Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Một niềm tin



Khi Thế Chiến 2 kết thúc, cả bên thua lẫn bên thắng đều kiệt quệ. Chỉ có nước Mỹ là hùng mạnh hơn lên do không bị tàn phá và do sản xuất trong nước phát triển vượt bậc để phục vụ chiến tranh. Ở Bắc Việt Nam khoảng cuối những năm 50 - đầu 60 có bài thơ sau:

Một tay xách bị Đô-la
Tay bom nguyên tử giơ ra dọa người
Lê la khắp vòm trời kiếm chác
Thằng Mỹ đi buôn nước hại dân

Lúc đó Mỹ gần như là siêu cường duy nhất, "làm mưa làm gió" khắp thế giới. Châu Mỹ La-tinh, vùng Ca-ri-bê được coi là sân sau của Mỹ. Nước nào chịu thuần phục thì Mỹ để yên. Nếu chống lại thì Mỹ cho CIA lật đổ và thay vào đó một chính phủ theo Mỹ. Cuba cho tới những năm 50 thế kỷ trước là nơi tư bản Mỹ làm ăn với sự bảo trợ của chế độ độc tài thân Mỹ. Với thủ đô Habana có kiến trúc thuộc địa lộng lẫy, Cuba là nơi lý tưởng cho dân Mỹ, nhất là giới nhà giàu, tài phiệt, các ngôi sao giải trí, mafia sang ăn chơi ở những bãi biển nhiệt đới, casino, vũ trường và hộp đêm. Trong khi đó, phần lớn dân Cuba sống trong nghèo khổ. Cuba từng đấu tranh lâu dài trong thế kỷ 19 dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Jose Marti, giành được độc lập từ thực dân Tây Ban Nha, chỉ để rồi lại thoái hóa thành ra một "thuộc địa kiểu mới", một xứ "nhà thổ" của Mỹ. Chàng trai trẻ Fidel Castro đã sớm nhận ra những điều trớ trêu, cay đắng đó. Làm gì để xóa bỏ bất công xã hội? xóa bỏ cái lối "người bóc lột người"? để tất cả mọi người có việc làm, có cơm ăn áo mặc, có nhà ở, được học hành và chữa bệnh? để được sống có nhân phẩm con người? Đó là những câu hỏi mà những thanh niên có lý tưởng nhân văn ở đâu cũng đều tự hỏi mình. Ở đầu thế kỷ 20, họ tìm tòi những tư tưởng mới giải thích sự bất công xã hội, quan sát những gì đang xảy ra trên giới. Thời đó, có lẽ ít ai giải thích các vấn đề của xã hội loài người một cách thuyết phục hơn là Karl Marx. Trong bộ sách đồ sộ Das Kapital mà các nhà cách mạng Việt Nam tiền bối dịch là Tư Bản, Marx giải thích sự bất công của xã hội loài người. Đó là do một số ít người sở hữu được tư liệu sản xuất, như hầm mỏ, nhà máy, đất đai - gọi là tư bản - bóc lột lao động của đại đa số những người không có tư liệu sản xuất như thợ mỏ, công nhân, nông dân - gọi là vô sản. Cách xóa bỏ sự bất công đó là vô sản ở tất cả các nước trên thế giới phải đoàn kết lại để làm cách mạng, giành lấy chính quyền từ nhà nước tư bản. Sau đó nhà nước vô sản sở hữu toàn bộ tư liệu sản xuất, thực hiện một nền kinh tế theo kế hoạch do nhà nước chỉ huy và chia đều mọi lợi ích thu được cho toàn dân. Theo tư tưởng đó, lãnh tụ của vô sản Nga là Lenin đã thực hiện thành công cuộc Cách Mạng Tháng Mười Nga, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên là Liên Bang Xô Viết. Nước Nga từ một nước nông nghiệp lạc hậu nhanh chóng trở thành một siêu cường công nghiệp và quân sự, đánh bại âm mưu nô dịch thế giới của Đức Quốc Xã. Tư tưởng Marx - Lenin, thực tế cách mạng Nga và nhà nước Liên Xô đã trở thành nguồn cảm hứng to lớn cho những thanh niên có lý tưởng công bằng xã hội chống lại áp bức bất công của tư bản và thực dân ở khắp nơi trên thế giới. Năm 1959, Fidel cùng các đồng chí của mình như Che Guevara làm cuộc cách mạng Cuba, lật đổ chế độ độc tài thân Mỹ, đưa Cuba đi theo con đường cộng sản. Lý tưởng của ông về một xã hội công bằng - ít nhất là về giáo dục và y tế - đã đạt được những thành tựu xuất sắc được thế giới công nhận. Nhưng Cuba - cũng tất cả các nước XHCN khác - đã gặp phải trở ngại hầu như không thể vượt qua về mặt kinh tế. Nhưng có lẽ Fidel tin rằng khó khăn kinh tế của Cuba chủ yếu là do bị Mỹ cấm vận, chứ không hẳn là lỗi của hệ thống. Kể cả sau khi các nước XHCN Đông Âu sụp đổ hàng loạt, cuối cùng thì chính cả Liên Bang Xô Viết cũng sụp đổ vào năm 1991, Fidel dường như vẫn kiên trì đường lối của mình. Có lẽ không phải là vì ông đã đi quá xa trên con đường lý tưởng và không thể quay lại? Phải chăng đối với ông, từ bỏ CNXH để quay sang kinh tế thị trường, dù có lý giải thế nào và gọi là gì đi nữa thì thực chất vẫn là theo tư bản, là đi ngược lại niềm tin của mình? Chắc hẳn ông đã phải trăn trở lắm khi thấy cuộc sống của nhân dân mình thiếu thốn đến cả thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu hàng ngày, ở chen chúc trong những căn nhà chật chội, cũ nát, không có nước. Ông hẳn phải hiểu rõ rằng nếu từ bỏ con đường mình đã chọn để đi theo con đường tư bản thì đời sống của nhân dân có thể sẽ khá lên. Nhưng Cuba cũng sẽ nhanh chóng trở lại như xưa, nghĩa là sẽ lại là xứ ăn chơi đàng điếm cho người ngoại quốc, sẽ lại là xứ "nhà thổ", mà lần này thì không chỉ cho Mỹ mà cho toàn thế giới.  Phải chăng bởi vì ông là một người cộng sản có niềm tin mạnh mẽ nhất? Nếu không thì làm sao ông có thể trở thành một diễn giả hùng biện bậc nhất thế giới, có thể nói rất lôi cuốn và liên tục nhiều giờ mà không dùng một tờ giấy viết sẵn nào? Là lãnh đạo tối cao một nước đến nửa thế kỷ, ông đã có thể biến thành một thứ lãnh tụ thần thánh cho hàng triệu người sùng bái lắm chứ? Ông đã có thể để cho dựng tượng mình la liệt ở khắp mọi nơi, những tượng đồng phơi những lối mòn, như nhà thơ Tố Hữu đã từng bóng gió ám chỉ những bức tượng Mao ở TQ thời Cách mạng Văn Hóa ? Rồi là cho xuất bản những cuốn sách chứa những lời răn dạy của mình trong mấy chục năm để toàn dân làm cẩm nang giải quyết mọi vấn đề hay để tụng đọc như kinh thánh? Ấy là chưa nói còn có thể tranh thủ vơ vét cho bản thân và gia đình hàng tỷ Đô-la gửi vào ngân hàng nước ngoài phòng khi thất thế, về hưu hay tuổi già? Hoặc giả sắp xếp để cho con rồi cháu "nối ngôi" mình mà làm vua đời này sang đời khác? Có thể Fidel là một người mang chất cộng sản thuần khiết trong máu thịt nên ông không chấp nhận những cái lối tha hóa của quyền lực với những biểu hiện như trên, những thứ mà ông đã dành cả đời mình để chống lại vì chúng hoàn toàn đi ngược lại niềm tin và nguyên tắc của ông.  Hoặc giả ông đã sống rất lâu, nhìn thấy bao cuộc "bể dâu", thăng trầm của bao nhiêu nước và các nhà lãnh đạo - cộng sản và không cộng sản - suy ngẫm tỉnh táo, không bị lú lẫn bởi quyền lực nên hẳn ông đã hiểu ra lẽ "vô thường" của Phật. Chẳng có cách gì trong những cách trên có thể làm một ông vua, một vị tổng thống, một vị lãnh tụ, v.v. thành người được dân "đời đời kính yêu" và trở thành bất tử được. Stalin khi còn sống là lãnh tụ kính yêu của dân Nga và cộng sản toàn thế giới. Khi mất, hàng triệu người đã khóc thương ông. Nhưng rồi chẳng bao lâu sao, chính các đồng chí của ông đã lên án sự sùng bái cá nhân ông, rồi dần dần công khai những tài liệu về việc trong thời gian cầm quyền, ông đã cho bắt bớ, giam cầm, giết hại những người bất đồng chính kiến trong đó có nhiều đồng chí của mình. Sự thật lịch sử về Fidel thế nào thì sớm muộn rồi cũng sẽ được biết. Dù thế nào đi nữa thì Fidel là một trong những nhân vật nổi bật nhất của lịch sử thế giới thế kỷ 20. Ông lớn hơn tầm cỡ của nước Cuba nhỏ bé nhiều. Người ta có thể không ưa ông. Nhưng không ai có thể coi thường ông. Suốt nửa thế kỷ, ông đối đầu siêu cường số 1 thế giới là Mỹ, nước chỉ cách Cuba có 90 dặm. Suốt nửa thế kỷ đó, trải qua 10 đời tổng thống Mỹ, CIA đã hàng trăm lần tiến hành mưu sát ông mà đều thất bại. Cuối năm 1946, trước nguy cơ "ngàn cân treo sợi tóc" là đất nước vừa giành được độc lập lại một lần nữa mất vào tay người Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Ngoài vũ khí chủ yếu là tinh thần hy sinh vô bờ bến ấy ra, nước Việt Nam DCCH non trẻ, với quân đội nhỏ bé, chưa qua huấn luyện, vũ khí ít ỏi thô sơ thì lấy gì mà chống lại được đội quân viễn chinh nhà nghề của Pháp, được trang bị những vũ khí hiện đại nhất của Mỹ thời ấy? Năm 1962, nước Cuba XHCN non trẻ cũng phải đối mặt với nguy cơ một cuộc xâm lược toàn diện của Mỹ. Fidel Castro có ít lựa chọn lắm. Nếu đối đầu tay đôi thì khả năng thắng được Mỹ là mỏng manh lắm. Vậy làm thế nào có thể ngăn chặn được Mỹ? Có thể cũng trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn này mà Fidel đã đi đến một quyết định lịch sử gây tranh cãi suốt nửa thế kỷ qua: cho phép Liên Xô đưa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào Cuba nhằm mục đích răn đe và ngăn chặn cuộc xâm lược Cuba. Ông hẳn phải hiểu rõ lắm rằng nếu chẳng may mà cuộc đối đầu hạt nhân xảy ra - mà lúc đó các tên lửa của cả hai bên đã sẵn sàng trên bệ phóng rồi - thì nước Cuba sẽ bị xóa sạch khỏi bản đồ đầu tiên để mở đầu cho cuộc chiến tranh hủy diệt toàn cầu bằng hạt nhân. Nếu không thì ông chỉ còn một lựa chọn nữa: đầu hàng. Đó là điều mà ông không bao giờ chấp nhận. Đó có lẽ là lý do mà khẩu hiệu Patria o Muerte - Tổ Quốc hay là Chết là điều mà Fidel và nhiều người dân Cuba tâm niệm suốt hàng chục năm qua.  Cuối cùng, vào tháng 3 năm 2016, tổng thống Mỹ Obama có chuyến thăm lịch sử tới Cuba, chấm dứt cuộc bao vây hơn nửa thế kỷ của Mỹ. Có người cho rằng chủ nghĩa cộng sản giống như một tôn giáo của thế kỷ 20. Điều này có lẽ phần nào đúng. Hàng triệu công nhân, nông dân và binh lính Nga năm 1917 đi theo Lenin làm cuộc cách mạng vô sản Nga chủ yếu vì niềm tin vào lãnh tụ Lenin và một cuộc sống tốt đẹp hơn sau cách mạng. Cũng tương tự như vậy đối với hàng triệu nông dân Trung Quốc khi họ đi theo Mao Trạch Đông. Điều này có vẻ giống như việc các tín đồ Thiên Chúa Giáo theo Chúa Giê-su vì tin rằng sẽ được lên thiên đàng, có cuộc sống sung sướng vĩnh cửu ở đó. Niềm tin giản dị ấy có thể làm cho những người theo cách mạng thời kỳ còn chưa giành được chính quyền chịu đựng khó khăn và hy sinh vô điều kiện cho cách mạng, giống như tử vì đạo vậy. Đa số họ rất ít học, có khi còn chưa biết chữ. Ngay cả người có học và có ý định đọc Tư Bản của Marx và các tác phẩm của Lenin thì cũng khó lòng mà hiểu được vì nó quá đồ sộ và quá khó. Nhưng Fidel là một trí thức, với một đầu óc có lẽ cực kỳ thông minh. Ông hẳn đã đọc Marx và Lenin và có lẽ ông hiểu nhiều và rõ hơn không chỉ đa số chúng ta mà còn hơn cả nhiều người tự cho mình là người theo Marx và Lenin. Có lẽ vì thế mà niềm tin của ông có cơ sở hơn, vững chắc hơn. Nhưng có lẽ cũng không thể thiếu được một niềm tin vô bờ bến. Xét theo cả hai cách thì ông là người có niềm tin mạnh mẽ và có ý thức nhất, như chính ông đã từng tuyên bố:

Tôi là một người Marxist - Leninist. Tôi sẽ là người như vậy cho tới ngày cuối cùng của đời mình.

Và ông đã giữ đúng lời hứa. Tro cốt của ông được đưa vào một tảng đá cuội, với một dòng chữ duy nhất: Fidel. Biểu tượng cuối cùng này cũng giản dị như lối sống và vững chắc như niềm tin của ông vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét