Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Về Cuộc đời



Vẫn biết rằng chức tước, bằng cấp, quyền lực, tiền bạc, của cải, danh vọng, sắc đẹp, hưởng thụ, khoái lạc … không mang lại hạnh phúc thật sự, nhưng ít ai đủ can đảm dám từ bỏ chúng. Ngược lại, ta còn ra sức tranh đấu để được càng nhiều càng tốt. Trên con đường đó, vấp phải nhiều vấn đề, ta bắt đầu “triết lý” rằng đời là bể khổ!

Mỗi người – kể cả những người “hoàn hảo” nhất - đều biết rằng họ không hề hoàn hảo. Đó là lý do tại sao cuộc đời chưa bao giờ hoàn hảo. Vậy tại sao ta lại không bằng lòng với cuộc đời?

Cuộc đời như một chuyến tàu “chợ” chỉ chạy một chiều. Còn ta thì như hành khách. Chỉ khác là ta chẳng biết chiếc “vé tàu” – số phận của ta ở đâu mà ra, tại sao ta phải “lên tàu” ở ga này – đó là lúc ta ra đời - và phải “xuống tàu”- đó là lúc ta lìa đời - ở ga kia. Mà ta cũng không biết sau đó ta có còn “lên tàu” lần nữa không.

Cám ơn Trời-Đất đã cho ta sống từ mùa xuân cây cỏ xanh tươi đâm chồi nảy lộc, sang mùa hạ rực nắng, qua mùa thu lá rụng man mác buồn, đến mùa đông lạnh giá cô đơn để suy ngẫm về cuộc đời.

Cuộc sống trên Trái Đất là một bữa tiệc tuyệt vời Tạo Hóa ban cho con người, với ánh nắng, sông núi, biển cả, gió mưa, cỏ cây, hoa trái, chim muông và vạn vật. Nhưng con người lại quá bận rộn và lo âu với những ham muốn tham lam của mình đến mức không còn thời gian, đờ đẫn cả tâm trí và hết cả niềm hân hoan để hưởng bữa tiệc đó.

Cuộc đời nhiều khi còn nặng nề hơn cả việc kéo cày trên đồng ruộng. Nhưng người ta vẫn phải cố cày cho xong thửa ruộng, dù đó là một thửa ruộng ở đồng bằng sông Hồng, hay là xử lý một đống giấy tờ lộn xộn cao ngập đầu ở một công ty nào đó. Sau đó, ta có thể giống như người nông dân, đặt lưng trên bờ ruộng, úp chiếc nón lên mặt và ngủ một giấc ngon lành. 

Tại sao hoa nở rồi tàn? Tại sao con người sinh ra, lớn lên rồi chết? Từ ngàn xưa, con người đã tìm đủ mọi cách để lý giải ý nghĩa sự sống, để tin rằng chết không phải là “hết”. Các cố gắng ấy vẫn tiếp tục cho đến hôm nay vì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Và rất có thể là sẽ không bao giờ có câu trả lời như vậy.

Shakespeare đã từng than rằng đời là câu chuyện của một tên ngốc, om sòm, điên loạn và vô nghĩa. Nếu ông sống vào thời nay, chắc ông sẽ không nói gì khác hơn. Tất cả chúng ta đều đóng một vai nào đó trên sân khấu cuộc đời. Chúng ta ít nhiều đều hóa trang, cố ăn nói và hành xử sao cho giống cái vai mà ta muốn đóng. Lúc gặp sự cố, cái mặt nạ ta đeo bị rơi xuống để lộ ra cái mặt thật của ta. Vở diễn nào rồi cũng đến hồi kết. Khi không còn mũ áo, son phấn, đạo cụ, con người thật hiện ra và thường là chẳng đẹp đẽ như cái vai người ta đóng trên sân khấu cuộc đời.   

Người phương Tây có lý khi họ cho rằng cuộc đời không bao giờ đẹp như ta mong ước, nhưng cũng chẳng đến nỗi tồi tệ như ta thường kêu ca.

Thế giới là một tập hợp hàng tỷ những người “trung bình”, không hoàn hảo như các vị Thánh, mà cũng chẳng khủng khiếp như bầy quỷ dữ. Ai ai cũng phải cố vất vả kiếm sống, chịu đựng sự mòn mỏi nhàm chán ngày này qua ngày khác, rồi thì đành phải bằng lòng với một chút hư danh và một chút khoái lạc. Một bậc cao tăng người Thái nói rằng dù ta có đi đến đâu, làm cái gì đi nữa thì rốt cuộc, đời chỉ có bấy nhiêu thôi. Khó có thể hơn được. 

Cuộc đời cũng như một dòng sông lớn, trôi chảy không ngừng. Cái mà người ta cố “ghi lại” như trong văn chương, sử sách, v.v. dù có đồ sộ đến đâu cũng chỉ như những bức ảnh tĩnh của một dòng sông thay đổi không giây phút nào ngưng nghỉ.

Cuộc đời quá ngắn ngủi. Ngoảnh đi ngoảnh lại tóc đã bạc rồi. Đã thế cuộc đời lại quá mỏng manh. Tai nạn, bệnh tật rình rập ta khắp nơi. Như thế còn chưa đủ hay sao để ta cố gắng không lãng phí từng ngày, thậm chí từng giờ từng phút.

Người Ấn độ cổ ví cuộc đời đẹp và mong manh như giọt sương long lanh trên cánh lá sen dưới ánh nắng ban mai. Chỉ một làn gió nhẹ thổi, giọt sương ấy không còn nữa.

Con người sinh ra là để sống và yêu thương. Cuộc đời là cơ hội quý báu cho việc đó.

Hình như tình trạng thường xuyên lộn xộn của cuộc đời, của thế giới là chủ ý của Trời Đất để giữ cho con người luôn bận rộn giải quyết một vấn đề nào đó và như vậy con người mới cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Giả sử một ngày nào đó mọi việc đều “tuyệt vời’, không còn vấn đề nào phải xử lý nữa, con người chỉ việc ăn, ngủ và dạo chơi nơi Thiên Đàng thôi thì biết đâu con người sẽ thấy cuộc đời thật nhàm chán vô vị và chắc nhiều người sẽ chẳng thiết sống nữa! 

Dù ta có cố tin rằng ta có một vai trò quan trọng đến thế nào đi nữa thì sự thực phũ phàng vẫn là cuộc đời của người ta chỉ mong manh và bé nhỏ con con mà thôi. Và như một nhà thơ Việt Nam đã từng nói, cái cuộc đời đáng thương ấy lại còn bị đè nát bởi những giấc mơ cũng bé cỏn con. 

Từ xưa đến nay, con người cứ băn khoăn về ý nghĩa cuộc đời. Còn cuộc đời và vạn vật thì dường như lại chẳng hề để ý đến những bận tâm đó. Nó vẫn cứ vận hành theo ý chí của siêu nhiên mà con người không thể biết và thậm chí không thể gọi tên là gì. 

Nếu ai quan tâm đến ý nghĩa của cuộc đời thì có lẽ không khó để nhận ra rằng có quá nhiều điều dường như là phi lý, không thể hiểu và chấp nhận nổi. Cái mà con người cố làm từ xưa đến giờ mà không mấy thành công là tìm những  giải thích “hợp lý” cho những phi lý đó.

Trừ khi còn quá bé hoặc quá già, hoạt động của con người về cơ bản có thể mô tả thế này: Sáng ngủ dậy: Ăn sáng, đi làm - Trưa: Ăn trưa, tiếp tục làm - Tối: Ăn tối, làm tiếp hoặc giải trí một chút - Đêm: Ngủ. Chu trình này diễn ra đều đặn 365 ngày/năm trong suốt cuộc đời. Công thức này về cơ bản đúng với tất cả mọi người trên trái đất từ xưa đến nay. Mọi hoạt động khác suy cho cùng đều là để hỗ trợ và duy trì hoạt động này và ngược lại. Điều đáng kinh ngạc này đã trở nên bình thường đến nỗi có lẽ ít ai tự hỏi: Cái gì làm cho tất cả chúng ta hoạt động giống nhau và nhàm chán như vậy?


 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét