Gần đây, một bé gái 2 tuổi bị thương nặng do ô tô chẹt nằm ở ngoài đường một thành phố nam Trung Quốc. Có tới hai chục người đi qua mà chẳng ai cứu giúp. Còn hôm nay thì báo mạng đưa tin một bé 6 tháng tuổi bị vứt trong một chiếc xe rác ở Hà Nội. Em bé Trung Quốc bị đối xử như một con chó hay con mèo bị xe chẹt. Còn em bé Hà Nội thì bị vứt vào xe rác như một con chuột chết. Những chuyện này khiến lòng ta cứ tê tái mãi. Cái gì đã làm cho chúng ta trở nên vô cảm đến tàn nhẫn như vậy? May mà trên đời vẫn luôn còn những người nhân hậu. Một phụ nữ nhặt rác bế em bé TQ vào vỉa hè và tìm cha mẹ em. Còn em bé Hà Nội thì cũng được một người bới rác tìm thấy và cùng một số người xung quanh đó làm một “tang lễ” nho nhỏ ngay trên cái xe rác. Có lẽ không phải là tình cờ mà câu chuyện ở hai thành phố lại có những sự tương đồng. Hai người nhặt rác nằm trong số những người nghèo nhất, ít học nhất và có lẽ bị khinh rẻ nhất trong một xã hội chỉ trọng người “thành đạt”, mặc áo quần sang trọng, đi “siêu xe”, ở biệt thự xa hoa, có những trăm những ngàn tỷ trong tài khoản ngân hàng và cổ phiếu, với những bằng cấp và chức tước in đầy trên danh thiếp. Nhưng họ có cái quý nhất mà chúng ta có rất ít hoặc không có bởi ngày nay nó qúa hiếm. Đó là tình thương.
Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011
Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011
Nói hay Viết?
Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011
Dòng suối nhỏ
Có một dòng suối nhỏ. Nó nhỏ quá nên không có tên. Bắt nguồn ở đâu đó từ trên cao những dãy núi xa xăm, nó gom góp từng hạt mưa nhỏ rơi xuống từ những đám mây bay đến có lẽ từ những chốn xa xôi. Len lỏi qua bao cỏ cây, rừng rậm và sỏi đá ở những chốn không dấu chân người, dòng nước trở nên trong vắt và mát lạnh. Ngày đêm, nó róc rách trôi không ngừng nghỉ, tưới cho cây rừng tươi tốt, cho hoa dại nở thơm ngát quanh năm. Gặp chỗ dốc, nó chảy xiết băng băng. Thỉnh thoảng, nó biến thành những dòng thác nhỏ, thả mình bay trong gió, hóa thành những đám mây nước trắng xóa. Những ngày hè oi bức, nó làm dịu mát đôi chân các em nhỏ lội qua suối đến trường, làm dịu cơn khát của hươu nai và chim chóc. Nó làm mát những phiến đá bên bờ suối, dưới bóng mát những cây cọ, nơi những người đi làm nương nghỉ ngơi, trẻ con chơi đùa tắm mát, nơi những cô gái đi gánh nước về nhà. Nhẹ nhàng, nó rót đầy guồng đưa nước tưới những ruộng bậc thang. Lặng lẽ ngày đêm, nó nâng những cái chày lên rồi lại thả xuống cối giã gạo. Rồi một ngày, nó hòa mình vào một dòng sông nhỏ, rồi một dòng sông lớn. Nó nâng những chiếc thuyền trôi theo dòng nước. Cứ thế trôi xuôi, cuối cùng nó ra tới biển cả hùng vĩ. Dưới nắng mặt trời, vô vàn những giọt nước nhỏ bé lại bay lên trời thành những đám mây lững lờ trôi. Những giọt nước nhỏ bé ấy lại rơi xuống một đỉnh núi. Có thể, chúng lại trở về những dãy núi và khu rừng nhiệt đới thân quen xưa. Cũng có thể, chúng biến thành những bông tuyết phủ lên những đỉnh núi trắng long lanh dưới ánh mặt trời. Mùa xuân, tuyết ấy lại tan ra, lại thành những dòng suối nhỏ mới, lại bắt đầu những cuộc hành trình mới ra biển cả.
Ít mới quý, nhiều thì rẻ?
Có một bộ phim - hình như của Mỹ - kể chuyện một nhóm người đi tìm một kho báu trên sa mạc. Họ tìm được rất nhiều vàng bạc châu báu và chia nhau mang về. Nhưng nước uống cạn dần và sức của họ cũng cạn theo. Họ đành phải vứt dần vàng bạc mang theo. Người vứt hết vàng bạc, chỉ giữ lại nước uống thì cuối cùng ra khỏi được sa mạc. Kẻ tham lam cố giữ vàng mà bỏ bớt nước thì cuối cùng kiệt sức chết khát giữa sa mạc. Khi hiếm, một giọt nước còn quý hơn cả cục vàng. Thái Lan thì lại đang có quá nhiều nước. Nước lụt ngập hầu hết các vùng. 12 triệu dân Băng Cốc cũng không thoát được lụt. Nhiều người đang phải bỏ nhà cửa đi tránh lũ. Khi quá nhiều, nước là một tai họa lớn. Những người thực dân da trắng đầu tiên tới vùng đất Nam Phi nhiều thế kỷ trước thấy trẻ con bản địa chơi những cục đá phát sáng lóng lánh. Chúng vứt cả ra ngoài đường. Họ nhận ra rằng đó là … kim cương! Khi quá nhiều, kim cương cũng chỉ là đồ chơi của trẻ nghèo. Nhưng rồi nhanh chóng, những “cục đá” ấy được thu gom để mang về châu Âu và cũng nhanh chóng trở thành thứ cực quý và hiếm. Thời “bao cấp” ở Hà Nội có người có xe đạp mới lấy giấy bọc kỹ để phòng bụi và sây sát sơn, rồi còn treo lên để đỡ hại lốp. Cái xe đạp lúc đó còn quý hiếm hơn cả ô tô bây giờ. Bây giờ nhà nào cũng ít con và kinh tế cũng khá hơn nên trẻ con được chăm sóc, chiều chuộng nhiều khi quá mức, mới hơi sụt xịt một tý là cả nhà đã cuống lên. Khi xưa nghèo hơn mà lại đông con, nhà nào ít cũng năm bảy đứa, nhà nhiều thì cả chục đứa, hoặc hơn. Trẻ con, nhất là ở nông thôn thì thả cho “tự do” chơi ngoài đường, bùn đất mũi dãi lấm lem cũng mặc. Nhân loại sắp đạt 7 tỷ người. Cái cảnh chen chúc đông nghịt giờ là phố biến khắp nơi, nhất là ở các nước nghèo. Chẳng cần phải đi “tham quan khảo sát” ở đâu, cứ ra phố Hà Nội -24/7 – là thấy ngay. Chật cứng ở ngoài đường, trong bệnh viện, ở trường học, trên xe buýt, ở khắp nơi. Hà Nội xưa vốn nổi tiếng là nơi thanh lịch thì nay là thứ ngược lại, xô bồ, hỗn tạp, thô bạo, chen lấn. Người nhiều thì mọi thứ thành ít. Ít thì người ta tranh nhau, chẳng coi nhau ra gì nữa. Thế nên, con người cũng chả còn quý nữa. Có một thứ rất sẵn và cực “rẻ” là không khí. Trời cho không khí ở khắp nơi và hoàn toàn “miễn phí”. Nhưng với lối sống vô trách nhiệm với môi trường của con người ngày nay thì không khí - cái thứ “rẻ hơn bèo” đó một ngày sẽ trở nên hiếm và đắt nhất. Đơn giản là vì ta có thể sống thiếu vàng cả đời, thiếu cơm cả tuần, thiếu nước cả ngày nhưng thiếu không khí có lẽ không quá 1 phút!
Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011
Chênh lệch: Một quy luật tự nhiên?
Trong vũ trụ, chênh lệch về khối lượng tạo chuyển động của vật thể nhỏ hơn như Trái Đất quanh vật thể lớn hơn như Mặt Trời. Trên mặt đất, sông chảy là do chênh lệch độ cao. Gió thổi là do chênh lệch áp suất và nhiệt độ. Cả đời ta làm việc là do chênh lệch đói-no hàng ngày trong dạ dày. Rồi chênh lệch mức lương cao-thấp, thu nhập, chênh lệch giàu-nghèo, chức vụ, quyền lực thúc đẩy mọi người leo lên các nấc thang vô hình để khắc phục chênh lệch. Học sinh đi học là do chênh lệch kiến thức, kỹ năng, bằng cấp cũng là để giảm chênh lệch. Chênh lệch tạo ra mọi chuyển động trong thiên nhiên và xã hội.
Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011
Lại chuyện tiền
Có một bài “vè” về tiền nhiều người biết có đoạn như sau:
Tiền là tiên là phật
Là sức bật tuổi trẻ
Là sức khỏe tuổi già
Là cái đà danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cái cân công lý
Tiền là hết ý
Thế cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả chúng ta suốt ngày chỉ lo xem làm thế nào kiếm được nhiều tiền hơn. Chúng ta tin tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc. Gaddafi cũng khá là quan tâm đến tiền bạc. Nghe nói trong 42 năm cầm quyền, ông ta đã “kiếm” được tới 200 tỷ đô-la, nhiều gấp 3 lần nhà tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay. Vừa có nhiều tiền lại có quyền lực tối cao, không còn gì mà cái lòng tham vô độ của con người có thể tưởng tượng ra mà ông ta và vợ con không có. Vậy thì còn gì có thể ngăn cản “hạnh phúc” của cuộc đời họ? Cách đây một năm có lẽ khó có câu trả lời có thể thuyết phục. Nhưng vừa rồi thì mọi chuyện đã khác. Cả thế giới đã chứng kiến Gaddafi, nhà lãnh đạo độc tài Libya, bị lực lượng nổi dậy – mà chính là nhân dân mình - giết chết tại thành phố quê hương ông trong trận tấn công cuối cùng sau khi tìm thấy ông đang trốn ở trong một cái cống. Còn các con ông ta thì người cũng đã bị giết chết, người thì còn đang lẩn trốn mà chắc cũng chẳng thể chạy đi đâu được.Tiền bạc và thậm chí bao nhiêu là súng đạn, máy bay và xe tăng đã không cứu nổi mạng sống của ông ta chứ nói gì đến hạnh phúc. Cuộc đời Gaddafi cũng như nhiều nhà độc tài bị dân lật đổ khác gần đây là minh chứng mới cho một điều không mới: Không thể có hạnh phúc bằng tiền bạc và quyền lực kiếm được bằng bạo lực, áp bức, tham nhũng, lạm dụng chức quyền, bóc lột, lừa dối, ăn cắp và ăn cướp.
Tiền là tiên là phật
Là sức bật tuổi trẻ
Là sức khỏe tuổi già
Là cái đà danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cái cân công lý
Tiền là hết ý
Thế cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả chúng ta suốt ngày chỉ lo xem làm thế nào kiếm được nhiều tiền hơn. Chúng ta tin tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc. Gaddafi cũng khá là quan tâm đến tiền bạc. Nghe nói trong 42 năm cầm quyền, ông ta đã “kiếm” được tới 200 tỷ đô-la, nhiều gấp 3 lần nhà tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay. Vừa có nhiều tiền lại có quyền lực tối cao, không còn gì mà cái lòng tham vô độ của con người có thể tưởng tượng ra mà ông ta và vợ con không có. Vậy thì còn gì có thể ngăn cản “hạnh phúc” của cuộc đời họ? Cách đây một năm có lẽ khó có câu trả lời có thể thuyết phục. Nhưng vừa rồi thì mọi chuyện đã khác. Cả thế giới đã chứng kiến Gaddafi, nhà lãnh đạo độc tài Libya, bị lực lượng nổi dậy – mà chính là nhân dân mình - giết chết tại thành phố quê hương ông trong trận tấn công cuối cùng sau khi tìm thấy ông đang trốn ở trong một cái cống. Còn các con ông ta thì người cũng đã bị giết chết, người thì còn đang lẩn trốn mà chắc cũng chẳng thể chạy đi đâu được.Tiền bạc và thậm chí bao nhiêu là súng đạn, máy bay và xe tăng đã không cứu nổi mạng sống của ông ta chứ nói gì đến hạnh phúc. Cuộc đời Gaddafi cũng như nhiều nhà độc tài bị dân lật đổ khác gần đây là minh chứng mới cho một điều không mới: Không thể có hạnh phúc bằng tiền bạc và quyền lực kiếm được bằng bạo lực, áp bức, tham nhũng, lạm dụng chức quyền, bóc lột, lừa dối, ăn cắp và ăn cướp.
Món “lẩu”
Người Việt thích ăn “lẩu”, một món ăn có lẽ xuất xứ từ miền nam TQ. Có các loại như lẩu nấm, lẩu hải sản, v.v. Có thể ra hiệu ăn hoặc tự nấu ở nhà. Thực ra thì mỗi chúng ta ngày nào cũng “ăn” một món lẩu ‘tinh thần” theo cách tương tự. Thành phần gồm 2 loại “nguyên liệu” chính. Loại "mua" từ bên ngoài là một mớ “tạp pí lù” gồm thời tiết, giao thông, những người ta gặp, các sự cố, các tin vui buồn v.v. Loại nhà có sẵn cũng là một mớ tương tự gồm tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần, tính cách của ta, các loại kiến thức, định kiến của ta, v.v. Muốn hay không, ta vẫn phải “ăn” món lẩu đó hàng ngày. Muốn ăn ngon, ta có thể tự “nấu” lẩu bằng cách tự chọn nguyên liệu. Thứ nào ta không thích thì đừng coi nó là quan trọng. Ví dụ, trời nắng hay mưa, nóng hay lạnh ta không kêu ca than phiền. Hoặc hôm nay ta cảm thấy hơi mệt, không được sảng khoái lắm nhưng ta vẫn cố bình thản. Như vậy những thứ “nguyên liệu” kém chất lượng này sẽ không vào nồi lẩu của ta, hoặc có vào, nhưng chỉ chút ít thôi. Nói thì dễ, nhưng phải chủ động tập nhiều thì mới làm thế được. Tiếc rằng, phần lớn chúng ta đều không chịu “nấu” và phó thác việc ấy cho tự nhiên. Thế là vai trò của ta chỉ còn là cái “nồi”. Nhưng sau đó thì lẩu không ngon ta lại kêu ca phàn nàn. Người Việt có câu: “Muốn ăn thì lăn vào bếp”. Muốn món “lẩu” hàng ngày "ngon" hay muốn cuộc đời ta “ngon” cũng vậy.
Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011
Năng lượng ở đâu?
Chúng ta thường cho rằng mình không đủ sức để làm việc mình muốn làm. Có lẽ chúng ta đều có khá đủ năng lượng. Nhưng ta phân tán sức ra quá nhiều chỗ mà không tập trung vào chỗ cần thiết. Ánh nắng tập trung qua một cái kính “lúp” có thể đốt cháy tờ giấy. Cái dùi của bác thợ chữa giày góc phố có thể dễ dàng xuyên qua lớp da dày nhất, bởi nó được mài nhọn.
Đường tới thành Rôma
Người phương Tây xưa có câu: “Mọi con đường đều tới Rôma”. Đế quốc La Mã xưa xây một hệ thống hàng trăm ngàn Km đường. Chúng như những bán kính của một hình tròn, tất cả đều dẫn đến tâm là thành phố Rôma. Lâu ngày, câu nói đó có thêm nghĩa bóng đại ý là có nhiều cách để đạt đến cùng một mục đích. Vấn đề không phải là đi con đường nào vì mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau, mà là xác định được “Rôma” ở hướng nào. Và cái chính là có quyết tâm và bền bỉ đi đến cùng không.
Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011
Cái “bánh” GDP
Các chính trị và kinh tế gia theo “chủ nghĩa GDP” cho rằng cái quan trọng là cái bánh có to không, chứ không phải chia đều hay không. Nếu thế thì với cái “bánh” khổng lồ hơn 14 ngàn tỷ đô-la, Mỹ sẽ phải là đất nước “ổn” nhất thế giới. Thế nhưng gần đây, nước này có dấu hiệu bất ổn. Những đoàn người trong phong trào biểu tình “Chiếm phố Wall” ở khắp nước Mỹ đã lan ra 900 thành phố khắp thế giới với những biểu ngữ “Chúng ta là 99%”. Đó là sự bất bình vì 1% những người giàu nhất Mỹ chiếm tới hơn 40% “financial wealth”, có thể hiểu nôm na là tiền bạc và những thứ có thể nhanh chóng chuyển thành tiền. Có lẽ đó là chưa kể những thứ “chậm” thành tiền hơn như bất động sản. Số liệu của Mỹ còn cho thấy rằng tỷ lệ đó ngày càng tăng lên trong những năm qua. Nhóm người giàu, nhất là giới tài chính ngân hàng và các công ty lớn quá tham lam đang chiếm quá cái mức giá trị lao động của họ đóng góp cho xã hội. Cả hai đảng, chính phủ và quốc hội Mỹ đang bị cáo buộc là cũng thuộc nhóm 1%, do nhóm 1% đưa lên và do đó cũng hoạt động thiên về lợi ích của nhóm 1%. Đó là một cái “lỗi” của hệ thống và nó sẽ gây ra bất ổn, và dần dần sẽ phá vỡ xã hội nếu không có những điều chỉnh cần thiết.
Cái giá của ngai vàng
Chơi Golf hay Không?
Dạo này dư luận khá bận rộn, kẻ thì ủng hộ, người thì phản đối chỉ thị của ông tân bộ trưởng giao thông cấm các cán bộ lãnh đạo ngành giao thông chơi golf để dành thời gian cho công việc. Phe ủng hộ cho rằng món này không những tốn thì giờ mà còn là thứ xa xỉ dành cho “đại gia” chứ cán bộ, kể cả loại lương cao lấy đâu ra tiền mà chơi. Người phản đối, trong đó có cả những quan chức luật pháp cho rằng vào ngày nghỉ người ta có quyền chơi cái gì tùy thích, miễn là không phạm pháp. Nghe ra thì cũng có lý. Nhưng có vẻ như hai bên đang bàn về những mặt khác nhau. Bên chống thì nói về lý. Bên ủng hộ thì thiên về mặt đạo đức. Người có cái tâm thì ai nỡ chơi xa xỉ như thế khi đất nước còn hàng triệu người nghèo khổ, thiếu đói do lụt bão mất mùa, giá cả tăng vọt, không có tiền cho con đi học, chữa bệnh, trường lớp, cơ sở y tế dột nát, đường xá lầy lội, môi trường ô nhiễm, giao thông tắc nghẽn,v.v. Nghe nói chi phí cho một năm chơi golf là khoảng 500 triệu đồng. Lại nghe nói Viện Toán trả mức lương cao nhất cho GS Châu, một nhà toán học cỡ hàng đầu thế giới là 5 Tr.Đ/tháng. Như vậy, giả sử GS dành tất cả tiền lương để chơi golf thì ông phải làm 100 tháng hay hơn 8 năm thì mới đủ tiền chơi một năm. Vậy thì các quý vị quan chức trung ương và địa phương cả nước lấy tiền đâu ra để chơi? Đó chính là chỗ mà ông bộ trưởng chắc thừa biết mà không nói ra. Rồi nhiều nghiên cứu còn chỉ ra vấn đề môi trường và xã hội của các sân golf. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc được đăng trên website worldwatch.org, các sân golf trên thế giới sử dụng gần 9,5 tỉ lít nước/ngày, đủ cung cấp nước uống trong một ngày cho 4,7 tỉ người. Trong khi đó nhiều vùng của Việt Nam và trên thế giới còn khô cằn và thiếu cả nước uống. Sân golf sử dụng những diện tích đất rất lớn thường có nguồn gốc từ ruộng đất của nông dân hoặc “đất hoang” sau đó được các nhà đầu tư biến thành dự án, được sự “ủng hộ” của quan chức địa phương và trung ương và sau khi “đền bù” cho nông dân nghèo, mà thực chất là những khoản đầu tư siêu lợi nhuận lợi dụng sự nghèo khổ và kém hiểu biết của bà con nông dân và thói tham nhũng của một bộ phận cán bộ có chức có quyền. Như vậy, chơi golf có thể coi là một sự đồng lõa, có hoặc vô ý thức, với việc làm hại môi trường và tước đoạt nguồn sống lâu dài của người nghèo. Người có ý thức và có cái tâm thì không nỡ làm những việc như thế. Năm 1945, nước Việt Nam non trẻ vừa giành được độc lập cũng vừa trải qua một nạn đói khủng khiếp làm 2 triệu người chết. Trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 28-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Không có luật nào bắt Cụ Hồ nhịn ăn lúc đó hay cấm ta chơi golf bây giờ cả. Chỉ có lương tâm có mách bảo ta phải làm gì và không nỡ làm điều gì thôi.
Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011
Có đáng phàn nàn?
Chúng ta thường dùng thế mạnh của mình và lợi dụng điểm yếu của người khác để giành được thứ ta muốn. Điểm mạnh của “chân dài” là sắc đẹp, điểm yếu là ham giàu (tất nhiên, không phải tất cả). Điểm mạnh của “đại gia” là nhiều tiền, điểm yếu là háo sắc. Thế là hai bên lợi dụng thế mạnh của mình và điểm yếu của đối phương, kết quả là “chân dài” thì kiếm được nhiều tiền, có nhà cửa, ô-tô sang trọng, còn “đại gia” thì thỏa mãn sự háo sắc và cái “mốt” có người đẹp tháp tùng. Trong cái trào lưu chạy theo tiền bạc, vật chất và hình thức hiện nay thì có lẽ đó là một “cặp đôi hoàn hảo”, một sự mua bán đổi chác khá sòng phẳng. Đã là mua bán thì tất nhiên là có cái giá mà hai bên phải trả. Như vậy thì cũng chả có gì đáng phàn nàn cả.
Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011
Cái gì quan trọng hơn?
Mấy hôm nay, hàng triệu người Trung Quốc bàng hoàng và tức giận sau khi xem clip một bé gái 2 tuổi ở miền nam TQ bị đến hai chiếc xe tải liên tiếp chẹt qua mà sau đó lái xe vẫn đi tiếp. Sau đó, có đến hai chục người qua đường nhìn thấy nhưng vẫn thản nhiên đi qua. Điều đau lòng là sự thờ ơ đến tàn nhẫn của những người qua đường ấy. Nhưng hãy đừng vội lớn tiếng chỉ trích. Có lẽ họ cũng chỉ như chúng ta thôi. Chúng ta sẽ có cả ngàn lý do “chính đáng” để cũng “nhắm mắt” đi qua mà không làm gì cả. Cái gì đã làm cho chúng ta trở nên thờ ơ vô cảm trước nỗi đau của người khác? Đoạn clip còn cho thấy một người phụ nữ lớn tuổi làm nghề nhặt rác sau đó đã bế bé gái vào bên trong và tìm bố mẹ cháu. Hàng triệu người đã cảm động về hành động này và nhiều người gọi người phụ nữ này là Bồ tát từ bi tái hiện cứu giúp đời, v.v. Trả lời phỏng vấn của báo chí, bà nói là bà chẳng nghĩ gì cả, thấy người bị nạn thì phải giúp, thế thôi. Tại sao một việc làm thật bình thường như vậy mà lại được coi là cao quý đến thế? Có lẽ là vì ngày nay, những việc vốn bình thường và tự nhiên ấy đã trở thành hiếm hoi trong một xã hội mà con người ích kỷ cao độ trong cuộc theo đuổi tiền bạc danh lợi. Gần đây, BBC có đưa tin là nền giáo dục của TQ như ở Thượng Hải và Hồng Kông được liệt vào hàng đầu thế giới. Có lẽ đánh giá đó chỉ dựa theo khả năng toán, vật lý hay tin học. Nếu lòng nhân ái mà cũng là một môn học thì có lẽ chúng ta sẽ có một bảng xếp hạng khác. Ở TQ, VN và các nước đông Á khác, đã có một thời mà trọng tâm của giáo dục là chữ NHÂN, nói nôm na là lòng nhân ái, tình yêu con người. Câu chuyện trên của bé gái TQ một lần nữa nhắc ta cái gì là quan trọng hơn trong cuộc đời này.
Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011
Kẻ tàng hình
Ngày nay một số nước có công nghiệp vũ khí phát triển chế tạo ra những thứ vũ khí có thể “tàng hình” như máy bay, thậm chí cả tầu chiến mà đối phương khó phát hiện và chống lại được. Thực ra thì phần lớn chúng ta đều “tàng hình” để che giấu con người thật của mình, vì ta sợ hãi, xấu hổ, thiếu tự tin, sợ bị tổn thương, v.v. Khi còn là trẻ con, ta không “tàng hình” vì trong ta chỉ có những gì là bản năng tự nhiên trong sáng thuần khiết nhất Trời-Đất ban cho. Nhưng rồi ta lớn lên và bắt đầu được “dạy dỗ” rằng cái này tốt, cái kia xấu, cái nọ đáng ghét, đáng sợ, đáng xấu hổ. Nếu ta không làm theo thì lập tức bị chê bai, trách mắng, bị phạt, bị đánh. Cứ thế ta dần dần “khôn” hơn, bắt đầu thu mình vào trong cái vỏ ốc để được an toàn – ta trở thành những kẻ tàng hình.
Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011
Những bài hát của cuộc đời
Nhiều người chúng ta lớn lên với những bài hát mình yêu thích. Thời niên thiếu, ở cái tuổi trong trắng ấy, ta nhớ cái cảm giác thiêng liêng khi cổ quàng khăn đỏ, tay nghiêm trang chào cờ, miệng hát:
Đây một mùa xuân trăm hoa hé tưng bừng,
Đây thời niên thiếu, hát ca vang lừng
Thời thanh niên, ta “mê” những bản tình ca say đắm:
Em nơi phương xa
Em có nhớ chăng…
Những ngôi sao hôm…
Rồi những câu hát sôi nổi nhiệt huyết tuổi đôi mươi:
Cả tình yêu trao cuộc sống
Có thấy chăng ôi cuộc đời tình ta thắm nồng
Rồi cái thơ ngây tuổi thiếu niên và nhiệt huyết tuổi hai mươi trôi qua theo năm tháng, nhường chỗ cho cái chín chắn từ những bài học đôi lúc chua chát và đắng cay của cuộc đời. Ngân nga trong ta những câu hát da diết hoài niệm xưa:
Có một thời ta trẻ trung biết bao
Đã yêu chân thành biết bao
Không có bài hát hay hoặc không hay. Chỉ có bài hát ta thích hay không thích. Ta yêu những bài hát ấy vì chúng gắn với những kỷ niệm của cuộc đời ta. Những bài hát ấy theo ta suốt cuộc đời. Như những người bạn chung thủy nhất, những bài hát ấy luôn bên ta, vui cùng niềm vui, làm vơi đi nỗi buồn của ta, giúp ta thêm tình yêu cuộc sống.