Trời Hà Nội chiều nay ảm đạm trong những cơn gió lạnh từ phương Bắc. Trong cái ngày Thứ Bảy và lại còn là ngày cuối cùng của năm này, phố xá vẫn náo nhiệt xe cộ đi lại rầm rập, hàng hóa tràn ngập, buôn bán vẫn hối hả như mọi ngày. Cái “bề nổi” này của Hà Nội dường như chèn ép, che lấp đi cái “bề chìm”, cái hồn xưa của nó. Trong một cái ngõ hẹp sâu hút ở phố cũ ầm ỹ ấy có một quán cà-phê thật tĩnh mịch. Tưởng như nghe thấy cả tiếng cà-phê nhỏ giọt. Một con ong vo ve trên những bông hoa nhỏ. Một vài bức ảnh đen trắng cũ kỹ chụp phố Hà Nội những năm đầu thế kỷ trước. Một khung cảnh như thế dễ làm người ta trôi về quá khứ xa xăm lắm. Bỗng nghe đâu đó có tiếng leng keng như tiếng chuông tàu điện xưa ở Bờ Hồ. Phố xưa yên tĩnh lắm. Tối khuya thỉnh thoảng có người đi ngoài phố mà huýt sáo thì tiếng sáo vang khắp phố. Với cái lạnh của Hà Nội thì mùi thơm lan khắp phố của một hàng phở khuya có sức cuốn hút lạ kỳ. Nhất là sau khi người ta đạp xe lên cái dốc Hàng Gai mà nay khó cảm thấy vì đi xe máy. Vỉa hè xưa thoáng đãng. Không ai vội vã chen lấn cả. Thỉnh thoảng có cái mùi hoa sấu thơm nhè nhẹ, cái thơm đặc biệt của loài hoa này. Cậu bé nào mà chả thích đá những quả sấu rụng cho nó lăn trên hè. Một cánh ngọc lan rụng trên vai ở phố vắng hương thoang thoảng làm người ta nhớ mãi. Những chàng học sinh lãng mạn ở Trường Bưởi xưa thế nào cũng liên tưởng đến đoạn văn về Paris của Anatole France. Có người đem ép vào sách, cho đến khô mà những cánh hoa ấy vẫn thơm. Phố xưa chỉ có những chiếc xe đạp nhẹ nhàng chậm rãi. Còn gì duyên dáng hơn những tà áo dài nhẹ bay theo bước chân thiếu nữ. Người xưa ăn nói cư xử thanh lịch, tôn trọng nhau lắm. Đó là cái văn minh mà Thăng Long - Hà Nội đã từng có mà có lẽ còn lâu mới đạt lại được. Có lẽ cái hồn, cái văn minh của một xã hội, một thành phố không ở những cửa hàng xa hoa, những xe cộ bóng loáng, mà là cái cách người ta sống, nói năng, cư xử với nhau và với đất trời.
Tổng số lượt xem trang
Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011
Ngày xưa ...
Trời Hà Nội chiều nay ảm đạm trong những cơn gió lạnh từ phương Bắc. Trong cái ngày Thứ Bảy và lại còn là ngày cuối cùng của năm này, phố xá vẫn náo nhiệt xe cộ đi lại rầm rập, hàng hóa tràn ngập, buôn bán vẫn hối hả như mọi ngày. Cái “bề nổi” này của Hà Nội dường như chèn ép, che lấp đi cái “bề chìm”, cái hồn xưa của nó. Trong một cái ngõ hẹp sâu hút ở phố cũ ầm ỹ ấy có một quán cà-phê thật tĩnh mịch. Tưởng như nghe thấy cả tiếng cà-phê nhỏ giọt. Một con ong vo ve trên những bông hoa nhỏ. Một vài bức ảnh đen trắng cũ kỹ chụp phố Hà Nội những năm đầu thế kỷ trước. Một khung cảnh như thế dễ làm người ta trôi về quá khứ xa xăm lắm. Bỗng nghe đâu đó có tiếng leng keng như tiếng chuông tàu điện xưa ở Bờ Hồ. Phố xưa yên tĩnh lắm. Tối khuya thỉnh thoảng có người đi ngoài phố mà huýt sáo thì tiếng sáo vang khắp phố. Với cái lạnh của Hà Nội thì mùi thơm lan khắp phố của một hàng phở khuya có sức cuốn hút lạ kỳ. Nhất là sau khi người ta đạp xe lên cái dốc Hàng Gai mà nay khó cảm thấy vì đi xe máy. Vỉa hè xưa thoáng đãng. Không ai vội vã chen lấn cả. Thỉnh thoảng có cái mùi hoa sấu thơm nhè nhẹ, cái thơm đặc biệt của loài hoa này. Cậu bé nào mà chả thích đá những quả sấu rụng cho nó lăn trên hè. Một cánh ngọc lan rụng trên vai ở phố vắng hương thoang thoảng làm người ta nhớ mãi. Những chàng học sinh lãng mạn ở Trường Bưởi xưa thế nào cũng liên tưởng đến đoạn văn về Paris của Anatole France. Có người đem ép vào sách, cho đến khô mà những cánh hoa ấy vẫn thơm. Phố xưa chỉ có những chiếc xe đạp nhẹ nhàng chậm rãi. Còn gì duyên dáng hơn những tà áo dài nhẹ bay theo bước chân thiếu nữ. Người xưa ăn nói cư xử thanh lịch, tôn trọng nhau lắm. Đó là cái văn minh mà Thăng Long - Hà Nội đã từng có mà có lẽ còn lâu mới đạt lại được. Có lẽ cái hồn, cái văn minh của một xã hội, một thành phố không ở những cửa hàng xa hoa, những xe cộ bóng loáng, mà là cái cách người ta sống, nói năng, cư xử với nhau và với đất trời.
Sóng gió biển khơi
Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011
Góp rượu
Ngày xưa có mười ông cụ rủ nhau uống rượu. Thời ấy rượu đắt nên các cụ hẹn nhau mỗi người mang đến một chai nhỏ rồi đổ vào hũ uống chung cho vui. Một cụ nảy ra “sáng kiến”: - “Ừ, tội gì mà mình mang rượu cho tốn tiền mua. Cứ đổ nước vào chai rồi mang đến đổ vào hũ hòa với chín chai rượu khác thì rượu cũng chả nhạt đi là bao và không ai biết”. Nhưng không ngờ cụ thứ hai cũng “thông thái” không kém và cũng có “sáng kiến” tương tự. Và tất cả các cụ khác cũng vậy. Đến khi rót “rượu” từ hũ ra, rung đùi vuốt râu cùng nâng chén chúc sức khỏe nhau thì các cụ mới ngẩn người ra vì trong hũ chỉ toàn nước lã. Có lẽ đây chỉ là một chuyện ngụ ngôn để răn người. Thực ra thì có lẽ xã hội chúng ta cũng có quá nhiều người “khôn” như các ông cụ kia. Ta thản nhiên vứt rác ra đường vì cho rằng bỏ vào thùng làm gì cho mất công, đằng nào đường cũng đầy rác. Có việc gì cần xếp hàng là ta chen lấn ngay vì cho là nếu mình không chen thì người ta vẫn cứ chen và mình chả bao giờ đến lượt. Rồi thì mình có không nhận “đút lót” thì chỉ như “muối bỏ bể”, cũng chẳng thể làm cho xã hội trong sạch hơn được, vì ai cũng nhận, không nhận là dại, mà có khi người ta lại cho là mình làm bộ, chơi trội. Cứ thế, cái “triết lý góp rượu” ấy được áp dụng ở mọi nơi, vào mọi việc. Kết quả là gì thì ai cũng thấy, không phải bàn.
Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011
Chuyện con rùa
Sách Phật có chuyện một con rùa mù sống dưới biển. Rùa ta rất muốn làm người. Trời cho thả xuống biển một miếng gỗ nhỏ có cái lỗ vừa bằng đầu rùa và ra điều kiện để cho rùa “phấn đấu” là cứ 100 năm thì được phép nổi lên mặt nước một lần và nếu rùa chui được đầu vào cái lỗ ở khúc gỗ kia thì sẽ được làm người. Có lẽ đây chỉ là cách Phật nói lên sự may mắn của việc được sinh ra làm người. Nhưng có lẽ thế thật. Thử nghĩ xem có biết bao các loại sâu bọ, thú vật, chim chóc, cá tôm, rồi thì còn muôn vàn các loại vi khuẩn, virus, v.v. mà ta không nhìn thấy. Rồi lại còn ngàn vạn các loại cây cỏ. Tại sao chúng không sinh ra làm người? Như vậy được làm người quả là cực kỳ khó và may mắn. Đó là một đặc ân mà Trời ban cho ta. Đã được một ân huệ lớn như vậy thì ta phải nghĩ đến chuyện làm thế nào để tỏ lòng biết ơn. Trời đã tạo ra Trái Đất, con người và vạn vật thì hẳn là Trời muốn duy trì sáng tạo tuyệt vời đó và làm cho nó ngày một hoàn thiện hơn. Vậy thì cách cám ơn tốt nhất có lẽ là góp phần thiết thực nhất theo khả năng của mỗi người để ủng hộ cái “dự án” vĩ đại của Trời trên Trái Đất. Bạn là nghệ sỹ piano, nấu phở hay trồng lúa hay là ai đi nữa thì cũng không quan trọng. Cái quan trọng là bạn có hết lòng chơi piano, nấu phở, trồng lúa hay làm bất cứ việc gì cho Trái Đất tươi đẹp hơn, con người được sống hạnh phúc và hài hòa với vạn vật hơn không.Trời vĩ đại và khôn lắm nên Người không nhận những thứ vô ích và dối trá đâu.
Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011
Giao huởng của Beethoven
Nghe nói có một quý ông sau khi nghe bản giao hưởng số 5 đã hỏi về chủ đề, nội dung và được Beethoven trả lời: - Nếu tôi có thể diễn tả những cái đó bằng lời, tôi đã không cần phải viết bản giao hưởng này. Âm nhạc là thế giới của âm thanh và cảm xúc. Nếu bạn không “cảm” và “thẩm” được âm thanh ấy thì khó có cách nào giải thích cho bạn “hiểu” được âm nhạc. Chớ nên nghe những bình luận của các nhà phê bình. Họ nghe theo cách của họ. Bạn chỉ có thể nghe theo cách của mình. Hãy nghe Beethoven, Tchaikovsky, Chopin, Mozart và những thiên tài âm nhạc khác. Có thể bạn sẽ phát hiện ra một thế giới hoàn toàn mới, rộng lớn và đẹp tuyệt vời. Xưa kia Đức Phật đã dạy rằng mỗi người phải là ngọn đèn, là người thày của chính mình. Nghe nhạc cũng vậy.
Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011
Giáng sinh
Hồ Gươm hôm nay tấp nập không khí một ngày hội. Hôm nay không chỉ là Thứ Bảy, mà còn là trước ngày sinh của một người có vai trò đặc biệt trong lịch sử loài người. Đó là Chúa Giê-Su. Những câu chuyện về con người này thực hư bao nhiêu có lẽ chẳng ai biết. Những người có vai trò lớn đến một tầm nào đó đối với loài người thường dần dần trở thành thần thánh với cuộc đời huyền thoại mặc cho người đó có thích hay không. Ngay đến một người có vẻ ít huyền thoại hơn như Đức Phật thì cũng không thể xác định được bao nhiêu những lời Phật nói được ghi trong Kinh Phật là thực sự của Phật. Sinh thời Phật nhắc các đệ tử phải luôn suy xét mọi điều chứ đừng tin ngay, kể cả lời Phật. Với tinh thần đó thì người ta khó gán những chuyện thần bí cho Phật. Nhưng người ta theo Giê-su ít vì triết lý của Ngài hơn là vì một tình yêu và lòng tin tôn giáo vô điều kiện. Đã vô điều kiện thì dễ sinh sự cuồng tín. Từ đó sinh ra lòng không ưa những tôn giáo khác. Có lẽ đó là nguyên nhân của những cuộc Thập Tự Chinh đẫm máu của Thiên Chúa Giáo thời Trung cổ. Dù thế nào đi nữa thì Giê-su vẫn là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến loài người. Hôm nay các chàng trai và cô gái – mà có lẽ phần lớn không là tín đồ Thiên Chúa Giáo – tấp nập dạo quanh Bờ Hồ, vui vẻ tạo dáng chụp ảnh trước cây thông Nô-en, với những đống tuyết và bù nhìn bằng bông trắng và háo hức chờ dự lễ Giáng Sinh ở Nhà Thờ Lớn. Những “Ông già Nô-en” đi xe máy “khủng” chở quà cho trẻ em tranh thủ phóng quanh Bờ Hồ một cách hãnh diện. Có lẽ ít em biết Giê-su là ai. Song cái đó cũng chả quan trọng. Những vĩ nhân như Giê-su chẳng ai mong để lại tên tuổi cho đời sau thờ phụng. Họ có những mong muốn cao đẹp hơn thế nhiều. “Các anh em, hãy thương yêu nhau! - Đó là lời Chúa. Con người vẫn cầu nguyện những lời yêu thương của Giê-su hàng ngàn năm nay và vẫn tiếp tục chiến tranh không ngừng nghỉ. Nhưng đó không phải tại Giê-su. Suy cho cùng, ngay đến đức Chúa Trời – Đấng Sáng tạo toàn năng, cha của Giê-su cũng còn bất lực trước sự hung bạo của con người. Chuyện này mà có bàn thì còn dài lắm. Nhưng ít nhất thì Giê-su cũng cho ta một ngày lễ cuối năm vui vẻ, nhất là đối với trẻ em và hy vọng hạnh phúc an lành. Merry Christmas!
Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011
Phố Hà Nội
Hà Nội ngày nay có những khu nhà mới nhiều tầng đồ sộ, đường xá rộng rãi. Nhưng cái hồn, cái văn hóa riêng của Hà Nội lại ở những phố cũ quanh Hồ Gươm. Khu vực này, nhất là khu khi xưa gọi là “36 Phố Phường” – nay gọi là Phố Cổ - náo nhiệt gần như suốt ngày đêm. Gần đây kinh tế khấm khá hơn nên các ngôi nhà cũ đều được sửa sang thành những cửa hàng tràn ngập hàng hóa đủ loại dưới ánh sáng màu sắc lung linh tấp nập kẻ mua người bán. Nhưng cái độc đáo hơn cả có lẽ lại là những cái ngõ nhỏ. Có rất nhiều những cái ngõ như thế. Cái ngõ hẹp lắm. Có cái chiều rộng có khi chỉ vừa đủ cho một người đi lọt. Người nào vai rộng hoặc đi không cẩn thận thì vai có thể bị quệt vào bờ tường. Ngõ thường sâu hun hút và tối. Thỉnh thoáng có ngõ có một cái đèn mờ mờ ở tận cuối ngõ. Đi vào bên trong, khi mà mắt bắt đầu quen với bóng tối thì ta mới nhận ra có nhiều cánh cửa ở hai bên mặt ngõ dẫn vào các căn phòng thường là chật, tối và thiếu khí trời. Thỉnh thoảng lại có cầu thang – cũng rất hẹp – dẫn lên các tầng trên. Có ngõ có một khoảng sân trời ở giữa, nơi trẻ con chơi, nơi có vòi nước và nhà vệ sinh cho mọi người dùng chung. Ở đây người ta để bếp đun và các thứ đồ dùng cồng kềnh cho trong nhà đỡ chật. Người ở xa đến ít ai biết rằng những cái ngõ hẹp và tối tăm ấy lại chứa đựng bên trong bao nhiêu là cuộc sống. Bao nhiêu người đã sinh ra, lớn lên, và chết đi ở trong đó. Trong số họ có lẽ có cả họa sỹ Bùi Xuân Phái nổi tiếng với những mái nhà nhấp nhô xiêu vẹo của phố cũ Hà Nội. Chắc ông chẳng xa lạ gì và cũng rất yêu những cái ngõ hẹp ấy. Có lẽ ông chưa kịp vẽ chúng.
Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011
Bệnh “thích làm thầy”
Khi đã có được một số bằng cấp và chức vụ kha khá để có thể hãnh diện đề vào trước tên mình trên danh thiếp và trên trang web cá nhân, v.v., đã đi được một số nơi, đã sống đến một tuổi gọi là đàn anh của thanh niên, đã có một số vốn sống lẫn tiền bạc tương đối khá, được sống trong một môi trường yên ổn và an toàn, được ngồi trong một căn phòng tiện nghi mùa hè máy lạnh mùa đông máy sưởi, có thể yên tâm tìm kiếm trên internet tốc độ cao mọi thứ kiến thức và giải trí, ta bắt đầu lên tiếng “dạy đời”. Đó là một “bệnh” khá phổ biến. Thực ra thì ta cũng chưa “biết” gì nhiều. Có uyên bác “Đông Tây Kim Cổ” đến mấy thì cũng chỉ là nhai lại kinh điển và những điều mà người khác đã nói rồi mà thôi. Hơn nữa cái quan trọng hơn kiến thức là có cảm thông được với người khác không. Cái này khó lắm bởi ta chỉ thích “thuyết giáo” thôi. Thế nên ít người muốn nghe. Mọi người sẽ phản ứng thế này: “ Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi !” Ngày xưa Phật đã dạy rằng mỗi người hãy là ngọn đèn, là người thày cho chính bản thân mình. Nếu ta tự cho mình là “giỏi” thì ta hãy “dạy dỗ” bản thân mình trước đi để xem rồi ta có bớt được cái máu ham quyền lực, háo danh, háo lợi, ham thú vui chút nào không. Nếu ta bớt được và dần dần bớt hết thì bỗng nhiên ta sẽ tỏa sáng, “hữu xạ tự nhiên hương”, như Đức Phật vậy mà chẳng cần đến những thứ kỹ thuật “marketing”.
Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011
Lòng lành của Trời
Ở một phố trung tâm Hà Nội có một siêu thị lớn. Người ta hoa mắt vì Tivi, máy giặt, tủ lạnh, v.v. và hàng ngàn thứ khác mới toanh sáng loáng dưới ánh đèn sáng rực, trong tiếng nhạc ầm ầm, loa quảng cáo rộn rã với người bán hàng là những thanh niên bảnh trai và các cô gái xinh xắn trong những bộ quần áo đỏ theo kiểu Nô-en – vì sắp đến Nô-en mà - vồn vã mời chào khách mua hàng. Cửa hàng này chỉ là một trong những sự trình diễn ầm ỹ văn hóa tiêu dùng của chủ nghĩa tư bản mà nay đang tràn ngập đô thị và đang lan tới cả nông thôn. Ra khỏi cửa siêu thị, nếu ai để ý thì có thể nhận ra trong xó tối một người phụ nữ bé nhỏ. Có lẽ bà đã già lắm bởi khuôn mặt nhăn nhúm, mồm móm mém, lưng còng. Bà gần như ngồi phệt xuống vỉa hè, dựa vào tường của cái siêu thị kia cho đỡ mỏi, trước mặt là một cái giỏ cũ trong có vài thỏi kẹo cao-su, vài chai nước và vài thứ lặt vặt khác nữa. Bà cụ không ăn xin. Bà chỉ cố làm việc với hy vọng có người sau khi mải mê mua sắm trong siêu thị có thể khát và cần ngay một chai nước mà cái siêu thị điện máy khổng lồ kia không có. Dạo quanh một chút thì tới Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Đó là một trong những công trình đồ sộ mà người Pháp sau khi chiếm được Việt Nam đã cho xây dựng ngay, với hai tháp chuông nguy nga theo kiểu Gô-tích. Cách đó chỉ có vài chục mét thôi là chùa Bà Đá thờ Phật với gần 1000 năm tuổi. Sự lấn át của đô thị và có lẽ cả của Thiên Chúa Giáo – tôn giáo của những kẻ nắm quyền thống trị trong gần 100 năm đã gần như ép cái chùa cổ ấy vào trong chỗ khuất, chỉ để lại một lối đi nhỏ khó nhận ra. Nghe nói ngôi chùa này khá “thiêng” và vì thế nó mới vượt qua được cả ngàn năm thử thách của các loại lấn át. Tưởng như không gì có thể mọc trên đá hay trên những bãi cát khô. Ấy thế mà những ngọn cỏ, những cây con, dây leo hay thậm chỉ cả những nhành hoa nhỏ vẫn mọc ra từ đá. Rồi rêu phong vẫn bám trên đá để sống. Cuộc sống là sự cạnh tranh khốc liệt để tồn tại. Nhưng Trời bao dung vẫn tạo ra những “kẽ nứt nhỏ” để cho mọi người và vạn vật, dù bé nhỏ yếu ớt đến đâu vẫn có thể bám vào để tồn tại.
Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011
Nước mắt
Năm 1953, khi Stalin chết, người Nga đã khóc nhiều. Nhà thơ Tố Hữu khi đó có câu thơ khóc ông khá thảm thiết: “Ông Stalin ơi! Hỡi ông mất, đất trời có không?” Ngày nay, nhiều người Nga cho rằng có lẽ công lao của ông cũng không bù đắp được sự tàn bạo khủng khiếp ông gây ra đối với đồng chí và nhân dân mình trong những năm cầm quyền. Nay thì thế giới đang chứng kiến người dân Bắc Triều Tiên khóc thương lãnh tụ của mình vừa qua đời. Trông thảm thiết lắm. Có lẽ là thật. Nhưng nỗi đau không nhất thiết tỷ lệ thuận với lượng nước mắt. Người Pháp hình như có câu nói đại ý là những nỗi đau lớn thường câm lặng. Thường phải mất nhiều năm sau, công và tội của một người mới có thể được đánh giá khách quan hơn, khi mọi người đã “bình tĩnh” lại và không còn chịu ảnh hưởng của bất cứ quyền lực “cứng” nào của người đó và những người ủng hộ người đó. Khó mà loại trừ hoàn toàn khả năng là những gì đã xảy ra đối với Stalin sẽ không lặp lại. Mọi thứ đều vô thường.
Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011
Giàu, nghèo và hèn
Vẫn cái vòng luẩn quẩn
Vài tuần trước, một nhóm đàn ông ở một làng miền núi tỉnh Nghệ An được thuê đi bốc vác gỗ ban đêm - vì là gỗ khai thác lậu - với tiền công là 100 ngàn Đồng (khoảng 5USD). Chẳng may xe tải gặp nạn bị đổ, gỗ trên xe lăn xuống đè chết 10 người. Vài ngày trước, 170 người ở một làng quê Ấn độ chết vì uống phải rượu độc. Đó là cuộc sống của người nghèo. Họ phải làm những công việc vất vả, nặng nhọc, bẩn thỉu và nguy hiểm với tiền công rẻ mạt. Buồn khổ với thân phận nghèo, họ cũng cố tìm một chút vui. Nhưng cái nghèo chẳng cho họ nhiều lựa chọn. Và rượu xưa nay vẫn là một lối thoát dễ dàng, dù là chỉ trong chốc lát. Người nghèo thì chỉ đủ tiền mua rượu rẻ tiền, thường là chất lượng thấp, đôi khi rất độc, thậm chí có thể gây chết người. Những phụ nữ góa bụa và đàn con nheo nhóc vốn nghèo lại càng thêm kiệt quệ và tuyệt vọng. Cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói vẫn tiếp tục. Dù ở Việt Nam, Ấn độ hay ở đâu thì cũng vậy.
Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011
Thân phận người nghèo
Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011
Cái sợ cố hữu
Bí mật cuối cùng
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)