Tổng số lượt xem trang
Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016
Chuyện Tam Quốc
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã phân thắng bại. Kẻ thắng hân hoan ăn mừng. Người thua buồn bã, ngậm ngùi nuối tiếc. Người ta quan tâm đến đến sự kiện này vì vai trò và quyền lực to lớn của TT Mỹ đối với một nước giàu mạnh và nhiều ảnh hưởng nhất thế giới. Một số nước khác thay vì công khai cạnh tranh thì đóng chặt cửa lại để "đấu đá" nội bộ, có khi còn thủ tiêu nhau, không ai biết đã xảy ra chuyện gì, xong rồi thì lên TV dùng những lời lẽ hoa mỹ để tuyên bố là đã "thành công tốt đẹp", v.v. Các ứng viên TT Mỹ thì đấu đá nhau ngay trên truyền hình trực tiếp, phơi bày mọi chi tiết trên mạng internet toàn cầu. Họ không chỉ phê phán đường lối chính sách mà còn moi móc đủ thứ xấu xa về đời tư của nhau, thật có bịa có, cốt sao hạ uy tín đối phương và giành được nhiều phiếu bầu hơn. Nước Mỹ mới gần 250 tuổi nên là một trong những quốc gia trẻ nhất thế giới. Thế nhưng Mỹ lại là một nền dân chủ vào loại lâu đời nhất. Hiến pháp Mỹ gây được cảm hứng cho Việt Nam - một nước có cả mấy ngàn năm lịch sử và văn hóa - được trích dẫn trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1945. Nền dân chủ hơn hai thế kỷ của Mỹ hẳn phải là một trong những nguyên nhân chính giúp cho nước này thành một siêu cường trong thế kỷ 20 và có lẽ sẽ tiếp tục như thế trong thế kỷ 21. Nhưng cuộc bầu cử TT vừa qua - sự trình diễn của nên dân chủ ấy - cũng đồng thời làm hé lộ những vấn đề không nhỏ của nước Mỹ. Người ta khó hiểu vì sao một hệ thống bầu cử với quy trình đồ sộ, phức tạp, được thử thách qua hàng trăm năm, sàng đi lọc lại kỹ càng như thế lại để lọt không phải là một hạt sạn, mà là cả một cục đá to tướng và xấu xí - một "đại gia" bất động sản, ít hiểu biết chung, không kinh nghiệm chính trường, kém văn hóa, tính khí hồ đồ thất thường, một kẻ nói dối có hệ thống, thô lỗ, coi thường phụ nữ, phân biệt chủng tộc và tôn giáo, có tư tưởng phát-xít, có những ý đồ không tưởng và nguy hiểm về đối nội và đối ngoại. Phải chăng đó là một lỗi của hệ thống chính trị hai đảng Mỹ? Dân Mỹ nói chung là có dân trí khá cao, sống trong một xã hội luôn khuyến khích độc lập suy nghĩ, lại đã trải qua hàng chục cuộc bầu cử đại loại như vậy rồi nên dường như họ khá là "tỉnh đòn". Xưa nay, không chỉ ở Mỹ mà các chính trị gia ở khắp nơi, ở mọi thời đại đều hành xử đại loại như Bismarck, chính khách Đức thế kỷ 19 đã từng nói đại ý là người ta - tức là chính trị gia, các ứng viên cho vị trí được bầu - nói dối nhiều nhất là trong khi bầu cử. Những ý kiến ồn ào của cử tri Mỹ chúng ta nghe thời gian vừa qua chưa hẳn đã là phản ánh đầy đủ quan điểm của đa số dân Mỹ, cho dù đó là kết quả thăm dò dư luận bởi các tổ chức chuyên nghiệp của Mỹ. Một số nhà quan sát bây giờ mới nhận ra là có một "đám đông im lặng". Có vẻ họ không quan tâm nhiều đến những vấn đề toàn cầu về môi trường hay những lý tưởng cao cả về nhân quyền, đạo đức, chủng tộc, giàu nghèo, v.v. Họ cũng chẳng thèm để ý đến "đạo đức tác phong" của ứng viên. Cái họ quan tâm là ai có khả năng hơn để giúp - hay ít nhất là gây ít rủi ro hơn - cho thu nhập, việc làm, môi trường cho một cuộc sống yên ổn, khá giả như những ngày xưa, ít khả năng xảy ra chiến tranh, cho dù phải trả giá bằng chấp nhận phân biệt chủng tộc, tôn giáo, khoảng cách cách giàu nghèo, phân biệt nam nữ, kỳ thị dân nhập cư và người theo đạo Hồi, chống lại toàn cầu hóa với hậu quả là dân Mỹ mất việc làm, v.v. . Họ biết quan điểm của họ là không "mốt", không hợp thời, ích kỷ, thiếu nhân văn nên họ giữ im lặng để cuối cùng phát biểu bằng lá phiếu của mình. Trên đây chỉ là "chém gió" một chút góp vui thôi của một người ngoài cuộc, chứ không phải là bình luận chính trị gì cả. Chỉ ít lâu sau, cuộc sống ở Mỹ sẽ trở lại business as usual như dân họ thường nói, đại ý là như cũ, đâu vẫn hoàn đấy. Muốn biết nước Mỹ sẽ ra sao dưới sự dẫn dắt của TT mới thì phải nói như trong chuyện Tam Quốc là xem hồi sau sẽ rõ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét