Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Gieo và Gặt


Nền văn minh ngày nay đã biến việc học đáng lẽ là một niềm vui thành một nỗi lo sợ của trẻ em và cha mẹ chúng.

Ai cũng yêu một đứa trẻ vì nó vui tươi, trong sáng, hồn nhiên, không cau có, không buồn bã, không đau khổ, không tham lam, không vụ lợi, không lừa dối, không nguy hiểm, không hung hăng, không giả đạo đức, không để bụng, không thù hằn, không mê muội. Đấy là những phẩm chất trời ban cho con người ngay từ khi ra đời. Nhưng nền văn minh của chúng ta đáng lẽ phải nuôi dưỡng thì lại làm mai một dần những phẩm chất đó ở trẻ em, và khi chúng thành người lớn thì làm mất hẳn để thay vào đó những cái ngược lại.

Xã hội chúng ta thích những đứa trẻ “ngoan”, nghĩa là luôn vâng lời cha mẹ, giáo viên, người lớn. Chúng ta chỉ muốn chúng trở thành những cái máy ghi âm và ghi hình. Cứ xem trẻ em trả lời phỏng vấn ở trên tivi thì thấy. Nếu chúng có ý kiến khác cha mẹ, ông bà thì bị coi là “hư”, “hỗn”. Nếu chúng có ý kiến khác thày giáo thì sẽ bị điểm kém. Ta đang cản trở sự suy nghĩ và sáng tạo của tuổi trẻ. 

Đã có quá nhiều ý kiến về nền giáo dục ngày nay. Vấn đề có lẽ không phải là thiếu kiến thức mà là thiếu sự đồng thuận về một nhận thức đúng đắn về mục tiêu. Hậu quả là trẻ em phải học quá nhiều, quá lâu để thu được quá ít những gì thực sự cần thiết cho chúng có thể bắt đầu một quá trình tự học đúng hướng khi ra đời. Một số em thì tự tìm ra phương hướng. Đa số thì không. Đó là lỗi của toàn bộ nền văn hóa mà trong đó giáo dục có vai trò quan trọng.

Giáo dục không chỉ là trách nhiệm của các thầy cô giáo ở trường. Đó còn là trách nhiệm thể hiện qua lối sống của cha mẹ và những người lớn ở trong gia đình, của những người lãnh đạo ở các ngành các cấp, của những người làm truyền hình, phim ảnh, báo chí, internet, của những “ngôi sao” ca nhạc, điện ảnh, của những nhạc sỹ, nhà thơ, nhà văn, của tất cả những ai có thể gây ảnh hưởng đến xã hội. Trẻ em và thanh niên như những cây non, xã hội “uốn” chúng thế nào thì chúng thành thế.  

Chúng ta hay than phiền là ngày nay nhiều bạn trẻ chạy theo một lối sống thiên về bề ngoài, hình thức phải “mốt”, lối sống phải hào nhoáng thời thượng, giàu có sang trọng, nhưng hời hợt nông cạn về trí tuệ, tâm hồn và lòng nhân ái. Đừng nên vội trách các bạn trẻ. Hãy xem chúng ta cổ vũ cái gì qua những thi hoa hậu, người mẫu, ca nhạc trẻ, vinh danh “doanh nhân thành đạt”, bảng xếp hạng những người giàu nhất, phim ảnh, tạp chí, nhà cửa và cách sống của những người “thành đạt” có nhiều tiền, có chức có quyền ở khắp mọi nơi. Đơn giản là ta “gieo” cái gì thì chỉ “gặt” được cái đó thôi.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét