Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

Ngôn ngữ


Ta thường cho ngôn ngữ là lời nói phát ra từ miệng, rồi chữ viết khi con người phát minh ra chữ. Người ta còn có thể “nói” bằng tay, như những người bị câm. Nhưng đó vẫn là những câu cụ thể như kiểu “anh đi đâu đấy”, dù là bằng miệng, viết chữ hay bằng tay. Những cách này còn có thể truyền đạt những ý nghĩ trừu tượng, thường gọi là “thông điệp” như kêu gọi hòa bình, tình thương yêu, v.v. Người ta có thể truyền đạt “thông điệp” và tình cảm bằng cử động của cơ thể, gọi là múa hay kịch “câm”, bằng những âm thanh khi dùng một số vật tạo ra – gọi là nhạc cụ như violin, piano, kèn, v.v. Cơ quan phát âm của con người cũng là một “nhạc cụ” và rất đặc biệt vì sức truyền cảm mạnh mẽ – khi đó gọi là “hát”. Tùy theo khả năng “Trời cho”, một người có thể thạo “nói” theo nhiều cách, nhưng thường thì giỏi một cách, như nói, viết, múa, hát hay chơi nhạc cụ là tốt lắm rồi. Có người thậm chí không giỏi “nói” theo cách thông thường nào cả, nhưng có khi lại nói bằng cách cư xử, bằng cách sống của mình. Hòa thượng Thích Quảng Đức có lẽ chả nói gì nhiều trong cuộc đời mình. Ông đã tự thiêu để phản đối chính quyền Sài-Gòn lúc đó đàn áp Phật Giáo. Trong ngọn lửa rừng rực cháy, ông vẫn bình thản ngồi “thiền”. Ông đã “nói” những lời, truyền đạt một thông điệp, biểu lộ những tình cảm mạnh mẽ nhất, đến mức dẫn tới sụp đổ cả một chính phủ. Mỗi người có cách nói của mình. Vì vậy ta không nên chê một ca sỹ hay nghệ sỹ violin là nói không hay, bởi đó không phải là cách nói của họ. Hình như Lão Tử không nói gì, bởi ông cho là “nói thì không biết – biết thì không nói ”. Nhưng những gì ông đã “nói” trong Đạo Đức Kinh – được viết ra cách đây 2500 năm - có thể làm cho những triết gia thông thái đang “thao thao bất tuyệt” phải im bặt, và rồi sẽ im lặng luôn từ đó để suy nghĩ. Còn những ai không biết nói theo bất kỳ cách nào thì tốt nhất là nên “dựa cột mà nghe”, chứ chớ nên nói mà không biết mình nói gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét