Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Luật Vĩnh Hằng



Người Việt xưa có câu: "Ngu si hưởng thái bình". Có lẽ chẳng ai muốn là ngu si. Cho nên ít người được bình yên. Osho là một trong số ít những triết gia lớn nhất của thế kỷ 20. Có lẽ ông là người hiểu được triết lý đó. Nó có nguồn gốc từ Đạo của Lão Tử, một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của loài người. Sau đây là trích đoạn một bài nói của Osho về cái chết, trích từ tác phẩm Đạo - Ba Kho Báu.  

Chết là định mệnh. Nó phải thế bởi vì nó là nguồn gốc. Bạn tới từ cái chết và bạn đi tới cái chết. Sống chỉ là khoảnh khắc giữa hai cái không. Nếu chết là định mệnh, thế thì toàn thể cuộc sống trở thành việc chuẩn bị, huấn luyện cho nó - một bộ môn về cách chết đúng và cách chết một cách toàn bộ và tuyệt đối. Toàn thể cuộc sống bao gồm việc học cách chết. Nhưng một quan niệm sai về chết đã đi vào nhân loại, quan niệm rằng chết là kẻ thù. Đây là cơ sở của mọi quan niệm sai, và đây là cơ sở của nhân loại đi lạc lối khỏi luật vĩnh hằng.

Con người coi chết là kẻ thù của sống, cứ như chết có đó để phá huỷ sống, cứ như chết chống lại sống. Nếu đây là quan niệm thì tất nhiên bạn phải tranh đấu với cái chết, và sống trở thành nỗ lực để sống sót qua chết. Thế thì bạn đang đấu tranh chống lại cội nguồn riêng của mình, bạn đang đấu tranh chống lại định mệnh của mình, bạn đang đấu tranh chống lại cái gì đó sẽ xảy ra. Toàn thể cuộc đấu tranh này là ngớ ngẩn bởi vì chết không thể né tránh.

Nếu như nó là cái gì đó bên ngoài bạn, nó có thể được tránh né, nhưng nó ở bên trong. Bạn mang nó từ chính khoảnh khắc bạn được sinh ra. Bạn bắt đầu chết đi thực sự khi bạn bắt đầu thở, vào cùng khoảnh khắc đó. Nói rằng chết tới ở chỗ cuối là không đúng. Nó bao giờ cũng ở cùng với bạn từ lúc bắt đầu. Nó là một phần của bạn, nó là trung tâm bên trong nhất của bạn, nó phát triển cùng bạn, và một ngày nào đó nó đi tới cao trào, một ngày nào đó nó đi tới nở hoa. Chết đã phát triển bên trong bạn mọi lúc, bây giờ nó đã đạt tới đỉnh. Một khi chết đạt tới đỉnh bạn lại biến mất vào trong cội nguồn.

Nhưng con người có thái độ sai và thái độ sai đó tạo ra vật lộn, tranh đấu, bạo hành. Người nghĩ rằng chết là chống lại sống không bao giờ có thể bất bạo hành được. Điều đó là không thể được. Người nghĩ rằng chết là kẻ thù không bao giờ có thể thoải mái, như ở nhà. Làm sao bạn có thể thoải mái khi kẻ thù đang chờ đợi bạn mọi khoảnh khắc? Nó sẽ nhảy lên bạn và phá huỷ bạn, và bóng của chết bao giờ cũng trùm lên bạn. Nó có thể xảy ra vào bất kì khoảnh khắc nào. Làm sao bạn có thể nghỉ ngơi khi cái chết có đó? Làm sao bạn có thể thảnh thơi được? Kẻ thù sẽ không cho phép bạn thảnh thơi.

Do đó mới có căng thẳng, lo âu, phiền não của nhân loại. Bạn càng tranh đấu với cái chết, bạn sẽ càng trở nên đầy lo âu. Đó là hệ quả tự nhiên. Nếu bạn tranh đấu với cái chết bạn biết rằng bạn sẽ bị thất bại. Làm sao bạn có thể hạnh phúc với cuộc sống sẽ đi tới kết thúc trong thất bại? Bạn biết rằng bất kì nỗ lực nào, chẳng cái gì sẽ thành công chống lại cái chết. Sâu bên dưới bạn chắc chắn chỉ mỗi một điều và đó là cái chết. Trong cuộc sống mọi thứ khác đều không chắc chắn, chỉ cái chết là chắc chắn. Chỉ có một chắc chắn, và trong chắc chắn đo bạn có kẻ thù.

Tranh đấu với cái chắc chắn và hi vọng về những cái không chắc chắn làm sao bạn có thể trong nghỉ ngơi được? Làm sao bạn có thể được thảnh thơi, bình thản, điềm tĩnh? Nếu cái chết là kẻ thù, thế thì về căn bản toàn thể cuộc sống trở thành kẻ thù của bạn. Thế thì mọi khoảnh khắc, mọi nơi, bóng cái chết đổ xuống. Thế thì mọi khoảnh khắc, từ mọi nơi, cái chết đều vang vọng. Toàn thể cuộc sống trở thành thù địch, và bạn bắt đầu tranh đấu.

Mọi kiểu cuộc sống đều dẫn tới cái chết - cuộc sống của người nghèo, cuộc sống của người giầu, cuộc sống của thành công và cuộc sống của thất bại, cuộc sống của người trí huệ và cuộc sống của người dốt nát, cuộc sống của tội nhân và thánh nhân. Mọi loại cuộc sống, dù khác biệt đến đâu, đều dẫn tới cái chết. Làm sao bạn có thể yêu cuộc sống nếu bạn chống lại cái chết? Thế thì tình yêu của bạn không là gì ngoài sở hữu, tình yêu của bạn không là gì ngoài níu bám. Chống lại cái chết, bạn níu bám lấy cuộc sống. Nhưng bạn không hiểu rằng chính cuộc sống này đang bắc cầu sang cái chết gần như mọi ngày. Cho nên bạn đã phải chịu tận số, mọi nỗ lực của bạn đều tận số. Và thế thì lo âu nảy sinh. Bạn sống trong run rẩy và bạn trở nên bạo hành và điên khùng.

Sống và chết là một, hai mặt của cùng một hiện tượng. Khi bạn chấp nhận cái chết nhiều điều lập tức được chấp nhận. Ở làng quê, rất ít ý thức về thời gian. Thực tế, ý thức thời gian là ý thức về cái chết. Khi bạn sợ chết thì thời gian là ngắn ngủi. Với nhiều điều thế cần làm và ít thời gian thế, bạn ý thức về mọi giây trôi qua. Cuộc sống đang bị làm ngắn dần lại cho nên bạn căng thẳng, chạy quanh, làm nhiều thứ, cố tận hưởng toàn thể về nó, chạy từ chỗ này sang chỗ nọ, từ tận hưởng này sang tận hưởng khác - và chả tận hưởng được gì bởi vì bạn ý thức tới thời gian thế.Thời gian cái chết, cái chết thời gian. Càng ý thức cái chết, bạn sẽ càng ý thức thời gian. Càng ít ý thức tới cái chết, càng ít ý thức tới thời gian. Nếu bạn đã hoàn toàn hấp thu cái chết vào trong cuộc sống, ý thức về thời gian đơn giản biến mất.

Sống trong thế giới vô thời gian, đá còn hạnh phúc hơn người. Sống trong thế giới nơi cái chết không được biết tới, cây còn phúc lạc hơn người. Không phải là chúng không chết, nhưng cái chết không được biết tới. Con vật sung sướng, mở hội, chim hót, toàn thể sự tồn tại ngoại trừ con người đều vô nhận biết về cái chết một cách phúc lạc. Duy chỉ con người nhận biết về cái chết và điều đó tạo ra mọi vấn đề.

Đáng ra phải không như vậy bởi vì con người là đỉnh cao nhất, được tinh chế nhất, đỉnh của sự tồn tại - tại sao nó lại vậy với con người? Bất kì khi nào bạn đạt tới đỉnh, gần như ngay bên cạnh thung lũng trở nên sâu hơn. Đỉnh cao chỉ có thể tồn tại được với thung lũng sâu. Với đá, không có bất hạnh, không có phần thung lũng, bởi vì hạnh phúc của chúng cũng ở trên đất bằng. Con người là đỉnh, con người đã vươn lên cao, nhưng bởi vì việc vươn lên này, ngay bên cạnh có vực sâu. Bạn nhìn xuống và bạn cảm thấy nôn nao, bạn nhìn xuống và bạn cảm thấy sợ. Thung lũng là một phần của đỉnh, thung lũng không thể tồn tại mà không có đỉnh và đỉnh không thể tồn tại mà không có thung lũng. Nhưng con người đứng ở chiều cao của đỉnh nhìn xuống và cảm thấy nôn nao, choáng váng, sợ sệt, hãi hùng.
Top of Form
Bottom of Form

Con người có ý thức.Ý thức về hạnh phúc và bất hạnh. Khoảnh khắc con người trở nên có ý thức người đó trở nên có ý thức về cái kết thúc, rằng người đó sẽ chết. Người đó trở nên có ý thức về ngày mai, ý thức về thời gian, ý thức về sự trôi qua của thời gian. Thế thì chẳng mấy chốc cái kết thúc sẽ tới gần. Càng có ý thức, cái chết càng trở thành vấn đề, vấn đề duy nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét