Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Những năm tháng tuổi trẻ


Trong Thế Chiến thứ 2, nước Pháp, quê hương của tinh thần Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái bị nước nước Đức Quốc xã giày xéo. Cuối cùng, phải nhờ quân Đồng minh, nước Pháp mới lại được tự do. Nhưng những người lãnh đạo của phong trào kháng chiến Pháp lại không chịu hiểu một điều là tự do đối với họ quý thế nào thì đối với các dân tộc khác - trong đó gồm cả những nước từng bị Pháp chiếm làm thuộc địa như Việt Nam - thì tự do cũng quý như vậy. Vừa thoát khỏi gót giày của Na-zi, Pháp đã vội vã đưa chiến hạm, súng đạn và đội quân xâm lược trở lại Việt Nam. Trước tình hình gay go ấy, tháng 12 năm 1946, Chủ Tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam độc lập non trẻ đã kêu gọi nhân dân toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Với một hy vọng thiết tha là sẽ được tự do hạnh phúc, hàng triệu người Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi ấy. Trong số đó có một cặp vợ chồng trẻ và một bé gái nhỏ. Anh vốn là một thư sinh trường Bưởi. Anh yêu văn hóa Pháp lắm. Anh thuộc làu làu những vần thơ lãng mạn của RimbaudVerlaine, những đoạn văn của Victor HugoAnatole France. Chị thì vốn là một học sinh trường nữ sinh Công Giáo Sainte – Marie. Chị rất thích những bản tình ca Pháp như C’est à Capris hay bài dân ca Quand on est matelot. Nhưng cái mà anh yêu hơn cả là cái tinh thần tự do của Cách Mạng Pháp 1789, là hình ảnh Thần Tự Do trên chiến lũy Paris của danh họa Delacroix. Cái sâu sắc nhất thấm vào con người chị lại là cái tinh thần của Đức Chúa Giê-su, bình thản chịu đựng mọi khó khăn vất vả, bất công của cuộc đời. Cái chất người của họ là như thế. Và họ đã bình thản bỏ lại nhà cửa và cuộc sống êm ấm ở Hà Nội, với hai bàn tay trắng và một đứa con nhỏ, họ lặn lội lên rừng núi Việt Bắc, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong suốt 9 năm, hai người đã chịu đựng mọi thiếu thốn, đói rét, bệnh tật, bom đạn, cố gắng làm một công việc thật bình thường là dạy học cho trẻ em nhỏ ở khắp các vùng núi rừng Bắc Việt Nam. Dường như có một sức mạnh lạ kỳ đã giúp cho hai con người mỏng manh ấy vượt qua những khó khăn mà ngày nay chúng ta khó mà hình dung được. Sức mạnh ấy chính là tình yêu thương và lòng chung thủy, và với niềm hy vọng khát khao được trở về thành phố quê hương thân yêu tự do. Và năm 1954, họ đã cùng với đoàn quân chiến thắng trở về.  

Kỷ niệm 20 năm giỗ Mợ - Mùng 9 tháng Giêng Nhâm Thìn               

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Tàu điện Hà Nội


Người phương Tây khi nói về một thành phố thường nói đến Sights & Sounds  tạm dịch là những cảnh vật và âm thanh đặc trưng của nơi đó. Đặc trưng của Hà Nội trong một khoảng thời gian khá dài khoảng chín mươi năm từ đầu thế kỷ 20 có lẽ là tàu điện. Người Hà Nội thời ấy ai cũng nhớ cái tiếng leng keng đặc biệt của chuông tàu điện. Cái âm thanh ấy đã đi vào thi ca và âm nhạc để trở thành nỗi nhớ của người Hà Nội cũ. Cậu bé nào thời ấy mà chả thích đi tàu điện. Đi tàu điện không những được ngắm phố - vì tàu chạy khá chậm – mà con xem đủ thứ “biểu diễn” kiểu đường phố trên tàu như quảng cáo bán thuốc, kiểu như “Ai thuốc Lào, dầu cao Con Hổ nổi”, rồi thì hát “xẩm” ăn xin, v.v. Tàu chỉ có 2 hay 3 toa. Thích nhất là cái đầu tàu có cái “máy tàu” bằng đồng được chế tạo tận bên “chính quốc” Pháp từ thế kỷ 19 với những dòng chữ Pháp “xịn” đúc nổi. Cạnh cái máy dưới sàn là cái bàn đạp chuông. Chú bé nào mà chả thích đạp thử cho nó kêu “leng keng” nhưng phải may mắn lắm hôm nào “vớ” được chú lái tàu dễ tính thì mới được thử vài cái. Ai mà quên được cái thú “nhảy tàu” – tức là lên hay xuống khi tàu chưa dừng. Nhưng ‘khoái” nhất là nhảy xuống. Đây là cả một “nghệ thuật” vì phải tùy tốc độ tàu mà nghiêng người về phía sau sao cho khi chân chạm đất thì người theo đà của tàu mà thẳng lên là vừa. Cái trò này kể cũng khá nguy hiểm. Nhưng nó có cái thú của sự mạo hiểm và cái đẹp “sành điệu” của cú nhảy. Những cậu bé khu phố cổ còn có cái thú chơi “xèng”. Trò này cũng công phu lắm. Đầu tiên là phải la cà vào nhà “Thủy Tọa” – mà nay người ta gọi sai thành Thủy Tạ - để nhặt nút chai bia. Sau đó đem ra đặt lên đường ray tàu điện. Sau khi đoàn tàu chạy qua, những nút chai này được dát phẳng lỳ. Xưa kia mọi thứ đều chầm chậm, mọi khoảng cách đều xa xôi. Ngày ấy mà đi tàu điện lên tận Hà Đông thì có cái cảm giác như là sang một thế giới khác vậy. Ngày nay Hà Nội rộng lớn, náo nhiệt, hiện đại, choáng lộn hơn xưa. Nhưng hình như vẫn thiếu một cái gì đó, cái làm nên nét duyên, cái hồn của một thành phố, như tàu điện Hà Nội xưa.

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Biết già


Tuổi trẻ thật đẹp. Nhưng nó trôi qua nhanh lắm. Ngoảnh đi ngoảnh lại tuổi già đã ập xuống đầu người ta. Ai cũng nuối tiếc tuổi trẻ và không muốn chấp nhận tuổi già. Người ta nhuộm tóc cho đen, dùng kem chống nếp nhăn trên mặt – theo như quảng cáo của các hãng mỹ phẩm mà chẳng biết có đúng không – rồi có người đi thẩm mỹ viện để làm cho da nhẵn, căng, uống các loại thuốc, mặc quần áo của người trẻ, v.v. để cốt được trẻ lại, hay ít nhất trông đỡ già. Ai cũng thích được khen là trẻ mà không biết rằng khi người ta “khen” như thế tức là mình già thật rồi. Chả ai đi khen người trẻ là trẻ cả. Nhưng già là một quy luật tự nhiên mà không gì chống lại được. Càng chống thì càng mất tự nhiên, mệt mỏi hơn. Có một cách khác là chấp nhận tự nhiên, chấp nhận tuổi già, chấp nhận mình. Như thế cũng giống như ta bơi theo dòng chảy của nước, đi xuôi theo chiều gió, thật nhẹ nhàng. Tóc bạc và nếp nhăn là Trời ban cho, sao ta lại từ chối? Người ta theo lối xưa vào dịp Tết là “mừng tuổi” người già. Ta đã được sống nhiều, lại vẫn được sống thêm nữa, như thế phải mừng vui là đúng rồi. Người phương Đông xưa thật thâm thúy mà nhân ái. Đâu phải theo cái lối “thị trường” ngày nay, người già như quả chanh đã vắt hết nước, chỉ còn cái vỏ thôi thì phải vứt đi. Xưa chúng ta đã từng có một nét văn hóa tốt đẹp là kính trọng người già. Trong làn sóng Âu-Mỹ hóa rầm rộ ngày nay, nếu khôn thì ta phải biết giữ lại những gì tốt đẹp của mình. Mà chính người già cũng cần phải “biết” già, vui với tuổi già, hay ít nhất thì cũng bình thản chấp nhận và không việc gì phải che dấu cả.

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Một thần tượng của Thế kỷ 20


Thanh niên, nhất là những người lứa tuổi mười lăm đôi mươi, hay như ngày nay theo kiểu Mỹ gọi là tuổi “teen” - tuổi mới lớn đang dần bước vào đời thường hay tìm cho mình những mẫu người yêu thích. Những “thần tượng” này thường là những ngôi sao thể thao, ca nhạc, điện ảnh. Một số khác lại chọn những nhà tư tưởng hay lãnh tụ xuất chúng. Có lẽ Che Guevara là một thần tượng nổi bật nhất thế kỷ 20. Mà có thể của mọi thời đại, như cái cách “bình bầu” của phương Tây bây giờ. Cái gì làm Che có sức hấp dẫn hàng triệu người thuộc mọi tầng lớp, không chỉ thanh niên mà cả những người lớn tuổi hơn như vậy? Trước hết phải nói đến cái khuôn mặt của một “sao” Hô-li-ut, không phải loại thường, mà là loại “siêu sao”. Nhưng ông còn hơn cả siêu sao bởi tính cách anh hùng và cuộc đời huyền thoại đầy phiêu lưu, lãng mạn, lý tưởng cao cả của mình. Bức ảnh ông đội mũ bê-rê gắn ngôi sao đỏ với mái tóc dài dường như gắn liền với mọi cuộc biểu tình chống lại cường quyền ở khắp nơi trên giới trong suốt gần nửa thế kỷ vừa qua, cho đến tận những cuộc biểu tình của phong trào “Chiếm phố Wall” vừa qua. Có người đã lý giải sức lôi cuốn của Che như sau: “Đối với những người không bao giờ theo bước Che, chìm đắm trong thế giới đầy hoài nghi, ích kỷ và xã hội tiêu thụ điên cuồng này, còn có gì hấp dẫn hơn thái độ khinh bạc của Che đối với những tiện nghi vật chất và những ham muốn tầm thường”. Những người như Phật, Giê-su, Khổng Tử, Gandi, Cụ Hồ cũng lôi cuốn quần chúng như vậy. Che đã sớm đạt đến đỉnh cao của vinh quang và quyền lực, ít nhất là theo quan điểm của chúng ta. Nếu muốn - như phần lớn các vua chúa, tổng thống, lãnh tụ xưa nay - ông có thể ung dung mà hưởng thụ mọi thứ mà quyền lực và danh tiếng của ông sau thành công của cách mạng Cuba mang lại. Nhưng đó không phải là thứ ông theo đuổi. Và thế là ông bỏ lại tất cả để tiếp tục con đường người du kích của mình. Bởi ông tin rằng: “Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích mà là trên từng chặng đường đi”.  Con đường của ông là con đường chiến đấu – bằng gươm súng – để chống lại bất công. Đó là con đường của số phận mình, một số phận có lẽ do chính ông tự chọn, bởi ông đã từng nói: “Hoặc là chấp nhận một số phận nào đó định đoạt đời ta, hoặc ta phải tìm ra số phận và đường đi của chính mình!”  Ông đã chiến đấu đến cùng để chết trong chiến trận, đúng như một người “tử vì đạo” – vì cái “đạo” giải phóng loài người. Bức ảnh cuối cùng sau khi ông bị bắn chết thật lạ lùng bởi ông trông như Đức Chúa Giê-su sau khi bị đóng đinh chết rồi đưa từ cây thánh giá xuống vậy. Cũng như Giê-su, từ đó ông chấm dứt cuộc đời thật để đi vào cuộc đời của một huyền thoại, có lẽ là vĩnh cửu. Có người cho rằng ông là một người sắt đá, có phần tàn bạo. Nhưng ông lại có một tư tưởng tự do mà ngày nay những kẻ độc tài vẫn không chấp nhận: “Chúng ta có thể hoặc hạ gục ý kiến của người khác hoặc cứ để họ phát biểu những gì họ muốn. Chúng ta không thể xóa bỏ ý kiến bằng vũ lực. Làm như vậy sẽ cản trở sự phát triển tự do và trí tuệ”.  Ở cái tuổi “teen” mà ngày nay mọi quan tâm của các cậu trai khác thường chỉ bó hẹp trong việc học để kiếm tấm bằng để rồi có việc làm thu nhập khá, quần áo giày dép, vài thứ đồ chơi như máy tính và điện thoại, những vui sướng và khổ đau cũng vụn vặt, chỉ quanh quẩn vì ái tình thì chàng trai trẻ Che Guevara đã vượt qua hàng chục ngàn cây số của lục địa Mỹ La-tinh rộng lớn để tìm cho mình sự thật về thế giới và cuộc đời. Và cái sự thật đầy bất công, đói nghèo và khổ đau mà anh phát hiện ra đã thúc đẩy anh thay đổi mình, như anh đã nói: “Hãy để thế giới thay đổi mình, rồi mình sẽ thay đổi thế giới”.

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

Ngôn ngữ


Ta thường cho ngôn ngữ là lời nói phát ra từ miệng, rồi chữ viết khi con người phát minh ra chữ. Người ta còn có thể “nói” bằng tay, như những người bị câm. Nhưng đó vẫn là những câu cụ thể như kiểu “anh đi đâu đấy”, dù là bằng miệng, viết chữ hay bằng tay. Những cách này còn có thể truyền đạt những ý nghĩ trừu tượng, thường gọi là “thông điệp” như kêu gọi hòa bình, tình thương yêu, v.v. Người ta có thể truyền đạt “thông điệp” và tình cảm bằng cử động của cơ thể, gọi là múa hay kịch “câm”, bằng những âm thanh khi dùng một số vật tạo ra – gọi là nhạc cụ như violin, piano, kèn, v.v. Cơ quan phát âm của con người cũng là một “nhạc cụ” và rất đặc biệt vì sức truyền cảm mạnh mẽ – khi đó gọi là “hát”. Tùy theo khả năng “Trời cho”, một người có thể thạo “nói” theo nhiều cách, nhưng thường thì giỏi một cách, như nói, viết, múa, hát hay chơi nhạc cụ là tốt lắm rồi. Có người thậm chí không giỏi “nói” theo cách thông thường nào cả, nhưng có khi lại nói bằng cách cư xử, bằng cách sống của mình. Hòa thượng Thích Quảng Đức có lẽ chả nói gì nhiều trong cuộc đời mình. Ông đã tự thiêu để phản đối chính quyền Sài-Gòn lúc đó đàn áp Phật Giáo. Trong ngọn lửa rừng rực cháy, ông vẫn bình thản ngồi “thiền”. Ông đã “nói” những lời, truyền đạt một thông điệp, biểu lộ những tình cảm mạnh mẽ nhất, đến mức dẫn tới sụp đổ cả một chính phủ. Mỗi người có cách nói của mình. Vì vậy ta không nên chê một ca sỹ hay nghệ sỹ violin là nói không hay, bởi đó không phải là cách nói của họ. Hình như Lão Tử không nói gì, bởi ông cho là “nói thì không biết – biết thì không nói ”. Nhưng những gì ông đã “nói” trong Đạo Đức Kinh – được viết ra cách đây 2500 năm - có thể làm cho những triết gia thông thái đang “thao thao bất tuyệt” phải im bặt, và rồi sẽ im lặng luôn từ đó để suy nghĩ. Còn những ai không biết nói theo bất kỳ cách nào thì tốt nhất là nên “dựa cột mà nghe”, chứ chớ nên nói mà không biết mình nói gì.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Trở về Vũ trụ


Hôm nay, hay đúng hơn là sáng sớm hôm nay là một thời khắc đặc biệt ở Hà Nội. Cái đặc biệt không hẳn vì là ngày mùng 1 tháng Giêng năm Nhâm Thìn – tất cả những ngày tháng năm này cũng như nhiều thứ khác nữa mà ta tưởng là do thiên nhiên tạo ra thực ra chỉ là do trí não con người nghĩ ra - mà là sự im lặng lạ thường của một thành phố mà dần dần đang trở thành một thứ “quái vật không bao giờ ngủ”. Ngày thường ta như chìm nghỉm trong cái biển người và xe cộ ầm ầm chuyển động, không nghe thấy gì hết ngoài sự náo loạn ấy. Còn bây giờ thì xung quanh lại im lặng tới mức không nghe thấy gì hết, trừ hơi thở của mình. Ngày thường ta sống dưới một lớp vỏ giả tạo do xã hội loài người tạo ra theo nghĩa là nó làm ta quên mất thực ra ta đang ở đâu. Sự im lặng tuyệt đối bây giờ dường như đưa ta trở lại và nối liền ta với sự thật lớn là ta và Trái Đất chỉ là một phần nhỏ bé của vũ trụ rộng lớn vô tận và cũng im lặng tuyệt đối. Tất cả sự huyên náo thường nhật kia bỗng nhiên trở nên vô nghĩa làm sao. Thì ra đây mới là cái ý nghĩa thiêng liêng của ngày “đầu năm” – mà nghĩ rộng ra theo quan điểm “vũ trụ” thì cũng chẳng là đầu hay cuối gì cả vì khái niệm ngày tháng đó cũng chỉ là “nhân tạo”. Có lẽ đó là lý do tại sao các nhà tư tưởng lớn lại thường sinh ra ở thời cổ xưa. Lúc đó người ta luôn nối liền với thiên nhiên, với bầu trời, với sự lặng im của vũ trụ, chứ chưa bị sự huyên náo giả tạo của cuộc sống hiện đại che lấp.

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Chuyện của một ngôi nhà


Bạn bảo ngôi nhà vô tri vô giác ư? Không phải đâu nhé. Nó cũng có tâm hồn và tình cảm đấy. Hồn của nó vốn là ở cái đất ấy. Khi người ta làm nhà, hồn của đất quyện với tình cảm chủ nhà thành ra hồn nhà. Người Anh có lý khi gọi ngôi nhà mình là “home” mà tạm dịch ra tiếng Việt là “tổ ấm”. Tôi là một ngôi nhà nhỏ ở trong một cái ngõ nhỏ gần khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám ở Hà Nội. Dân trong ngõ là những người loại "dân nghèo thành thị" buôn bán nhỏ ở chợ ga hay làm thợ. Hà Nội hồi đó nhỏ lắm. Xưa kia chỗ này vốn là một cái ao trồng rau muống, thứ rau mà người Việt ngày nào cũng ăn mà không chán. Thế rồi người ta lấp ao xây một ngôi nhà nhỏ mái ngói đỏ một tầng. Chủ nhà ở đó một thời gian rồi có lẽ là muốn ra mặt phố nên đã bán tôi cho hai vợ chồng trẻ có một cô con gái bé. Anh chị chủ mới có vẻ thích tôi lắm nên họ cũng không mặc cả nhiều, chủ cũ nói bao nhiêu là đồng ý ngay. Tôi cũng khấp khởi mừng thầm vì lần này chắc là sẽ thành một tổ ấm đây. Chủ mới chỉ sửa chữa gọi là rồi nhanh chóng dọn đến ngay. Gọi là dọn nhà cho oai chứ thực ra tất cả “gia tài” của họ chỉ là một cái giường cũ, vài bộ quần áo, một ít sách và vài thứ lặt vặt khác, xếp chưa đầy một chuyến xích-lô. Có lẽ đây là ngôi nhà đầu tiên của họ nên họ mới háo hức như thế. Cô chủ nhỏ ngoan lắm. Còn bé thế mà đã biết giúp cha mẹ rửa bát rồi. Chị chủ thì sắm các thứ đồ bếp núc như nồi niêu bát đĩa mới. Anh chủ đạp xe xuống tận chợ Mơ để mua cây về trồng thêm. Đất đây tốt nên mới vài năm cây cối đã mọc lên xum xuê. Khóm hoa giấy phủ kín tường rào. Còn giàn hoa đăng tiêu lại phủ kín mái ngói, hoa nở rực đỏ đầy mái nhà. Họ còn trồng cả mướp nữa, tiếc là quả không ăn được. Cái bể nước mới xây ở sân, trên úp bát đĩa, có giàn mướp ở trên trông như ở thôn quê thích lắm. Chỉ hơi tiếc là giàn trầu không rất đẹp của chủ cũ để lại chẳng may lại chết mất.Tôi vui lắm vì được nhà chủ yêu và chăm sóc. Vì thế tôi nguyện hết lòng giúp vun đắp hạnh phúc của họ. Anh chị chủ sống hòa thuận lắm, chẳng cãi nhau bao giờ. Chỉ hơi tiếc là chưa được bà cụ thân sinh anh ấy ở chỗ tôi là bao nhiêu. Những ngày cuối đời mình, bà cụ có đến ở chỗ tôi được ít ngày rồi sau đó cụ mất. Bà cụ thật phúc hậu mà cuộc đời lại vất vả quá. Cụ mất thấm thoắt mà đã được 20 năm. Được mấy năm thì nhà chủ phá cái nhà cũ đi. Họ cũng tiếc mà tôi cũng tiếc giàn cây và hoa lắm. Nhưng thôi, cuộc sống mới cần chỗ ở rộng hơn. Tôi vui vì họ vẫn làm nhà mới trên nền đất cũ. Thế là tôi vẫn được tiếp tục sống với nhà chủ mà tôi đã đem lòng quý mến. Ngôi nhà mới rộng hơn nhà cũ, cũng khá là xinh xắn tiện nghi. Tôi mừng lắm vì từ đây có lẽ là sẽ được phục vụ nhà chủ lâu dài hơn. Sau khi cụ bà mất ít lâu, cụ ông đến ở hẳn với chúng tôi. Tôi vẫn lặng lẽ theo dõi cuộc sống của gia đình chủ. Tôi đặc biệt quý bà chủ vì cái cách đối xử thật tình cảm và trách nhiệm với ông cụ khi cụ ngày càng già yếu. Ông cụ ở chỗ tôi đến mười năm rồi ra đi vì tuổi cao và bệnh tật. Tôi cũng buồn lắm khi nhìn thấy cụ tàn lụi dần mà không làm gì được. Sống chết là việc của Trời Đất, ta phải chấp nhận thôi. Thời gian cứ thế trôi qua. Cô chủ nhỏ lớn lên nhanh chóng. Có lẽ đất này gần miếu thờ Khổng tử nên được cụ phù hộ cho mà cô chủ học giỏi lắm, được vào thẳng đại học rồi sau đó lại được cả học bổng đi học nước ngoài. Ông chủ tóc bắt đầu bạc đi nhiều. Bà chủ có vẻ yếu đi nhiều hơn, lên xuống cầu thang khá vất vả mệt nhọc. Thế là họ nghĩ đến việc tìm một chỗ ở khác sao cho đủ rộng mà lại không phải leo cầu thang. Lúc đó tôi thấy hơi buồn vì sắp đến ngày phải chia tay nhà chủ. Thế rồi họ dọn đi chỗ khác thật. Tôi lo lắng không biết rồi mình sẽ bị bán cho ai, chủ mới có tử tế không? Thế nhưng mặc dù dọn đi chỗ khác, ông bà chủ vẫn giữ nguyên nhà cũ, không bán mà cũng chưa cho thuê. Có lẽ họ vẫn quyến luyến tôi lắm. Tôi đã phục vụ họ tận tụy gần hai mươi năm, đã thành người thân trong nhà thì làm sao mà họ có thế bỏ tôi đi như một thứ đồ cũ, dùng xong thì vứt bỏ được. Nhưng tôi vẫn hơi buồn vì từ đó ngôi nhà luôn đóng cửa tối đèn. Cái nhà khó thành tổ ấm nếu thiếu người ở. Những hôm mưa dột chẳng có ai leo lên bịt chỗ dột cả. Tường bị thấm nước bắt đầu mốc meo. Lớp vôi trát cứ bong dần, có khi rơi xuống từng mảng. Bộ xa-lông ở phòng khách trước kia sáng bóng mà bây giờ phủ một lớp bụi trắng. Cái sân gạch trước kia đỏ tươi mà bây giờ đầy bụi đất và rác phía ngoài lọt vào. Buồn nhất là có lẽ là cái bếp. Xưa kia bà chủ thường nấu những món thơm ngon. Sáng nào mùi cà-phê thơm ấm áp cũng lan khắp căn nhà. Buổi tối nào gia đình cũng quây quần ấm cúng lắm. Giờ đây đã lâu rồi không ai bật bếp lửa nữa. Ngôi nhà mà không có bếp lửa thì như không có hồn vậy. Bây giờ ngôi nhà im ắng quá. Tôi nhớ những tiếng động của cuộc sống xưa lắm. Tiếng tivi, tiếng ấm nước reo, tiếng người nói lao xao, tiếng cười tiếng khóc của trẻ con, tiếng bước chân lên xuống cầu thang, chuông điện thoại, chuông gọi cửa, tiếng nước chảy, tiếng cánh cổng sắt đóng mở loảng xoảng. Những âm thanh thân thương quen thuộc bao năm với tôi ấy giờ đây không còn nghe thấy nữa. Chỉ còn chiếc đồng hồ vẫn tích-tắc đều đều buồn bã. Mùa hè còn đỡ buồn một chút. Đến mùa đông gió lạnh tràn vào nhà, chỉ có mình tôi với cái bàn thờ cũ thờ hai cụ thân sinh ông chủ, tôi thấy lòng buồn lắm. Tôi ngắm những đồ vật cũ trong nhà và có cái cảm giác của một kẻ phục vụ trung thành tận tụy nhiều năm để cuối cùng bị chủ bỏ rơi, tuy tôi biết là không phải thế. Nhưng đôi khi tình cảm nó át cả lý trí. Ông chủ hình như hiểu được nỗi niềm thầm kín ấy nên thỉnh thoảng về thắp hương bàn thờ các cụ cho có mùi hương đỡ lạnh lẽo nhà. Bà chủ cũng mấy lần về dọn dẹp quét tước cho đỡ bụi bặm. Tương lai của tôi ra sao hình như ông bà chủ vẫn chưa quyết định. Trong thâm tâm, tôi vẫn mong một ngày nào đó, ông bà chủ lại quay về cái tổ ấm xưa. Sắp đến giao thừa rồi mà ngôi nhà vẫn tối đen như thường lệ. Tôi nhớ lắm những đêm giao thừa xưa khi ông chủ lúc nào cũng chờ đến sát 12 giờ đêm để đốt pháo mừng xuân và sau đó tiếng pháo dòn dã trong nhà và khắp nơi, mùi thơm thuốc pháo và màu đỏ của giấy pháo rải rác khắp nhà. Nhưng tôi biết ông bà chủ vẫn còn tình nghĩa với tôi lắm. Nghĩ vậy nên mặc dù ngoài kia gió lạnh Đông Bắc vẫn thổi rít lên từng hồi mà lòng tôi dần ấm lại. Tôi biết cái tổ ấm mà tôi góp phần gây dựng ấy vẫn còn khi người ta ở xa nhau mà vẫn còn tình nghĩa với nhau.  
Đêm giao thừa Tết Nhâm Thìn 2012

Tết


Thói quen của mỗi cá nhân, bất kể tốt xấu, đều rất mạnh và khó bỏ vì như có người nói, chúng đã thành bản năng. Một dân tộc cũng có những thói quen như vậy. Người Việt có thói quen “ăn Tết”. Tục này có thể do người Trung Hoa đưa vào, nhưng lâu ngày, có lẽ đã hai ngàn năm, nó trở thành “ngày lễ cổ truyền của dân tộc ta” lúc nào không biết. Người Việt xưa chủ yếu sống ở vùng châu thổ sông Hồng, sống bằng nghề trồng lúa, quanh năm chân lấm tay bùn, một nắng hai sương, cố chống thiên tai “chiêm khô mùa lụt” mà thường vẫn chẳng đủ ăn đủ mặc. Ấy là chưa kể đến sưu cao thuế nặng và chiến tranh liên miên mà tất cả gánh nặng bao giờ cũng đổ lên đầu họ. Khó có thể sống mãi cuộc đời lầm than như thế mà không có lúc nào, dù là ngắn ngủi, được nghỉ ngơi và vui vẻ một chút. Và Tết chính là lúc người nông dân được thoát khỏi việc cày cuốc, được nghỉ ngơi, ăn no hơn, ngon hơn, có cả một chút rượu để vui hơn một chút, mặc quần áo sạch sẽ hơn, “chơi bời” tý chút, ai làm ăn xa thì về nhà tụ họp với cha mẹ ông bà, ít nhất là trong vài ngày. Trẻ con thì mong đến Tết để được “sách mới áo hoa”  lành lặn, ăn bánh chưng, chơi pháo nổ “đì đùng” và được người lớn “mừng tuổi” một chút tiền lẻ. Thế là người ta cố gắng chịu đựng vất vả cả năm để mong đến Tết. Với một nền kinh tế “con trâu đi trước cái cày đi sau” , cuộc sống cứ lặp đi lặp lại như thế trong hàng ngàn năm. Thế là “ăn Tết” trở thành một thói quen, một bản năng của cả một dân tộc gần trăm triệu người. Cho đến mãi gần đây, hầu như ai cũng mong đến Tết vì những lý do như nói trên. Mà đã mong cái gì thì thường cảm thấy lâu. Khi dân Bắc muốn nói “còn lâu” theo cách hơi đùa, người ta nói “đến Tết nhé !” Gần đây với công nghệ và quản trị mới, cuộc sống của dân Việt, kể cả nông dân có phần khác xưa, bớt vất vả hơn. Cái ăn, cái mặc, cái vui chơi, việc tụ họp gia đình không nhất thiết phải “đợi đến Tết” nữa. Thế là người ta, ít nhất là dân thành thị, có vẻ không còn mong Tết như xưa nữa. Sự giao lưu với thế giới mang đến những cái mới như tục Nô-en của người phương Tây, lạ hơn, hào nhoáng hơn, nhất là đối với người trẻ tuổi. Người ta thấy, ít nhất là qua tivi những cảnh đón năm mới, pháo hoa, tuyết trắng, ông già và Công chúa Tuyết, quà cho trẻ em, những bài hát vui vẻ náo nức, v.v. Và người ta không khỏi tự hỏi sao mình không đón năm mới như các nước “văn minh tiên tiến” kia nhỉ?  “Tết Tây” ở Hà Nội – như cách người ta gọi năm mới theo Dương Lịch – thường nhạt nhẽo, hầu như không có gì vì Việt Nam không chủ trương “ăn” Tết này. Rồi chẳng bao lâu sau đó, người ta lại lao vào chuẩn bị Tết Âm Lịch. Lại đào, quất, bánh chưng, v.v. như mọi năm. Trẻ con bây giờ hình như không còn háo hức mong Tết nữa, vì những cái chúng mong như ngày xưa nay ngày nào chả có, và còn hơn thế nhiều. Tất nhiên là chúng thấy Nô-en và Tết Tây thú vị hơn, hiện đại hơn. Cứ xem mấy “Ông Già Tuyết” áo quần đỏ râu trắng, đi xe máy “khủng” phân khối lớn, vai đeo túi quà đi phát cho trẻ con, tranh thủ phóng “ầm ầm” quanh Hồ Gươm vài vòng trước con mắt đầy ngưỡng mộ của các cô bé tuổi “Teen” thì biết. Các bà nội trợ thì cứ đến gần Tết là bắt đầu nỗi lo gánh nặng mua sắm. Thêm vào đó, cứ dịp này là giá cả tăng vọt, người bán ở Hà Nội “chém” vô tội vạ cho những nải chuối xanh, những quả bưởi nhạt mà ngày thường chả ai mua, theo cái cách “vừa chửi vừa rao vẫn đắt hàng” như cụ Tú thành Nam xưa  đã nói. Khổ nhất là những “nàng dâu trưởng” ở những nhà ba bốn thế hệ, con cháu đầy đàn bởi họ phải lo đi chợ, nấu nướng rồi lại rửa bát, dọn dẹp cho cả mấy chục người ăn ít nhất là một bữa “linh đình mâm cao cỗ đầy” vào tối 30 “tất niên” hay sáng mùng Một để rồi sau đó thức ăn thừa mứa có khi còn phải đổ đi. Bây giờ người ta không đợi đến Tết mới được ăn uống như xưa. Sau đó thì bắt đầu “màn” thăm hỏi, cứ cả “đoàn quân” kéo từ nhà nọ sang nhà kia, có khi vừa gặp nhau lại gặp nữa, để nói vẫn những câu chúc Tết, ăn vẫn những thứ như mứt , bánh kẹo hay hạt bí  , xem vẫn đào - quất mà nhà nào cũng như nhà nào. Hình như Tết đang dần dần chuyển từ một dịp sung sướng vui vẻ đầy mong chờ háo hức sang một thủ tục, một gánh nặng không chỉ cho người chịu trách nhiệm tổ chức và “chi” cho mọi việc mà cả đến người chỉ phải tham gia thôi. Gần đây có một số người tạm gọi là đi “trốn Tết” bằng cách đi du lịch nước ngoài vì nếu ở nhà, họ không thể “thoát” Tết. Hình như vừa rồi có một vị đáng kính nào đó công khai đề xuất việc bỏ Tết, và tất nhiên, công chúng “nhảy dựng” lên ngay vì làm sao mà lại dám bỏ một ngày “cổ truyền thiêng liêng, truyền thống ngàn năm của dân tộc, v.v.”. Bao giờ chả thế, hễ cứ ai có suy nghĩ gì mới, khác người và không theo đám đông, nhất là lại dám “động chạm” đến những gì mọi người coi là truyền thống, là phong tục, là giá trị tinh thần của dân tộc, v.v. là lập tức bị la ó ngay. Thực ra thì Tết ngày nay cũng không hẳn như xưa. Xưa kia, Tết là phải có cây nêu, tràng pháo, câu đối đỏ. Cây nêu đã bị bỏ đi lâu rồi vì khó làm nhất là ở thành phố, nên bây giờ nhiều người không biết nó là cái gì nữa (ngày xưa Tết đến là trước nhà phải trồng một cái cột cao, thường là bằng cây tre, trên có treo một miếng vải, nghe nói để xua đuổi ma quỷ). Bây giờ cũng ít nhà treo câu đối đỏ, nhất là các gia đình trẻ vì trông nó cứ “quê quê”. Còn pháo thì Nhà Nước cấm từ mấy năm nay, vì lý do an ninh, nên không có, rồi mãi cũng quen. Đêm giao thừa xưa thấy cảm xúc thiêng liêng khi nghe pháo nổ ran khắp nơi, ngửi mùi thơm thơm của thuốc pháo, xem giấy xác pháo đỏ khắp hè phố, nghe Cụ Hồ chúc Tết bằng cái giọng xứ Nghệ khá là ấm áp. Tất cả những cái đó không còn nữa.Thế là cái Tết cứ nhỏ dần, nhỏ dần.  Khi mấy chàng đi môtô “khủng” phát quà Nô-en và mấy em “teen” đứng ngắm các chàng đầy ngưỡng mộ nói trên và thế hệ của họ lớn lên, thành những người cầm lái đất nước , biết đâu họ lại chẳng làm một cuộc “đổi mới”, ví dụ như nhập Tết Ta và Tết Tây làm một. Có khi thế vừa “nhân đôi” niềm vui, vừa ít lãng phí, vừa hiện đại hơn, “stylish” hơn, đúng với tinh thần “hòa nhập” và “hiện đại hóa” mà người ta vẫn cổ súy. Theo lẽ “vô thường”, chẳng có gì không biến đổi cả. Tục ăn Tết cũng không là ngoại lệ.   
Ngày 30 Tết Nhâm Thìn  

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Miền Bắc, Miền Nam



Miền Bắc Việt Nam là vùng đất cổ xưa với nền văn hóa hàng ngàn năm. Làng quê Bắc Việt có từ lâu đời, với những mái đình rêu phong cổ kính, cây đa rậm rì già cỗi chằng chịt dây leo còn hiện diện khắp nơi, thậm chí ngay ở nhiều phố cổ Hà Nội vốn cũng là những phường xã thời xưa. Dân Bắc ở đây lâu đời, sinh sôi mãi nên ruộng đất, làng xóm, phố phường ngày càng chật hẹp. Nếp sống, phong tục, lối suy nghĩ, văn hóa đã hình thành từ lâu trong dân Bắc, đa phần biến thành những tinh hoa văn hóa mà cũng có phần thành hủ tục lạc hậu khó bỏ. Đất Bắc là cái nôi văn hóa, là nơi sinh ra hầu hết các danh nhân Việt Nam. Nam Bộ Việt Nam là vùng đất mới hơn, được các vua chúa gốc Bắc chinh phục và khai phá từ khoảng 300 năm trước đây. Đất đai rộng, màu mỡ, khí hậu ôn hòa hơn lôi cuốn dân nghèo từ nhiều vùng phía Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa vào sinh sống. Dân mới này dần dần hòa đồng với dân bản địa cũ như người Khơ-me. Cuộc xâm lược của người Pháp vào giữa thế kỷ 19 biến Nam Bộ thành một dạng “nước Pháp Hải Ngoại ” do người Pháp trực tiếp cai trị. Sau khi người Pháp ra đi, Nam Bộ lại thành một thứ mà có người gọi là “thuộc địa kiểu mới” của Mỹ. Có lẽ những đặc điểm địa lý, dân cư, kinh tế và chính trị này giúp tạo nên một Nam Bộ có phần nào na ná như Hoa Kỳ, xứ sở của người nhập cư từ khắp thế giới đến. Người Nam Bộ thường ít sâu sắc, căn cơ, cần cù, chịu đựng, mưu lược như dân Bắc, nhưng lại giản dị, xuề xòa, tự do, phóng khoáng, rộng rãi, dễ tính, vui sống hơn. Sự khác biệt vốn có giữa hai miền Bắc Nam lại càng tăng lên bởi 20 năm chia cắt hoàn toàn từ 1954. Miền Nam như một ngôi nhà cửa mở rộng cho mọi thứ bên ngoài lọt vào, hay dở có cả cho người ta tùy chọn. Miền Bắc thì lại như một ngôi nhà đóng kín cửa, gìn giữ được những cái tốt đẹp của văn hóa truyền thống lâu đời nhưng lại ngăn cả những cái tiến bộ của thế giới. Dân Bắc sau năm 1975 vào Sài Gòn thường dễ bị “choáng” – vừa thích thú vừa kinh hãi cái lối sống vật chất xô bồ Âu-Mỹ hóa, những phố phường hào nhoáng, cửa hàng tràn ngập xe máy, tivi, tủ lạnh … là những thứ ở Miền Bắc không có, thậm chí những từ đó cũng chưa có trong ngôn ngữ hàng ngày của dân Bắc. Sài Gòn có một phố khá đặc biệt mà có lẽ các thành phố Việt Nam, kể cả Hà Nội không có. Đó là phố sách Calmette ở ngay trung tâm. Dân “sách vở” Bắc Kỳ sau năm 1975 mà lạc vào phố này thì không tránh khỏi cảm giác choáng ngợp bởi họ vốn chỉ quen với sự nghèo nàn về số lượng, chủng loại, sự thấp kém về chất lượng giấy, in ấn, trình bày, màu sắc và sự khô khan về nội dung của sách vở Miền Bắc lúc đó. Mang tiếng là dân đất văn hóa, học hành mà nhiều trí thức Hà Nội vào đến đây mới được cầm những quyển sách vốn do chính những tác giả người Bắc viết mà trước đây họ mới chỉ nghe nói đến qua những bài “phê bình” nhạt nhẽo một chiều của các nhà phê bình vốn không được phép nói ý kiến riêng của họ. Ấy là chưa nói đến cơ man nào là những kiệt tác của thế giới, bản dịch cũng như nguyên tác. Cái cách người ta bán sách cũng lạ với người Bắc. Sách người ta không cất trong tủ, sau quầy bán như ở Hà Nội lúc đó mà bày ngay trước mặt người mua. Bạn có thể la cà cả ngày, xem hết quyển này sang quyển kia, hết hàng này sang hàng kia, từ đầu đến cuối phố, không mua thì thôi, người bán sách không kêu ca gì hết. Một anh chàng trí thức nghèo đất Hà Nội sẽ “khoái” cái cách ấy lắm, bởi có thể xem “hàng” rất kỹ trước khi mua. Anh ta chỉ mua một quyển sách nếu nó có thể đọc đi đọc lại, thành một thứ “gối đầu giường”, chứ ít khi mua cái thứ đọc một lần rồi bày lên tủ sách ở phòng khách để khoe, hoặc vứt vào gầm giường hay cất lên giá sách cho bụi bám. Chính ở cái chợ sách này mà có người tìm ra những “quyển sách của cuộc đời mình” làm thay đổi cách người ta suy nghĩ và sống. Tuy Nam Bộ không có nhiều tác giả như Bắc Kỳ nhưng lại có vài người thuộc loại “bách khoa toàn thư ” Đông Tây kim cổ mà xứ Bắc cũng hiếm. Nếu BBC tiếng Việt vừa rồi mà không đăng một bài thì ít người biết năm nay là 100 ngày sinh nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê. Ông gốc Bắc, nhưng cả đời ở Nam Bộ nên có thể nói ông là tinh hoa của Miền Nam. Nếu ở đời có những người ta phải biết ơn vì có công làm ta bớt “vô minh” thì Ông là một người như thế.

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Mùa “làm ăn” của nhà Phật

 Cứ vào dịp Tết Âm Lịch là nhiều chùa ở Hà Nội - mà có lẽ ở nhiều nơi khác nữa – tấp nập người đến “dâng sao, giải hạn”. Không rõ tục lệ này có từ bao giờ, nhưng hẳn là xa xưa lắm nên người ta mới tin. Người ta cho là mỗi người “ứng” với một ngôi sao nào đó. Những sao này có tên hẳn hoi, như La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô, v.v. và còn được phân loại thành “tốt” hay “xấu”. Nếu năm nay bạn bị một sao xấu “chiếu mệnh” thì bạn sẽ gặp những những điều không may trong cuộc sống, làm ăn, v.v. Muốn tránh hoặc giảm bớt tác động này, bạn phải nhờ nhà chùa làm lễ “giải hạn”. Ngược lại, nếu được sao tốt chiếu, bạn cũng phải nhờ nhà chùa làm lễ “dâng” để cám ơn. Cuộc đời người ta thì luôn có những điều trắc trở, không như ý. Vì thế nhiều người nghĩ theo kiểu “bầy đàn” – có thờ có thiêng, có kiêng có lành – một câu nói cổ xưa được truyền miệng đến tận ngày nay. Cái gì có lâu đời rồi thì có lý, thế thôi, việc gì phải suy nghĩ nhiều cho mệt. Thế là người ta cứ ào ào kéo nhau đến các chùa. Có chùa người ta đứng chờ làm lễ chật hết cả đường, giao thông tắc nghẽn. Nhiều bà nhiều cô vẻ mặt lo âu ngơ ngác, tra bảng dán ở chùa để xem năm nay mình bị sao nào chiếu mệnh. Chỉ có 2 lựa chọn thôi, và đằng nào thì cũng phải nộp phí VND100 ngàn (khoảng 5 Đô-la). Người giàu thì không nói làm gì. Có người “mời” cả thầy đến tận nhà làm lễ. Có lẽ vì thế nên chuyến bay nào của Vietnam Airlines mà chả thấy một vài “thầy chùa” đi chạy “Sô” theo kiểu các sao ca nhạc. Nhưng nhiều người nghèo, ngày kiếm chỉ được 20-50 ngàn cũng cố nộp với hy vọng sang năm, khi “hạn” đã “giải” thì có thể kiếm khá hơn một chút. Thế là không biết có bao nhiêu vạn con người hàng năm “nhờ” các chùa làm lễ. Các sư sãi nhà chùa thì cũng cố gắng và sáng kiến lắm. Tuy nhiều người như thế nhưng cũng chỉ vài cuộc lễ là xong vì nghe đâu cũng chỉ có khoảng 9 chòm sao thôi. Chắc là khi xưa nhìn bằng mắt thường nên người ta chỉ thấy có ngần ấy. Chứ giả sử các nhà “phát minh” ra dâng sao giải hạn mà sống lại để nhìn vào kính thiên văn hoặc xem các ảnh chụp thiên hà của kính thiên văn bay trong vũ trụ Hubble để thấy rằng có hàng tỷ tỷ sao và thiên hà trong vũ trụ thì có lẽ họ sẽ há hốc mồm và lắc đầu: “Thôi, chả dám giải hạn giải hiếc gì nữa đâu!”. Không biết các chùa “kiếm” được bao nhiêu mỗi dịp Tết. Nhưng có lẽ số tiền cũng không nhỏ - bởi thế nên bọn “đạo chích” mới mò cả vào chùa - và đủ để cho các sư có thể yên tâm tụng kinh niệm phật và ngồi thiền cả năm.  Cũng phải thông cảm là có đi “khất thực” cả ngày và đặt bao nhiêu hòm “công đức” đi nữa thì cũng chỉ thu được một ít tiền lẻ thôi, có khi còn chẳng đủ tiền “dầu đèn”. Thời buổi kinh tế thị trường ngày nay chả ai cho không ai cái gì cả. Ngay cả các “đại gia” cho tiền tỷ vào từ thiện thì cũng muốn mua danh tiếng là người không tham. Phải có hàng hóa, dịch vụ để bán và phải có người mua thì mới có tiền. Nếu cứ theo đúng lời dạy của Phật thì có khi “đói”, chả còn sức mà “vực” đạo nữa.Thế cho nên nhà chùa cũng phải “đổi mới tư duy” và “vận dụng sáng tạo” một chút. Mặc dù có vị đại diện UNESCO đã lên tiếng là dâng sao giải hạn là mê tín dị đoan, không có cơ sở khoa học, có vị trụ trì một chùa lớn vẫn khéo giải thích là nhà chùa chỉ làm lễ cầu an thôi để đáp ứng nhu cầu tâm linh chính đáng của nhân dân. Khi người ta đã lên được hàng lãnh đạo, nhất là lãnh đạo chính trị, tinh thần hay tôn giáo thì người ta “giỏi” lắm, nói thế nào cũng “đúng” cả. Giá Đức Phật Thích Ca sống lại  mà thấy cái cảnh tiền bạc cứ ào ào đổ vào cửa Phật thế này thì có khi ngài cũng phải thở dài chắp tay mà “bái phục” các “tỳ kheo” thế kỷ 21. Nhưng thế này chưa là gì so với vị trụ trì ngôi chùa “Thiếu Lâm Tự ” nổi tiếng của xứ Trung Hoa. Vị này nghe nói còn có cả bằng MBA (quản trị kinh doanh) Mỹ chính hiệu. Đấy là học. Còn “hành” thì mới giỏi nữa. Nghe nói “doanh thu” của cái “công ty biểu diễn” này là hàng chục triệu Đô-la mỗi năm. Ở Ấn độ cũng có ngôi đền thiêng (không phải là Phật Giáo – vì Phật Giáo, ít nhất là ở thời Đức Phật thì không mê tín nên đã bị “đuổi” khỏi Ấn độ do không hợp với lòng mê tín thần thánh của dân Ấn) – thu mỗi ngày cả triệu Đô-la. Bắc Việt Nam có đền Trần ở Nam Định năm nào cũng có cảnh chen lấn giẫm đạp lên nhau đến ngất xỉu để xin Thánh ban “ấn” – một miếng vải mầu vàng có “triện” của vua - với hy vọng là năm mới sẽ được “thăng quan tiến chức”. Người ta cũng chen lấn không kém ở đền Bà Chúa Kho để xin vị thánh này ban “lộc” để năm mới làm ăn phát đạt. Và tất nhiên là phải có “lễ”, ít thì vài chục ngàn, nhiều thì bạc triệu. Nếu Đức Phật mà sống lại thì không biết Người sẽ vui hay buồn. Có thể sẽ buồn vì thấy ở thời đại Internet và Ipad, cái “vô minh” vẫn tràn ngập thế giới. Thậm chí ngay cả ở chùa chiền, nơi mà người ta nhân danh là đệ tử của Phật để giảng những lời dạy nhắm phá cái “vô minh” của con người. Nhưng như thế có lẽ còn “khá” hơn là việc đã biết là dân vô minh – mà đọc kinh Phật suốt ngày thì ắt là phải biết - thì đã không phá mà lại còn lợi dụng danh Phật để làm cho dân vô minh hơn để kiếm lợi. Hành vi này mà có luật để xử thì có khi phải khép vào tội “lợi dụng chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng”.  Chắc là Phật sẽ buồn lắm vì mình đã từ bỏ hết vàng bạc châu báu để đi tìm chân lý và sự giác ngộ mà ngày nay, người ta lại đem hết vàng ngọc để làm tượng Phật và biến những bức tượng này thành những món hàng xa xỉ đắt tiền. Mà có thể Phật sẽ vui vì tư tưởng của Ngài sau mấy ngàn năm – mặc dù có khi bị biến dạng tới mức chính Người không còn nhận ra nữa – vẫn còn sống sót. Có khi Người còn phải “ôm bụng cười” như ông Di-Lặc vì người Việt thật hài hước, dám “phạm thượng” tới mức ví von “Đồng tiền là Tiên là Phật”. Thời Phật còn sống chưa có chủ nghĩa tư bản nên có thể Người chưa biết hết sức mạnh của đồng tiền. Vả lại, phải chăng chính Phật đã nói rằng mọi thứ trên đời đều “vô thường”? nghĩa là không có gì là bất biến cả. Có lẽ Phật cũng không loại trừ cả những tư tưởng và lời dạy của mình.