Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Nông Dân

Chúng ta ngày nào cũng ăn cơm, thịt cá và rau, rồi lại còn “đét-xe” hoa quả nữa. Ai cũng biết nông dân phải vất vả như thế nào mới làm ra những thứ đó. Nhưng chúng ta vẫn chỉ coi họ, những người nuôi sống chúng ta như những kẻ “nhà quê” dốt nát. Khi có chiến tranh thì họ là lính chủ lực ra trận đầu tiên. Không ai biết bao nhiêu người đã không trở về. Những người may mắn trở về thì lại tiếp tục cuộc sống thiếu thốn vất vả ở thôn quê. Vì thế năm nào cũng có nhiều học sinh từ nông thôn ra thành phố thi đại học với hy vọng thoát khỏi những vùng quê nghèo. Nhưng không phải tất cả có thể theo con đường đó. Con em nông dân nghèo thường ít được học hành đầy đủ. Đối với đa số, nếu không muốn làm ruộng nữa – mà đôi khi muốn cũng không được vì đất khô cằn do thiếu nước hoặc đất ruộng đã bị những “nhà đầu tư” móc ngoặc với đám quan chức tham nhũng chiếm đoạt rồi - thì chỉ còn cách làm thợ ở các công ty và nhà máy để cho các nhà tư bản trong và ngoài nước bóc lột sức lao động với tiền công rẻ mạt. Phụ nữ còn có thể đi làm giúp việc ở các gia đình khá giả ở thành phố. Cô nào trẻ hơn thì có thể lấy chồng ngoại quốc mà thường là những người “ế vợ” tại các nước giàu hơn như Đài Loan hay Hàn Quốc. Họ phải trả tiền cho những kẻ môi giới và bị đối xử gần như những món hàng ở chợ nô lệ thời cổ La Mã vậy. Nếu muốn có thu nhập nhanh và nhiều hơn thì phải vào làm trong ngành “công nghiệp tình dục”. Ở đây, những cô gái nghèo tội nghiệp phải bán tuổi trẻ, sức khỏe, nhân phẩm và tương lai để đổi lấy những đồng tiền của lũ đàn ông mà nhiều người trong số họ sau đó lại đeo mặt nạ lên và tiếp tục đóng vai những công dân đáng kính. Đại để đó là thân phận buồn của nông dân nghèo ngày nay. Sự cùng cực của một số đông dân nghèo thường là mầm mống của các cuộc bạo động xã hội từ xưa tới nay. Chúng có thể khá đẫm máu, như lịch sử đã từng chứng kiến nhiều lần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét