Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Một thần tượng của Thế kỷ 20


Thanh niên, nhất là những người lứa tuổi mười lăm đôi mươi, hay như ngày nay theo kiểu Mỹ gọi là tuổi “teen” - tuổi mới lớn đang dần bước vào đời thường hay tìm cho mình những mẫu người yêu thích. Những “thần tượng” này thường là những ngôi sao thể thao, ca nhạc, điện ảnh. Một số khác lại chọn những nhà tư tưởng hay lãnh tụ xuất chúng. Có lẽ Che Guevara là một thần tượng nổi bật nhất thế kỷ 20. Mà có thể của mọi thời đại, như cái cách “bình bầu” của phương Tây bây giờ. Cái gì làm Che có sức hấp dẫn hàng triệu người thuộc mọi tầng lớp, không chỉ thanh niên mà cả những người lớn tuổi hơn như vậy? Trước hết phải nói đến cái khuôn mặt của một “sao” Hô-li-ut, không phải loại thường, mà là loại “siêu sao”. Nhưng ông còn hơn cả siêu sao bởi tính cách anh hùng và cuộc đời huyền thoại đầy phiêu lưu, lãng mạn, lý tưởng cao cả của mình. Bức ảnh ông đội mũ bê-rê gắn ngôi sao đỏ với mái tóc dài dường như gắn liền với mọi cuộc biểu tình chống lại cường quyền ở khắp nơi trên giới trong suốt gần nửa thế kỷ vừa qua, cho đến tận những cuộc biểu tình của phong trào “Chiếm phố Wall” vừa qua. Có người đã lý giải sức lôi cuốn của Che như sau: “Đối với những người không bao giờ theo bước Che, chìm đắm trong thế giới đầy hoài nghi, ích kỷ và xã hội tiêu thụ điên cuồng này, còn có gì hấp dẫn hơn thái độ khinh bạc của Che đối với những tiện nghi vật chất và những ham muốn tầm thường”. Những người như Phật, Giê-su, Khổng Tử, Gandi, Cụ Hồ cũng lôi cuốn quần chúng như vậy. Che đã sớm đạt đến đỉnh cao của vinh quang và quyền lực, ít nhất là theo quan điểm của chúng ta. Nếu muốn - như phần lớn các vua chúa, tổng thống, lãnh tụ xưa nay - ông có thể ung dung mà hưởng thụ mọi thứ mà quyền lực và danh tiếng của ông sau thành công của cách mạng Cuba mang lại. Nhưng đó không phải là thứ ông theo đuổi. Và thế là ông bỏ lại tất cả để tiếp tục con đường người du kích của mình. Bởi ông tin rằng: “Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích mà là trên từng chặng đường đi”.  Con đường của ông là con đường chiến đấu – bằng gươm súng – để chống lại bất công. Đó là con đường của số phận mình, một số phận có lẽ do chính ông tự chọn, bởi ông đã từng nói: “Hoặc là chấp nhận một số phận nào đó định đoạt đời ta, hoặc ta phải tìm ra số phận và đường đi của chính mình!”  Ông đã chiến đấu đến cùng để chết trong chiến trận, đúng như một người “tử vì đạo” – vì cái “đạo” giải phóng loài người. Bức ảnh cuối cùng sau khi ông bị bắn chết thật lạ lùng bởi ông trông như Đức Chúa Giê-su sau khi bị đóng đinh chết rồi đưa từ cây thánh giá xuống vậy. Cũng như Giê-su, từ đó ông chấm dứt cuộc đời thật để đi vào cuộc đời của một huyền thoại, có lẽ là vĩnh cửu. Có người cho rằng ông là một người sắt đá, có phần tàn bạo. Nhưng ông lại có một tư tưởng tự do mà ngày nay những kẻ độc tài vẫn không chấp nhận: “Chúng ta có thể hoặc hạ gục ý kiến của người khác hoặc cứ để họ phát biểu những gì họ muốn. Chúng ta không thể xóa bỏ ý kiến bằng vũ lực. Làm như vậy sẽ cản trở sự phát triển tự do và trí tuệ”.  Ở cái tuổi “teen” mà ngày nay mọi quan tâm của các cậu trai khác thường chỉ bó hẹp trong việc học để kiếm tấm bằng để rồi có việc làm thu nhập khá, quần áo giày dép, vài thứ đồ chơi như máy tính và điện thoại, những vui sướng và khổ đau cũng vụn vặt, chỉ quanh quẩn vì ái tình thì chàng trai trẻ Che Guevara đã vượt qua hàng chục ngàn cây số của lục địa Mỹ La-tinh rộng lớn để tìm cho mình sự thật về thế giới và cuộc đời. Và cái sự thật đầy bất công, đói nghèo và khổ đau mà anh phát hiện ra đã thúc đẩy anh thay đổi mình, như anh đã nói: “Hãy để thế giới thay đổi mình, rồi mình sẽ thay đổi thế giới”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét