Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Giấc mơ bên sông Nê Va


Đêm mùa đông ở Xanh Pê-tec-bua lạnh lắm. Anh nằm đó co ro trong căn lều “tình thương” cho người không nhà dựng sát bên dòng sông Nê-va. Chút súp khoai tây loãng kia có làm ấm bụng anh được chút nào không? Trông anh trầm tư lắm. Phải chăng anh đang nhớ lại cái thời còn quàng khăn đỏ, miệng hát câu “Tôi không biết có nơi nào mà con người được tự do như nơi đây không”* mà lòng tràn đầy niềm tự nào? Rồi cái thời hạnh phúc đi trại hè thiếu nhi ở Hắc Hải ấm áp, nghe các anh chị phụ trách so sánh cái “thiên đường trên Trái Đất” là Liên Bang Xô-Viết với cái “địa ngục tư bản”, nơi đầy những con người bất hạnh vì thất nghiệp và không nhà? Cái “thiên đường” mà người ta hứa hẹn mãi đâu rồi? Rồi anh ngủ thiếp đi. Một ngày lang thang trong giá rét, cố sống bằng hy vọng vào “tình đoàn kết giai cấp vô sản” mà nơi đây người ta được dạy dỗ mấy chục năm qua có lẽ đã làm anh quá mệt mỏi. Có thể anh đang mơ về cái quá khứ hào hùng của nơi này chăng? Chỗ anh nằm đây hình như vẫn còn in dấu chân những người lính thủy xông vào Cung điện Mùa Đông theo tiếng gọi của lãnh tụ Lê-Nin, mở đầu cuộc “Cách Mạng Tháng Mười vĩ đại” năm 1917 giành chính quyền về tay giai cấp vô sản để xây dựng một thiên đường cộng sản trên trái đất. Bao nhiêu chiến sỹ Hồng quân dũng cảm đã đi qua đây quyết tử bảo vệ thành phố này, chặn bước quân phát-xít trong những ngày đêm Lêningrad bị bao vây? Mà cũng có thể anh mơ về một ngôi nhà ấm áp của mình với tiếng cười của trẻ thơ, nơi người vợ dịu hiền có bím tóc vàng mang ra những miếng bánh mỳ đen làm từ lúa mạch thơm phức và súp củ cải đỏ nóng hổi? Có lẽ giấc mơ đẹp này đã giúp anh chìm sâu vào một giấc ngủ say, tạm quên đi cái số phận thất nghiệp không nhà để lấy lại chút sức lực cho ngày mai lại lang thang trên thành phố Lê-Nin này để kiếm sống. Ngoài kia, cơn bão tuyết lạnh thấu xương vẫn đang gầm rít từng hồi. Thấy anh trở mình, người bạn cùng cảnh ngộ nằm cạnh vẫn còn thức vội kéo anh vào trong vì quá chút nữa, anh có thể lăn xuống dòng Nê-va.             
*một câu trong một bài hát Liên-xô

Mềm nắn, rắn buông


“Mùa xuân Ả-Rập” đã lan tới một nước Trung Đông khác là Syria. Tương tự như ở các nước khác, chính quyền của vị tổng thống độc tài ở đây đang thẳng tay trấn áp những người nổi dậy và đã có hàng ngàn người thiệt mạng. Nhưng phản ứng của thế giới thì lại mới chỉ là những lời lên án mạnh mẽ. Các cường quốc mà trước đây rất hăng hái can thiệp vào những việc như vậy thì nay vẫn chỉ khoanh tay ngồi nhìn. Lý do có vẻ là vì lực lượng của chính quyền Syria khá mạnh nên việc can thiệp sẽ tốn kém mà kết quả thì không chắc. Một điểm nóng khác ở vùng đó là Iran, nước đang có vẻ công khai thách thức các cường quốc phương Tây muốn ngăn cản họ phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng mọi việc vẫn chỉ là đe dọa cùng với một số biện pháp trừng phạt kinh tế. Lý do có lẽ là khó mà “bóp chết” được một nước Iran khá lớn và mạnh. Bắc Triều Tiên thì quả là một nước vô cùng khó chịu đối với phương Tây. Nước này thường xuyên “diễu võ dương oai”, ngang nhiên phát triển vũ khí hạt nhân, rồi còn bị cho là tự nhiên đi bắn chìm một tàu chiến của Hàn Quốc, v.v. Thế mà các cường quốc phương Tây vẫn tỏ ra hết sức “kiên nhẫn”. Lý do có lẽ là vì nước này duy trì một quân đội khá mạnh, mà người dân lại có vẻ vẫn trung thành với lãnh đạo, cho nên nếu mà “đụng” vào, họ có thể “nổi khùng” lên, và lúc đó sẽ có thể là một hiểm họa thực sự cho hai nước láng giềng “bạn thân” của phương Tây là Nhật bản và Hàn Quốc. Chuyện cũ hơn là vào năm 1975, khi quân Bắc Việt Nam tấn công vào Sài Gòn, người Mỹ gồm cả vị đại sứ đã phải tháo chạy “bán sống bán chết” từ nóc tòa nhà sứ quán, trong khi bao nhiêu “binh hùng tướng mạnh” của Mỹ và đồng minh vẫn còn đầy ở xung quanh Việt Nam mà vẫn “án binh bất động”. Lý do là vì họ đã cố hết sức trong nhiều năm trước mà không thể “nuốt” được Việt Nam nên đã buộc phải “nhả” ra vào năm 1973 nên “không dại gì” mà “dính” vào nữa. Chính trị thế giới có vẻ thật rắm rối mà có khi lại chỉ đơn giản theo cái lối đời thường của con người, như người Việt xưa nói: “Mềm nắn, rắn buông”.

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Một nghịch lý cổ xưa


Đến cổng nhà máy của hãng Foxconn của Đài Loan chuyên lắp ráp Iphone và Ipad ở Thẩm Quyến TQ vào sáng thứ 2 hàng tuần người ta sẽ thấy một cảnh tượng khá đặc biệt. Hàng ngàn người, phần lớn là thanh niên tụ tập ở đây để chờ xin việc làm, để cũng được như 235.000 người đang làm việc trong cái công xưởng khổng lồ này. Công nhân ở đây được trả 2 Đô-la/ giờ, phải làm việc 12 giờ/ngày – 60 giờ/tuần và phải ở trong các nhà tập thể ngay cạnh nhà máy, 7 người chung một phòng chật hẹp, ngủ giường tầng như kiểu sinh viên. Hàng ngàn con người đang đứng chờ ngoài kia có lẽ biết rõ những điều này, nhưng có lẽ thế vẫn còn tốt hơn là thất nghiệp, hay là làm ruộng ở quê nhà. Còn người ở trong nhà máy thì cũng hiểu rõ rằng nếu họ không chăm chỉ và ngoan ngoãn thì chủ sẽ không ngần ngại mà thay họ ngay bởi một trong số hàng ngàn con người đang chờ đợi ở cổng nhà máy kia. Lắp ráp một thứ phức tạp như cái máy tính bảng Ipad không dễ. Nhưng giới chủ tư bản, với bài học xa xưa từ thời “vua” ô-tô Ford, đã khôn ngoan chia công việc thành hàng trăm, có khi hàng ngàn đầu việc nhỏ đơn giản cho dễ làm. Vì thế nên chỉ cần học 3 ngày là hầu như bất cứ người nào cũng có thể trở thành công nhân lắp ráp và nhanh chóng thạo việc. Công việc giản đơn cứ lặp đi lặp lại, có khi hàng chục ngàn lần trong một ca làm việc, biến người công nhân thành một thứ máy tự động. Điều này gợi nhớ đến bộ phim đầu thế kỷ 20 do danh hài Sác-lô đóng người công nhân trong một dây chuyền mà công việc là cứ vặn một cái ốc, vặn mãi vặn mãi, ngày này sang ngày khác, cho đến khi anh ta phát điên lên, ra đường thấy cái cúc áo trên một cái áo măng-tô một người phụ nữ đang mặc cũng tưởng là cái ốc ấy và chạy ra dùng cờ-lê vặn. Có đến gần hai chục công nhân ở đây đã tự tử, vì có lẽ cũng đã phát điên lên tương tự như người thợ thời Sác-lô kia. Cái nhà máy này có lẽ là ví dụ điển hình về cái cách mà các nhà tư bản đời nay “bóc lột” công nhân. Mà cũng vẫn như xưa thôi, tóm lại là làm việc quần quật suốt ngày, trả lương thấp, và luôn duy trì một đám đông thất nghiệp ngoài cửa để “răn đe” những người đang có việc là phải chăm chỉ và đừng có đòi tăng lương. Cái chiến lược này quả là rất hữu hiệu. Chỉ là lắp ráp thôi mà doanh thu của “đại gia” Đài Loan này lên tới cả tỷ Đô-la một năm. Còn ông chủ chính là hãng Apple thì đã trở thành công ty vào hàng lớn nhất thế giới, với giá thị trường lên tới con số khổng lồ là gần 266 tỷ Đô-la. Cái cơ chế “bóc lột” này thực ra cũng không khác mấy so với cái thời sơ khai của chủ nghĩa tư bản, chỉ khác nay là công nghệ cao nên công nhân và công xưởng phải sạch sẽ. Xưa kia, ở những hầm mỏ nước Anh thời thế kỷ 18-19, trẻ em mới 11, 12 tuổi phải làm việc tới 14 giờ một ngày. Đó là điều mà một nhà tư tưởng người Đức thời ấy tên là Karl Marx không chấp nhận. Marx đã mổ xẻ cái cơ chế của sự bóc lột đó trong bộ sách “Tư Bản”, trong đó ông đi tới kết luận là phải loại bỏ những kẻ bóc lột và thay vào đó một cơ chế mà đại để là tất cả của cải vật chất sẽ là của chung và do nhà nước quản lý và phân phối đều cho tất cả mọi người. Hẳn là những lý luận này phải có sức thuyết phục lắm và viễn cảnh của xã hội loài người hình thành bởi cơ chế đó phải đẹp đẽ lắm nên những người không ưa cái lối “người bóc lột người” trên khắp thế giới mới tán đồng nhiệt liệt như vậy. Trong số họ có những người như Lê Nin ở nước Nga và Mao Trạch Đông ở TQ. Họ đã lãnh đạo những cuộc cách mạng xã hội to lớn để thực hiện ý tưởng của Marx tại nước mình là bằng mọi cách để loại bỏ “giai cấp bóc lột” và tất cả những gì người ta cho là “mầm mống” của nó. Thời “cách mạng văn hóa” ở TQ, người ta đập nát cả đàn violin vì coi nó có liên quan tới tư bản phương Tây và giai cấp bóc lột. Nhưng lòng tham và tính ích kỷ – cái mầm mống chính sinh ra “bóc lột” vẫn cứ tồn tại trong mỗi con người và có lẽ khó có cách nào mà diệt hết được. Mặt khác, nó cũng là cái động lực thúc đẩy người ta cố gắng để thu lợi nhiều hơn cho bản thân bằng cách lợi dụng lao động của người khác, mà cái “kết quả ngoài mong muốn” của cố gắng đó là cũng mang lại một phần lợi ích cho người khác. Đó là cái học thuyết mà Adam Smith, ông tổ của kinh tế tư bản đã nói hồi đầu thế kỷ 19. Người ta đã cố thay cái động lực “lòng tham” bằng những thứ khác như lòng yêu nước, tinh thần tập thể, v.v. Nhưng có vẻ chẳng có thứ gì mạnh bằng lòng tham và sự ích kỷ, vì đó gần như là bản năng tồn tại của con người. Kìm hãm cái bản năng đó, con người không còn động lực gì mạnh mẽ để cố gắng hết sức mình làm việc nữa. Kết quả là sản xuất ngày càng sút kém, hàng hóa vừa ít vừa xấu, có nơi có lúc thậm chí còn không đủ ăn. Dần dần, những xã hội tổ chức theo nguyên lý “không bóc lột” cứ đuối dần, và cuối cùng thì sụp đổ hẳn. Chưa nghĩ ra cách nào hơn cả nên người ta lại phải đi con đường cũ, “trải thảm đỏ” để mời chào những kẻ bóc lột mà mấy chục năm trước người ta cố tiêu diệt và đuổi đi. Những ông chủ ngoại bang đang thoải mái “bóc lột” 235.000 người TQ trong cái công xưởng khổng lồ ngay tại đất nước họ kia lại chính là con cháu những kẻ bóc lột mà họ đã đuổi khỏi lục địa TQ vào năm 1949. Nếu Marx mà sống lại thì có lẽ ông sẽ buồn vì cái giá quá to lớn phải trả - không biết bao nhiêu triệu người đã chết trong những cuộc cách mạng để thực thi học thuyết của ông, nhất là ở Nga và Trung Hoa. Hẳn ông sẽ có thêm nhiều dữ liệu và sự kiện tìm ra lý do tại sao mà cái ý tưởng cao đẹp của ông lại khó thành hiện thực. Trong lúc chờ đợi sự tái sinh và đổi mới của học thuyết Marx thì người ta vẫn phải chấp nhận cái nghịch lý cổ xưa “kẻ ăn không hết, người lần không ra” và sự trị vì của các nhà tư bản vì chưa có cái gì khả dĩ hơn để thay thế.

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Khi người ta hết gạo


Lại nói chuyện Hy Lạp vẫn đang trong cơn khủng hoảng nợ nặng nề. Mặc dù Châu Âu và IMF cố cứu bằng cách “bơm” vào cả trăm tỷ Đô-la, đất nước vẫn đang trên bờ vực cơn vỡ nợ mà nếu không ngăn chặn được có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả châu Âu. Hàng triệu người mất việc làm. Phần lớn sinh viên mới tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm. Là một nước được coi là loại phát triển cao, với đa số dân sống ở thành phố, nay thì thành phố đang trở nên nơi khó kiếm sống. Đường phố thủ đô Athen nay đầy rẫy những người ăn xin tuyệt vọng. Cái “thượng tầng kiến trúc” đáng ghen tỵ của Hy lạp - cái nôi của nền văn minh phương Tây, với một quá khứ huy hoàng, với nền triết học, văn học, khoa học, kiến trúc, v.v. phát triển rực rỡ từ thời cổ, với tốc độ phát triển kinh tế từng vào hàng cao nhất ở phương Tây, với một đời sống cao, với chỉ số phát triển con người (HDI) theo đánh giá của LHQ là vào hàng cao nhất thế giới – nay có vẻ cũng không giúp gì cho người dân nước này kiếm ăn. Nhưng đã “đói thì đầu gối phải bò”. Gần đây nhiều người dân thành phố tìm ra một lối thoát khả dĩ cứu được họ: Về nông thôn làm ruộng! Cách này thực ra không có gì mới. Người nông dân Việt nam đã biết rõ điều này từ xa xưa:
    “Nhất Sỹ, nhì Nông
     Hết gạo chạy rông
     Nhất Nông, nhì Sỹ”  

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Người gác đèn


Con người đi biển từ xa xưa. Giữa biển khơi mênh mông lúc tối trời, người ta chỉ biết dựa vào sao, la bàn và những ngọn đèn biển trên bờ để xác định hướng đi. Lúc ấy chưa có điện nên đèn biển thắp bằng dầu. Người coi đèn cứ đến chiều tối là thắp đèn lên và giữ ngọn lửa suốt đêm cho đến khi trời sáng. Cuộc đời người coi đèn biển cô đơn, thầm lặng, vô danh, chẳng ai biết đến. Nhưng thiếu họ, những con tàu đi lạc hướng và gặp nạn. Cũng như biển khơi kia, cuộc đời là một đại dương còn mênh mông hơn, không biết đâu là lối đi an toàn, đâu là bờ bến, đâu là đá ngầm. Và cũng rất cần những ngọn đèn nhỏ chỉ đường và những người coi đèn vô danh, thầm lặng trong đêm.

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Chúng ta tin vào cái gì?

Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi trên: Tình yêu, Lòng nhân ái, Lẽ phải, Chúa Giê-su, Phật, Đức Chúa Trời, v.v. Còn vị ứng cử viên có triển vọng nhất vào chức Tổng thống Nga thì có câu trả lời rõ hơn trong nội dung tranh cử sắp tới của mình:  

"Trong vòng một thập kỷ tới, các lực lượng vũ trang Nga sẽ nhận được hơn 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa với cả bệ phóng trên biển cũng như trên bộ, 8 tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo, 20 tàu ngầm tấn công, hơn 50 chiến hạm và khoảng 100 máy bay quân sự, hơn 600 phi cơ chiến đấu thế hệ mới, hơn 1.000 trực thăng, 28 trung đoàn tên lửa phòng không, 38 sư đoàn phòng không, 10 lữ đoàn tên lửa chiến thuật, hơn 2.300 xe tăng thế hệ mới, khoảng 2.000 pháo tự hành và hơn 17.000 xe quân sự”.

Thế là rõ rồi: Ông tin vào súng đạn. Ông hứa như thế vì ông biết rõ cử tri Nga tin vào sức mạnh, vào vũ khí, vì họ luyến tiếc cái thời siêu cường của Liên Xô, cái mặc cảm khó chịu của dân Nga khi bị Mỹ “qua mặt”, một mình “làm mưa làm gió” trên thế giới sau khi Liên Xô tan rã, rồi nay lại thêm TQ ráo riết tăng cường vũ khí, lăm le trở thành một siêu cường mới ngay cạnh nước Nga. Một nước Ấn độ với hàng trăm triệu người còn nghèo đói nhưng cũng vẫn lao vào cuộc chạy đua sức mạnh. Nghe nói họ sẽ bỏ ra hơn 10 tỷ Đô-la để mua thêm máy bay chiến đấu. Ấn độ được tiếng là có nền dân chủ phát triển. Vậy có thể hiểu là không phải ông thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng hay nhóm cá nhân nào khác có quyền ra một quyết định lớn như thế, mà hẳn là phải được quốc hội - đại biểu của nhân dân đồng ý. Nghĩa là ngay ở Ấn độ, đất nước quê hương của tinh thần “non-violence” tạm dịch là “bất bạo động” do Gandi khởi xướng, người ta vẫn tin vào điều ngược lại hơn. Khỏi phải nói tới các chế độ độc tài dựa vào bạo lực và đàn áp thì tăng cường quân đội và vũ khí là chuyện dĩ nhiên. Như vậy, có lẽ “hòa bình” chỉ là một giải pháp chiến tranh với chi phí thấp. Còn nếu không giải quyết được bằng “hòa bình”, người ta sẽ “rút súng” ra ngay với một “thông điệp” rõ ràng: Muốn hòa bình - nghĩa là đầu hàng - hay chiến tranh?