Tổng số lượt xem trang
Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012
Lại nghĩ về hy vọng
Cuộc sống trong trại tập trung của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến 2 bắt đầu từ sáng sớm. Một miếng bánh mỳ mốc meo cứng quèo hoặc một củ khoai tây thối là bữa sáng của tù nhân. Ngay sau đó là phải nhanh chân tới buổi điểm danh bởi khi lính SS đọc tới tên mà bạn không có mặt là đủ lý do để nhận một loạt đạn ngay sau đó trước mặt mọi người. Sau đó là đập đá, khuân đá lên đồi và những việc đại loại như vậy. Như thế là may bởi có lúc còn phải khuân hàng ngàn xác chết từ trong phòng hơi ngạt để đưa vào lò thiêu. Mệt quá ngồi nghỉ hoặc làm việc chậm thì cũng sẽ lập tức bị một loạt đạn của lính SS trên chòi canh. Rất “xứng đáng” như thế bởi bạn không còn phù hợp để làm việc! Được “lao động” như thế này còn là may bởi nhiều người không qua được vòng “phân loại” của một viên sỹ quan Đức ngay sau khi vừa bước xuống từ những chuyến tàu hỏa từ khắp các nước Châu Âu thì sẽ được đưa thẳng vào phòng hơi ngạt. Nếu bạn tuyệt vọng và thấy không muốn sống nữa thì quá dễ. Chỉ cái tuyệt vọng ấy cũng đủ làm bạn gục ngã chứ chưa cần tới loạt đạn của SS. Nhưng con người vẫn sống và hy vọng. Bọn SS cố hết sức để giết và tiêu hủy cho hết hàng triệu người chúng gom từ khắp nơi về. Mỗi ngày có khoảng 20.000 người, phần lớn là người Do Thái được đưa vào lò thiêu. Nhưng những đoàn tàu cứ ùn ùn kéo về vượt quá công suất của phòng hơi ngạt và lò thiêu. Đức Quốc Xã chẳng kịp “thanh toán” hết mọi người trước khi bỏ chạy khi Hồng Quân Liên Xô tiến vào trại tập trung. Và nhiều người đã sống sót cuộc diệt chủng lớn và khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người với 6 triệu người bị tàn sát. Thì ra con người ta vẫn hy vọng khi không còn gì để hy vọng. Đó là cái sức mạnh kỳ diệu của hy vọng. Đó là điều cần thiết bởi khi cái ác vẫn còn trên Trái Đất thì không có cơ sở nào để loại trừ khả năng rằng những việc tương tự sẽ không bao giờ xảy ra. Bằng chứng là cuộc diệt chủng 2 triệu người của Khơ Me Đỏ năm 1975-1979, cuộc diệt chủng gần 1 triệu người Ruanđa ở châu Phi năm 1994, cuộc diệt chủng 8.000 người ở một ngôi làng Bosnia ở châu Âu năm 1995 và vô số cuộc tàn sát hàng loạt “nhỏ” khác mà người ta khó có thể biết và nhớ hết.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét