Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

Những bài học từ Pháp

Trong những ngày này, nước Pháp lại gây được sự chú ý của toàn thế giới. Khói lửa mù mịt như bãi chiến trường xung quanh Khải Hoàn Môn, biểu tượng tinh thần của nước Pháp. Đại lộ Champ Elise - được mệnh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới - đầy những chiếc xe hơi bị lật ngược và đốt cháy rừng rực, các cửa hàng bị đập phá tan hoang. Cảnh sát phun vòi rồng, bắn đạn cao su và hơi cay, dùng dùi cui để chống lại hàng vạn người biểu tình mặc aó vàng. Họ xây "chiến lũy" bằng tất cả những gì có thể lấy được tại chỗ, ném gạch đá và hô to "Macron - demission" - tạm dịch là "Macron - từ chức". Họ đòi vị tổng thống đương nhiệm từ chức. Xem những cảnh "bạo loạn" ấy, nhiều người tự hỏi: Paris hoa lệ là đây sao? Nước Pháp văn minh, giàu có, phát triển bậc nhất là thế này sao?  Lịch sử hiện đại Việt Nam mang nhiều dấu ấn của Pháp. Từ cách đây hai trăm năm, những cha cố Pháp bắt đầu quan tâm tới Việt Nam. Họ muốn truyền bá đạo Gia-tô tới người Việt. Chính quyền phong kiến lúc đó và dân Việt phản ứng mạnh. Cha cố Pháp bị đàn áp, thậm chí bị xử tử. Đạo của chúa Giê-su bị gọi là "tà đạo". Các cha cố xin chính phủ Pháp mang quân đội sang "dọn đường" cho đạo Gia-tô vào Việt Nam. Năm 1858, tàu chiến Pháp bắn phá Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Đến cuối thế kỷ 19, sau khi đàn áp được nhiều cuộc phản kháng của dân bản địa, toàn bộ bán đảo Đông Dương trong đó có Việt Nam trở thành thuộc địa Pháp. Người Việt "dị ứng" với tất cả những gì họ cho là liên quan tới Pháp, tới "Tây", tới quân xâm lược. Nhà thơ Tú Xương thậm chí còn châm biếm việc học tiếng Pháp:

Thôi thôi, lạy mợ xanh-căng* lạy
Mả tổ tôi không táng bút chì

*Năm mươi (tiếng Pháp)

Hầu hết những gì Pháp làm ở Việt Nam khi đó là để phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa và thu lợi cho nước Pháp. Nhưng việc gì cũng có "tác dụng phụ" cả. Chính quyền thuộc địa buộc dân Việt học tiếng Pháp là để việc cai trị của họ dễ dàng hơn. Nhưng nhờ có tiếng Pháp, những người Việt trẻ ưu tú cũng tiếp cận được văn hóa, lịch sử, triết học, và đặc biệt là tinh thần Tự Do - Bình Đẳng - Bác Ái của Cách Mạng Pháp. Họ tự hỏi sao cái tinh thần ấy đẹp đẽ thế mà người Pháp ở đây lại tàn ác vậy? Một người trai trẻ ở Nghệ An vào năm 1911 đã xin làm phụ bếp trên một tàu buôn Pháp đậu ở bến Sài Gòn để được đi khắp thế giới và đến tận chính nước Pháp để tìm cho ra sự thật cho mình và con đường cho Việt Nam. Khi ở Pháp, anh tố cáo chế độ tàn bạo xấu xa của Pháp ở  Việt Nam với hy vọng dân Pháp và chính phủ Pháp sẽ để ý tới Việt Nam, và có thể, tình hình ở Việt Nam sẽ được cải thiện. Kết quả là cảnh sát Pháp cho anh vào "danh sách đen", vào diện cần phải theo dõi chặt chẽ. Năm 1919, khi bên thắng trận Thế Chiến 1 họp ở Pháp, anh gửi đến hội nghị một bản yêu cầu các quyền tự do dân chủ cho Việt Nam. Không có hồi âm nào cho yêu cầu đó cả, có lẽ bởi các cường quốc, trong đó có Pháp lúc đó chỉ quan tâm tới việc xử lý kẻ bại trận là nước Đức thế nào và chia chác quyền lợi giữa các nước thắng trận ra sao, hơn là để ý tới nguyện vọng của một nước châu Á nhỏ bé, xa xôi, chưa có tên trên bản đồ thế giới. Lúc đó, có lẽ chính quyền Pháp đã vô tình giúp người thanh niên ấy - lấy tên là Nguyễn Ái Quốc - hiểu ra một điều là khó có thể cầu xin tự do, nhất lại là từ kẻ đã cướp đi cái quyền đó của mình. Năm 1946, trước nguy cơ Pháp lại xâm lược Việt Nam một lần nữa, tước bỏ quyền độc lập mà người Việt đã giành lại được vào tháng 9-1945, Cụ Hồ, chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã sang Pháp với hy vọng đạt được một giải pháp nào đó vẫn giữ được độc lập mà lại tránh được chiến tranh đổ máu. Nhưng chẳng có đàm phán nào có thể làm cho nước Pháp thực dân từ bỏ ý định xâm lược Việt Nam một lần nữa. Chẳng bao lâu sau khi Cụ Hồ từ Pháp về, tàu hải quân Pháp nổ súng bắn phá Hải Phòng, giết chết hàng ngàn thường dân. Nước Pháp lại "giúp" cho người Việt khẳng định lại một điều không mới: Độc Lập Tự Do không phải là thứ có thể cầu xin ở kẻ xâm lược. Và người Việt đã chiến đấu cho đến khi quân đội Pháp phải hạ vũ khí và đầu hàng tại Điện Biên Phủ. Trở lại với nước Pháp của hôm nay, ta có thể học được vài điều khá quan trọng. Một nước phát triển, một xã hội phát triển không nhất thiết phải là một "thiên đường" nơi mà mọi người dân đều giàu có và hạnh phúc. Một nước như thế vẫn luôn có nhiều vấn đề, đôi khi là khá nghiêm trọng, như cuộc bạo loạn của những người áo vàng đang diễn ra ở nhiều nơi trên đất Pháp. Điều quan trọng là dân Pháp được biểu tình để thể hiện nguyện vọng của mình, đòi hỏi những điều họ cho là chính đáng. Chính quyền có thể can thiệp, nhưng chỉ là để ngăn chặn những hành động quá khích và cũng chỉ dùng tới vòi rồng nước và hơi cay. Người ta còn nhớ để chống lại cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989, chính quyền TQ đã dùng tới cả quân đội và xe tăng. Họ không ngần ngại bắn vào và thậm chí đè chết những sinh viên tay không. Khi có hàng vạn người dân phản đối, chính phủ Pháp vẫn không thể đàn áp, cấm dân biểu tình, cấm dân tụ tập đông người, chặn mạng xã hội để ngăn người kết nối với nhau để đi biểu tình hay cấm vào những khu vực nào đó trong thành phố, bởi đó là quyền của người dân và chính phủ phải tôn trọng theo quy định của Hiến Pháp và luật lệ. Chính phủ cũng đã buộc phải xem xét những đòi hỏi của nhân dân và bắt đầu có những điều chỉnh về những chính sách bị phản đối. Cuộc "đối đầu" giữa chính phủ Pháp và những người dân thường vẫn đang diễn ra và chưa biết sẽ kết thúc ra sao. Nhưng nó đã cho thấy cách mà một xã hội văn minh, dân chủ và phát triển hoạt động như thế nào, nhất là khi có mâu thuẫn giữa chính quyền và nhân dân. Đó là một bài học về dân chủ, bài nhập môn trình độ "vỡ lòng abc".  

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Điều gì đáng học từ người Hàn?

Mới xảy ra việc một cô giáo lớp 6 ở Quảng Bình phạt một học sinh trai vì tội "chửi bậy" bằng cách bắt cả lớp mấy chục em nhỏ tát vào mặt bé trai kia. Dĩ nhiên, cô giáo kia đã làm một việc phản giáo dục. Nhưng dư luận đặt câu hỏi tại sao cô giáo ấy lại làm thế? Có một bài viết khá sâu sắc của một tác giả nữ trẻ trên báo VNExpress chỉ ra nguyên nhân sâu xa của việc này - và nhiều việc khác nữa trong xã hội Việt Nam ngày nay, đó là sự sợ hãi. Ở phương tây, và ngay cả ở Nga nữa, khi dân không hài lòng điều gì thì họ thường nói ra, có khi ở trên mạng xã hội, trên truyền thông đại chúng, hay xuống đường biểu tình, như ở Paris đang có các cuộc biểu tình lớn phản đối việc tăng giá xăng dầu. Ở đây dân cũng có nhiều điều muốn nói ra. Nhưng họ im lặng. Họ chưa quen phát biểu chính kiến của mình. Họ ngại, thậm chí là sợ. Một nỗi sợ vu vơ truyền kiếp lâu đời. Trong khoảng một ngàn năm Bắc thuộc, dân Việt chịu sự cai trị trực tiếp của những quan lại từ Trung Hoa tới. Đó là một lối quản lý nhà nước dựa trên luật lệ hà khắc, đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối và sự không tuân thủ sẽ bị trừng phạt nặng nề. Vua chúa sống xa hoa trong lâu đài, cung cấm, tách biệt hẳn với dân. Quan có việc cần tiếp xúc với vua thì phải quỳ lạy. Không được nhìn thẳng vào mặt vua. Nếu nhìn thì có thể bị coi là "phạm thượng" và bị phạt nặng. Xong việc không được quay đầu đi ra, mà phải đi giật lùi. Đạo lý của Khổng Tử vốn là tốt đẹp, dần dần bị kẻ thống trị lợi dụng, biến thành những sợi dây vô hình trói buộc dân để họ dễ bề thao túng . Dân chỉ còn biết cam chịu tủi nhục để được yên thân. Khi người Việt giành được độc lập thì họ cũng kế thừa luôn cái lối quản lý nhà nước ấy. Vả lại, khi đó thì cũng chưa có lựa chọn nào khác. Người dân chấp nhận sống như thế trong nhiều thế kỷ. Vua chúa coi họ là "thảo dân" - tạm dịch là "cỏ rác" - đại ý là có thể bị chà đạp mà không thể phản ứng lại. Vua quan và dân cứ suy nghĩ và hành động như thế hết đời này sang đời khác thì dần dần cái đó đi vào tiềm thức, vào "gen", tự động truyền từ ông cha sang con cháu. Giữa thế kỷ 19, người Pháp dùng vũ lực chiếm đoạt và biến Việt Nam thành thuộc địa để khai thác tài nguyên và nhân công rẻ mạt phục vụ cho chính quốc. Với cách thức và mục đích như thế, hiển nhiên là họ gặp phải sự kháng cự của người bản xứ. Để tiêu diệt sự kháng cự đó, người Pháp lập ra một bộ máy cai trị và đàn áp gồm quan chức người Pháp nắm các vị trí chủ chốt và một đội ngũ ngưởi bản xứ cấp dưới để thi hành các mệnh lệnh. Vì thế nên dân Việt vẫn là kẻ bị trị, bị coi là dân da vàng nghèo nàn lạc hậu, chỉ đáng làm nô lệ cho người Pháp. Nếu phản kháng nhẹ thì bì tù đày khổ sai ở nơi xa xôi hẻo lánh như Lai Châu, Côn Đảo, còn nặng thì bị chặt đầu bằng những chiếc máy chém mang từ Pháp sang. Cái mới đáng kể mà người Pháp mang sang là những nhà hát opera, công sở, biệt thự kiểu Pháp, cầu Long Biên, đường xe lửa. Những nỗi sợ truyền kiếp của dân Việt thì vẫn còn đó. Năm 1940, nước Pháp sụp đổ trước cuộc tấn công của Đức Quốc Xã. Ở Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp cũng đầu hàng quân đội Nhật. Hai tròng áp bức đã dẫn đến nạn đói khủng khiếp làm khoảng 2 triệu người chết ở Bắc Việt Nam. Năm 1945, nước Nhật phát-xít thua trận và đầu hàng quân đồng minh. Tranh thủ bối cảnh ấy, cụ Hồ và phong trào Việt Minh tuyên bố độc lập vào ngày 2-9-1945. Bản tuyên ngôn độc lập do cụ Hồ viết và đọc có trích dẫn bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách Mạng Pháp năm 1791, đặt tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong thư gửi Tổng Thống Mỹ Truman tháng 2/1946, cụ Hồ đề nghị Mỹ, với tư cách là nước bảo vệ tự do và công lý trên thế giới ủng hộ độc lập của Việt Nam và mong muốn hợp tác toàn diện với Mỹ. Những điều này chỉ ra rằng cụ Hồ có ý định xây dựng một nước Việt Nam theo hướng tự do và dân chủ. Mỹ đã không trả lời thư của cụ Hồ, có lẽ vì họ còn quá bận rộn với việc xử lý Châu Âu và Nhật bản, hỗn loạn và tan hoang sau sau chiến tranh, ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô hùng mạnh vừa đánh bại cả Đức Quốc Xã lẫn Nhật Bản, hơn là quan tâm đến một đất nước nhỏ bé, xa xôi, thậm chí còn chưa có tên trên bản đồ thế giới. Trong khi đó, vừa mới thoát khỏi ách chiếm đóng của Đức Quốc Xã, Pháp đã vội vã huy động quân viễn chinh để chiếm lại Việt Nam. Tưởng có thể "nuốt chửng" Việt Nam một cách nhanh chóng, Pháp không ngờ gặp phải sự kháng cự quyết liệt của hàng triệu người với quyết tâm không chịu mất nước và làm nô lệ cho Pháp một lần nữa. Nuốt không trôi, với một kinh tế ốm yếu mới thoát khỏi chiến tranh, Pháp đành quay sang cầu cứu sự hỗ trợ quân sự của Mỹ, với lý do là cần ngăn chặn sự bành trướng của phe cộng sản ở Đông Nam Á. Điều này thuyết phục được Mỹ bởi Mỹ đã nhận thấy sự hình thành một loạt các nước Đông Âu đi theo Liên Xô. Thế là thay vì ủng hộ cụ Hồ, Mỹ quyết định ủng hộ Pháp chiếm lại Việt Nam. Trước tình thế gay go đó, cụ Hồ buộc phải kêu gọi sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc. Năm 1954, quân Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ,  một việc chưa từng có trong quan hệ giữa các cường quốc phương Tây với các nước nhược tiểu. Từ đó, thế giới mới bắt đầu để ý đến Việt Nam. Hội nghị Giơ-ne-vơ sau đó để xử lý vấn đề Việt Nam có sự tham gia của các cường quốc chủ yếu như Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp. Theo hiệp định, Việt Nam bị tạm thời chia làm 2 miền với kế hoạch là sẽ bầu cử trong vòng 2 năm để thành lập chính phủ mới và thống nhất đất nước. Lo lắng trước viễn cảnh một Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của cụ Hồ và sẽ ngả theo phe Trung Quốc và Liên Xô, nước Mỹ bắt đầu can thiệp trực tiếp để ngăn cản quá trình đó. Họ dựng lên một chính phủ ở Sài Gòn và bắt đầu ồ ạt viện trợ kinh tế và quân sự với ý đồ như ô. Diệm tuyên bố là sẽ "lấp sông Bến Hải, Bắc tiến" để nắm được cả nước, từ đó ngăn chặn được sự mở rộng của "làn sóng Đỏ". Nước VNDCCH của cụ Hồ còn quá non trẻ, lại kiệt quệ vì vừa ra khỏi cuộc chiến tranh 9 năm chống Pháp, vì thế không còn con đường nào khác là phải dựa vào hai nước lớn là Trung Quốc và Liên Xô để giữ vững và thống nhất lại được quốc gia đã được thành lập vào năm 1945. Cứ thế, Việt Nam dần dần bị cuốn vào cuộc chiến tranh lạnh của các cường quốc. VNDCCH gọi tắt là Miền Bắc dựng nước với hai bàn tay trắng. Bởi cánh cửa sang Mỹ và phương tây đã bị đóng lại, Miền Bắc buộc phải dựa vào LX và TQ để học hỏi từ hệ thống chính trị, mô hình nhà nước cho đến quản lý kinh tế. Sự tin tưởng vào các nước "anh em" như LX và TQ có phần hồ hởi và ngây thơ, bởi lúc đó chưa có ai có hiểu biết gì đáng kể về thực tế XHCN. Tất cả chỉ là niềm tin, như là niềm tin tôn giáo vậy. Khi nhà độc tài Stalin chết, nhà thơ Tố Hữu đã khóc thương thế này:

Ông Stalin ơi! Ông Stalin ơi!
Hỡi ông mất, đất trời có không?

Nhiều người Bắc cảm thấy gần gũi với Lê Nin:

Ông Lê Nin ở nước Nga
Mà em vẫn thấy rất là Việt Nam

Tố Hữu đã dành cho TQ một sự ngưỡng mộ:

Chào Trung Quốc giang sơn hùng vĩ
Quê Hồng Quân vạn lý trường chinh

Với niềm tin tốt đẹp như thế, Miền Bắc đã chấp nhận hệ thống chính trị mà LX và TQ đã xây dựng. Đó là dictatura proletariata , một thuật ngữ tiếng Nga mà các tài liệu chính thống của Miền Bắc dịch là chuyên chính vô sản. Có lẽ chính xác hơn thì phải dịch là độc tài vô sản. Theo chính sách này, Lê Nin, rồi Stalin, Mao Trạch Đông đã dùng bạo lực để loại bỏ tất cả những ai, những gì bị cho là liên quan tới tư bản, địa chủ, tư hữu, bóc lột, chống đối chế độ. Dân Liên Xô thời Stalin, dân TQ thời Mao sống trong một nỗi sợ thường trực là có thể bị quy kết là tư sản, địa chủ, phản động. Cả về phương diện này, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.Thế là nỗi sợ của người dân lại tiếp tục. Và cứ như thế cho đến tận hôm nay. Những con người sợ hãi có thể là những công cụ tốt để thực hiện ý định của nhà cầm quyền, ít nhất là trong một giai đoạn và hoàn cảnh nào đó. Nhưng họ sẽ không phù hợp cho một xã hội phát triển và văn minh, nơi mà tự do và sáng tạo là động lực quyết định. Gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc có vẻ tốt lên. Người Việt, nhất là các bạn trẻ, thích K-Pop, mốt, phim tình cảm Hàn và thích bắt chước theo. Nhưng có lẽ ít người tìm hiểu lịch sử Hàn. Trong nhiều thế kỷ, cũng như Việt Nam, bán đảo Triều Tiên là một xã hội phong kiến chịu ảnh hưởng nhiều của Trung Hoa. Đầu thế kỷ 20, Triều Tiên cũng chịu sự đô hộ hà khắc của đế quốc Nhật. Sau Thế Chiến 2, tương tự như Việt Nam, hai nhà nước được hình thành - Bắc và Nam Triều Tiên. Năm 1953, khi chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên kết thúc, Nam Triều Tiên, nay gọi là Hàn Quốc chỉ còn là một đống đổ nát. Trẻ con đi học phải ngồi xuống đất ở ngoài trời, tập viết thì lấy que mà viết xuống đất. Năm 1975, khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Nam Việt Nam, ít nhất là Sài Gòn thì đã khá phát triển. Bắc Việt Nam còn nghèo, nhưng lớp học ở những vùng nghèo nhất cũng còn có "nhà tranh, vách đất", có bàn ghế. Từ điểm xuất phát đó, trong vòng hai chục năm, HQ đã trở thành một cường quốc về đóng tàu. Cũng trong khoảng thời gian đó, chính trị và kinh tế Hàn nằm dưới sự lãnh đạo của những chính khách độc tài vô cùng hà khắc và sự độc quyền của những công ty lớn có mối liên hệ gần gũi với họ. Nhưng dân Hàn nhận ra rằng sự độc tài chính trị và độc quyền kinh tế đó sẽ kìm hãm và ngăn cản mục tiêu tiến lên văn minh và hiện đại của đất nước. Dân Hàn, nhất là thế hệ trẻ đã tranh đấu quyết liệt và không sợ hãi cho mục tiêu đó. Từ gần như con số 0 sau chiến tranh, chỉ trong khoảng hơn ba chục năm, Hàn Quốc đã trở thành một nước văn minh phát triển cao toàn diện. K-pop hay phim Hàn thì cũng tốt thôi. Song vượt qua nỗi sợ hãi truyền kiếp của bản thân có lẽ là điều mà người Việt đáng học hỏi hơn cả từ người Hàn. 

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

Có thể lại một lần nữa?


Nhiều người Việt lớn tuổi, nhất là những người đã từng học tập hay làm việc ở Liên Bang Xô Viết, gọi tắt là Liên Xô, vẫn còn giữ một tình cảm tốt đẹp với LX, với nước Nga. Nhưng đó là một đất nước khác xa với nước Nga bây giờ. Những năm 90 sau khi LX sụp đổ, nước Nga rơi vào một giai đoạn hỗn loạn. Chính sách tư nhân hóa ồ ạt khi đó đã làm thất thoát những tài sản khổng lồ mà LX có được nhờ thiên nhiên ưu đãi, nhờ lao động cần cù và hy sinh xương máu của bao thế hệ người LX. Những chính trị gia tham nhũng bắt tay với đám doanh nhân tội phạm vơ vét vô tội vạ của cải của đất nước, phá tan cơ cấu kinh tế cũ, sản xuất đình đốn, kinh tế sụt giảm, thất nghiệp trầm trọng, lạm phát phi mã, những khoản tiết kiệm cả đời cho tuổi già tan biến, tội phạm hoành hành, đời sống của hàng triệu người đi vào chỗ khốn cùng. Lúc đó Putin xuất hiện và với "bàn tay sắt" của mình lập lại được trật tự ở nước Nga. Kinh tế và xã hội cũng dần ổn định. Nhờ chính sách kinh tế thận trọng hơn, trấn áp được sự lũng đoạn của các đại gia tội phạm, tận dụng nguồn nhân lực tốt, trình độ khoa học kỹ thuật cao, cơ sơ hạ tầng sẵn có và nhờ giá dầu lúc đó tăng, nước Nga đi vào phục hồi và phát triển. Kinh tế tăng trưởng, đời sống của đông đảo nhân dân cải thiện rõ rệt. Năm 2014, nhân lúc tình hình Ucraina rối ren, một cuộc trưng cầu dân ý - được cho là có sự hậu thuẫn mạnh của Nga - được tổ chức ở bán đảo Crimea và kết quả là vùng này được sáp nhập vào Nga. Những việc này làm cho uy tín của Putin lên cao và kết quả là Putin và đảng của ông ta nắm quyền lãnh đạo nước Nga liên tục suốt gần hai chục năm qua, cho đến tận bây giờ.  Nhưng không phải mọi chuyện đều êm đẹp. Vừa rồi một cô "gái gọi" thuộc một công ty người mẫu Nga sau khi đi "phục vụ" một nhóm khách VIP có viết một cuốn sách nhỏ kể về cách "quyến rũ và chinh phục" tỷ phú, có lẽ chỉ nhằm khuếch trương bản thân cô ta. Nhưng cuốn sách vô tình lộ ra vài chi tiết gây được sự chú ý của Navalny, một chính trị gia đối lập nổi tiếng ở Nga về chống tham nhũng. Dựa vào những chi tiết đó, nhóm điều tra của Navalny phát hiện ra rằng nơi cô gái đến là Na uy, trên một du thuyền sang trọng thuộc sở hữu của một tỷ phú Nga nổi tiếng. Vị khách VIP mà ông ta tiếp đãi trên con tàu của mình là một trong các "cận thần" thân tín nhất của TT Nga đương nhiệm. Navalny đã mang quyển sách và câu chuyện đó lên kênh truyền hình của mình. Câu chuyện rất nhanh chóng lan truyền đến hàng triệu người xem. Vị tỷ phú kia kiện cô gái ra tòa án Nga về tội vi phạm quyền riêng tư của người khác. Cô bị bắt khi đang ở Thái Lan vì vi một điều luật gì đó của Thái. Tiếp theo thì không rõ số phận của cô ra sao. Câu chuyện là một minh họa cho cơ cấu quyền lực ở nước Nga ngày nay. Phương Tây có đưa ra một tài liệu mà họ gọi là "bản danh sách của Putin". Đó là danh sách mấy chục tỷ phủ có quan hệ gần gũi với TT Nga, trong đó có cả vị đại gia bí ẩn trong câu chuyện của cô gái trên. Tổng tài sản của các vị này lên tới vài trăm tỷ đô-la mà theo đánh giá của Forbes chiếm tới khoảng 35% tài sản của toàn bộ 144 triệu dân Nga cộng lại. Cũng theo Forbes, Mạc Tư Khoa được coi là "thủ đô của các tỷ phú". Họ làm gì mà có tài sản lớn như vậy? Theo mô tả ở bản "danh sách", họ là chủ những công ty lớn nhất ở Nga như dầu mỏ, khí đốt, kim loại quý như nikel, sắt thép, phân bón, v.v. Đó vốn là những tài sản công bị "tư nhân hóa" - chính xác hơn là bị chiếm đoạt trong thời kỳ hỗn loạn sau khi LX sụp đổ. Các ông chủ mới của nước Nga - những oligarkh  gọi theo tiếng Nga, tạm dịch là "đại gia" (hay là "tư bản lũng đoạn" theo cách gọi chính thức ở Việt Nam trước đây) và nhóm quan chức chóp bu - chuyển những khoản tiền khổng lồ họ chiếm được thành những "biệt phủ" rộng mênh mông ở nước Nga, những lâu đài cổ, du thuyền siêu sang ở nước ngoài. Đó mới là phần nổi. Còn phần chìm của tảng băng như những khoản tiền gửi ở các ngân hàng và đầu tư ở nước ngoài thì không ai biết là bao nhiêu cả. Đó là một sự "chảy máu vốn" rất lớn. Người Việt xưa có câu "Thượng bất chính, hạ tắc loạn" - có thể hiểu nôm na là khi những người cầm quyền, những người lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo các doanh nghiệp mà không tuân thủ pháp luật và đạo đức thì dân chúng cũng sẽ coi thường pháp luật và đạo đức, xã hội sẽ rối loạn. Điều này thể hiện rõ ngay trong cuộc sống hàng ngày khắp nơi ở nước Nga. Bất cứ việc gì liên quan tới nhân viên nhà nước các cấp, muốn họ bỏ qua những vi phạm của mình thì "đút tiền" là xong. Thậm chi chỉ yêu cầu họ làm việc gì trong phạm vi nhiệm vụ của họ thì cũng phải đưa vsiatki, nghĩa là đưa phong bì, đưa tiền hối lộ. Việc càng lớn thì tiền hối lộ phải càng lớn. Một bộ máy điều hành đất nước dựa trên những quan chức tham nhũng, một nền kinh tế dựa vào những đại gia tham nhũng, một cơ cấu quyền lực dựa vào sự câu kết của những người như thế thì khó mà che dấu và bưng bít mãi được, khó mà có được sự tin tưởng và ủng hộ lâu dài của đại đa số nhân dân Nga. Ngày 7-11 vừa rồi tại Quảng Trường Đỏ cũng có một sự kiện chính thức, nhưng không phải là để kỷ niệm Cách Mạng Tháng 10, mà là để diễn tả lại cuộc diễu binh ngày 7/11/1941. Trong buổi diễu hành hôm đó, không có lá cờ, biểu ngữ hay một lời nào trong diễn văn của vị thị trưởng Mạc Tư Khoa, người chủ trì buổi lễ, nhắc tới Cách Mạng Tháng Mười, tới Lenin cả. Có thể hiểu rằng chính quyền hiện tại của nước Nga muốn người ta quên dần đi ngày 7/11/1917 và sự kiện gắn với ngày đó là cuộc Cách Mạng Tháng Mười dưới sự lãnh đạo của Lenin. Nhưng nhân dân thì vẫn không quên. Cũng trong ngày hôm ấy, cũng tại Mạc Tư Khoa, một cuộc tuần hành khá lớn khác đã diễn ra tại một khu vực khác của thành phố. Cuộc tuần hành này khá giống những những cuộc tuần hành ngày 7/11 những năm trước 1991, với nhiều cờ đỏ búa liềm, chân dung Lenin, những biểu ngữ về Cách Mạng Tháng 10 Nga, những khúc quân nhạc và bài hát quen thuộc thời kỳ Xô-viết. Người ta thấy rõ nhiều biểu ngữ lớn mang dòng chữ "Tháng Mười Mới sẽ đến". Người tham gia tuần hành đa phần là những người lớn tuổi, những người mà cuộc đời đã từng gắn bó với đất nước và xã hội Xô-viết. Họ vẫn còn nhớ một "thời thanh niên sôi nổi", khi mà con người sống với một lý tưởng cao đẹp vì đất nước, vì mọi người. Họ vẫn thấy nuối tiếc xã hội Xô-viết trong sạch lành mạnh, nơi không có cái kiểu những đại gia giàu sụ và quan chức tham nhũng bòn rút của cải của đất nước, sống xa hoa phè phỡn trong khi đất nước vẫn đầy rẫy người nghèo khổ, vô gia cư, thất nghiệp, nghiện hút, đĩ điếm và trẻ lang thang. Người ta thấy có nhiều bạn trẻ cũng tham gia đoàn tuần hành. Ở đâu và bao giờ cũng vẫn luôn có những người trẻ tuổi có xu hướng "nổi loạn" chống lại những bất công xã hội. Nhưng bất công như thế mà không được xử lý tận gốc rễ của vấn đề thì sẽ tích tụ lại và lớn dần lên. Đến một mức nào đó, nó sẽ phá vỡ cái cơ chế chính trị, kinh tế, xã hội đã tạo ra nó. Và có thể lại một lần nữa nước Nga lại trở thành ngọn cờ cách mạng của loài người. 

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

Bánh Mỳ


Nhiều người, nhất là những người lớn tuổi đều còn nhớ ngày 7/11/1917. Đó là ngày kỷ niệm cuộc Cách Mạng tháng Mười Nga. Trong hàng chục năm, cho tới năm 1991, đó từng là ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở nước Nga và tất cả các nước trong Liên Bang Xô Viết như Ucraina, Belarus, Kazakstan, v.v. Tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mạc Tư Khoa luôn diễn ra một lễ diễu binh của những đoàn quân oai hùng và các loại vũ khí hạng nặng trong tiếng nhạc của những hành khúc bất hủ, với những lá cờ đã từng theo bước Hồng Quân trong các trận chiến khốc liệt chống lại cuộc xâm lăng của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến 2. Tiếp theo luôn là cuộc tuần hành của đông đảo nhân dân với cờ đỏ búa liềm, hoa cẩm chướng đỏ và chân dung vị lãnh tụ của Cách Mạng là Lenin. Lá cờ đỏ có hình búa liềm là biểu tượng của Liên Bang Xô-Viết hùng cường, đầy tự hào trong hơn bảy chục năm. Nhiều người đã quá quen với biểu tượng đó đến mức khi không có nó, người ta cảm thấy thiếu đi một hình ảnh thân thuộc. Nhưng nhiều người Nga, nhất là những người đã ở tuổi trưởng thành trong giai đoạn "đổi mới" - tiếng Nga gọi là Perestroika - thời kỳ 1985-91 đều còn nhớ rõ một Liên Bang Xô-Viết, một nước Nga hoàn toàn khác. Trong thời kỳ đó, Liên Bang Xô-Viết gặp phải những khó khăn to lớn, đặc biệt là về mặt kinh tế. Khắp nơi, người ta thấy những dòng người xếp hàng dài chỉ để mua những nhu yếu phẩm hàng ngày như bánh mỳ, sữa, xà-phòng, giấy vệ sinh. Thời đó có một câu truyện cười về một dòng người dài dằng dặc chờ mua rượu vodka. Sau khi chờ nhiều giờ, những người xếp hàng được cửa hàng thông báo là tạm thời hết hàng và đề nghị họ chờ thêm. Một số người quá bực tức quyết định đã đến lúc phải giải quyết gốc rễ của vấn đề thiếu thốn mọi thứ của đời sống xô-viết. Họ quyết định đi thẳng tới điện Kremli để "xử lý" những người đứng đầu ở đó. Những người thiếu can đảm hơn thì ở lại tiếp tục chờ rượu về. Một lát sau, khi những "nhà cách mạng mới" quay về cửa hàng vodka, những người vẫn xếp hàng hỏi họ đã "giải quyết" xong vụ Kremli chưa. Và câu trả lời là: ở đó người ta xếp hàng còn đông hơn ở đây nhiều! Truyện cười nào cũng chứa đựng một phần sự thật. Mẩu truyện cười kia té ra lại là một lời tiên đoán về số phận của chính quyền xô-viết. Năm 1917, khẩu hiệu "Bánh Mỳ, Ruộng Đất, Hòa Bình" đã giúp những người cộng sản bôn-se-vich giành được sự ủng hộ của đông đảo dân Nga và giúp họ giành được chính quyền. Hơn bảy chục năm sau, cũng chính vấn đề "bánh mỳ" đã làm mất lòng tin của hàng triệu dân Nga vào chính quyền của họ. Tại sao Liên Bang Xô-Viết hùng mạnh là thế mà lại sụp đổ là một đề tài lớn, phức tạp, nhiều nhà nghiên cứu đã tốn không ít công sức và giấy mực trong hàng chục năm qua mà vẫn chưa thể đồng ý với nhau. Có một sự kiện lịch sử là vào một buổi tối tháng 12-1991, khi người ta chính thức "khai tử" Liên Bang Xô-Viết bằng cách buộc Ô. Gorbachev, Tổng Thống Liên Bang Xô-Viết từ chức và cho hạ lá cờ đỏ búa liềm khỏi cột cờ trên nóc Cung Đại Hội trong khu điện Kremli, không có một ai tới để bảo vệ lá cờ đó. Thế mà 20 triệu người Nga và các dân tộc khác trong Liên Bang Xô-Viết đã hy sinh trong Thế Chiến 2 để bảo vệ nước Nga, bảo vệ chính quyền xô-viết, bảo vệ lá cờ đó. Cách đây gần sáu thế kỷ, mở đầu bản thiên cổ hùng văn Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Có thể hiểu nôm na rằng việc cốt yếu nhất của mọi chính sách của nhà cầm quyền là phải làm sao để cho đại đa số người dân được yên ổn làm ăn sinh sống. Không làm được như thế thì khó có chủ nghĩa hay chính thể nào tồn tại được mãi. Người ta chỉ tin vào cái bánh thật - hay nồi cơm cũng thế - ăn được và no bụng mà ít ai ngu dại đi tin vào các loại "bánh vẽ".

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Cái kết khó đoán

Khi người dân đang yên ổn làm ăn sinh sống ở quê hương đất nước mình thì ít người tự nhiên lại bỏ đi nơi khác.  Ấy thế mà trong những ngày này, hàng ngàn người Honduras, một nước nhỏ vùng Trung Mỹ, lại bỏ nhà cửa, quê hương đất nước và người thân để ra đi. Họ tập hợp nhau thành một đoàn người khổng lồ, ước tính ban đầu khoảng 7.000 người và càng di chuyển càng tăng thêm vì nhiều người từ các quốc gia dọc đường cũng đi theo. Họ không di chuyển như ta thường làm khi đi quãng đường xa hàng ngàn km: đi xe hơi, xe lửa hay máy bay. Họ đi bộ! Và đây mới là điều làm chính quyền Mỹ đau đầu: Họ muốn vào Nước Mỹ! Nhìn từ trên cao, đoàn người giống như một đàn kiến khổng lồ từ từ di chuyển. Cần ngủ nghỉ thì họ nằm ngay ven đường. Ăn thì gặp gì có gì ăn nấy. Có nơi dân địa phương cho đồ ăn. Ai cho đi nhờ tàu xe thì họ đi nhờ, còn không thì cứ đi bộ, dưới trời mưa tầm tã hay nóng bức thiêu đốt miền nhiệt đới. Gặp sông thì họ nắm tay nhau, dùng bất cứ cái gì có thể làm phao mà lội qua. Có những ý kiến khác nhau về lý do tại sao lại sinh ra đoàn di cư lớn này. Một số người, kể cả trong chính quyền Mỹ thì cho rằng đây là một cuộc "xâm lược kiểu mới" nhằm vào nước Mỹ, một âm mưu được khuyến khích và tài trợ bởi các nhóm chính trị cực tả chống Mỹ, thậm chí là sự "trả đũa" của chính quyền Venezuela vì Mỹ chống phá họ. Nhưng đa phần, gồm một số nhà báo xâm nhập vào đoàn người, đi cùng với họ thì hiểu rằng nguyên nhân chính là tình trạng tuyệt vọng ở quê nhà họ do chính sách tồi tệ của chính phủ, thất nghiệp, đói nghèo, thiên tai và sự hoành hành của các băng đảng tội phạm. Dù lý do là gì đi nữa thì vấn đề khó là nước Mỹ sẽ làm gì để đối phó với tình hình khẩn cấp này này? Tổng thống Mỹ dường như đã ra lệnh cho quân đội đưa 14 ngàn binh sỹ tới biên giới phía nam để ngăn chặn đoàn người. Trong khi bức tường lớn ở biên giới theo ý đồ của TT Mỹ vẫn còn là trên giấy, việc ngăn chặn một đoàn người tới cả vạn người đang quyết tâm vượt qua biên giới gần như là một "nhiệm vụ bất khả thi". Bắn vào những người di cư gồm cả phụ nữ trẻ em ư? Chỉ có các chế độ tàn bạo như Đức Quốc Xã thì mới dám làm như vậy. Mở cửa biên giới mà cho họ vào như bà Merkel đã làm với cả triệu người tỵ nạn Syria ư ? Không thể, bởi như thế sẽ khuyến khích những dòng người tỵ nạn mới từ khắp châu Mỹ La-tinh nghèo khổ tiếp tục tới Mỹ. Lập ra những trại tỵ nạn dọc biên giới ư? Có lẽ đây sẽ là giải pháp tạm thời khả dĩ hơn cả. Nhưng đó sẽ là những ung nhọt nhức nhối mà nước Mỹ sẽ không thể chịu đựng được lâu. Nhớ lại những năm sau 1975, hàng triệu người Việt Nam cũng đã từng ra đi trong những điều kiện còn khó khăn nguy hiểm gấp bội. Họ vượt biển bằng những tàu thuyền thô sơ, đối mặt với cạn kiệt nhiên liệu, lương thực, nước uống, bệnh tật, thời tiết biển xấu gây chìm tàu, cướp biển rình rập khắp nơi để cướp bóc hãm hiếp, cuộc sống khốn khổ nhiều năm trong những trại tỵ nạn. Nhưng ít nhất, dân "boat people" từ Việt Nam lúc đó - tạm dịch là "thuyền nhân" nghĩa là những người tỵ nạn đi bằng tàu thuyền còn có hy vọng sẽ được xem xét tiếp nhận vì họ được coi là tỵ nạn chiến tranh. Còn đoàn người Honduras hầu như có rất ít hy vọng được Mỹ tiếp nhận. Khó mà biết cuộc khủng hoảng di dân này cuối cùng sẽ kết thúc như thế nào. 

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Xe hơi và sự thay đổi


Nói đến ô-tô Đức, bạn sẽ nghĩ ngay đến BMW, Audi hay Mercedes, những chiếc xe hơi nổi tiếng là tốt, đẹp và cũng khá đắt nữa? Đúng. Nhưng đó chưa là tất cả câu chuyện về ô-tô Đức. Trong mấy chục năm, hàng triệu người Đức đã từng đi một chiếc xe có tên là Trabant. Đó là một loại xe nhỏ, hai cửa, dùng động cơ 2 kỳ, làm mát bằng không khí. Cái động cơ này tương tự như ở chiếc xe máy Simson, cũng do người Đức chế tạo, từng một thời "làm mưa làm gió" ở Việt Nam. Nhưng đó là một nước Đức khác, có tên chính thức là Cộng hòa Dân chủ Đức, gọi tắt là Đông Đức, một quốc gia tồn tại được bốn chục năm trước khi biến mất vào năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ. Khi đổ xăng cho xe Trabant, người ta phải pha lẫn vào xăng một ít dầu nhờn - người miền nam gọi là "nhớt". Xe Trabant không có tiện nghi gì cả ngoài một chiếc đồng hồ báo tốc độ. Cái cần chuyển số khá là phiền phức và dễ gây nhầm lẫn bởi không rõ phải gạt về phía nào để vào số gì. Nếu muốn gạt mưa ở kính trước, bạn sẽ phải kéo một chiếc núm ra, sau đó lại ấn vào, và cứ tiếp tục kéo ra - ấn vào như vậy. Vì chạy bằng xăng pha dầu nên xe thường phun khói mù mịt, giống như mọi loại xe máy dùng động cơ 2 kỳ. Cửa xe đóng không kín và thiếu cách âm nên người trên xe tha hồ mà hít khói và nghe tiếng động cơ 2 thì rú rít và tiếng lọc cọc ầm ỹ phát ra từ gầm xe và các bộ phận khác do chế tạo thiếu chính xác và thiếu bảo dưỡng định kỳ. Ấy vậy mà Trabant đã từng là ước mơ của nhiều thế hệ người Đông Đức. Đơn giản là vì họ không có lựa chọn nào khác. Liên Xô vốn là một cường quốc công nghiệp. Nhưng họ lại quá chú trọng vào sản xuất xe tăng, có những chiếc xe tăng tốt nhất thế giới, mà lại ít chú ý vào việc sản xuất xe hơi cho nhân dân. Kết quả là số xe hơi sản xuất ra đã kém về chất lượng lại còn quá ít so với nhu cầu của dân chúng. Có câu chuyện - có lẽ là chuyện cười - kể về một người đàn ông Xô-Viết sau nhiều năm làm việc tích lũy đủ tiền thì quyết định mua ô-tô. Sau khi làm đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu của cửa hàng ô-tô của nhà nước và thanh toán đủ tiền, người đàn ông hỏi:

- Bao giờ thì tôi được nhận xe?
- Năm năm nữa thì đồng chí quay lại đây nhận xe.
- Được rồi. Đúng 5 năm nữa tôi sẽ quay lại. Đồng chí cho tôi hỏi thêm là buổi sáng hay buổi chiều ạ?
- 5 năm nữa thì sáng hay chiều có khác gì nhau?
- Có khác đấy ạ. Vấn đề là buổi sáng thì tôi phải ở nhà để chờ thợ sửa chữa đường ống nước. Công ty cấp thoát nước của chính quyền xô-viết cũng vừa hẹn tôi đúng 5 năm nữa họ sẽ cho thợ đến xem!

Việt Nam - trừ thành thị ở Miền Nam trước năm 1975 - là một đất nước hầu như không có xe hơi. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp. Thỉnh thoảng mới thấy một vài chiếc ô-tô chạy trên đường và cũng chỉ có vài loại. Tất cả đều là xe của cơ quan nhà nước hay đơn vị quân đội. Tất cả đều do lái xe chuyên nghiệp lái. Tất cả đều là đi công tác. Không ai có xe riêng. Không ai biết lái xe cả. Nếu là UAZ - loại xe quân sự nhỏ do Liên Xô chế tạo, tương tự như xe Jeep của Mỹ - thì đó là xe dùng chung cho cán bộ của chính phủ hoặc quân đội. Nếu là xe Moscovit - một loại sedan nhỏ - thì ở trong sẽ là một vị thứ trưởng. Còn nếu là Volga - một loại sedan lớn hơn - thì đó là một vị bộ trưởng. Có ai đó đã làm câu thơ "nhại" thơ của Tố Hữu, một nhà thơ cách mạng nổi tiếng ở Việt Nam hồi đó như sau:

Bầm ơi có rét không bầm
Volga con phóng gà hầm con xơi!

Xe Volga thời đó là đỉnh cao của sự sang trọng, có lẽ còn "oách" hơn cả Mercedes loại sang bây giờ. Ấy vậy mà nó chẳng có tiện nghi gì cả. Vào mùa hè, khi trời nóng bức tới hơn 40 độ C, ta có thể thấy một vị bộ trưởng béo tốt trắng trẻo - rất dễ nhận ra bởi dân thường ai cũng gầy gò vì thiếu ăn và đen đủi vì thường xuyên phải đạp xe dưới trời nắng - oai vệ từ trong xe bước ra, áo đẫm mồ hôi vì xe không có điều hòa. Cái xe này cũng chẳng kín hơn cái Trabant là bao nhiêu nên trong xe thường có mùi xăng thoát ra từ những bộ phận không kín khít của động cơ. Ai vừa đi xe ô-tô thì biết ngay bởi quần áo đầu tóc toàn mùi xăng dầu. Ô-tô chỉ là một trong vô vàn thiếu thốn hàng tiêu dùng cho cuộc sống hàng ngày ở Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, TQ, Việt Nam, v.v, những xã hội từng bác bỏ kinh tế thị trường thời đó. Dù theo tư tưởng gì đi nữa thì cuối cùng, ai cũng thích đi một chiếc xe hơi tốt, được ăn no và ngon, ở nhà có tiện nghi và toilet sạch sẽ. Khi hàng triệu người đều muốn một điều gì đó mà họ thấy rõ là tốt hơn, dù là chiếc xe hơi hay một cấu trúc xã hội thì sớm hay muộn, sẽ phải có thay đổi. Đó là điều tất yếu.     

Một Con Người Vĩ Đại


Phần lớn chúng ta sống cả đời mà không thực sự hiểu một điều cơ bản: Cuối cùng thì ta sống để làm gì và như thế nào? Ta cứ đuổi theo hết cái này đến cái khác mà rút cục vẫn chỉ là quyền lực, danh vọng, tiền bạc, khoái lạc, những thứ dù có thế mang lại một chút phấn khích mà ta cứ ngỡ là hạnh phúc, mà thực ra chỉ là những ảo ảnh trên sa mạc, những đám mây huyền ảo trên bầu trời, đến rồi lại đi, chỉ để lại cho ta bất toại nguyện, buồn bã và trống rỗng. Thầy Thích Nhất Hạnh theo Đạo Phật từ khi mới 16 tuổi. Có lẽ ở những kiếp trước Người đã tu hành rồi nên ở kiếp này mới ngộ đạo sớm như vậy. Con đường của Người là sống một cuộc đời trong sáng như Phật, đem những nhận thức sâu sắc của mình về những lời dạy của Phật đến khắp nơi trên thế giới cho tất cả mọi người qua những khóa tu, những bài giảng trực tiếp và qua hàng trăm cuốn sách Người viết, giúp cho con người sống bình lặng và tỉnh thức, thiện hơn, tử tế và hòa thuận với nhau hơn. Thế giới đã công nhận sự đóng góp to lớn của Người cho tiến bộ của loài người. Người được coi là một trong những bậc thầy tâm linh có ảnh hưởng lớn nhất thời hiện đại. Chúng ta thật may mắn vì Người là người Việt, bởi những lời dạy bằng tiếng Việt trong sáng của Người giúp ta hiểu rõ ràng hơn những lời dạy của Phật. Một đất nước chỉ có thể vĩ đại khi có những cá nhân vĩ đại. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh chính là một cá nhân như thế.

 Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, 92 tuổi, vừa trở về Việt Nam và thông báo là Người sẽ ở lại chùa Từ Hiếu ở Huế, nơi Người bắt đầu tu hành khi mới 16 tuổi cho đến khi viên tịch.

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Con đường muôn thuở


Có lẽ người ta đã đi tìm Anh
Bao năm rồi chẳng thấy
Bởi Anh nằm đấy
Không dấu vết, không địa chỉ, không tên
Anh là người lính vô danh
Như hàng triệu người khác
Trên Đất Nước này khổ đau muôn kiếp
Hết chiến tranh thì lại cày lại cuốc
Hạt thóc bao mồ hôi, nắng gắt, gió sương
Có chiến tranh là lại lên đường
Ra đi không ngày trở lại
Anh nằm đấy hố đất nông lấp vội
Bao người lính phía sau lại bước qua
Đồng đội hứa quay lại sau chiến tranh
Nhưng có lẽ chẳng còn ai sống sót
Chiến tranh xa rồi, người ta nhìn về phía trước
Ai còn ngoảnh lại tháng năm xưa?
Anh vẫn sống tuổi mười tám đôi mươi
Đường dài ngàn dặm hành quân
Nhớ tà áo nâu cô gái nhà bên
Thẹn thùng tiễn Anh đầu ngõ
Thương Cha Mẹ già bao năm vò võ
Sớm tối ngóng chờ tin Anh
Nhớ cánh đồng mưa ngập nắng hạn khô
Vắng Anh ai đỡ đần cày cấy?
Anh đi con đường thế hệ Anh năm ấy
Con đường chiến tranh
Con đường khổ đau muôn thuở.


Vừa rồi một người ở tỉnh Đồng Nai đào đất trong vườn nhà thì phát hiện 
một hố chôn tập thể 13 người lính cùng nhiều đồ vật cá nhân.

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

Đi hay ở?

Năm 2004, ở Ucraina nổ ra cuộc cách mạng cam, nói nôm na là để "thoát Nga" và "xoay trục" sang phương Tây. Từ đó đến nay, nước này rơi vào tình trạng suy thoái, bất ổn, chiến tranh, xung đột giữa các chính trị gia thân và chống Nga. Vấn đề nghiêm trọng nhất là xung đột với nước Nga láng giềng. Nếu đi ngược thời gian thì tới thế kỷ thứ 9, cả 3 nước Ucraina, Belarus và Nga hòa trộn vào nhau thành một quốc gia có tên là Rus Kiev, trị vì bởi gia tộc Rurik. Trong vài thế kỷ sau đó, đã xảy ra các cuộc xâm lược của các tộc người khác như Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Lit Va khiến quốc gia này tan rã thành nhiều nhóm nhỏ. Nhóm li tán lên phía bắc dần dần trở thành nước Nga. Nhóm đi về phía tây thành Belarus. Nhóm cố trụ lại thì thành Ucraina. Nước Nga dần trở nên một đế quốc rộng lớn và hùng mạnh. Mà đế quốc nào khi lớn mạnh lên thì đều có xu hướng bành trướng và bá quyền. Trong nhiều thế kỷ, xứ Ucraina luôn là mục tiêu bành trướng của Nga. Đến thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 thì cả Ucraina và Belarus đều là một phần của đế quốc Nga. Sau cách mạng Nga 1917, hai nước này gia nhập Liên Bang Cộng Hòa XHCN Xô Viết. Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, Ucraina, Belarus và Nga trở thành những nước riêng. Trong suốt chiều dài lịch sử, Ucraina nhiều lần bị các thế lực nước ngoài xâm lược, chiếm đóng, áp bức. Cũng trong suốt thời gian ấy, người Ucraina luôn tranh đấu cho nền độc lập của mình. Ngay cả khi thành một trong hơn hai chục nước "anh em" trong Liên Xô, Ucraina vẫn bị "bắt nạt". Nạn đói năm 1932 ở Ucraina làm chết khoảng 1,4 triệu người được cho là do nhiều nguyên nhân như thiên tai, sai lầm của chính sách tập thể hóa nông nghiệp, v.v.  Có một số người cho rằng chính quyền Stalin dùng nạn đói như một công cụ để dập tắt sự phản đối của nông dân Ucraina với chính sách khắc nghiệt của nhà nước Xô Viết. Xung quanh thời kỳ đó ở Ucraina, có khoảng 10 ngàn giáo sỹ bị trục xuất hoặc xử bắn, 50 ngàn trí thức bị đày đi Xi-bê-ri. Trong Thế Chiến II 1941-45, Ucraina tích cực tham gia Hồng Quân Liên Xô chống lại cuộc xâm lược của Đức Quốc Xã. Tuy nhiên, có một bộ phận dân Ucraina dưới sự lãnh đạo của những người dân tộc chủ nghĩa Ucraina muốn tranh thủ hoàn cảnh đặc biệt này để giành lại độc lập cho Ucraina. Họ có những hành động gây nhiều tranh cãi về sau như hỗ trợ quân Đức đánh Hồng Quân Liên Xô. Cuối 1941, họ tuyên bố nhà nước độc lập Ucraina. Ngay sau đó, người lãnh đạo bị Đức bắt và giam trong trại tập trung. Miền Đông Ucraina, nơi có nhiều dân Nga sinh sống chịu ảnh hưởng nhiều của nước Nga. Trái lại, miền Tây Ucraina từ xưa vốn là vùng ảnh hưởng của châu Âu. Cuộc cách mạng cam lật đổ vị tổng thống thân Nga và đưa những người thân phương Tây lên nắm quyền. Chính quyền hiện tại muốn đưa Ucraina vào EU và NATO. Đó là điều mà nước Nga không thích và ngăn cản. Năm 2014, sau một cuộc trưng cầu dân ý được cho là có sự chi phối của Nga, bán đảo Cri-mê vốn thuộc Ucraina trở thành một phần của nước Nga. Lúc đó cũng xảy ra cuộc ly khai của 2 tỉnh miền Đông, lập nên 2 nước cộng hòa độc lập thân Nga ở Donet và Lugan. Chiến tranh giữa nước Donet mới với Ucraina gây ra nhiều tàn phá và chết chóc cho dân thường ở vùng Donet. Kinh tế Ucraina suy sụp. Từ chỗ là một nước khá giàu có và phát triển, Ucraina thành một nước loại nghèo nhất châu Âu. Xã hội có nhiều vấn đề như đấu đá chính trị nội bộ, tham nhũng nặng nề, tội phạm tràn lan, hàng triệu người rời bỏ đất nước. Quan hệ ngày càng xấu đi và căng thẳng với nước Nga láng giềng khổng lồ và hùng mạnh là vấn đề đau đầu khó xử nhất. Mùa đông năm ngoái, do mâu thuẫn với Nga, cung cấp khí đốt bị cắt giảm, nhiều trường học không được sưởi ấm đã buộc phải đóng cửa một thời gian. Ucraina là một nước lớn ở châu Âu. Nhưng so với Nga thì Ucraina là một nước nhỏ và yếu hơn về mọi mặt. Ucraina muốn dựa vào châu Âu và NATO để chống lại Nga. Trong cuộc cách mạng cam, một số chính trị gia cấp cao phương Tây đã tới Ucraina để "động viên" và "hứa hẹn". Thế nhưng con đường sang phương Tây của Ucraina vẫn mờ mịt. Ucraina chưa đạt được những tiêu chuẩn của Phương Tây để được tiếp nhận vào "câu lạc bộ" của họ, và cũng chưa rõ bao giờ mới đạt được. Trong lúc đó thì mới trong vài năm qua, Ucraina đã mất bán đảo Crimê chiến lược và hai tỉnh miền Đông trong đó có Donet là vùng kinh tế và công nghiệp quan trọng. Chiến tranh Donet và áp lực của Nga tiếp tục làm Ucraina "chảy máu" chưa biết đến bao giờ dừng. Các nước lớn phương Tây một mặt tuyên bố "ủng hộ" Ucraina, mặt khác thì vẫn "chơi" với Nga. Các nước lớn luôn có những toan tính của họ. Quyền lợi của các nước nhỏ, kể cả các đồng minh gần gũi vẫn có thể bị "hy sinh" nếu nó không còn phù hợp với lợi ích của nước lớn. Nếu chịu theo Nga thì Ucraina có thể được "yên ổn" với thân phận "đàn em". Thậm chí, có chính trị gia loại "diều hâu" của Nga còn lớn tiếng đe dọa "hủy diệt" Ucraina, nếu không chịu theo Nga. Giữa vòng xoáy cuộc chơi của các nước lớn, Ucraina như một chiếc lá bị cuốn đi theo chiều những cơn gió bão. Đó là cái tình thế vô cùng éo le phức tạp, như một câu ngạn ngữ Việt Nam nói, đi thì dở mà ở cũng không xong.

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Một tượng đài


Ở Việt Nam, ngay trung tâm thủ đô Hà Nội, ngay con đường đẹp nhất, bên bờ cái hồ rộng và đẹp nhất, có một "tượng đài" để kỷ niệm ... một người Mỹ! Trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại, không có quốc gia nước ngoài nào có số lượng công dân đã từng hiện diện ở đây nhiều như Mỹ. Ở thời điểm cao nhất vào năm 1968, có tới khoảng 543.000 quân nhân Mỹ tham chiến ở miền nam Việt Nam để ngăn chặn Bắc Việt Nam thống nhất đất nước. Sau đó sự hiện diện của Mỹ cứ giảm dần. Đến đầu năm 1973 thì quân đội Mỹ rút hết, toàn bộ tù binh Mỹ cũng được trao trả hết, chỉ còn lại sứ quán ở Sài Gòn. Đến ngày 30-4-1975, sứ quán Mỹ cũng rút hết. Những năm sau đó, những dấu vết về sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam cũng dần dần biến mất. Hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích cũng dần dần được tìm thấy và trao trả cho Mỹ. Nhưng có một dấu tích khá là khác thường vẫn còn. Vào năm 1967, trên bầu trời Hà Nội, lực lượng phòng không Miền Bắc bắn rơi một máy bay của giặc Mỹ xâm lược, như cách gọi quân đội Mỹ của người Miền Bắc lúc đó. Tên giặc lái Mỹ nhảy dù, rơi xuống hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, bị bắt, bị tù cho tới đầu năm 1973 thì được trao trả sau Hiệp Định Paris. Để đánh dấu chiến công thắng giặc Mỹ đó, người ta cho dựng một phù điêu nhỏ có hình phi công Mỹ đội mũ bay, dường như đang quỳ gối, hai tay giơ thẳng lên trời, có lẽ là để "đầu hàng" những người lính Bắc Việt đang lao tới để bắt anh ta. Người phi công đó là thiếu tá hải quân Mỹ John McCain, người sau chiến tranh chuyển sang hoạt động chính trị, làm thượng nghị sỹ trong nhiều năm. Ông mới qua đời vì bệnh ung thư. Một số người Hà Nội đã mang hoa tới viếng ông ở cái tượng đài "chiến thắng giặc Mỹ" kia.Trong cuộc chiến Việt Nam, quân lực hùng hậu của Mỹ, trong đó có ông tham gia là kẻ bại trận. Ông lại còn bị bắt, bị "kẻ địch" tù đày nhiều năm, có thể còn bị "tra tấn", như truyền thông Mỹ thỉnh thoảng đưa tin, có thể ông đã nghĩ mình bị "hạ nhục" bằng tấm bia "đầu hàng" ven hồ Trúc Bạch, trong khi gia đình ông vào loại "trâm anh thế phiệt" ở Mỹ, có cha từng là đô đốc hải quân, có tên được đặt cho một tàu chiến mới ghé thăm Cam Ranh gần đây. Sau chiến tranh thì Việt Nam tiếp tục theo đuổi con đường đã đi và chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục ra sức chống lại. Trong tình hình như thế thì nếu như ông là một nghị sỹ "diều hâu", ra sức "chống phá" Việt Nam như chính phủ, quốc hội, nhiều tổ chức và cá nhân người Mỹ khác thì đó là chuyện bình thường. Có thù hận thì phải trả một cách nào đó chứ. Nhưng ông đã không làm vậy mà chọn con đường hòa giải với Việt Nam. Năm 1995, ông và thượng nghị sỹ John Kerry, cũng là một cựu chiến binh Việt Nam, hai người đã góp nhiều công sức nhất cho nỗ lực hòa giải với Việt Nam, đã cùng có mặt bên cạnh tổng thống Clinton khi ông tổng thống chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Vậy thì tại sao ông lại chọn con đường hòa giải với kẻ thù xưa?  Phải chăng ông đã hiểu ra một điều rằng nếu vẫn cứ tiếp tục thù hận thì ông sẽ vẫn tiếp tục bị tù đày bởi quá khứ, vẫn bị giam cầm trong cái "khách sạn Hilton Hà Nội", một cái tên mà người Mỹ đặt cho nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, nơi ông bị giam giữ trong hơn 5 năm, vẫn là kẻ "giơ tay đầu hàng", như cái cách mà người ta mô tả ông trong bức phù điêu kia. Nhưng ông đã chọn cách khác, bỏ qua thù hận, hòa giải với "kẻ thù xưa", hòa giải với bản thân mình để hướng về tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam, và cho cả nước Mỹ nữa. Và từ vị trí "tên giặc lái Mỹ giơ tay đầu hàng quân dân Miền Bắc", ông đã trở thành một trong số rất ít người Mỹ được kính trọng và chào đón nhất tại Việt Nam. Cái đài kỷ niệm về ông kia có lẽ sẽ còn đó rất lâu, sẽ là minh chứng cho hai điều sẽ còn lại trong lịch sử của cả Việt Nam và Mỹ. Đó là một cuộc chiến tranh tàn khốc của Mỹ trên đất Việt Nam và sự hàn gắn vết thương khủng khiếp do cuộc chiến đó gây ra.            

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

Sắp sang thu


Từ biệt hàng phong đã bao năm
Con đường nơi ấy khuất mờ xa
Người bạn năm xưa còn hay mất?
Đâu rồi bát ngát rừng bạch dương?

Thành phố của tôi sắp thu sang
Trời còn oi bức, nắng chói chang
Ngỡ ngàng hàng phong màu lá đỏ
Nơi chốn xa xưa bỗng hiện ra

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Chuyện nhà hàng xóm


Đọc báo của Malaysia và quốc tế gần đây thấy có chuyện lạ ở nhà hàng xóm thì "buôn" lại cho vui. Malaysia có mấy hòn đảo nhân tạo do TQ bồi đắp. Chúng nằm khá gần Singapore. Đó là nơi mà TQ đang triển khai một dự án khổng lồ 100 tỷ USD để xây dựng một thành phố mới. Chính quyền địa phương ở đó rất ủng hộ dự án này bởi đó là một khoản đầu tư lớn dự kiến sẽ mang lại cho họ nhiều việc làm, những khoản thu lớn từ thuế, v.v. Họ còn hy vọng về một sự phát triển vượt bậc, trở thành một đặc khu giống như Thẩm Quyến của TQ. Nó giống vì nằm gần Singapore, như Thẩm Quyến gần Hồng Kông vậy. Các khu nhà ở tiện nghi hiện đại đang hình thành. Những chuyến bay đang tấp nập chở đầy khách từ TQ tới mua nhà. Dự kiến thành phố trên đảo này sẽ có khoảng 700 ngàn dân. Ở một địa điểm khác, TQ đang xây dựng một cảng lớn, có thể tiếp nhận cả tàu sân bay. Đó chỉ là hai trong số nhiều dự án TQ đang triển khai, có giá trị tới hàng mấy trăm tỷ đô-la. Mọi việc diễn ra trôi chảy cho tới gần đây khi Malaysia có thủ tướng mới. Ông Mahathir - thủ tướng mới - nhìn thấy một vài điều không hay cho Malaysia mà người tiền nhiệm không thấy, hoặc có thấy nhưng làm ngơ vì những lý do nào đó. Ở cái dự án thành phố trên đảo kia, ông nhìn thấy một cuộc di dân lớn của người TQ, và dần dần, đó sẽ thành lãnh thổ TQ. Ở cái hải cảng khổng lồ kia, ông thấy tương lai nó sẽ là một căn cứ cho hải quân TQ trong chiến lược "đường lưỡi bò" của họ ở Biển Đông. Ông thấy không có cách nào mà Malaysia có thể trả món nợ hàng trăm tỷ đô-la cho TQ. Mà nếu con nợ không trả được nợ thì chủ nợ có thể "xiết nợ" bằng một hình thức nào đó. Đó là những điều không hay cho Malaysia. Gần đây, vị thủ tướng tiền nhiệm bị cáo buộc tham nhũng lớn và đã bị bắt. Truyền thông đưa tin rằng những khoản tiền lớn "biến mất" khỏi một quỹ đầu tư rất lớn của nhà nước do ông trực tiếp lãnh đạo. Ông là người xây dựng được quan hệ "bạn bè tốt" với TQ và có "công lớn" trong việc thu hút được những khoản đầu tư khổng lồ từ TQ. Một điều tra gần đây của Malaysia chỉ ra rằng một số hợp đồng trao cho các công ty TQ đã bị đẩy giá lên quá cao. Ví dụ như hợp đồng xây dựng đường sắt cao tốc theo ước tính của Malaysia là khoảng hơn 13 tỷ USD. Sau khi đấu thầu theo quy định của TQ, giá trúng thầu là 20 tỷ USD được trao cho một công ty TQ. Có cáo buộc cho rằng các công ty TQ chuyển một phần khoản "chênh lệch" vào quỹ nói trên để "hỗ trợ" ông cựu thủ tướng. "Bạn tốt" thì phải giúp đỡ nhau khi hoạn nạn mà. Có lẽ đó là những lý do nào đó làm cho vị cựu thủ tướng không muốn nói ra những điều không hay cho Malaysia mà ông thủ tướng mới đã chỉ ra. Trong cuộc viếng thăm gần đây tới TQ, ông Mahathir đã nói thẳng với thủ tướng TQ rằng tình hình ở Malaysia là "chủ nghĩa thực dân mới" của TQ. Có lẽ mọi người đều đủ thông minh để hiểu mục tiêu lâu dài của chiến lược Vành Đai & Con Đường của TQ cùng những khoản đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của nó. Nhưng cũng vì những lý do như ông cựu thủ tướng kia, hoặc những lý do khác, người ta không muốn hoặc không dám nói ra. Nhưng luôn vẫn có những người lãnh đạo sáng suốt, dũng cảm và yêu nước, như ông thủ tướng Mahathir, không sợ các siêu cường, không nói vòng vo, không né tránh sự thật. Có nhân dân ủng hộ, không vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm thì chẳng có gì để sợ hãi cả.

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Không phải tại Nhân Dân!


Hồi còn nhỏ, người viết sống ở miền bắc Việt Nam - xưa hay gọi là Bắc Việt. Đó là một xã hội hầu như không có thông tin gì về thế giới bên ngoài. Không có truyền hình đã đành. Người ta còn không biết "tivi" là gì bởi đó là một từ không có trong ngôn ngữ ở Bắc Việt.  Sau tháng 4-1975, từ "tivi" mới xuất hiện, cùng với những cái tivi cũ của Nhật được đưa từ Nam ra Bắc. Báo chí hồi đó chỉ có vài tờ. Tin tức thường là hôm qua quân dân miền bắc bắn rơi mấy máy bay Mỹ, quân giải phóng miền nam tấn công ở vùng nào, tiêu diệt được bao nhiêu Mỹ ngụy, hợp tác xã nọ thu hoạch được bao nhiêu tấn lúa, đại loại như vậy. Thỉnh thoảng cũng được xem phim của Liên Xô, có cảnh thành phố Mạc Tư Khoa, điện Kremlin, công trường xây dựng thủy điện ở Xi-bê-ri, hay máy cày chạy trên những cánh đồng rộng lớn. Cũng khá là ấn tượng rồi. Thế nhưng ấn tượng mạnh lại là một bộ phim tài liệu - hình như của Đông Đức - nói về cuộc đấu tranh của nhân dân Venezuela chống lại "đế quốc Mỹ và chế độ tay sai". Người ta thấy thủ đô Caracas với những con đường rộng lớn trải nhựa phẳng lì, những tòa nhà cao tầng to lớn, phố phường tràn ngập ánh sáng đèn ban đêm, xe hơi bóng lộn, dân chúng ai cũng "béo tốt", ăn mặc đẹp đẽ sang trọng, những cửa hàng đầy ắp hàng hóa, những cô gái xinh đẹp đang mua hàng. Có lẽ Sài Gòn khi đó cũng như vậy, nhưng không có hình ảnh nào của Sài Gòn xuất hiện ở miền bắc lúc đó cả. Với một đất nước mà ai cũng chỉ có vài bộ quần áo, giống nhau, sờn cũ, hầu như không ai có giày để đi cả, ai cũng gày gò vì thiếu gạo ăn, thì Venezuela là hình ảnh một thiên đường mà dân bắc nằm mơ cũng không thấy. Về sau thì người ta chỉ để ý đó là một xứ nhiều dầu mỏ và nhiều "hoa hậu". Những năm đầu thế kỷ 21, người ta lại để ý đến Venezuela với người lãnh đạo mới - Hugo Chavez - hùng biện, lôi cuốn với những cuộc cải cách xã hội to lớn đầy tham vọng, tự tin vì có trong tay nguồn đô-la dầu mỏ to lớn, được hàng triệu người, chủ yếu là tầng lớp bình dân nhiệt liệt ủng hộ. Nhưng ông ra đi năm 2013 vì ung thư. Người kế tục sự nghiệp là Maduro, so với Chavez thì thiếu hai thứ: một là khả năng lôi cuốn quần chúng; và hai - là điều quan trọng nhất - tiền. Những năm gần đây giá dầu đi xuống, ngân sách thu không đủ chi, cạn kiệt dần có lẽ bởi chi tiêu cho những đại dự án thời kỳ trước, lại chưa kịp xây dựng được những ngành sản xuất, dịch vụ nào đủ để nuôi sống đất nước. Thế là kinh tế lao dốc không phanh. Đất nước bị cô lập về mọi mặt. Với lạm phát không phải là "phi mã", mà là như "tên lửa", đồng nội tệ không phải là giấy lộn, mà là không bằng giấy lộn. Báo chí hôm nay có hình ảnh tiêu biểu chi tình hình hiện tại. Một cuộn giấy vệ sinh để cạnh số tiền dùng để mua cuộn giấy đó. Số tiền buộc thành những "cục gạch" còn to hơn cả cuộn giấy vệ sinh! Người dân Venezuela đang phải sống những tháng ngày thê thảm, thiếu thốn tất cả mọi thứ cho nhu cầu hàng ngày tối thiểu nhất. Ấy thế mà Venezuela từng là nước giàu có bậc nhất Nam Mỹ. Tại sao mà đất nước ấy lại đến nông nỗi này? Câu trả lời để dành cho các chính trị gia, kinh tế gia, v.v. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: Không phải tại nhân dân Venezuela!         

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

Những chuyện không đẹp


Hồi còn học lớp 1, người viết có lần theo mấy đứa trẻ hàng xóm ra Bờ Hồ chơi. Đi qua chỗ bà bán ổi, một đứa – có tiếng là nghịch ngợm – nói với bà hàng ổi: Cô ơi, đằng sau cô có cái gì kia kìa! Khi bà ta quay mặt ra phía sau, nó nhanh tay “thó” một quả ổi bỏ vào túi quần. Lũ chúng tôi cũng đua theo rồi bỏ chạy khi bà hàng ổi nhận ra là bị lũ trẻ lừa. Về nhà tôi còn khoái chí kể cho Mẹ nghe về “chiến tích” đó. Mẹ nghiêm mặt nói rằng đó là ăn cắp, là rất xấu và từ nay đừng bao giờ đụng đến những gì không phải của mình. Mẹ tôi vốn lớn lên trong một gia đình theo Thiên Chúa giáo. Có thể là hồi bé Bà đã được nghe các cha ở nhà thờ Sơn Tây kể những câu chuyện trong Kinh Thánh. Có thể trong đó có chuyện một kẻ ăn trộm vàng, sau bị phát hiện và bị dân chúng ném đá đến chết. Trẻ con mà cho nghe những chuyện như thế thì chúng nhớ suốt đời. Gần đây báo chí chính thống trong nước có đưa tin về vụ một công ty lớn của nhà nước bỏ ra số tiền tới 8 ngàn tỷ Đồng (khoảng gần 400 triệu USD) để mua lại một công ty truyền thông tư nhân. Trong khi giá trị thực của công ty này nhỏ hơn nhiều lần so với giá bán, có nhiều khả năng là hai bên đã thỏa thuân ngầm với nhau, tạo ra các giấy tờ để chứng minh rằng cái giá mua đó là rất “hời” so với giá thị trường quốc tế. Nghe nói các quan chức nhà nước đã chia nhau số tiền chênh lệch rất lớn từ vụ mua gian bán lận này. Theo định nghĩa của Mẹ tôi thì đó là ăn cắp tiền của Nhà Nước, tức là của Dân. Gần đây có vụ một công ty xe hơi Đức loại có uy tín hàng đầu thế giới đã dùng một biện pháp kỹ thuật rất tinh vi, “qua mặt” được cuộc kiểm tra về chất lượng khí thải tại Mỹ và đã bán được rất nhiều xe thuộc loại “kém chất lượng” đó cho tới khi bị phát hiện, bị kiện và bị phạt một số tiền lớn, tới hàng tỷ USD. Lấy đi một phần không khí sạch của nước Mỹ khi không được người Mỹ cho phép, đó là một vụ lừa đảo và ăn cắp lớn. Sri Lanka là một hòn đảo nhỏ phía nam Ấn Độ. Sau một cuộc nội chiến nhiều năm và bị tàn phá, nước này rất cần tiền để tái thiết đất nước. Và rất kịp thời, Trung Quốc có mặt. TQ đưa ra ý định đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một hải cảng mới với những điều kiện “ưu đãi” mà đất nước nhỏ bé này khó mà từ chối. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vài năm trôi qua nhưng số tàu biển ghé vào cảng này ít tới mức mà số tiền thu được là quá bé nhỏ so với số nợ tới hạn phải trả. Chỉ cần có thế,TQ lại đưa tiếp một để nghị nữa: cho TQ thuê 99 năm. Thật hấp dẫn, phải không. Vả lại thì Sri Lanka cũng chả còn cách nào để trả món nợ khổng lồ ấy. Nghe nói TQ định biến cảng này thành một căn cứ hải quân, một việc nằm trong chiến lược tổng thể khống chế Ấn Độ Dương của họ. Sri Lanka hẳn là không thích lắm, nhưng mà cổ đã “vào tròng” rồi, biết làm thế nào. Cái này có thể gọi là một trò lừa đảo và ăn cướp lớn. Nhiều nước khác ở châu Á, châu Phi đã “ăn quả đắng” này rồi. Sẽ còn những nước khác cũng đang và sẽ bị lôi cuốn vào những cái bẫy đó! Con chuột thì làm sao mà hiểu được mưu mô ẩn trong cái bẫy chuột. Ngày nay thì sự ăn cắp và ăn cướp phải tinh vi, miếng mồi phải thật ngon, mẹo lừa phải cực cao. Cái đó thì các nhà lãnh đạo TQ hơn các nước nhiều. Giống như đánh cờ, họ tính trước rất nhiều bước đi mà các nước khác khó có thể đoán ra. Vừa mới có tin là cảnh sát Nhật vừa phát hiện một kho hàng chứa toàn đồ do người Việt ăn cắp ở các siêu thị bên Nhật. Hiện có tới khoảng 290 ngàn người Việt ở Nhật nên khó tránh khỏi một số người trong đó đi ăn cắp. Người xưa nói đói nghèo sinh đạo tặc. Nước Anh ngày xưa cũng có nhiều người nghèo. Nghèo tới mức người ta đi ăn cắp, thậm chí ăn cướp một chiếc bánh mỳ để qua cơn đói. Sau đó thì bị xử án tù khổ sai, bị đày qua Úc – lúc đó còn là một xứ hoang sơ “khỉ ho cò gáy”.  Người nghèo – như một số người Việt đi lao động ở Nhật -thì chỉ có khả năng ăn cắp vặt trong siêu thị. Đó là một thực tế không đẹp, phải nhận là có và cần lên án, sửa chữa. Nhưng mặt khác cũng không nên vội vàng “chụp mũ” chê bai dè bỉu người Việt quá mức.

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Một trí tuệ lớn thời xưa


Michel de Montaigne (1533 -1592) là một triết gia Pháp thời kỳ Phục Hưng, có ảnh hưởng lớn tới nhiều nhà văn và triết gia ở các thời kỳ khác nhau trên thế giới như René DescartesRalph Waldo EmersonStefan ZweigFriedrich NietzscheJean-Jacques RousseauWilliam Shakespeare.

Những người ít học, ít hiểu biết, ít đầu óc tìm tòi thường là những tín đồ tốt.

Tôi trích dẫn lời người khác chỉ để làm rõ ý mình thôi.

Khi bị những suy nghĩ tăm tối, chán chường, vô vọng tấn công, tôi chạy ngay tới sách vở của mình. Chúng nhanh chóng tràn ngập tôi và xua tan những đám mây đen đó.

Càng muốn quên đi một điều gì đó, ta lại càng làm cho nó bám chặt hơn vào trí não của ta.

Ta cố nắm mọi thứ mà chẳng bắt được cái gì.

Con người là kẻ cực kỳ điên rồ. Một con giun còn chẳng tạo nổi, vậy mà hắn lại định tạo ra hàng đống thượng đế.

Chúng ta chẳng tin điều gì chắc chắn như điều ta chẳng hiểu gì cả.

Tôi thích gần gũi nông dân bởi họ chưa được "học hành" tới mức làm cho trí óc suy nghĩ sai lệch về mọi thứ.

Bị cấm đoán một thứ gì, người ta lại càng để ý đến cái đó.

Mọi cuộc hôn nhân tốt thường giống tình bạn hơn là tình yêu.

Hãy để cho Thiên Nhiên làm mọi thứ bởi Thiên Nhiên biết công việc của nó tốt hơn chúng ta nhiều.   

Sống là nghệ thuật và nghề nghiệp của tôi.

Ta chẳng biết cái chết đợi ta ở đâu. Vậy thì ta hãy đợi nó ở khắp nơi. 

Đời tôi có khối thứ khủng khiếp nhưng phần lớn chưa bao giờ xảy ra. 

Bất cứ cái gì trái ngược với những thói quen của mình ta đều coi là man rợ.

Kẻ tạo dựng lý lẽ của mình bằng mệnh lệnh và sự ầm ỹ chỉ chứng tỏ rằng cái lý sự đó yếu ớt.  

Tôi thì biết gì?

Sự dốt nát là cái gối mềm nhất để người ta cho cái đầu mình nghỉ ngơi.

 Chẳng có ai không bao giờ nói điều gì vớ vẩn.

Gió cũng chẳng có ích gì cho một con thuyền không có phương hướng.

Tôi chưa từng thấy một con quỷ nào ác độc hơn hay một phép mầu nào kỳ diệu hơn là chính bản thân mình.

Người ta hay phàn nàn rằng tôi nói quá nhiều về bản thân mình. Còn tôi thì phàn nàn rằng họ thậm chí còn chẳng thèm nghĩ về bản thân họ.

Tôi chăm chú lắng nghe lý lẽ của mọi người nhưng tôi chỉ đi theo cái của bản thân mình.

Tôi vui với sách vở như người ta say mê kho báu vậy.

Người không biết tử tế thì hiểu biết gì cũng có hại.

Những người có trí nhớ tuyệt vời lại thường kém khả năng suy xét.

Nếu buộc phải trả lời tại sao tôi thích người ấy, tôi chỉ có thể giải thích rằng bởi vì đó là người ấy và bởi vì đó là tôi.

Có quá nhiều sách nói về một quyển sách khác chứ không phải là một chủ đề khác. Chúng ta chẳng làm gì cả ngoài việc bình phẩm lẫn nhau.

Có bao nhiêu điều xưa ta tin chắc và kính trọng mà nay chỉ là chuyện tầm phào?

Đẹp làm sao những tâm hồn rộng lớn sẵn sàng đón nhận mọi thứ.

Hãy vui với những gì đang có bởi mọi thứ khác ngoài tầm với của bạn.

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Âm nhạc và lòng yêu nước

Tình cờ gặp trên youtube một tác phẩm âm nhạc Việt Nam khá cũ. Đó là bản giao hưởng-hợp xướng Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy được nhạc sỹ Tô Hải sáng tác cách đây nửa thế kỷ. Âm nhạc kỳ lạ ở chỗ nó là tiếng nói của trái tim. Khi nghe bản giao hưởng Ma Vlast - người ta dịch là Tổ Quốc Tôi- của nhạc sỹ Séc thế kỳ 19 Bedric Smetana, ta như nhìn thấy, nghe thấy một dòng sông thơ mộng và hùng vĩ, thấy yêu đất nước ấy, dù chưa tới bao giờ. Nghe Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy, người ta bỗng thấy lòng mình trào dâng một cảm xúc dạt dào, bạn gọi đó là tình yêu quê hương đất nước hay là gì cũng được. Cái quan trọng đó là một tình cảm chân thành, nếu có trong bạn thì âm nhạc có thể tạo nên sự cộng hưởng, làm cho nó bùng cháy lên. Điều không ngờ là sự hoành tráng của tác phẩm. Người Nhật sùng kính âm nhạc cổ điển Châu Âu đến mức mà họ đã từng dựng lên một dàn hợp xướng tới mười ngàn người cho Giao Hưởng số 9 của Beethoven. Bản hợp xướng của Tô Hải cũng xứng đáng được dàn dựng lớn và công phu. Thế nhưng không biết vì lý do gì mà người ta "bỏ quên" một tác phẩm quan trọng như vậy. Nhưng người nước ngoài lại phát hiện ra tác phẩm này. Giàn nhạc giao hưởng Rouen của Pháp và giàn hợp xướng Quê Hương - có lẽ là của Việt kiều và/hoặc sinh viên gần đây đã giàn dựng và trình bày khá thành công. Solzhenhisyn là một nhà văn Nga thời Liên Xô. Ông có viết một tác phẩm văn học không được xuất bản ở Liên Xô. Thế nhưng nó lại được xuất bản ở nước ngoài và giành được giải Nobel văn học năm 1970. Mãi về sau ông mới được vinh danh ở nước Nga tổ quốc mình. Đến một ngày nào đó người ta sẽ trả lại cho Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy và nhạc sỹ Tô Hải một vị trí xứng đáng vì âm nhạc đỉnh cao và lòng yêu nước chân chính trong tác phẩm của ông.

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

Tại ai?


Phú Thọ bùn đất vẫn chưa tha
Chương Mỹ nước ngập lút mái nhà
Quảng Ninh đi thuyền trên quốc lộ
Thiên Địa bất nhân hay tại ta?

Đầu vịt lá khoai


Gặp thời gặp thế lắm kẻ khôn
Sa cơ rồng phượng cũng thành giun
Khổ lắm, biết rồi, sao nói mãi?
Bởi toàn đầu vịt với lá khoai! 

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Cuốn hộ chiếu


Cuốn sổ nhỏ này không nói lên gì nhiều về bạn. Nhưng về đất nước bạn thì có đấy. Đó là nước bạn ở đâu trên bản đồ thế giới. Dân nước bạn có được nước khác mở rộng cửa chào đón không? Hay là người ta sẽ dò xét xem bạn định vào nước người ta với mục đích gì? Bạn có tiền không? Bạn có vé máy bay khứ hồi không? Bạn có định tìm việc làm không? Bạn có định vào rồi trốn ở lại không? Nếu xét về "chỉ số mức độ được chào đón"- không biết có thứ chỉ số như thế không - thì rõ ràng là các hộ chiếu loại "đầu bảng" gồm toàn các nước giàu có và dân trí cao, nghĩa là khả năng dân nước đó có thể gây ra vấn đề khó chịu nào đó cho nước họ đến là thấp và khả năng mang lại lợi ích gì đó, thường là kinh tế thì ở mức cao. Dù Việt Nam gần đây có nhiều người giàu lên, có rất nhiều triệu phú, thậm chí là cả vài tỷ phú đô-la, dù có chính sách "làm bạn với tất cả các nước", song sự thật là người mang hộ chiếu Việt Nam vẫn thuộc diện ít được chào đón. Không biết người ta có chút nào nghi ngại thể chế chính trị của Việt Nam không? Hồi trước tờ khai xin visa Mỹ câu hỏi "bạn có phải là ĐVCS không", đại loại như vậy và được hiểu là nếu có thì bạn sẽ khó hoặc không được cấp visa. Nhưng có lẽ cái lý do chủ yếu làm người ta nghi ngại là vì người Việt về cơ bản vẫn là dân nghèo. Mấy năm trước bà thủ tướng Đức vì lý do nhân đạo đã mở cửa nước Đức cho hàng triệu dân nghèo và/hoặc chạy loạn chiến tranh từ Syria. Sau thời gian đầu ấm áp chào đón, nay thì Đức và vài nước có hành động tương tự như Thụy Điển đang phải đối mặt với những vấn đề khá nghiêm trọng do người mới nhập cư gây ra như chi phí lo ăn ở cho họ, thất nghiệp, rối loạn xã hội, tội phạm. Dân Đức bắt đầu quay lưng với người nhập cư, đòi thắt chặt chính sách nhập cư. Vài nước như Ba Lan, Hungari thì có chính sách gần như là "đóng cửa" với người nhập cư từ các nước nghèo. Nước Mỹ đang có ý định xây một bức tường dài ở biên giới phía nam để ngăn làn sóng người Mehico nhập cư trái phép. Đơn giản là vì người Mehico nghèo, tỷ lệ tội phạm cao. Một tờ báo chính thống của Việt Nam mới đưa tin là nước Séc - trước kia gọi là Tiệp Khắc - ngừng cấp visa dài hạn cho người Việt muốn đến để lao động "vì lý do an ninh". Tin không chính thức thì nói là người Việt ở Séc đã khá đông, lại có tỷ lệ tội phạm cao, buôn bán sản xuất ma túy gây nguy hiểm, thiệt hại cho Séc. Hơn nữa, gần đây có làn sóng dân đông Âu khác như Ucraina, Serbia - những người có có văn hóa, ngôn ngữ, kỹ năng lao động gần với dân Séc hơn - sang Séc lao động nên nhu cầu về người Việt giảm đi. Cuối cùng thì chẳng ai thành tâm muốn chào đón những người nghèo khổ và ít học trong nhà mình cả. Đó là một điều không đẹp đẽ gì. Nhưng có xấu xí đến đâu thì nó vẫn là sự thật.   

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

Canh bạc lớn


Thực ra thì người viết vốn không thích xem và không có hiểu biết gì về bóng đá cả. Nhưng lần này là World Cup - Russia 2018! Ừ thì xem thử xem tại sao mà cả thế giới cứ như "phát điên" lên vì một đám thanh niên tranh nhau một quả bóng da. Khi hai chục người và quả bóng di chuyển rất nhanh và lung tung, không theo một quy luật nào rõ ràng về phương hướng, tốc độ, độ cao,v.v. trên một cái sân rộng như thế thì sẽ tạo ra một số lượng vô hạn những tình huống khác nhau mà không cái nào giống cái nào cả. Ví dụ như tại sao mà một cầu thủ lại xuất hiện trong "vòng cấm địa" phía mình, chính xác ở vị trí và thời điểm để cánh tay mình chạm phải quả bóng đang bay tới để rồi đội mình bị phạt rất nặng, nhận bàn thua, rồi dẫn đến thua chung cuộc? Thời điểm chỉ cần chệch đi vài phần trăm giây, vị trí chỉ chệch đi vài cm là bóng sẽ không thể chạm tay cầu thủ ấy. Đó là tình huống mà không ai có thế sắp xếp trước hay dự đoán được. Đó là chuyện may rủi, tình cờ. Hầu như tất cả các tình huống "làm bàn" đều như vậy. Do đó bóng đá có vẻ giống như cờ bạc vậy. Cũng như cờ bạc, nó lôi cuốn, gây hồi hộp, vui buồn, phấn khích mạnh. Có lẽ đó chính là cái "mẹo" để bóng đá trở thành một loại "cờ bạc" lớn ở phạm vi toàn cầu, thành một loại "big business" - làm ăn lớn của các đại gia - ông chủ các câu lạc bộ. Nghĩ rộng hơn nữa thì cuộc đời người ta cũng chỉ toàn là những sự tình cờ, may rủi như thế. Bạn thử nghĩ về cuộc đời mình mà xem. Cuộc đời của bạn, của tôi hay của bất kỳ ai có lẽ cũng chỉ là một canh bạc lớn.    

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

Chuyện bóng đá


Có hàng vạn người từ khắp thế giới kéo đến nước Nga. Họ hòa vào hàng triệu người Nga, tạo nên những đám đông khổng lồ ở các sân vận động và trên đường phố các thành phố lớn như Moskva, Saint Petersburg… Nước Nga có khá nhiều kẻ thù và những đám đông như thế là những mục tiêu “ngon lành” cho những kẻ khủng bố theo kiểu đánh bom liều chết hay lao xe ô tô vào đám đông. Điều may mắn và khá lạ lùng là những chuyện đó đã không xảy ra. Có thể cho rằng đó là do công tác an ninh khá tốt của người Nga. Thế nhưng kể cả là khi Nga triển khai đến bao nhiêu công an mật vụ đi nữa thì cũng khó mà bịt hết được mọi kẽ hở an ninh. Có khi nào chính những kẻ khủng bố cũng “mê” xem đá bóng nên chúng tạm “nghỉ ngơi” để theo dõi những đội bóng và những ngôi sao mà chúng yêu thích? Có thể lắm chứ. Thực ra thì chúng cùng là người như ta thôi, với một chút khác là chúng có những “lý tưởng” cực đoan nào đó mà ta khó hiểu được. Thì ra là bóng đá, và thể thao nói chung không chỉ tốt cho sức khỏe, giải trí cho con người mà còn tốt cho hòa bình thế giới. Vừa qua có chuyện là khi đội Anh thua và phải về nước sớm, làm tan vỡ hy vọng tràn trề của người Anh về chức vô địch, nhiều người đã quay sang đổ lỗi cho bà thủ tướng Anh vì trước đó bà này kêu gọi nước Anh tẩy chay World Cup vì lý do chính trị như nước Nga đã “thôn tính” Ucraina hay vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở Anh. Có người đã viết trên mạng xã hội rằng bà thủ tướng nên từ chức ngay vì bà ta không hiểu rằng cả bà và chính phủ của bà không thể làm được những điều tốt cho nước Anh như là đội tuyển Anh đáng lẽ có thể làm được.       

Không đề


Đã lâu không viết, lại viết chơi
Trái Đất – Con Tàu vẫn thế thôi
Trôi đến đâu rồi? Nào ai biết
Ghế đá mơ màng ngắm lá rơi

Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

Tại trời?

Từ Nam rực nắng ta tới đây
Thường Châu mù trời mưa tuyết bay
Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc*
Thành sự tại thiên, chuyện xưa nay?


Vào ngày 27/1/2018 ở Thường Châu khi U23 Việt Nam và Uzbekistan đá trận chung kết, mưa tuyết rơi ngập trời. Các cầu thủ Uzbekistan mặc áo trắng trông như tàng hình lẫn vào mầu trắng của tuyết. Có người Trung Quốc đã liên tưởng tới một vế câu đối về cảnh săn hươu trắng dưới trời tuyết rơi.