mà trong đó Trái Đất chúng ta chỉ là một phần vô cùng nhỏ bé mà thôi.


Tại sao Trời Đất thỉnh thoảng gây ra những tai họa khủng khiếp như bão, lụt, sóng thần, núi lửa, động đất, v.v. Có lẽ là để xem con người có thực hành những lời cầu nguyện và hứa hẹn với Chúa, Phật, thánh A-la, v.v. mà họ lầm rầm suốt ngày không. 

Hoạn nạn là cách Trời thử phẩm chất của con người xem khả năng chịu đựng và vượt qua thử thách được đến đâu và thực chất tình thương của con người đối với nhau lớn đến đâu. 

Hàng ngày, ta dùng xăng dầu chạy ôtô, xe máy, dùng điện, dùng nhiều đồ gỗ, v.v. nghĩa là ta ủng hộ hoạt động sản xuất của các hãng xăng dầu, sản xuất ôtô, sản xuất điện hay khai thác rừng lấy gỗ. Khi gặp sự cố, như nổ dàn khoan, tràn dầu ra biển, tai nạn ôtô hay sự cố đập thủy điện, nhà máy điện hạt nhân, lụt lội, v.v. thì ta cũng có một phần trách nhiệm. Suy rộng ra, mọi thảm họa do con người gây ra đều tương tự.

Nếu ở một ngôi làng nào đó trên Trái Đất mà xảy ra xung đột, đói khổ, bệnh tật, v.v. thì dân làng đó, địa phương đó hoặc nước đó phải tự giải quyết, chứ không phải là cầu cứu Liên Hiệp Quốc. Suy rộng ra đến phạm vi vũ trụ thì nếu những vấn đề tương tự xảy ra ở cái “làng” Trái Đất thì người Trái Đất phải tự giải quyết, chứ không thể cứ kêu Chúa Trời đến cứu. Có thể nói Chúa Trời đã tạo ra Trái Đất và đủ các điều kiện cần thiết để con người và vạn vật trên đó tồn tại và được hạnh phúc. Nạn đói đâu phải do Trời? Thiếu nhà ở đâu phải do Trời? Chiến tranh đâu phải do Trời? Môi trường bị hủy hoại đâu phải do Trời? Con người phải tự giải quyết lấy mọi vấn đề mà họ đã gây ra. Nếu không, họ sẽ tự hủy diệt mình và không thể đổ lỗi cho Trời.


Con người nhiều khi “say sưa” với tài năng của mình mà quên mất rằng thực ra chúng ta tồn tại được và có làm được cái gì đó dù là “vĩ đại” đến đâu thì cũng vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào “lòng lành” của Trời Đất mà thôi. Những tàn phá khủng khiếp ở Nhật do động đất và sóng thần đang một lần nữa nhắc nhở chúng ta.  

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Thượng Đế và Con Người



Nhận ra là mình còn biết rất ít là khởi đầu đúng của hiểu biết.

Bạn cho rằng bạn hiểu biết ư ? Thế bạn biết gì về con kiến nào?

Chúng ta thường lạm dụng sự kém hiểu biết của người khác để thống trị họ, thu lợi cho bản thân. Điều này thể hiện từ mức độ cá nhân đến quốc gia từ xưa đến nay.

Kẻ ngốc và lố bịch thường thích khoe khoang "hiểu biết" của mình.

Dù có hiểu biết nhiều bao nhiêu đi nữa, bạn vẫn mới chỉ biết một phần hết sức ít ỏi so với kiến thức của loài người. Những gì con người đã biết mới chỉ là một vũng nước nhỏ so với đại dương, đúng hơn là vũ trụ mênh mông của những gì chưa biết.

Cách đây 2500 năm ở thời cổ Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đốt sách và chôn sống hàng trăm nhà Nho vì họ theo tư tưởng nhân nghĩa của Khổng Tử. Vào thế kỷ 17, nhà thiên văn Bruno bị nhà thờ La Mã thiêu sống vì tuyên bố trái đất không phải là trung tâm vũ trụ. Nửa đầu thế kỷ 20, Đức Quốc xã đốt sách của Marx và Freud. Gần đây, một nhà thơ bị giáo chủ một nước xử tử hình vắng mặt vì “xúc phạm” kinh thánh của họ. Còn hiện nay, không ít nhà cầm quyền dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn cản việc tiếp cận những gì họ không thích trên internet. Thời đại và biện pháp có khác nhau, song điểm giống nhau là các nhà cầm quyền độc tài ở mọi thời đại đều sợ những tư tưởng vượt quá hiểu biết của họ hoặc cảm thấy có thể làm lung lay quyền lực của họ. Suy rộng ra nữa thì mọi cá nhân ít nhiều đều hành xử tương tự. Ta thường phê phán những gì trái ý ta và vượt quá tầm hiểu biết của mình.

Chúng ta hiểu người khác quá ít, thậm chí cả những người gần xung quanh ta vì ta không quan tâm đến họ nghĩ gì, lo lắng, buồn vui về cái gì. Chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân thôi. Đó là lý do tại sao mâu thuẫn, xung đột luôn tồn tại. Quan hệ giữa các nước cũng thế thôi.

     Con người không thể biết Thượng Đế, cũng như cái máy tính, dù có siêu đẳng đến đâu cũng không thể biết người làm ra chúng. Vì không thể biết nên con người tự tạo ra vô số thượng đế, thánh thần rồi các loại “ăn theo” như “thầy” này “thầy” nọ theo ý muốn và trí tưởng tượng của mình, để rồi lại bị trói buộc, thất vọng và khổ đau bởi chính sự tưởng tượng đó.

     Nhng máy tính đin t thông minh nht – dù có th làm hàng triu phép tính trong một giây, v.v. cũng không hiu được là con người to ra chúng. Tương t như vy, con người, mt loại “siêu máy tính” cũng không bao giờ biết được ai đã to ra mình, tạo ra như thế nào và để làm gì. Vì không biết, con người đành gọi cái “không-thể-biết” đó là Thượng Đế, Tạo Hóa, Trời, v.v.

     Từ trên máy bay nhìn xuống biển Bắc Băng Dương mới thấy cái mênh mông vô tận của hàng ngàn vạn ngọn núi băng trắng xóa dưới mặt trời sáng rực. Ấy là phần lớn chúng ta đều chưa được nhìn Trái Đất từ trên tàu vũ trụ. Rồi lại còn từ vũ trụ mà nhìn vào các ngôi sao, thiên hà, v.v. Con người thật quá kiêu ngạo và ngây thơ khi không nhận ra sự nhỏ bé của mình trước tạo hóa.

     Ngày nay ta biết rằng mặt trời vĩ đại chói lòa thực chất chỉ là một ngôi sao bình thường, một trong vô vàn chấm sáng li ti ta thấy trên bầu trời đêm. Ấy là còn vô vàn “mặt trời” khác ở xa hơn nên chỉ có thể thấy bằng kính viễn vọng. Rồi có thể còn hàng tỷ nữa mà kính viễn vọng cũng chưa thấy được. Chỉ một việc này thôi cũng không khỏi làm ta tự hỏi câu hỏi cổ xưa của loài người từ khi biết nghĩ: Ai tạo ra tất cả những cái này? Và để làm gì? Rồi nếu ta biết được “Người Ấy” là ai rồi thì ai tạo ra “Người Ấy”? Đó là một câu hỏi không có câu trả lời cuối cùng.            

     Người họa sỹ, nhà thơ vẽ hay làm thơ về cỏ hoa, mây núi, mưa rơi, tuyết bay, sông chảy, thác đổ vì cảm cái đẹp của chúng mà nên tranh nên thơ. Họ biết rằng không bút nào có thể mô tả hết được cái đẹp, cái uy, cái hùng của trời đất.  Còn bọn phàm phu chúng ta thì thiên nhiên đẹp mê hồn như vậy thì không ngắm mà lại chăm chăm vào bảo tàng để xem tranh. Có kẻ cậy lắm tiền còn mua về để làm của riêng. Còn nếu có ngắm núi sông thì lại bảo chúng “đẹp như trong tranh” hoặc “đẹp như một bài thơ”. Nhưng Trời Đất thật bao dung, nếu không thì đã cho chúng ta mấy cái bạt tai vì cái tội ngu xuẩn và “phạm thượng” này.

     Thiên nhiên là sự tuần hoàn vĩnh cửu của sự sống và cái chết. Con người và mọi sinh vật khác chết đi thì hòa vào đất và trở thành đất. Từ đất, cỏ cây hoa trái sinh ra. Cỏ cây hoa trái lại nuôi người và các loài vật. Trong cái sống đã có cái chết và ngược lại, trong cái chết đã có mầm mống của sự sống. Có lẽ những người thông thái cổ xưa ở Ấn Độ đã ngụ ý này khi họ nói đến sự tái sinh, đầu thai, v.v.  

     Nhờ phát triển thiên văn, ngày nay ta biết rằng Trái Đất chỉ là một hạt bụi nhỏ và mờ nhạt tới mức khó có thể nhận ra trong một vũ trụ rộng lớn ngoài sức hiểu biết của con người. Ấy thế mà trên cái “hạt bụi” ấy lại có hàng tỷ con người và các loại sinh vật. Rồi trong cái đầu của mỗi một con người lại chứa một bộ óc có tới hàng tỷ “nơ-ron” thần kinh. Mà biết đâu nơ-ron vẫn chưa phải là bé nhất. Đấy là “phần cứng”. Còn “phần mềm” – tất cả những suy nghĩ, kiến thức, xúc cảm trong đầu ta ở đâu ra? Khoa học ngày càng phát triển thì con người ngày càng hiểu ra rằng mình còn biết quá ít về cái gần nhất là bản thân mình chứ chưa nói đến cái xa nhất là tỷ tỷ các thiên hà trong vũ trụ. Mà chắc gì đó đã là xa nhất.

     Sức mạnh của thiên nhiên không chỉ là động đất, sóng thần, núi lửa và bão lũ. Sức mạnh ấy còn biểu hiện chính trong ta.

     Mỗi người chúng ta là một phần trong cái kế hoạch sáng tạo vĩ đại của thiên nhiên. Bổn phận của ta là đem hết sức mình để thực hiện nhiệm vụ Trời-Đất trao cho ta. Nhiệm vụ đó là sống hết khả năng sống Tạo Hóa ban cho, yêu thương đồng loại và vạn vật, làm mọi điều có thể để gìn giữ cuộc sống của con người và vạn vật trên Trái Đất.

      Nếu đến một lúc nào đó mà Trái Đất bị hủy diệt hoàn toàn, như khi bị hút vào một cái “lỗ đen” vũ trụ chẳng hạn thì ta cũng phải hiểu rằng đó là một phần trong cái “kế hoạch tổng thể” của “Chúa Trời” mà thôi. Thực ra những sự hủy diệt như thế xảy ra “hàng ngày” trong vũ trụ theo cái quy luật sinh diệt muôn thuở mà thôi.

Tâm



          Trong tâm ta luôn có những kẻ lang thang, lắm điều và bất trị. Sai lầm mà chúng ta thường mắc là dại dột tin và làm theo lời chúng. Song nếu ta chẳng thèm quan tâm thì chẳng mấy chốc chúng sẽ chán và thôi lảm nhảm. Nhưng ta phải cảnh giác rằng rồi chúng sẽ quay lại với những điệp khúc cũ rích.  
  
          Cũng như chỗ nước sâu, tâm có tĩnh, sáng và trong mới thấy đáy và mọi thứ.

     Muốn rõ mọi việc Tâm phải sáng. Muốn Tâm sáng nó phải tĩnh. Muốn Tâm tĩnh thì đừng khuấy động nó bằng những lo lắng, bực dọc, tham lam, ghen tức, đồ ăn thức uống và những thú vui thô nặng.
     
          Đạo Phật ví tâm như con trâu. Bình thường nó hiền lành chậm chạp gặm cỏ. Nhưng nếu không cảnh giác, nó có thể lồng lên, húc lung tung và gây ra khá nhiều phiền toái.

     Cuộc đời và mọi người quanh ta ngày nào cũng vẫn thế. Nhưng tâm ta thì ít khi ổn định được lâu. Nó thay đổi liên tục và có những phản ứng khác nhau đối với mọi thứ bên ngoài và ta thường không biết tại sao. May mà trong tâm ta còn có một phần lý trí tỉnh thức hướng thiện để mách bảo ta tránh những hành động và lời nói đáng tiếc.

     Một nhà thơ và tư tưởng lớn Ấn độ có nói rằng chúng ta là khách lãng du lạc lối trong tâm hồn mình. Ta tìm cái không thể có và có cái không thể tìm.  

      Càng đi sâu vào nội tâm mình, con người càng thấy như đi vào một thế giới xa lạ. Trong cuộc hành trình bất tận ấy, chẳng ai có thể đi cùng. Ta là kẻ lữ hành cô đơn lang thang trong xứ sở mênh mông hiu quạnh của thế giới nội tâm mình. Đi mãi mà chỉ thấy sự bất tận, bất toại nguyện và trống rỗng.

     Các bác sỹ dùng phẫu thuật, nội soi, kính hiển vi, siêu âm, chụp cắt lớp, v.v. có thể nhìn thấy rõ các bộ phận cơ thể con người và tìm ra bệnh tật để chữa trị. Nhưng cái “tâm” là nguyên nhân của nhiều “bệnh” vô cùng nguy hiểm thì vô hình và chỉ có thể nhìn thấy, tìm ra bệnh tật và chữa trị bởi chính nó.

     Một cái Tâm đã chứa đầy tham lam, bực tức, ngu muội thì làm gì còn chỗ cho tình thương nữa.
     
          Tâm như bầu trời. Lúc mây đen che phủ nên biết rằng nó sẽ tan. Lúc trời trong xanh thì nên biết rằng có lúc mưa gió bão táp có thể nổi lên.

      Ước gì Tâm ta có thể rộng lớn, sáng trong và ấm áp như bầu trời ban mai, tĩnh lặng và sâu thẳm như bầu trời đêm.