Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Thân phận người nghèo


Trong thời kỳ chiến tranh với Mỹ, ở miền Bắc Việt Nam có khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có – Đâu khó có thanh niên! “. Lúc đó, cái cần nhất và khó nhất là đi bộ đội và ra chiến trận. Ở một nước mà kinh tế là nông nghiệp và nhân dân là nông dân thì thanh niên tức là những người nông dân trẻ. Không ai biết được bao nhiêu người đã ra mặt trận và bao nhiêu người đã không trở về. Cái mà có thể thấy được là hầu như làng xã nào cũng có nghĩa trang liệt sỹ, mà có tới hàng ngàn xã như vậy. Khi hết chiến tranh thì những người lính nông dân ấy lại trở về với cuộc sống “con trâu đi trước, cái cày đi sau “. Họ và con cháu họ lại tiếp tục cái thân phận vất vả tủi nhục của những kẻ “nhà quê”. Vừa rồi, một nhà kinh tế loại hàng đầu của Việt Nam có đưa ra nhận định rằng năm 2011 là năm khó khăn nhất đối với kinh tế Việt Nam kể từ khi Liên Xô sụp đổ, với lạm phát phi mã 2 con số và hàng vạn doanh nghiệp phá sản. Ông cho rằng chính nông dân đã cứu kinh tế Việt Nam năm 2011. Thế là khi khó lại “có nông dân”. Nhưng cũng chẳng mấy ai biết ơn họ đâu. Vào lúc “nông nhàn” giữa hai vụ lúa mà chị nông dân nào tranh thủ gánh rau hay hoa quả vườn nhà ra thành phố mong kiếm thêm chút ít nuôi chồng con mà vô phúc gặp phải mấy anh “dân phòng” thì thể nào quang gánh cũng bị giật tung và “tịch thu” để giữ gìn các “tuyến phố văn minh”. Ruộng đất của họ luôn có thể bị “quy hoạch” làm dự án mà thực chất là một kiểu chiếm đoạt bằng những khoản đền bù rẻ mạt bởi các “nhóm lợi ích” gồm các “nhà đầu tư” và các quan chức tham nhũng nhà nước ở các cấp từ làng xã trở lên. Nhà văn Pháp thế kỷ 19 Guy de Maupassant có câu chuyện thời Pháp bị Đức chiếm đóng có một chuyến xe ngựa chở một nhóm người thành thị giàu có, đạo đức và danh giá đi “sơ tán” khỏi thành phố thì bị lính Đức chặn lại. Thế là những người này ra sức lừa phỉnh một cô gái làng chơi trẻ - mà chắc vốn là một thôn nữ - đi cùng xe, ca ngợi cô là yêu nước, anh hùng, có đức hy sinh, v.v. để cô này “hối lộ” viên sỹ quan Đức để đổi lấy việc được chúng cho đi. Sau khi được thả và tiếp tục lên đường, đám thị dân “đáng kính” ấy lại tiếp tục lừa phỉnh để ăn hết số thực phẩm mà cô gái ấy mang theo cho cả chuyến đi của mình. Hình như cuối cùng sau khi đã vắt kiệt mọi thứ mà cô gái tốt bụng và ngây thơ ấy có thể cho, "bọn người lương thiện đểu cáng " ấy đã lập tức trở mặt, đẩy cô trở lại tầng lớp mà họ cho là hạ đẳng, nhơ nhuốc. Đó là cách người ta đối xử với người nghèo. Ở thời nào và ở đâu cũng vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét