Trong Thế Chiến thứ 2, nước Pháp, quê hương của tinh thần Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái bị nước nước Đức Quốc xã giày xéo. Cuối cùng, phải nhờ quân Đồng minh, nước Pháp mới lại được tự do. Nhưng những người lãnh đạo của phong trào kháng chiến Pháp lại không chịu hiểu một điều là tự do đối với họ quý thế nào thì đối với các dân tộc khác - trong đó gồm cả những nước từng bị Pháp chiếm làm thuộc địa như Việt Nam - thì tự do cũng quý như vậy. Vừa thoát khỏi gót giày của Na-zi, Pháp đã vội vã đưa chiến hạm, súng đạn và đội quân xâm lược trở lại Việt Nam. Trước tình hình gay go ấy, tháng 12 năm 1946, Chủ Tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam độc lập non trẻ đã kêu gọi nhân dân toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Với một hy vọng thiết tha là sẽ được tự do hạnh phúc, hàng triệu người Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi ấy. Trong số đó có một cặp vợ chồng trẻ và một bé gái nhỏ. Anh vốn là một thư sinh trường Bưởi. Anh yêu văn hóa Pháp lắm. Anh thuộc làu làu những vần thơ lãng mạn của Rimbaud và Verlaine, những đoạn văn của Victor Hugo và Anatole France. Chị thì vốn là một học sinh trường nữ sinh Công Giáo Sainte – Marie. Chị rất thích những bản tình ca Pháp như C’est à Capris hay bài dân ca Quand on est matelot. Nhưng cái mà anh yêu hơn cả là cái tinh thần tự do của Cách Mạng Pháp 1789, là hình ảnh Thần Tự Do trên chiến lũy Paris của danh họa Delacroix. Cái sâu sắc nhất thấm vào con người chị lại là cái tinh thần của Đức Chúa Giê-su, bình thản chịu đựng mọi khó khăn vất vả, bất công của cuộc đời. Cái chất người của họ là như thế. Và họ đã bình thản bỏ lại nhà cửa và cuộc sống êm ấm ở Hà Nội, với hai bàn tay trắng và một đứa con nhỏ, họ lặn lội lên rừng núi Việt Bắc, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong suốt 9 năm, hai người đã chịu đựng mọi thiếu thốn, đói rét, bệnh tật, bom đạn, cố gắng làm một công việc thật bình thường là dạy học cho trẻ em nhỏ ở khắp các vùng núi rừng Bắc Việt Nam. Dường như có một sức mạnh lạ kỳ đã giúp cho hai con người mỏng manh ấy vượt qua những khó khăn mà ngày nay chúng ta khó mà hình dung được. Sức mạnh ấy chính là tình yêu thương và lòng chung thủy, và với niềm hy vọng khát khao được trở về thành phố quê hương thân yêu tự do. Và năm 1954, họ đã cùng với đoàn quân chiến thắng trở về.
Kỷ niệm 20 năm giỗ Mợ - Mùng 9 tháng Giêng Nhâm Thìn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét