Như bao thanh niên khác, Lý cũng lên thành
phố lớn tỉnh mình để lập nghiệp. Vài năm sau, phần vì thấy cuộc sống đô thị
không hợp với mình, phần vì để chăm sóc bà mình già yếu cô đơn, cô trở về quê
hương – một vùng núi ở Tứ Xuyên, TQ – để sống một cuộc đời mà nông dân ở đó vẫn
sống có lẽ từ hàng ngàn năm qua. Cô gái mảnh mai đó tự cày ruộng bằng trâu kéo,
gieo mạ, lội bùn cấy lúa, gặt đập thủ công, phơi thóc ở sân nhà, cũng lấy chân
“di” thóc cho khô đều, v.v. , những việc quá quen thuộc với nông dân Việt Nam.
Vườn nhà cô trồng đủ loại rau quả và hoa. Cô nuôi gà, cá và cả cừu. Cô vào rừng
lấy củi đun, nấm, măng. Cô lội xuống hồ hái sen. Cô chặt tre nứa tự tay làm bàn
ghế, đan lát dụng cụ trong nhà. Cô tự làm mực tàu, giấy “gió”, bút lông để vẽ
tranh kiểu cổ điển TQ và viết chữ trang trí nhà năm mới. Cô nấu cả một “thực
đơn” dài các loại món ăn màu sắc của vùng Tứ Xuyên, làm nhiều loại bánh truyền
thống, làm đồ uống từ hoa quả và ngũ cốc. Cô tự cắt lông cừu, bện thành len,
may áo khoác mùa đông. Khi còn ở thành phố, cô nhận thấy nhiều bạn trẻ lớn lên
ở đó biết rất ít về nông thôn. Vì thế cô thử làm video để giúp các bạn đó hiểu
những điều đơn giản như trồng lúa thế nào, cách nấu những món ăn truyền thống
hay cảnh vật ở thôn quê. Cô chỉ làm, hầu như không nói, không “trình bày” gì
cả. Cô không ngờ rằng rất nhiều người TQ thích các video đó. Họ như thấy một thôn
nữ cổ tích, một nàng tiên trong các tranh vẽ và truyện cổ xưa TQ sống giữa cảnh
vật và thiên nhiên đẹp hút hồn. Có tới hàng chục triệu người xem ở TQ và hàng
triệu người ở nước ngoài. Vừa rồi, một cô gái ở Hà Nội có nói với một tờ báo rằng
cô đành “cắn răng” trả VNĐ100k cho một chuyến taxi để đi làm vì cô không còn có
thể chịu nổi việc phải chen lấn hàng ngày với hàng triệu xe máy và ô tô chạy
hỗn loạn, kẹt cứng trong bầu không khí đặc kịt khói bụi ô nhiễm nữa. Hàng trăm
triệu người ở các thành phố lớn ở TQ, Ấn Độ, Đông Nam Á, châu Phi cũng chịu
cảnh tương tự. Đó là thế giới của các nước “đang phát triển”. Nhưng ngay cả khi
sống ở Tokyo, một thành phố giàu có và phát triển bậc nhất thế giới, ở giờ cao
điểm bạn vẫn phải chen lấn, dù có vẻ “trật tự và văn minh” hơn với hàng triệu
người khác trên những chuyến tàu điện ngầm chật cứng. Sau khi thoát khỏi những
đám đông như thế, bạn sẽ phải ngồi ở văn phòng hay xưởng sản xuất ở một công ty
nào đó và xử lý hàng núi công việc cho tới tận tối mịt, chỉ để tiếp tục chen
lấn theo chiều ngược lại để về nhà – một căn phòng chật chội ở cách chỗ làm
hàng tiếng đồng hồ đi xe, mệt lử, ăn qua loa cái gì đó cho xong bữa tối, lăn ra
ngủ để sáng hôm sau có sức mà tiếp tục cái chu trình bất tận ấy. Có người – có lẽ
hàng triệu người sẽ đồng ý – sau khi xem video của Lý đã thốt lên rằng đó là
một cuộc sống mơ ước. Điều đó dễ hiểu khi người ta đang sống như cô gái Hà Nội
kia, hay như anh nhân viên văn phòng ở Tokyo hay Mumbai. Nhưng phải chăng chúng
ta đều từng có nguồn gốc từ những làng quê như cô Lý kia. Cuộc sống của cô ta
quả thực rất đỗi bình thường, có gì là “đặc biệt” đâu? Phải chăng ta đã không
chịu nổi sự buồn chán của việc đêm nghe dế kêu, ngày nghe gà gáy, lợn kêu ủn
ỉn, buồn bã nhìn ánh trăng lãnh lẽo mà than thân trách phận khi phải còng lưng
cấy lúa mà vẫn phải “hầu hạ” một bà già đau yếu, xấu xí và cau có? Phải chăng
ta bị cuốn hút bởi ánh đèn thành phố lung linh, siêu thị đầy ắp hàng hóa hay
phố phường với những dàn xe cộ bóng loáng, những cô gái xinh đẹp của K Pop?
Cuộc sống nào cũng có cái giá của nó mà ta phải trả. Ở đâu cũng có thể tìm thấy
niềm vui và vẻ đẹp cuộc sống, nếu ta sống hết lòng, tận tụy và yêu thương tất
cả. Đó là bài học không nhỏ của cô gái bé nhỏ họ Lý.
Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019
Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019
Chuyện của Xoan
Xoan – không rõ tên cô là gì nên tạm gọi
như thế - làm nghề chèo đò du lịch ở Tràng An, một điểm du lịch nổi tiếng của Ninh
Bình, một tỉnh cách Hà Nội 100km. Đò của Xoan nhẹ lướt trên con sông nhỏ uốn
lượn giữa những ngọn núi đồi cây cỏ xanh tươi với những ngôi chùa thấp thoáng.
Thỉnh thoảng, con đò lại chui qua những hang động huyền ảo. Người ta gọi vùng
này là “vịnh Hạ Long trên cạn” thật không quá lời. Sau khi ngắm cảnh và chụp
ảnh thoải mái, người ta hỏi chuyện cô lái đò cho chuyến đi thêm phong phú. Xoan
bảo nghề chính của mình là làm ruộng. Do đặc điểm tự nhiên, ở đây chỉ làm được
một vụ lúa. Làm ruộng, kể cả là 2 vụ thì chỉ tạm đủ ăn thôi, nghĩa là rất
nghèo. Nếu muốn khá hơn thì phải làm thêm việc khác, như đi làm công nhân ở khu
công nghiệp. Vùng này toàn núi, không có đất làm nhà máy nên làm công nhân thì
phải đi xa, nhà cửa con cái phải nhờ bố mẹ già trông nom. Nếu không đi được thì
phải chấp nhận sống nghèo ở quê nhà. Gần đây người ta nhận ra có thể làm du
lịch bởi Tràng An có phong cảnh đẹp. Một “đại gia” – từ thường dùng để chỉ
những nhà tư bản giàu có và quyền lực - người Ninh Bình bỏ tiền xây một khu
chùa chiền Phật giáo rất lớn ở đây. Con sông ngày xưa chẳng biết để làm gì nay
biến thành một tuyến du ngoạn trên thuyền chèo tay đẹp như mơ, có thể nói chả
kém gì đi gondola ở Venise. Khách du
lịch tới đây từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt vào dịp tháng Giêng sau Tết,
dân Việt ào ạt đổ về đây đi lễ chùa, ngắm cảnh và du ngoạn trên sông. Và tiền
bạc cũng ào ạt đổ về đây. Nhưng tiền không chảy vào túi Xoan. Xoan vẫn nghèo. Để
được chèo đò, cô phải góp một phần tiền để mua đò. Kể cả khi cô có cả cái đò
riêng của mình, cô cũng vẫn không được chèo đò. Vị đại gia kia đã “đấu thầu” để
được độc quyền khai thác con sông này cho du lịch. Khách phải trả Đ800k (khoảng
US$34) cho một chuyến đò nhưng Xoan chỉ được Đ200k. Cô không được lĩnh ngay mà
phải chờ đến một ngày trong tháng, như kiểu lĩnh lương vậy. Một chuyến đò mất
khoảng hơn hai tiếng. Xong chuyến, có muốn đi tiếp chuyến khác ngay cũng không
được bởi còn có tới 2 ngàn người như Xoan đang chờ đến lượt mình. Khoảng 3 hay
4 ngày nữa cô mới lại được chèo chuyến tiếp theo. Vào mùa lễ hội sau Tết, khách
nhiều hơn thì Xoan được chèo nhiều hơn. Dù chịu khó chèo đò, thu nhập của Xoan
cũng không khá hơn là bao. Chồng Xoan làm thợ xây ở trong vùng, một ngày được
Đ200k. Nếu phải chi những khoản đột xuất như khi nhà có người ốm đau hay con đi
học xa, nhà Xoan sẽ lâm vào cảnh khó khăn ngay. Để thoát nghèo, dân thuần nông
như Xoan có thể phải đi kiếm sống ở những nơi xa, có khi là rất xa. Trong làng
cũng có nhà con cái giỏi giang thành đạt nhưng số đó rất ít.
Cách Tràng An khoảng 250km về phía nam là
huyện Can Lộc, nơi có ngã ba Đồng Lộc nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ với
10 cô gái – thanh niên xung phong hy sinh oanh liệt năm 1968 trong một trận bom
của không quân Mỹ khi đánh phá một điểm quan trọng trên con đường vận chuyển quân
đội và vũ khí từ Bắc vào Nam. Trong những ngày gần đây, một cô gái Can Lộc nữa
trở nên nổi tiếng theo một cách hoàn toàn khác. T.M. – tạm gọi như vậy bởi cảnh
sát Anh vẫn chưa công bố chính thức danh tính các nạn nhân – một cô gái từ Can
Lộc, trong lúc vật lộn với cái chết trong thùng đông lạnh đóng kín cùng với 38
người khác trên một chiếc xe tải đi từ Bỉ vào Anh, chặng cuối của con đường
buôn người đã viết những dòng tin nhắn về Việt Nam sau đây:
- Mẹ
ơi, con đang chết đây. Con không thở được. Con xin lỗi mẹ.
Mấy hôm sau, những dòng ngắn ngủi ấy cùng
với hình ảnh trẻ trung xinh đẹp của cô đã tràn ngập báo chí Anh và Châu Âu. Cái
chết bi thảm của cô và những người Việt khác trên chiếc xe tải đó đã gây nên
nỗi xúc động, xót xa thương cảm to lớn của người dân và chính quyền nước Anh,
ngay cả trong bối cảnh hiện tại khi châu Âu đã gần như hết kiên nhẫn với làn sóng
nhập cư từ các nước nghèo. Người nhập cư đã gây ra quá nhiều phiền phức cho họ.
Công an và ngoại giao VN đã vào cuộc để cùng đối tác phía Anh xử lý vụ việc này
và ngăn chặn đường dây buôn người. Gần đây, do kinh tế phát triển, nhiều người
VN trở nên khá giàu có. Họ cho con cái đi học ở Anh, Mỹ và các nước phát triển
khác, sau đó ở lại luôn để sinh sống và làm việc. Một số thuộc loại rất giàu
còn mua cả nhà cửa cho con cái ở. Thậm chí họ còn “mua” cả quốc tịch, thẻ xanh
– một loại giấy phép thường trú – cho cả nhà bằng cách đầu tư vào nước họ muốn
tới một khoản tiền theo quy định của chính phủ nước đó. Người giàu có nhiều lựa
chọn. Họ không nhất thiết phải đi nước ngoài bởi ở trong nước, họ vẫn có thể
kiếm được nhiều tiền hơn và sống giàu sang. Nhưng những người nghèo như Xoan vẫn
còn đó. Và rất, rất đông! Họ có ít lựa chọn lắm. Nhà Xoan chỉ trông vào một vụ
lúa cộng thêm khoản chèo đò của Xoan và tiền công làm thợ xây của chồng Xoan.
Với thu nhập ít ỏi đó, chẳng may nhà có ai đau ốm tai nạn thì chẳng biết lấy
đâu ra tiền đi bệnh viện. Rất có thể, nhà Xoan đã từng tính chuyện “xuất khẩu
lao động” rồi. Có con đường đi chính thức, an toàn, ví dụ như đi Hàn Quốc. Con
đường này phải có nghề chuyên môn, đăng ký, chờ đợi, học và thi ngoại ngữ, v.v.
khá lâu, phiền phức mà lương không cao lắm, công việc nặng nhọc. Hôm HQ nới rộng
visa cho người Việt, hàng ngàn người chen chúc, chờ đợi từ đêm, mấy ngày vẫn
chưa tới lượt nộp hồ sơ. Có thể Xoan đã nghe nói người ta đi sang châu Âu, sang
Anh, làm công việc không đòi hỏi ngoại ngữ hay chuyên môn gì mà lại thu nhập
cao. Nghe nói đó là việc làm nail hay trồng cần-sa. Ở Nghệ An, Hà Tĩnh có nơi
cả làng cứ “dắt nhau” sang. Ít lâu sau, người ta đã gửi được tiền về xây nhà,
mua ô tô. Có thể Xoan cũng biết là đi cách này chi phí cho “đường dây” cao, đi
đường có nhiều khó khăn, rủi ro, sang đó công việc lại vất vả, cư trú bất hợp
pháp. Nhưng với người nghèo, chẳng có cách nào dễ cả. Muốn nhanh “thoát nghèo”
thì phải chịu khổ, phải liều lĩnh một chút. Vả lại thì cũng chả còn con đường
nào khác. Đi như vậy sẽ phải qua “đường dây” đưa người bất hợp pháp vào châu
Âu, vào Anh. Có thể sắp tới, những đường dây như thế sẽ ngừng hoạt động, ít
nhất là trong một khoảng thời gian nào đó. Rồi thì mọi việc sẽ lại như cũ khi “chiến
dịch” truy quét lắng xuống. Mọi chiến dịch chỉ là giải pháp tạm thời, không thể
giải quyết được gốc rễ của vấn đề: sự nghèo đói và bất bình đẳng xã hội. Có thể
Xoan không đủ liều lĩnh để đi theo “đường dây”, nhất là sau cái chết bi thảm
của 39 người vừa rồi. Xứ Nghệ Tĩnh, quê hương của T.M. xưa nay có tiếng là
quyết tâm và can đảm. Trong cuộc chiến chống Mỹ, 10 cô gái Đồng Lộc đã chứng tỏ
sự cam đảm phi thường dưới mưa bom của không quân Mỹ để bảo vệ con đường huyết
mạch Bắc – Nam. Nếu T.M. sống ở thời đó, có lẽ cô cũng như vậy. Ngày nay, thoát
nghèo cũng đòi hỏi quyết tâm và can đảm không kém. Sẽ có những người nghèo tiếp
tục tìm mọi cách ra đi. Sẽ vẫn như vậy cho tới bao giờ thì không ai biết. Có
thể là đến khi không còn những người nghèo như Xoan và T.M. nữa. Đó là khi mà
Việt Nam sẽ “sánh vai với các cường quốc
năm châu” như ước vọng của Cụ Hồ năm 1946.
Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019
Cám ơn Cụ
Hôm nay là một ngày rất đặc biệt với gia đình tôi. Đúng ngày này 1
thế kỷ về trước, một em bé đã oe oe chào đời, người mà về sau đã gặp cụ bà rồi
để sinh ra cả một đại gia đình đông con cháu chắt. Đúng hôm nay, cụ đã tròn 100
tuổi. Mấy hôm nay, ông tôi – người con trai duy nhất của cụ, đã hì hà hì hục
chuẩn bị các dây rợ loằng ngoằng lấp lánh để trang trí nhà cửa, treo những tấm
ảnh quý giá và những bức thư bằng tiếng Pháp lên tường, chào đón sinh nhật cụ.
Thật ra, tôi chưa bao giờ có thể gặp mặt cụ vì cụ đã mất từ lâu. Tôi chỉ nhận
biết được cụ qua tấm ảnh cũ, chỉ nhìn thấy vầng trán cao, nụ cười tươi tắn qua
những tấm ảnh nhỏ. Hôm nay – mừng sinh nhật cụ 100 tuổi,tôi chỉ muốn nói với cụ: Cụ ơi, con cảm ơn cụ rất nhiều vì nhờ có cụ, chúng con mới
có được ngày hôm nay.
Bé Q.C. 10 tuổi viết nhân dịp sinh nhật cụ
mình 100 tuổi ngày 8/10/2019.
Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019
Ai may hơn?
Khi những dòng này đang được viết ra, Hà Nội đã vào
giữa thu. Bầu trời xanh thẳm cao vút. Những con đường mát rượi che phủ bởi vòm
lá xanh ngắt rực sáng dưới nắng ấm. Phố xá tấp nập xe cộ. Những chiếc xe tải
nhỏ chở đầy bia tới những hàng quán để phục vụ khách xem đội Việt Nam sắp đá
trận tiếp theo vòng loại World Cup 2022 qua những màn hình TV cỡ lớn. Cũng vào
lúc này, ở một nơi cách Hà Nội có lẽ khoảng mười ngàn km về phía tây bắc, xích
xe tăng đang rít lên ken két trong tiếng rền vang của đại bác, tên lửa, chiến
đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ nã bom đạn vào làng xóm của người Kurd ở phía nam nước Thổ. Xưa
nay, các nước nhỏ yếu vẫn thường bị các nước lớn xâm chiếm và áp bức. Trong
hoàn cảnh đó, dân những nước nhỏ yếu không có khát khao nào hơn là được độc lập
tự do. Họ chiến đấu với hy vọng quê hương sẽ lại được giải phóng. Với người
Kurd, hoàn cảnh hiện tại cũng tương tự và lại còn khó khăn gấp bội. Trong nhiều
thế kỷ, dân Kurd vốn là những bộ lạc, sống du mục trên một vùng đất mà nay
thuộc lãnh thổ của Thổ nhĩ Kỳ, Syria và Irac. Với ngôn ngữ và văn hóa riêng, họ
cứ sống như thế mà chưa từng lập ra một quốc gia riêng của mình. Có thể vì thế
mà họ bị coi là những kẻ sống nhờ, thường bị xua đuổi và đàn áp. Dân Kurd không
có một vùng đất riêng của mình để mà nhớ về như là quê hương, là quê cha đất
tổ, là nơi mà họ có thể thề sẽ trở về để giải phóng. Là những chiến binh dũng
cảm và thiện chiến, với sự hỗ trợ quân sự của Mỹ, họ đã ngăn được sự bành
trướng của Nhà Nước Hồi Giáo IS tàn bạo. Giờ đây, khi mà IS không còn là mối đe
dọa lớn nữa, các đồng minh của người Kurd bắt đầu trở mặt. Dân Kurd vẫn luôn có
một ước mơ cháy bỏng là lập nên một quốc gia của mình trên chính vùng đất mà họ
đã từng sống nhiều thế kỷ. Giờ đây, khi người Kurd dường như đã mạnh lên sau
cuộc chiến với IS, ước mơ lập quốc đó của họ lại tiếp tục là mối đe dọa về lãnh
thổ với các nước xung quanh, trước hết là Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ thì đang rút lực lượng
của mình sau khi tuyên bố chấm dứt sự ủng hộ của họ với người Kurd, đồng minh
của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Lãnh đạo nước Mỹ luôn có những tính toán trong
từng bối cảnh cụ thể họ tin là “có lợi cho Mỹ” nhất, kể cả khi có thể bị coi là
phản bội lại những cam kết trước đây, kể cả ở cấp cao nhất. Dân Kurd lại tiếp
tục chịu đau thương dưới bom đạn của Thổ và sự đồng lõa của Mỹ. Người Kurd chỉ
còn một con đường là tiếp tục cuộc chiến đấu lâu dài cho độc lập tự do của
mình.
Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019
Nhớ về một Con Người
Trong Thế Chiến 2, nước Pháp, quê hương của Tự Do – Bình Đẳng –
Bác Ái bị nước Đức phát-xít giày xéo. Phải nhờ quân đồng minh, nước Pháp mới lại
được tự do. Nhưng chính phủ Pháp khi đó không chịu hiểu một điều là tự do cũng
không kém phần quý báu đối với các dân tộc thuộc địa Pháp, trong đó có Việt
Nam. Vừa thoát khỏi gót giày Hit-le, Pháp đã vội vã đưa chiến hạm và đội quân
xâm lược trở lại Việt Nam.
Trước tình thế gay go ấy, tháng 12/1946, Chủ Tịch Hồ Chí Minh của
nước Việt Nam non trẻ vừa mới giành được độc lập một năm trước đó đã kêu gọi
toàn thể nhân dân Việt Nam chống lại cuộc xâm lược của Pháp. Với hy vọng độc lập
tự do thiết tha, hàng triệu người Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi ấy.
Trong số đó có một đôi vợ chồng trẻ với một bé gái nhỏ. Anh vốn
là một chàng trai Hà Nội, học sinh trường Bưởi – trường trung học dành cho những
học sinh người Việt xuất sắc nhất ở miền bắc thời bấy giờ. Yêu văn hóa Pháp,
anh thuộc lòng những bài thơ lãng mạn của Rimbaud và Verlaine, những đoạn văn của
Victor Hugo và Anatole France. Chị vốn là nữ sinh trường Công Giáo Sainte
Marie. Chị thích những bản tình ca Pháp như C’est
à Capris hay bài dân ca vui vẻ Quand
on est matelot.
Nhưng cái mà Anh yêu hơn cả là tinh thần Tự Do của Cách Mạng
Pháp 1789. Cái sâu sắc nhất thấm vào con người Chị lại là tinh thần của Chúa
Giê-su, bình thản chịu đựng mọi khó khăn vất vả của cuộc đời. Bỏ lại nhà cửa và
cuộc sống êm ấm ở Hà Nội, với hai bàn tay trắng và một cô con gái nhỏ, họ lặn lội
lên núi rừng Việt Bắc, tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Suốt
9 năm ở chiến khu, hai người đã chịu đựng muôn vàn thiếu thốn, đói rét, bệnh tật,
bom đạn chiến tranh, cố gắng làm tốt một công việc bình dị là dạy học cho các em
nhỏ ở khắp các vùng rừng núi Bắc Việt Nam.
Dường như có một sức mạnh kỳ lạ đã giúp hai con người mỏng manh ấy
vượt qua những khó khăn mà ngày nay chúng ta khó mà hình dung được. Sức mạnh ấy
chính là tình yêu thương, lòng chung thủy và khát khao trở về thành phố quê
hương thân yêu. Cặp vợ chồng trẻ ấy chính là Cha Mẹ chúng ta, Ông Bà của các
con chúng ta và Cụ Ông Cụ Bà của các cháu chúng ta.
Hôm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ông. Ông sinh
ngày 8/10/1919 tại Hà Nội. Các cụ thân sinh Ông gốc gác ở làng Nhị Khê, huyện
Thường Tín, Hà Đông. Cụ ông lúc trẻ làm nghề khắc dấu, một nghề truyền thống của
Nhị Khê, sau làm nghề bốc thuốc. Cụ bà là một phụ nữ Việt Nam truyền thống, cả
đời lo việc gia đình phục vụ chồng con. Cụ ông phải bôn ba kiếm sống nên từ nhỏ,
Ông ở với anh cả là Bác Đoan, làm công chức ở Hà Nội, người đã nuôi Ông ăn học
cho tới khi học xong trường Bưởi và đi làm. Sau đó Ông gặp Bà, khi đó là nữ
sinh trường Sainte Marie ở Hà Nội.
Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, cuối năm 1954, Ông Bà cùng 3
con đã theo đoàn quân chiến thắng trở về thủ đô. Từ đó, ông tiếp tục công tác
giáo dục, từ dạy cấp 1, biên soạn sách giáo khoa, xuất bản, nghiên cứu, đào tạo
giáo viên tiểu học. Sau nghỉ hưu năm 1975, ông tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động của
quỹ nhi đồng LHQ UNICEF tại Việt Nam.
Có lẽ cái chất giản dị, thanh bạch, quân tử của Nguyễn Trãi, một
người cùng làng Nhị Khê nhiều thế kỷ trước đã phần nào truyền lại tới tận đời
Ông. Thời trẻ tuy có học nhiều ngôn ngữ
và văn hóa Pháp, Ông vẫn mang phẩm chất của một nhà nho. Nghèo mà không hèn - lời dạy
đó của các bậc thánh hiền xưa là nguyên tắc sống của đời Ông. Dù nghèo, Ông
chưa bao giờ vì tiền bạc mà bỏ nhân cách. Ông suốt đời đọc sách vì đối với Ông,
hiểu biết là niềm vui mà dốt nát là nỗi khổ. Ông là người giản dị, thân mật, dí
dỏm và chu đáo. Ai đã tiếp xúc với Ông đều nhớ nụ cười trong sáng và đôn hậu của
Ông.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Ông hôm nay, chúng ta nhớ tới Ông và
Bà với tràn đầy tình yêu và lòng biết ơn. Ông Bà không chỉ sinh ra và nuôi dưỡng
mà còn dạy dỗ chúng ta nên người. Ông dạy dỗ chúng ta bằng những trang sách Tập
Đọc lớp 1 mộc mạc đầu tiên cho tới những trang Hồi Ký cuối đời. Bài học quan trọng
nhất không phải là viết cho văn vẻ hay làm toán cho đúng mà là học để thành NGƯỜI.
Bài học vô giá ấy Ông Bà đã dạy bằng chính cuộc đời mình.
Hà Nội, 8/10/2019
Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019
Tiễn Bà
Công việc đời mình đã làm xong
Một ngày mùa thu nắng xanh trong
Thanh thản ra đi về Cõi Ấy
Để lại cả muôn vàn yêu thương
Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019
Ngày Khai Trường
Sáng nay bé Quỳnh dậy sớm hơn mọi ngày. Em mặc bộ quần
áo trắng, đi giày trắng, cổ đeo chiếc khăn quàng “Thiếu Niên Tiền Phong” đỏ
tươi. Em có vẻ háo hức lắm bởi hôm nay là Ngày Khai Trường. Hơn nữa em lại còn
là thành viên đội trống, sẽ đánh những nhịp trống rộn ràng trong sân trường
trước hàng ngàn học sinh và thày cô giáo. Quỳnh là một trong 22 triệu học sinh
cả nước bước vào một năm học mới ngày 5/9 hàng năm. Dù kinh tế có phát triển
trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo với mức thu nhập
xếp vào hàng trung bình thấp. Số lượng học sinh lớn như thế đồng nghĩa với một
gánh nặng cho toàn xã hội trong đó gia đình các em phải gánh vác một phần không
nhỏ. Câu nói “hy sinh đời bố, củng cố đời con” không chỉ là nói đùa mà là một sự
thật. Ở Việt Nam thì ít gia đình, kể cả khi rất nghèo nề hà điều đó. Nhưng rồi
sự hy sinh của gia đình và sự vất vả của các em trong nhiều năm có dẫn đến kết
quả gì không thì ít ai dám chắc. Học thì vất vả tốn kém là thế nhưng khi ra
trường lại khó có việc làm. Nếu có việc làm thì ít khi hợp với cái đã học ở
trường. Có việc làm cũng chưa yên bởi lương thường quá thấp so với giá cả. Ấy là
chưa nói đến chuyện “lót tay”, một yếu tố mà hầu như ai cũng phải tính đến
trong dự trù chi phí để học được trường tốt, để có việc làm. Nhưng vượt qua tất
cả những khó khăn kể trên vẫn là điều có thể. Nhưng vẫn còn một điều quan
trọng, có khi là quan trọng nhất, nhưng lại là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Đó là câu chuyện học cái gì và để làm gì,
nói một cách văn vẻ là “triết lý giáo dục”. Đó là chủ đề mà các cơ quan về
chính sách và quản lý giáo dục, các chuyên gia đủ loại, giáo viên, rồi cả học
sinh và phụ huynh bao năm nay cứ bàn đi xới lại. Cũng từng có không ít những
cải cách tốn kém với những khoản ngân sách lớn. Kết quả vẫn chỉ là những thay
đổi “nhỏ giọt”, chưa có dấu hiệu nào của một thay đổi gốc rễ và đột phá. Người
ta đổ lỗi cho nhau thay vì chỉ ra đâu là nguyên nhân chính. Thực ra có lẽ người
ta vẫn biết đâu là gốc rễ vấn đề nhưng ngại đụng đến khu vực đó. Người ta không
tin có thể thay đổi được. Nếu xã hội là một đoàn tàu thì giáo dục có lẽ chỉ là một
toa tàu. Cái mà người ta cố gắng bấy lâu nay chỉ là sắp xếp lại một chút ở
trong cái toa tàu ấy. Có thể tốt hơn một chút như sạch hơn, trật tự hơn. Còn
lại, mà lại là những điều quan trọng nhất như đi đâu, nhanh hay chậm… thì lại
là việc của cái đầu tàu, của người lái tàu, người chỉ huy cả hệ thống chạy tàu.
Bé Quỳnh và hàng triệu em khác hôm nay tung tăng tới trường. Các em còn quá nhỏ
và ngây thơ để hiểu rằng các em đang đi trên một đoàn tàu cũ kỹ, ỳ ạch, cọc
cạch rung lắc trên những đường ray cổ lỗ cả trăm năm. Có thể rồi đây, những thế
hệ học sinh tương lai sẽ không còn phải đi trên những con tàu đáng buồn như thế
nay. Không ai dám chắc là bao giờ cả.
Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019
Thơ Đường và Thời Sự
Đạm đạm Trường Giang thủy
Du du viễn khách tình
Lạc hoa tương dữ hận
Đáo địa nhất vô thanh
Đó là bài thơ Nam
hành biệt đệ của Vi Thừa Khánh, một nhà thơ thế kỷ thứ 7 đời nhà Đường TQ.
Sau đây là một số bản dịch:
Nước sông trôi lặng lẽ
Viễn khách nhớ thương dài
Hoa rụng sầu tê tái
Nhẹ nhàng không tiếng rơi
(Trần Trọng Kim)
Lững lờ dòng nước Trường Giang
Ngậm ngùi lòng khách mênh mang một trời
Hoa kia cũng hận theo người
Đầy trên mặt đất cánh rơi âm thầm
(Đỗ Bằng Đoàn – Bùi Khánh Đản)
Trường Giang nước vẫn lặng lờ trôi
Tha hương viễn khách dạ chơi vơi
Hoa rụng cùng mang niềm sầu hận
Nhẹ nhàng chạm đất chẳng tăm hơi
(Phụng Hà)
Trường Giang nước chảy dầu dâu
Tiễn đưa một chén dạ sầu đôi nơi
Nhìn theo hoa rụng tơi bời
Hoa kia cũng hận cho người biệt ly
(Nguyệt Hồ)
Nước biếc Trường Giang chảy lặng lờ
Người xa man mác sóng tình xô
Rẽ đôi mối hận hoa sầu rụng
Chạm đất âm thầm không tiếng tơ
(Nguyễn Lãm Thắng)
Còn rất nhiều bản dịch khác nữa cũng hay không kém. Ngắn
ngủi vẻn vẹn 4 câu, viết bằng tiếng Hán, vậy mà 13 thế kỷ sau vẫn gây được cảm
hứng cho nhiều người Việt. Thơ có nguyên tác bằng tiếng nước ngoài có lẽ không
thể dịch. Người ta phải hiểu ý, cảm thụ sâu sắc và xúc động vì hình ảnh, âm
thanh và tình cảm của bài thơ ấy thì mới có thể “dịch” nó – đúng hơn là làm một
bài thơ khác theo cảm xúc của riêng mình. Nỗi buồn của con người khi phải xa
nơi chốn và những người thân yêu thì ở đâu và bao giờ cũng thế. Có người sẽ hỏi trong lúc đang “nước sôi lửa
bỏng” ở Biển Đông lại đi nói chuyện thơ Đường thì có “lạc đề và vô duyên”
không? Trên mạng xã hội Việt Nam ngày nay thì cứ động nói đến TQ, Biển Đông,
v.v. thì nhiều người lập tức “nhảy dựng” lên ngay bởi có sẵn cái sự ghét “Tàu”
như “đào đất đổ đi” vậy. Nếu có phép màu nào đó thì người ta sẵn sàng cho TQ “biến
mất” khỏi bản đồ thế giới! Nhưng TQ vẫn ở đấy từ hàng ngàn năm qua và chắc sẽ
còn lâu nữa. Tổ tiên người Việt chúng ta đã biết rõ như thế từ lâu. Các cụ vẫn
học kinh điển Trung Hoa như Tứ Thư, Ngũ Kinh, vẫn yêu thơ Đường như bài thơ
trên, vẫn du nhập nhiều phong tục từ TQ như Tết, thờ cúng cha mẹ tổ tiên, vẫn
theo đạo người quân tử do Khổng Tử truyền bá và lại còn trang trọng lập đền thờ
ngài tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội. Nhưng cha ông ta cũng luôn quyết liệt chống
lại tư tưởng và hành động bá quyền nước lớn của vua chúa TQ qua nhiều thế hệ.
Bài học của tổ tiên chúng ta là không thể nào “xổ toẹt” một nước láng giềng khổng
lồ và một nền văn hóa lớn như TQ. Chỉ có một cách là phải khéo léo cương nhu
tùy thời để tồn tại bên cạnh, học được cái hay mà vẫn không bị đồng hóa, bị
nuốt chửng bởi dân tộc Hán như nhiều dân tộc sống xung quanh dân tộc Hán bao
gồm cả trăm dân tộc Việt – sử gọi là Bách Việt - trong lịch sử. Ông cha đã làm
được như thế thì không lẽ gì chúng ta lại chịu thua?
Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019
Chiếc kèn cũ
Bỗng nhiên tìm thấy
Bạn cũ bao nhiêu năm
Âm thanh vẫn du dương
Như ngày nào say đắm
Thì ra bao năm tháng
Chàng trai ấy vẫn còn
Mà ta lỡ bỏ quên
Một phần trong sáng nhất
vẫn theo ta đi suốt
Mặc ảo ảnh phù du
Cuối cùng bạn hiểu ra
Ta chỉ có thể là ta
Đó là món quà
Từ Thượng Đế
Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019
Phép mầu
Một sớm mai tĩnh lặng
Tỉnh lại Sau giấc
mơ*
Trầm lắng Elegie*
Nhẹ dâng buồn man mác
Quên nỗi lo thường nhật
Khi nghe nhạc Faure
Gavane*, Sicilienne*
Dịu đi đời bão táp
Cần một nơi chốn khác?
Nơi trú ẩn trong ta
Có một chút thiêng liêng
Niết Bàn của riêng bạn
Nó vẫn luôn ở cạnh
Nó chẳng ở đâu xa
Nó ở ngay trong ta
Đó là Tình Yêu
Đó là phép màu
Thượng Đế
*Các tác phẩm của nhạc
sỹ Pháp
Gabriel Faure
(1845-1924)
Mừng sinh nhật Cháu
Thấm thoắt thế mà đã mươi năm
Hạt mầm ngày ấy thành cây con
Rạng rỡ tươi xanh thiên thần nhỏ
Tuổi già liệu có gì vui hơn?
Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019
Ngôi nhà cũ
Gió mát hiu hiu những buổi trưa
Nắng xuyên vòm lá ánh lung linh
Sân gạch đỏ tươi chào buổi sáng
Ngõ nhỏ ai rao giữa đêm đông
Vẫn nghe đâu đó tiếng trẻ thơ
Nhớ ai tần tảo buổi hàn vi
Nhớ Người thanh cao đôi mắt sáng
Bồi hồi vương vấn kỷ niệm xưa
Giờ đà tới lúc phải rời xa
Tạm biệt tháng năm những giấc mơ
Gặp gỡ chia ly, đời là thế
Chút tình còn lại chốn năm xưa
Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019
Bờ sông Rio Grande
“Ngày mai chúng ta sẽ đi” – Anh nói
“Mình đi đâu hả bố?” – Bé gái hỏi, mắt tròn xoe
“Ta sẽ đến một nơi xa
Nơi ấy mình sẽ sung sướng lắm”
“Sao nơi ấy lại sung sướng hả bố?”
“Bởi nơi ấy là Thiên Đường
Địa Ngục là nơi ta đang ở”
Mờ sớm bé còn đang ngủ
Người cha đã gọi lên đường
“Bố ơi con đói lắm rồi”
“Ta cứ đi đến khi trời sáng
Rồi sẽ có người cho ta chút bánh
Hay sẽ nhặt được thứ gì đó ven đường
Bởi có những người ăn không hết
Họ sẽ vứt thức ăn đi
Ta sẽ ổn thôi, con chớ lo
Hãy vui lên bởi đường dài lắm
Sẽ phải vượt qua mấy ngàn cây số
Hai cha con cứ thế đi
Đi bộ, nhờ thuyền, xe ngựa, xe hơi
Sông suối nhỏ thì lội hay bơi qua
Lúc thì chui lủi trên tàu hỏa
Tối ngủ vạ vật ven đường hay bậc cửa
Khi trong rừng rậm mưa rơi
Cha con cứ thế bên nhau
“Con ơi, có bố đây, đừng sợ”
Rồi một hôm bỗng xuất hiện
Một con sông chảy xiết rộng mênh mông
“Bố ơi làm sao mình có thể qua?”
Anh cười: “Con ơi, mình sắp đến rồi đó!”
“Bên kia là Thiên Đường hả bố?”
“Phải rồi, giờ ta phải bơi sang
Con hãy ôm chặt bố trên lưng
Có bố đây, con đừng sợ”
Sáng hôm sau có người đi câu cá
Thấy hai cha con nằm úp mặt ở bờ sông
Bé gái vẫn ôm chặt lấy cha
Bé tin có cha là ổn cả
Bé ơi, em đã lên Thiên Đường rồi đó
Có thể hai cha con đang ngồi bên Chúa
Bởi bên kia sông cũng chẳng phải Thiên Đường
Cho người nghèo, cho những ai có làn da không trắng
Kể cả khi da bạn trắng
Cả trăm người cũng chỉ một người giàu thôi
Câu chuyện bên bờ sông Rio Grande
Câu chuyện thời nay, câu chuyện muôn thuở
Vừa rồi có hai cha con
từ El Salvador chết đuối nằm úp mặt bên
bờ sông Rio Grande khi
cố bơi qua để vào Mỹ.
Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019
Ai đúng? Ai sai?
Có một hội thảo quốc tế về Kinh Thánh. Đến chủ để Thiên
Đàng, với cảnh Adam và Eva – không quần áo - dạo chơi trong vườn Eden, đại biểu
Pháp nói: - Hãy xem đôi trai gái này lãng mạn và say đắm làm sao! Tất nhiên đây
là Pháp rồi.
Đại biểu Anh nói: - Chỉ có một quả táo. Và chàng trai
nhường nó cho cô gái. Đó chắc chắn phải là một gentlement người Anh.
Đại biểu Phần Lan nói: - Chỉ có trai gái Phần Lan mới
trần truồng bên nhau tự nhiên như thế. Tất nhiên đây là khu vườn của một sauna để người ta thư giãn sau khi tắm
hơi.
Đại biểu Hà Lan nói: - Không còn gì nghi ngờ nữa, đây
chắc chắn là một nhà thổ ở Amsterdam.
Đại biểu Liên Xô nói: - Nơi này nghèo tới mức không có
quần áo mặc, còn táo thì chỉ có một quả cho hai người. Vậy mà họ vẫn tin chắc
đó là Thiên Đàng. Các vị thử nghĩ xem trên thế giới ngoài Liên Xô ra thì còn có
nơi nào như thế nữa không?
Đó là một truyện cười của người Nga thời Liên Xô (có
một chút “bịa” thêm của người viết!). Ở đời, cùng một sự việc nhưng bao giờ
cũng có chuyện mỗi người nhìn một cách cả. Không ai tuyệt đối đúng hay sai cả. Ở
một xã hội độc tài – bây giờ vẫn còn nhiều xã hội như vậy - vị vua, giáo chủ
hay vị lãnh tụ sẽ kết luận kiểu như đây là Thiên Đàng và ai không tin sẽ bị trừng
phạt. Ở xã hội dân chủ, người ta sẽ tranh luận. Nếu cuối cùng không thể đồng ý
với nhau thì người ta sẽ nói lets agree
to disagree – tạm dịch là “hãy đồng ý
với nhau rằng chúng ta không nhất trí với nhau” và vui vẻ kết thúc thảo
luận.
Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019
Thiếu cái gì?
Vừa có chuyện một đoàn cấp Bộ về tỉnh Vĩnh Phúc để thanh
tra về xây dựng. Ở một huyện, có vẻ như đoàn “đánh hơi” được một số điều bất
bình thường. Ví dụ như tại sao một công ty khá nhỏ mà lại liên tục được địa
phương trao nhiều hợp đồng bao gồm một số có giá trị khá lớn. Báo chí nói đoàn
dường như đã đòi một khoản tiền khá lớn - khoảng hơn 20 tỷ đồng (1 triệu USD) –
có thể hiểu rằng đó là cái giá để bỏ qua vụ việc này. Đối với một anh taxi, một
bà bán hàng ở chợ hay một bác về hưu đang chơi cờ ở công viên, đây là chuyện “biết rồi – khổ lắm – nói mãi”. Tham
nhũng ngày nay đã thành chuyện bình thường, chuyện hàng ngày. Người dân không
chỉ “nghe nói” mà đa số họ đều đã từng bị viên chức chính quyền “vòi tiền” như
vậy. Cái nguy kịch ở đây là người ta dường như đã chấp nhận chuyện đó và chung
sống với nó. Cái chuyện “thường ngày” này có từ bao giờ? Truyện Kiều có chuyện
gia đình Thúy Kiều bị vu oan, bị sai nha tra khảo, đánh đập cho đến khi hiểu ra
rằng “có ba trăm lạng việc này mới xong”.
Tục ngữ cổ Việt Nam có câu Nén bạc đâm
toạc tờ giấy. Thời thuộc địa Pháp, nhà văn Nguyễn Công Hoan có kể chuyện
một vị quan cấp dưới cho vợ mình đi “hầu hạ” vị quan cấp trên để mong lên chức.
Như vậy, tham nhũng là chuyện vẫn có từ xưa, từ thời phong kiến. Khi đó, ông
quan huyện toàn quyền quyết định mọi việc trong huyện của ông ta. Tương tự, ông
quan tỉnh có toàn quyền trong tỉnh mình. Ông vua có toàn quyền trong nước. Vua
được coi là “con Trời”, thay Trời cai trị dân. Ý vua là ý Trời. Các quan có thể
“khuyên can” vua nhưng không có quyền quyết định. Ít ai dám can ngăn vua vì có
thể bị mất chức, thậm chí mất mạng. Vị nào quyết liệt hơn thì chỉ còn cách “treo ấn từ quan”, về quê ở ẩn, sống
nghèo khổ. Công cụ ngăn ngừa tham nhũng ở thời ấy có lẽ chủ yếu là những lời
dạy của Nho Giáo như “phú quý bất năng
dâm” – đại ý là giàu sang tiền bạc không thể làm lung lạc. Nhưng đối với đa
số, tiền bạc sang giàu vẫn hấp dẫn hơn đạo lý người quân tử. Sau thời phong
kiến – thuộc địa là cuộc chiến tranh 30 năm.Trong chiến tranh, quan tâm hàng
đầu của người ta là “sống sót”, chứ không phải là tiền bạc. Vì thế mà chuyện
tham nhũng hầu như không có. Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, khoảng thời
gian 10-15 năm sau đó là thời kỳ nghèo đói nhất. Kinh tế kiệt quệ nên cuộc sống
vẫn chỉ là làm sao tồn tại với khẩu phần lương thực vô cùng ít ỏi được chia đều
cho mọi người. Không còn gì để tham nhũng cả. Sang thời kỳ “đổi mới”, kinh tế
và sở hữu tư nhân bắt đầu được cho phép và khuyến khích. Người ta được tự do
làm giàu. Như con quỷ thoát ra sau khi bị nhốt kín suốt thời kỳ chiến tranh và XHCN
“bao cấp”, lòng tham nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí thống trị. Tiền bạc trở
thành quan tâm hàng đầu. Nhưng xã hội lại không có công cụ hữu hiệu nào để kiểm
soát lòng tham ấy. Xã hội về cơ bản trở lại giống như thời phong kiến. Cái khác
nói nôm na là thay vì một ông vua thì nay là một vị “vua tập thể”, một nhóm
người. Có “vua lớn” ở cấp quốc gia, “vua nhỡ” ở tỉnh, “vua con” ở huyện xã. Tư
duy vẫn như cũ, nghĩa là làm vua là để cai trị chứ không phải là phục vụ. Không
có cơ chế nào hữu hiệu để giám sát các vua cả. Cách quản lý như thế là môi
trường màu mỡ cho việc lạm dụng quyền lực mà tham nhũng là phổ biến nhất. Đồng
tiền lên ngôi chúa tể, đạo lý Nho Giáo
truyền thống trọng nghĩa khinh tài không còn. Gần đây, có lẽ vì tham nhũng quá
trầm trọng, người ta bắt đầu trừng phạt một số vụ lớn. Khó có thể đo lường tác
dụng của “chiến dịch” này. Việc vừa xảy ra ở Vĩnh Phúc có thể là một dấu hiệu
cho thấy tác dụng của những trừng phạt ấy là chưa đủ để răn đe. Vậy phải làm
gì? Các
nghiên cứu về tham nhũng thường chỉ ra biện pháp “3 không”: Phải làm sao để
người ta (1) không cần tham nhũng; (2) không muốn tham nhũng; (3) không thể
tham nhũng. Có thể hiểu đại khái là một viên chức nhà nước có lương tốt sẽ
không cần tham nhũng. Người đó sẽ không muốn tham nhũng vì lý do đạo đức, sợ bị
trừng phạt. Người đó sẽ khó có thể tham nhũng do xã hội có cơ chế kiểm soát
chặt chẽ và hữu hiệu. Như vậy sẽ phải cải thiện thu nhập cho công chức, tăng
cường giáo dục cho trẻ em và các biện pháp trừng phạt. Cuối cùng – điều khó và
quan trọng nhất – là thay đổi cơ chế quản lý xã hội để có thể giám sát chặt chẽ
và hữu hiệu hoạt động của viên chức nhà nước. Đã có biết bao nhiêu khóa học
tập, tham quan, khảo sát, hội thảo trong ngoài nước, bao nhiêu dự án, bao nhiêu
chuyên gia giỏi nhất đã đến rồi. Thế giới có rất nhiều mô hình chống tham nhũng
hiệu quả mà các cơ quan có trách nhiệm hẳn đã đến học hỏi và tham khảo rồi. Như vậy là người ta đều biết cả rồi và rất rõ
nữa. Người ta hẳn cũng biết rõ vướng mắc nằm ở chỗ nào nhưng không ai dám nói
ra cả. Người ta sợ. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay thì tham nhũng sẽ bào mòn hết
nguồn lực tinh thần và vật chất của xã hội. Đất nước sẽ tụt hậu, thậm chí có
thể sụp đổ. Phải chăng đã đến lúc phải có một cuộc cách mạng mới – có người gọi
là “Đổi Mới 2”. Cuộc đổi mới 1986 cơ bản chỉ là kinh tế. Đổi Mới 2 sẽ phải
là toàn diện. Trong diễn văn nhậm chức, vị tổng thống mới của Ucraina có nói
đại ý rằng tại các cơ quan nhà nước đừng treo ảnh ông mà hãy để ảnh con cái
mình, để mỗi sáng mỗi người nhìn vào ảnh chúng và tự hỏi mình có muốn chúng
được thừa kế một đất nước văn minh và phồn vinh hay không, hay là để chúng phải
nguyền rủa cha anh vì để lại cho chúng một đất nước bất công, tham nhũng, hỗn
loạn và nghèo khổ. Đã có đủ mọi điều kiện cho cuộc Đổi Mới 2. Cái còn thiếu là
sự dũng cảm.
Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019
Con đường tiến bộ xã hội
Có tin Bắc Hàn vừa xử tử một
số quan chức cao cấp vì tội “làm cuộc đàm phán Trump – Kim ở Hà Nội thất bại”.
Thực hư thế nào thì khó biết, vì đó là Bắc Hàn. Làm cho lãnh tụ không vừa ý là
đủ để cấu thành một trọng tội, đáng tử hình mà không cần xét xử gì cả.Thời
phong kiến xưa kia, tội đó gọi là “khi quân”, tạm gọi là thiếu kính trọng, coi
thường, xúc phạm vua. Bắc Hàn là hình ảnh một xã hội quân chủ phong kiến hà
khắc, cha truyền con nối. Chuyện này nhắc nhở rằng chủ tịch Kim là một hoàng đế
tàn bạo, chứ không phải là “một người đàn ông bình thường” như có lúc người ta
tưởng khi xuất hiện ở Hà Nội hồi đầu năm nay. Đi tới một xã hội dân chủ là một
con đường dài gập ghềnh. Nam Hàn cho đến gần đây cũng đã từng phải trải qua một
thời kỳ “đẫm máu”, hàng trăm người biểu tình bị tàn sát, mấy vị tổng thống bị
ám sát, tử hình hay tù chung thân mới có được một xã hội phồn vinh và dân chủ
như bây giờ. Nước Nga phá bỏ chế độ chuyên chế Nga Hoàng bằng cách mạng cách đây
một trăm năm. Sau đó thì vẫn là một xã hội không kém hà khắc, nhất là ở thời
lãnh tụ Stalin. Liên Xô tan rã năm 1991. Ngay sau đó, một hiến pháp dân chủ ra
đời. Vài chục năm sau đó, phồn vinh và dân chủ vẫn chưa thấy đâu. Tham nhũng và
khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Nhiều người Nga bắt đầu thấy nuối tiếc
quá khứ khi Liên Xô là một siêu cường, cuộc sống không giàu có nhưng khá đầy
đủ, xã hội bình đẳng, có tôn ti trật tự. Thậm chí dân Nga còn quay lại tôn vinh
Stalin, người đã từng bị chính họ lên án nặng nề vì độc tài và tàn bạo. Ý tưởng
dân chủ xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp. Nhưng cả ngàn năm sau đó, các nước Tây Âu
vẫn phải trải mấy thế kỷ “đêm trường trung cổ” dưới áp bức nặng nề của vua chúa
và nhà thờ. Để tiến tới dân chủ, cuối thế kỷ 18, dân Pháp đã phải làm cách mạng
lật đổ chế độ phong kiến, chặt đầu nhà vua. Sau rất nhiều thăng trầm sau đó,
dân Pháp mới thực sự có dân chủ. Do đó những nước có chế độ phong kiến, rồi thuộc
địa cho đến tận gần đây như TQ hay VN thì “nhảy một phát” – như nhiều người
mong muốn - lên hàng các nước giàu có, văn minh, dân chủ là không dễ, thậm chí có
lẽ là không thể. Những di sản cũ nhiều thế kỷ không dễ “biến mất” nhanh như
thế. Tòa lâu đài nguy nga của phồn vinh, văn minh, dân chủ không dễ xây như
thế. Dân chủ không phải là một thiên đường dưới sự trị vì của một vị “vua hiền”
thay dân chịu trách nhiệm về mọi việc, còn người dân chỉ việc “hưởng thái bình”.
Cần có thêm thời gian và cố gắng bền bỉ của tất cả mọi người để tiến dần từng
bước một. Nhưng ít nhất, nếu đất nước không đến nỗi quá tệ như xã hội Bắc Hàn
thì không việc gì phải bi quan cả. Cây nhỏ dần dần sẽ lớn, ra hoa và kết quả.
Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019
Bài học cho mọi người
Vừa rồi có một phim tài liệu
mới của Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Phim khá lớn, dài 10 tập, xem mất 18 giờ và
mất tới 10 năm để hoàn thành. Cuộc chiến VN đã kết thúc cách đây gần nửa thế kỷ
rồi. Trong khoảng thời gian này, người Mỹ và phương tây đã làm không biết bao nhiêu
bộ phim về cuộc chiến này. Năm 1980 đã từng có một phim dài tới 26 tập của một
đạo diễn Canada. Biết rồi, khổ lắm, nói
mãi là câu người Việt có thể nói về chuyện này. Nhưng đối với người Mỹ,
cuộc chiến này quá dài, quá phức tạp, quá khổ đau, quá nhiều mất mát, chia rẽ,
tranh cãi và nhiều thứ quá nữa đến mức họ khó có thể ngừng suy ngẫm về nó. Có
một điều tưởng như là nghịch lý. Ấy là càng lùi xa về quá khứ, sự việc dường
như lại rõ hơn. Những phim trước kia chỉ nói về người Mỹ. Phim này nói nhiều cả
về người Việt, nhất là những người từng bị coi là “kẻ thù đáng ghét nhất” – Việt
Cộng và lính Bắc Việt. Có 2 tuyến nhân vật – một bên là Mỹ, bên kia là Việt –
là người thật, bằng xương thịt, có tên tuổi, có câu chuyện cuộc đời họ, có lời
họ nói. Đó là chuyện thật chứ không phải là Rambo, một lính Mỹ tưởng tượng hồi
đầu sau chiến tranh, một anh lính Bắc Việt vô hồn, hay một anh Việt Cộng sắt đá
. Là “người thật, việc thật” nên nó sinh động, đôi khi thật cảm động. Một bà mẹ
Mỹ có con ra chiến trường thì cũng chẳng khác gì bà mẹ Việt, cũng mòn mỏi đêm
ngày mong ngóng tin con. Thanh niên Mỹ lứa tuổi 18 đôi mươi ngày đó cũng thật
lòng yêu nước và ngây thơ, bỏ cả vào đại học để ra trận, để “ngăn chặn chủ
nghĩa cộng sản, bảo vệ thế giới tự do” thì cũng không khác gì cậu bé Bắc Việt
nhét cục gạch vào túi cho “đủ cân” để được vào bộ đội, ra chiến trường “chống
đế quốc Mỹ xâm lược, vì độc lập tự do của Tổ Quốc”. Những lính Mỹ trẻ măng ra
trận lần đầu trước mưa đạn từ phía đối phương mà cứ thế xông lên chiếm cho bằng
được đỉnh cao của ngọn đồi không tên nào đó thì cũng gan dạ chẳng kém những
người lính Bắc Việt hành quân dưới mưa bom bão đạn trên đường mòn Hồ Chí Minh. Anh
thanh niên Mỹ trốn quân dịch chạy sang Canada thì cũng không khác anh lính Bắc
Việt trẻ đào ngũ ở trận chiến Ia Drang. Ở đâu cũng có người như thế, và chuyện đó
thường thôi. Sau chiến tranh, những cựu binh Mỹ đầu tiên quay lại chiến trường
xưa. Họ gặp những cựu chiến binh Bắc Việt, những người đã từng bắn vào họ khi
xưa. Sau ít phút ngờ vực, đôi bên nhanh chóng nhận ra rằng họ chẳng khác nhau
mấy, cũng giản dị, chân thật, ấm áp, rất “con người” cả. Và thời gian cũng đã
đủ lâu, đủ dài để người ta ngẫm nghĩ về cuộc chiến. Người Mỹ tự hỏi rằng bấy
nhiêu mất mát, khổ đau cuối cùng thì để làm gì? Đạt được gì? Có đáng phải thế
không? Những người “phía bên kia” cũng hỏi những câu tương tự. Hàng triệu người
phải hy sinh có quá đắt không? Liệu có con đường khác không? Cuối cùng thì
người dân ở đâu cũng đều có những mong muốn như nhau. Rất giản dị. Đó là cơm ăn
áo mặc, cuộc sống bình yên, yêu và được yêu. Dù là ở những tỉnh lẻ đâu đó ở Mỹ
hay là những vùng quê Việt Nam thì cũng không khác nhau là bao. Cách đây 2500
năm, triết gia TQ cổ đại Lão Tử nêu ra ý tưởng “vô vi” cho quản trị xã hội. Vô
vi có nghĩa là thuận theo tự nhiên, không cần cố can thiệp vì mọi việc cuối
cùng sẽ “đâu vào đấy” cả. Bộ phim kết thúc bằng bài hát Let It Be của ban nhạc Beatles lừng danh. Let it be cũng có nghĩa là hãy để mọi việc tự trôi, theo lẽ tự
nhiên. Phải chăng đó là một bài học lớn từ chiến tranh Việt Nam, cho thế giới, cho
tất cả mọi người?
Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019
Ai thắng, ai thua?
Hôm
qua, dân TTCK New York bàng hoàng khi thấy chứng khoán lao dốc “không phanh”.
Không biết có bao nhiêu tỷ đô-la đã “biến mất” sau một đêm yên lành ở NY. Đó là
kết quả đòn trả đũa của TQ bằng cách áp thuế lên gần trăm tỷ đô-la hàng Mỹ.
Không biết TT Mỹ có còn “hỷ hả” không như khi mới đây ông áp một mức thuế cao
ngất lên hàng trăm tỷ đô-la hàng TQ. Không biết liệu dòng tiền-hàng giữa hai
nền kinh tế lớn nhất thế giới này có vì thế mà giảm sút nhiều không? Đã từ lâu
rồi, hàng triệu dân Mỹ đã quá quen với việc tiêu dùng “xả láng” rất nhiều thứ
hàng khá tốt với giá “cực rẻ” bởi chúng được Made in China rồi. Còn hàng trăm triệu dân TQ vẫn ngày ngày chăm
chỉ như đàn kiến ở các công xưởng khổng lồ để làm ra Iphone và hàng vạn thứ
khác cho dân Mỹ - và cả thế giới nữa – xài. Có lẽ chẳng ai có thể dừng cái chu
trình sản xuất-xuất nhập khẩu - tiêu dùng đó cả. Nhưng “bàn tay vô hình” sẽ
điều chỉnh cuộc chơi này. Ở TQ sản xuất có thể sụt giảm một chút, thất nghiệp
tăng một chút. Ở Mỹ thì dân sẽ phải mua hàng giá cao hơn. Cả dân TQ và Mỹ sẽ
chẳng được lợi lộc gì. Còn giới lãnh đạo hai nước có thể đạt được những mục
tiêu chính trị gì thì dân thường không biết mà cũng chẳng quan tâm. Dù lãnh đạo
có cho những mục tiêu của họ là “vì nước –
vì dân”, người ta vẫn nghi ngờ - mà thường là đúng – rằng chúng chỉ là
những chiêu trò ích kỷ mà thôi. Chiến tranh - dù là thương mại hay bom đạn – nhiều
khi không rõ bên nào thắng cuộc. Nhưng “bên thua cuộc” thì bao giờ cũng rất rõ.
Đó là hàng triệu thường dân bị thiệt thòi trong chiến tranh thương mại, hay
hàng triệu binh lính và thường dân phải chịu tổn thất hy sinh trong chiến tranh
bom đạn. Giới tinh hoa lãnh đạo giàu có thì không hoặc rất ít bị ảnh hưởng. Cho
nên họ chẳng thèm quan tâm.
Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019
Nên đi đâu, đến đâu?
Gần đây có đến vài diễn đàn lớn về phát triển
như làm sao để thúc đẩy khu vực tư nhân hay phát triển công nghệ. Có vẻ như
động lực chính của thời kỳ đầu như lao động và tài nguyên rẻ đang yếu dần, đà
phát triển đang chững lại và người ta muốn tìm giải pháp cho nó. Có thể nhận
thấy có ít hơn những chỉ thị và hô hào mà bắt đầu có tranh luận. Tuy nhiên, mọi
tranh luận dường như vẫn ở trong một “khuôn khổ” định sẵn nào đó, không phải là
trong một văn bản chính thức nào, mà có lẽ là ở ngay trong “não trạng” người
phát biểu. Cuối cùng thì các diễn đàn kiểu như thế này cũng sẽ có một số tác
động nào đó. Có lẽ sẽ có người tự hỏi tại sao lại không nên/không thể có những
diễn đàn tự do và không e ngại sợ hãi về những chủ đề rộng hơn, giống như một
cái nhìn toàn cảnh để có thể thấy đất nước xuất phát từ đâu, từ đó nên đi về
đâu, tại sao và làm thế nào, v.v. Thế giới có khá nhiều hình mẫu phát triển có
thể tham khảo, học hỏi. Cũng chỉ nên và chỉ có thể như thế thôi bởi “trời sinh
ra” không ai giống ai, không nước nào giống nước nào hoàn toàn cả. Có những ví
dụ “sờ sờ” nay trước mắt. Bắc Hàn quả thực có một sự “ổn định” với một “chính
phủ mạnh” suốt gần bảy chục năm qua. Cái giá phải trả là mức sống rất thấp của
dân kể cả về kinh tế và dân trí, thậm chí là có cả nạn đói, sự cô lập gần như
hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Hình ảnh đối lập hoàn toàn ở ngay bên cạnh là
Nam Hàn với nền kinh tế thuộc tốp đầu thế giới, cả công nghệ và dân trí phát
triển cao, mức sống cao, có một hộ chiếu cực mạnh cho phép đi tới hầu hết các
nước trên thế giới mà không cần visa. Có một điểm dễ nhận thấy của hệ thống
chính trị Nam Hàn, đó là sự “bất ổn định” của chính phủ. Đã nhiều lần, người ta
“lôi cổ” những nhà lãnh đạo một thời được coi là có nhiều công lao ra để xét xử
lại công/tội, và kết quả là có những vị phải ngồi tù. Gần đây nhất, một vị tống
thống nữa bị hạ bệ, phải ra tòa, phải vào tù vì một vài “tội” mà so với những
nước như TQ, Nga hay VN, chúng chỉ là “muỗi” mà thôi. Nhưng với tinh thần
“thượng tôn pháp luật, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai có thể
đứng trên pháp luật’ như người ta hay nói gần đây thì có lẽ Nam Hàn chính là
một ví dụ tốt cần học tập. Nước hàng xóm khổng lồ phía bắc dường như vẫn “ổn
đinh” và họ mong muốn như vậy dưới một sự “lãnh đạo” vô thời hạn của nhà lãnh
đạo đương nhiệm. Có gì liên quan không khi mà gần đây tốc độ phát triển của TQ
đã chững lại, nhiều công ty lớn có dấu hiệu muốn dời đi nơi khác, vấn đề môi
trường đang lớn dần lên và khả năng một thảm họa thực sự không phải là điều có
thể “bỏ ngoài tai” nữa, sự bành trướng kinh tế ồ ạt bằng những khoản tiền khổng
lồ ở nước ngoài đón nhận cả sự “hoan nghênh” lẫn hoài nghi và phản đối. Ở TQ,
luôn có sự “nhất trí cao” đơn giản vì không ai có thể/có quyền hoài nghi chứ
chưa nói đến phản đối. Khi chính quyền cực mạnh và tập trung, với một đường lối
“đúng”, ít nhất về kinh tế, như ở TQ cho tới giờ thì có thể có một sự phát
triển ngoạn mục. Nhưng nếu sai thì sao, và nhất là khi không có ý kiến phản
biện? Đó là điều đã xảy ra với Liên Xô: sự “sụp đổ” vào năm 1991. Ở những thời
điểm hiểm nguy, khẩn cấp như chiến tranh, một sự lãnh đạo mạnh và nhanh, không
bàn cãi nhiều có thể là cần thiết, dù biết rằng kết quả có thể phải trả bằng
sinh mạng của hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu người. Trong điều kiện
hòa bình, những quyết sách lớn liên quan đến cuộc sống của hàng triệu người cần
có ý kiến rộng rãi và thật sự của toàn dân. Gần đây, dân Anh quyết định đi hay
ở lại EU qua một cuộc trưng cầu dân ý. Quyết định “ra đi” nay lại gây tranh cãi
vì nhiều người có vẻ đã “nghĩ lại’ và nay lại muốn “ở lại”. Điều đó cho thấy là
không phải lúc nào người dân bình thường cũng biết rõ mình muốn gì. Song điều
đó không thể dẫn đến việc cần có một nhóm nhỏ một số người “sáng suốt” để quyết
định thay cho hàng triệu người khác, kể cả khi đám đông dân chúng cứ “trống
đánh xuôi kèn thổi ngược” như ở Anh bây giờ. Liệu có ai nghĩ rằng chính cái
cách đó – gọi là dân chủ hay là gì tùy bạn – lại là một cách quản trị đất nước
tốt, dẫn đến kết quả nước Anh là một xã hội đáng mơ ước, là nơi mà hầu như tất
cả những gia đình “có điều kiện” ở VN đều muốn gửi con em sang học tập, làm
việc và sinh sống? Đó là một cách quản trị “chậm nhưng chắc”. Có lẽ điều quan
trọng hơn cả là hệ thống đó sẽ không cho phép một kẻ - có thể coi là tài năng
xuất chúng – như Hitler lên nắm quyền, hoặc có lên nắm quyền cũng không thể đưa
dân tộc mình và nhiều dân tộc khác vào “chỗ chết” như ông ta đã từng làm trong
Thế Chiến 2 mà không ai ở Đức khi đó dám “có ý kiến khác”. Con đường VN đang đi
– cũng như con đường của các dân tộc khác - đều có nguyên nhân không hề đơn
giản. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố vô cùng phức tạp như kinh tế, lịch sử, địa
lý, khí hậu, văn hóa, trình độ phát triển, bối cảnh thế giới, v.v. kể cả những
yếu tố tưởng như là ‘tình cờ”. Cho nên có lẽ không mấy có ích khi cứ mãi tranh
luận theo kiểu “khi đó mà làm như thế này mà không như thế kia, thì bây giờ thì
đất nước sẽ được như các nước abc, rồi cứ đổ lỗi cho một nhóm người, thậm chí
là một cá nhân nào đó. Chẳng có ai có thể dẫn dắt một dân theo ý riêng của
mình. Nên chăng là tạm bỏ qua quá khứ - vì
có thay đổi được đâu – bình tĩnh, kỹ lưỡng cân nhắc hiện tại, tương lai gần và
tương lai xa hơn để thấy đất nước nên đi về đâu, muốn đến cái đích nào, muốn
được như nước nào. Thực ra thì chính Cụ Hồ cũng đã từng có một tầm nhìn cho đất
nước như thế, được thể hiện rõ trong những tài liệu lịch sử về thời kỳ đầu của
VNDCCH, còn khá đủ trong lưu trữ.
Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019
Tản mạn ngày chiến thắng Điện Biên Phủ
Truyền hình NHK Nhật có một phóng sự về Đà Nẵng.
Một nhóm học sinh đang tập nhảy múa rất vui vẻ ở công viên 29/3. Khi được hỏi 29/3
là ngày gì, các em ngơ ngác nhìn nhau và trả lời là không biết. Ở một chỗ khác,
một bác lớn tuổi cho biết còn nhớ rõ ngày 29/3/1975. Theo ông trước ngày đó có
đánh nhau to, súng nổ nhiều và rất nhiều xe tăng chạy qua. Đến chiều 29/3, khi
hết tiếng súng, ông hiểu là cuộc chiến ở Đà Nẵng đã kết thúc. Ở bãi biển, khi
bình minh đang lên, một nhóm các cô dâu rạng rỡ trong váy cưới đang chụp ảnh
cùng chú rể giữa một đàn chim bồ câu. Không biết các cô gái và chàng trai hạnh
phúc kia có biết rằng đúng chỗ họ đang đứng hơn năm mươi năm trước vào sáng
ngày 8/3/1965, thủy quân lục chiến Mỹ ào ạt đổ bộ vào bờ biển Đà Nẵng, mở đầu
thời kỳ ác liệt nhất của chiến tranh Việt Nam . Ở một ngõ nhỏ sâu trong phố,
vài họa sỹ đang vẽ lên tường ngõ những bức tranh làng quê xưa bên cạnh những
bức “tưởng tượng” về tương lai thanh bình tươi sáng của thành phố. Liệu có ai
đó nghĩ rằng sự hồn nhiên ‘thiếu hiểu biết lịch sử” của các cô bé cậu bé tại
cái công viên 29/3 kia hay là cái ‘nhận thức không phân biệt ta thắng/địch thua
của cụ ông trên kia có khi lại là hay không? Ngày hôm nay 65 năm trước, quân
Pháp hạ vũ khí, cầm cờ trắng ra hàng ở Điện Biên Phủ. Gần đây, ngay ở Điện Biên
Phủ, gần hầm chỉ huy của tướng De Castries, theo sáng kiến của một cựu binh
Pháp, người ta xây một ngôi mộ tưởng niệm những binh sỹ Pháp chết trận. Ngôi mộ
được trông coi chăm sóc cẩn thận bởi một cựu quân nhân Việt Nam . Phải chăng đó là những cách
tốt hơn để hàn gắn vết thương lớn về tinh thần gây ra bởi cuộc Chiến Tranh Việt
Nam – theo cách gọi của Mỹ
hay là Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – cách gọi chính thức ở Việt Nam ?
Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019
Kiến và Châu Chấu
Ngày Quốc Tế Lao Động 1/5 vừa rồi,
ở Paris và
nhiều nơi ở Pháp, những người Áo Vàng lại xuống đường biểu tình. Vẫn là những
cảnh mà thế giới đã “quen thuộc” từ nhiều tháng nay: đám đông áo vàng tay không
đụng độ với cảnh sát có trang bị xe bọc thép, vòi rồng, súng bắn đạn cao su,
khói lựu đạn cay mù mịt, những đám cháy bùng lên từ những chiếc xe hơi bị đốt,
cửa hàng bị đập phá, nhiều người chống đối bị bắt. Vị lãnh đạo nước Nga có vẻ
đã có những tuyên bố đại ý như: mọi người hãy nhìn xem! Các vị có muốn như ở Paris không? Có vẻ ý ông
là tại sao các vị lại không bằng lòng với sự “ổn định” ở Nga mà lại thích “dân
chủ” kiểu Phương Tây mà theo ông chỉ là sự hỗn loạn. Người biểu tình Pháp là
những người tầng lớp “bình dân”. Họ bất bình vì cuộc sống khó khăn, giá cả
những mặt hàng cơ bản như xăng dầu tăng vọt. Vừa rồi sau khi nhà thờ Đức Bà
Paris bị hỏa hoạn, một số “đại gia” trong số những người giàu nhất nhanh chóng
tuyên bố đóng góp hàng chục, hàng trăm triệu đô-la để sửa chữa nhà thờ. Sự “hào
phóng” này có vẻ chẳng những không được khen ngợi mà lại còn như “đổ thêm dầu
vào lửa”, ngọn lửa tức giận về sự bất công, khoảng cách giàu – nghèo quá lớn
trong xã hội Pháp. Có những người Nga đã lên truyền hình – đây là những kênh
truyền hình độc lập, không do nhà nước quản lý – và đã “trả lời” lãnh đạo Nga,
đại ý như: có, chúng tôi rất muốn được như ở Paris , ở Pháp. Có thể hiểu rằng họ muốn được
quyền phản đối khi cuộc sống của họ - đa số là những người nghèo, có nhiều
triệu người như vậy – bị những quyết định của những công ty lớn, như là xăng
dầu hay điện – hẳn là phải có sự đồng ý của nhà nước -làm cho trở nên rất khó
khăn. Chuyện này nghe “quen quen” phải không? Nếu xem tờ báo mạng – tờ báo
“được nhiều người đọc nhất”, theo lời tự quảng cáo – thì cũng đang có câu
chuyện về bản chất là tương tự. Trong lúc đang có một hội thảo lớn “tầm quốc
gia – quốc tế” về chủ đề làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh,
hai “ông lớn nhà nước” là xăng dầu và điện ‘tranh thủ tăng giá ào ạt! Đa số
người dân “thấp cổ bé họng” chỉ còn biết ngao ngán thở dài và cắn răng chịu
đựng như họ vẫn cam chịu đựng như thế từ bao đời nay rồi. Một số người cũng “có
ý kiến” ở trên tờ báo mạng kia. Có lẽ đó chỉ là những ý kiến yếu ớt, chẳng ai
thèm nghe. Từ xa xưa, dân Việt đã hiểu rằng đó là chuyện vô ích, chuyện “con
kiến kiện củ khoai”. Những cũng chính dân Việt còn có câu:
Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe ngiêng
Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019
Tản mạn ngày cuối tháng Tư
Hôm nay là ngày 30/4. Đó là một trong những ngày
gợi cho người Việt những suy nghĩ rất khác nhau bởi vì dù đa số dân Việt sống ở
trong mảnh đất nhỏ hình chữ S, vẫn phải kể đến nhiều triệu người Việt khác đang
sống ở khắp nơi trên thế giới mà nhiều nhất là ở Mỹ. Thế giới dường như vẫn
bàng hoàng về vụ đánh bom tự sát ở Sri Lanka. Người ta thấy khó hiểu vì sao trong
số những kẻ đánh bom có cả hai anh em con một tỷ phú giàu có bậc nhất Sri Lanka ? Sao
họ không “biết sướng” mà hưởng thụ cái khối tài sản khổng lồ, niềm mơ ước của
đa số chúng ta mà lại đi lao vào chỗ chết như vậy? Bỏ qua chuyện phải trái đúng
sai, thứ chỉ gây tranh cãi muôn thuở mà chỉ nhìn vào sự kiện thì có thế thấy
xưa nay vẫn có những người như thế. Đối với họ, lý tưởng là cao nhất, là cái mà
vì nó họ có thể bình thản hy sinh tất cả. Đức Phật chính là một ví dụ. Ngài từ
bỏ vị trí một hoàng tử, một vị vua tương lai, để trở thành một “kẻ ăn mày”,
ngày ngày khất thực để suy nghĩ về lý tưởng “giải thoát” loài người. Sri Lanka chỉ
là một ví dụ tiếp theo của một mâu thuẫn nhiều thế kỷ giữa Hồi Giáo và Thiên
Chúa Giáo. Nói đúng hơn thì có lẽ đó là những nhóm cực đoan nhất trong hai tôn
giáo này. Không ai biết được mâu thuẫn Hồi Giáo – Thiên Chúa Giáo bao giờ sẽ
chấm dứt. Vừa rồi mâu thuẫn 70 năm Nam – Bắc Triều Tiên mới lóe lên
tia hy vọng ở Hà Nội để rồi lại nhanh chóng vụt tắt. Hôm nay ở Hà Nội hay tp
HCM hình như không thấy có những hoạt động rầm rộ kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam như những
năm trước đây. Dân trong nước còn bận về quê hoặc đi nghỉ ở bãi biển hay vùng
núi. Ở “bên kia”, không biết không khí trong cộng đồng mấy triệu người Việt hải
ngoại – số người bằng dân số của nhiều quốc gia – như thế nào trong ngày mà ít
nhất một số người coi là “ngày quốc hận”. Cũng không ai biết bao giờ thì câu
chuyện “ngày giải phóng vs ngày quốc hận” sẽ thành chuyện quá khứ, chuyện lịch
sử. Vừa rồi một danh hài trẻ trở thành tổng thống Ucraina. Trong không khí “ăn
mừng” sau khi nghe thông báo kết quả bầu cử, ông có nói đại ý là “khi tôi hãy
còn là một người dân thường, chưa chính thức thành tổng thống, tôi muốn nói với
nhân dân các nước thuộc Liên Bang Xô Viết cũ: hãy nhìn chúng tôi đây này, mọi
sự đều có thể xảy ra! Hiểu rộng hơn một chút thì Việt Nam, TQ, Bắc Hàn, Cuba
cũng có thể coi là thuộc khối LX cũ mà khi đó có tên chính thức là “phe XHCN”.
Người Nhật từng coi Mỹ là kẻ thù số một cản trở việc thực hiện giấc mơ bá chủ
châu Á – Thái Bình Dương của họ. Khi giấc mơ đó tan tành dưới hai quả bom
nguyên tử của Mỹ và cuộc tấn công vũ bão của Hồng Quân LX vào đội quân Quan
Đông cả triệu người tinh nhuệ nhất, người Nhật dường như đã tỉnh giấc, hiểu
rằng họ đã sang một thời kỳ hoàn toàn mới, một cơ hội mới. Hàng triệu người
Nhật lại đoàn kết, học tập và lao động miệt mài ngày đêm để rồi từ một đống tro
tàn đổ nát, sau hai chục năm họ đã thành một nước phát triển văn minh. Năm
1989, sau khi bức tường Berlin
sụp đổ, hai vùng Đông và Tây Đức sau bốn chục năm bị chia cắt lại hòa vào nhau
“như chưa từng có cuộc chia ly”. Ngẫm nghĩ thì thấy dân Nhật và dân Đức quả là
khôn ngoan. Họ hiểu rất rõ cái câu “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng,
miễn là bắt được chuột” trước cả ô. Đặng ở TQ. Không biết chừng thì chính ô.
Đặng là người học được điều đó từ người Nhật và người Đức cũng nên. Sau nhiều ngày nóng “như đổ lửa”, sáng nay có
cơn mưa lớn ào ạt đổ xuống. Trời đất
bỗng tối sầm rồi lại sáng lên, dịu mát và trong lành lạ thường. Hình như quy
luật của trời đất là thế. Cứ cái gì đã tới ‘cùng cực” thì nó lại trở về cái đối
nghịch của nó. Nếu khôn ngoan mà sớm hiểu được cái lẽ đó thì người ta có thể
giúp đẩy nhanh quá trình. Còn nếu cứ “khăng khăng” với “chân lý” của mình thì
sớm muộn sẽ trở thành vật cản cho sự dịch chuyển tự nhiên không có gì cản nổi
của Thiên Mệnh mà thôi.
Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019
Một cuộc “cách mạng chậm”
Một nhóm học sinh phổ thông vừa mới chế ra “bãi
gửi xe thông minh”. Một em học sinh ở một vùng quê Nam Định chế được ô tô chạy bằng
pin mặt trời. Một bác nông dân ở Tây Ninh chế được máy bay trực thăng. Ngày nay,
những sáng tạo như vậy ngày càng nhiều hơn. Những nhà phát minh sáng chế như
thế học được kiến thức từ đâu? Chắc chắn là có một phần từ trường lớp họ đã
qua. Nhưng phần kiến thức quan trọng nhất thì họ tự học được “từ trên mạng”. Kể
từ khi ra đời cách đây mới vài chục năm, mạng internet toàn cầu có lẽ là cuộc
cách mạng lớn nhất trong lịch sử. Không chỉ hỗ trợ đắc lực cho những đầu óc
sáng tạo kỹ thuật như các em học sinh hay bác nông dân nói trên mà nó còn giúp
cho hàng tỷ người trên trái đất tiếp cận tất cả những gì người ta quan tâm.
Kiến thức – và từ đó là quyền lực - không còn là độc quyền của một nhóm nhỏ
những người có “đặc quyền đặc lợi” từ nguồn gốc gia đình và tự cho mình là
“elite” – tầng lớp cao nhất xã hội nữa. Bây giờ ai cũng có thể trở thành nhà phát
minh, làm phim, diễn viên điện ảnh, triết gia, nhà bình luận chính trị, nhà
báo, nhiếp ảnh gia, người đấu tranh cho công lý, v.v. Đó chính là một phần quan
trọng của dân chủ, tự do và bình đẳng: tự do học tập, hiểu biết và sáng tạo. Xưa
kia ở những xã hội Ki Tô giáo phương tây, nhân dân được gọi là ‘con chiên”,
nghĩa là “đàn cừu”, được dẫn dắt bởi các cha đạo – được gọi là “người chăn
cừu.” Ở Á đông thì còn tệ hơn nữa: dân thường bị vua quan coi là “thảo dân” –
nghĩa là “cỏ rác”, có thể bị chà đạp lên mà không cần một mảy may suy nghĩ. Tất
cả những gì người dân được phép biết là qua nhà thờ và vua chúa, qua những kẻ
thống trị với hệ thống kinh sách được coi là những chân lý “bất di bất dịch”.
Ai nói gì khác là có thể bị coi là “tà đạo” và bị trừng trị thẳng tay. Nhưng
thời nào cũng có những người dũng cảm,thông minh và có đầu óc tự do. Họ thà bị chết thiêu trên dàn lửa, chịu tù
“mọt gông”, chịu chết chém chứ không chấp nhận những điều phi lý. Nhưng những
người như thế là vô cùng ít. Đa số thì vẫn là đàn cừu, ngoan ngoãn đi theo kẻ
chăn cừu. Cho đến tận gần đây, một dân tộc thông minh và giỏi giang như người
Đức mà vẫn bị một “kẻ chăn cừu” như Hitler dẫn dắt vào chỗ gây ra hủy diệt và
chết chóc cho các dân tộc khác và cho chính mình. Một trong những lý do khiến Hitler
làm được như vậy là vì có trong tay một bộ máy đàn áp và tuyên truyền khổng lồ.
Khi người dân sợ hãi, bị “tẩy não” và không còn lựa chọn nào khả dĩ nữa, như hoàn
cảnh của dân Đức khi đó thì họ buộc phải làm bất cứ điều gì dù là ngu ngốc hay dã
man tàn bạo tới đâu. Nhưng xã hội ngày nay đã khác. Với trí tuệ sẵn có được
trời đất ban cho và được tăng thêm sức mạnh to lớn do khả năng tiếp cận
internet – nơi chứa đựng một khối lượng vô hạn những kiến thức loài người tích
lũy được, dân chúng không còn là “đám người ngu muội và ngoan ngoãn” dễ dàng bị
dắt mũi như xưa nữa. Khi hàng triệu người ý thức được quyền của mình, biết điều
gì là phải là trái, là công bằng hay bất công, họ sẽ tự nhiên dần dần hành động
theo suy nghĩ và niềm tin của mình. Xã
hội dường như đang chuyển động. Nó có thể là rất từ từ, thậm chí khó nhận ra
được. Chuyển động đó vô cùng mạnh mẽ do được điều khiển bởi “những bàn tay vô
hình” theo những quy luật tự nhiên mà không ai ngăn cản được. Đó là “Thiên
Mệnh”, nếu theo cách nói của người xưa. Đó là một “dòng thác Cách Mạng” mới,
nếu thích cách nói của các bậc tiền bối gần đây. Đó là một cuộc “cách mạng
chậm”, nếu như cần đặt một thuật ngữ mới. Không ai còn có thể áp đặt những điều
phi lý lên hàng triệu người đã và đang giác ngộ nữa. Nếu ý thức được và thuận
theo ‘Mệnh Trời” này, xã hội sẽ tốt đẹp lên. Còn nếu cứ “khăng khăng” ép buộc
cả xã hội hàng triệu con người theo ý riêng của mình – mà thường chỉ là sự dốt
nát và ích kỷ, thuật ngữ của nhà Phật gọi là “vô minh” – thì việc đó cũng giống
như là lấy bàn tay mình để che mặt trời. Khi trở thành vật cản thì sớm muộn sẽ
bị dòng thác cuốn băng đi.
Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019
Chuyện Ucraina có gì liên quan?
Ở Ucraina đang diễn ra một sự kiện mà truyền
thông trong nước ít quan tâm: Cuộc bầu cử tổng thống. Có lẽ là vì chuyện đó khá
là xa vời với dân Việt, hầu như là không liên quan. Vòng một đã khép lại. Trong
hai ứng viên lọt vào vòng 2 – vòng cuối cùng – thì một người là đương kim tổng
thống. Có chuyện khá lạ là người thứ hai, người đang dẫn đầu vòng 1 với số phiếu
vượt khá xa vị tổng thống là một người khá trẻ tuổi. Anh ta là một diễn viên
hài, chưa hề có kinh nghiệm hoạt động chính trị nào. Hay nói đúng hơn, anh ta
có một chút “kinh nghiệm” trong show diễn có tên là “Người đày tớ của nhân dân”, trong đó anh thủ vai tổng thống. Trong
vai diễn này, vị “tổng thống” trăn trở một điều: Có thể làm tổng thống, làm
lãnh đạo đất nước mà không “ăn cắp” không? Dường như điều này đã “gãi đúng chỗ
ngứa” của dân Ucraina. Suốt 15 năm qua, kể từ “cách mạng cam” 2004, rồi cuộc bạo
loạn euromaidan 2014 cho tới hôm nay, những gì người dân Ucraina phải chịu đựng
là sự bất lực của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề hệ trọng của đất
nước như cuộc chiến ở vùng Donbas, sự đói nghèo, nạn đấu đá tranh giành quyền lực,
tham nhũng, tệ nạn xã hội, tội phạm tràn lan. Mức sống của dân Ucraina tụt xuống
hàng thấp nhất châu Âu. Hàng triệu người phải rời bỏ đất nước đi kiếm sống ở nước
ngoài. Người dân quá thất vọng với những chính trị gia chuyên nghiệp. Họ muốn
thay đổi. Vì thế họ đã chọn một gương mặt có thể nói là “hoàn toàn mới” với hy
vọng là sẽ cải thiện được tình hình tồi tệ ở Ucraina. Vòng 2 vẫn còn ở phía trước.
Mọi chuyện vẫn đều có thể xảy ra. Cuối cùng thì nhân dân phải tự quyết định
mình muốn gì, nắm vận mệnh của mình trong tay, phải tham gia việc thực hiện quyết
định đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Không có phép mầu nào từ
trên trời rơi xuống cả. Không có bữa tiệc nào được dọn sẵn để ta chỉ việc hưởng
cả. Người Việt có câu “muốn ăn thì lăn
vào bếp”. Không ai có thể làm thay ta. Đó là bài học đắt giá mà mấy chục
triệu dân Ucraina đã học được sau 15 năm đi qua “con đường đau khổ” của mình.
Bây giờ thì có vẻ như họ đang đi đúng hướng. Ucraina là một dân tộc lớn, tài
năng, từng có trình độ phát triển cao trong Liên Xô cũ. Miễn là đi đúng đường –
con đường tất cả các dân tộc dân chủ, thịnh vượng, tiên tiến, văn minh đã đi -
sớm muộn dân tộc Ucraina cũng sẽ được như vậy.
Trở lại với hiện tượng “thờ ơ, bàng quan” của dân Việt, hay ít nhất là
truyền thông với những sự kiện như thế, người ta không khỏi tự hỏi là tại sao?
Dân Việt muốn gì? Những nhà thuộc loại “có điều kiện” – theo cách nói bình dân
hiện nay nghĩa là có nhiều tiền – thì đa số đều chọn cho con cháu mình du học ở
Tây Âu hay Bắc Mỹ. Nếu ở châu Á thì là Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore. Nghe
nói dân “có điều kiện” hiện nay hay hỏi nhau “Có quốc tịch chưa? Có thẻ xanh
chưa? Có nhà bên ấy chưa? Họ nói đến việc chuẩn bị sẵn cho gia đình con cái và
cả bản thân để khi thích/khi cần là sang định cư ở Bắc Mỹ hay Tây Âu. Người “có nhiều tiền” hiện nay ở Việt Nam thường
là quan chức nhà nước, thường là người ở những chức vụ cao, ở những vị trí công
tác mà người dân và doanh nghiệp phải “cầu cạnh” để được giải quyết nhanh chóng
và thuận lợi những việc liên quan đến cuộc sống và việc làm ăn của họ. Nhóm người
có tiền thứ hai là các chủ các doanh nghiệp tư nhân hoặc các vị trí cao cấp ở
các doanh nghiệp lớn. Con em nhà thường dân thì chỉ còn một cách là phải học giỏi
để có thể xin được học bổng của nước ngoài. Đa số các em học xong thì chọn ở lại
nước ngoài vì điều kiện làm việc và cuộc sống tốt hơn. Việc phổ biến ngoại ngữ,
nhất là tiếng Anh và internet làm cho việc tiếp cận những kiến thức, ý tưởng mới,
hiện đại ở các nước phát triển và tiên tiến dễ dàng hơn. Kể cả khi không biết
ngoại ngữ thì việc tiếp cận kiến thức mới về mọi mặt như kinh tế, chính trị, quản
lý nhà nước, v.v. cũng không còn khó khăn vì nhiều tác phẩm “kinh điển” về kinh
tế thị trường, chính trị, luật pháp, v.v. đều có bản dịch và phổ biến miễn phí
bằng dạng sách điện tử trên mạng internet. Với kinh tế khá lên, hàng triệu người
Việt đi du lịch nước ngoài hàng năm và tận mắt thấy những gì đang diễn ra ở đó.
Như vậy, dù ai muốn nói gì thì nói, trong tư tưởng, trong suy nghĩ, tất cả mọi
người đều hướng về các nước giàu có, văn minh, tiên tiến. Những nước có một đặc
điểm chung là có hệ thống dân chủ. Đó là lẽ tự nhiên bởi ai cũng muốn thế cả.
Và người ta sẽ dần dần nhận ra cái gì đang cản trở đất nước trên con đường trở
nên có thể “sánh vai với các cường quốc
năm châu”, như ước vọng của Cụ Hồ, người sáng lập nước Việt Nam hiện đại.
Cái đích mà Việt Nam nên tiến tới thực ra từng đã được đặt ra vào năm 1945, khi
Cụ Hồ đặt tên nước là Việt Nam – Dân Chủ - Cộng Hòa. Cái mà dân Ucraina, dân Việt
Nam, hay dân ở đâu cũng vậy đều mong muốn là được Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
theo đúng nghĩa của những từ ngữ này. Điều đang xảy ra ở Ucraina là một ví dụ
sinh động cho thấy cách mà một nền dân chủ vận hành. Do đó câu chuyện của
Ucraina là rất đáng để ý.
Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019
Chuyện “nóng” và “nguội”
Vừa rồi, trong khi truyền thông trong nước và cả
thế giới tập trung vào một chủ đề có lẽ là “nóng” nhất trong nhiều năm – cuộc
gặp Trump – Kim tại Hà Nội để xử lý vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thì một
số tờ báo loại “lá cải” ở VN lại có vẻ “lạc đề” khi khá chăm chú vào một vụ “xì
căng đan” liên quan đến việc ly hôn của ông “vua cà phê” Việt Nam và bà vợ ông
ta – có lẽ cũng “không phải là dạng vừa” – tạm gọi là “nữ hoàng cà phê” VN. Một
cặp đôi nổi tiếng và giàu có như thế thì chuyện ly hôn hẳn là không hề đơn giản. Vụ này loại VIP nên quan
tòa và luật sư cũng phải là loại đẳng cấp rồi. Vậy mà việc xét xử có vẻ vẫn rất
khó khăn. Nói như người phương tây, loại chuyện “he said – she said” – đại ý là
“anh ta nói thế này, chị ta nói thế kia” thì đến tòa và luật sư cũng khó mà lần ra manh mối ai phải, ai trái. Cho
nên ta cũng chả nên bàn chi tiết làm gì. Nhưng cái chi tiết mà có lẽ ai cũng
nhận ra là cái vẻ mặt đau khổ của vị vua này tại phiên tòa. Vẻ mặt này nếu có
ai nghiên cứu về tâm trạng con người thể hiện qua khuôn mặt thì đây có lẽ là ví
dụ tốt cho “vẻ mặt đau khổ”. Nhiều người hẳn sẽ thắc mắc là tại sao lại thế? Họ
là loại siêu giàu, có tài sản thì không
biết bao nhiêu ngàn tỷ mà theo lời ông ta mới chỉ là “bề nổi” thôi. Lối sống
thì “vương giả quý tộc” với cả đàn ngựa quý và cả dàn “siêu xe”. Bạn bảo là vì
họ không có tình yêu? Khi người ta có với nhau đến 4 đứa con thì hẳn người ta
đã từng yêu nhau lắm chứ? Có lẽ họ không học triết lý sống, không “tu”? Cũng
lại nghe nói ông ta rất quan tâm đến lĩnh vực này, có vẻ từng đọc rất nhiều
sách vở. Hơn nữa, cũng nghe nói ông ta đi “tu” mấy năm nay. Với tiền bạc nhiều như
thế và cái “gu” cao như thế thì cái chỗ để ngồi tĩnh tâm và thiền phải là chỗ
“đỉnh” nhất rồi. Theo “lý thuyết nhà Phật” thì tu là để buông bỏ mọi thứ, nhất
là cái tâm dính mắc “tham, sân, si” và khi người ta đã buông bỏ được hết rồi
thì “niết bàn” sẽ hiện ra. Đó là một trạng thái tinh thần tĩnh lặng, thư thái,
tràn đầy và hạnh phúc nhất. Có lẽ lúc đó vẻ mặt của người ta cũng sẽ phần nào
như Phật vậy. Nhưng vẻ mặt của vi vua cà phê tại tòa thì quả là một thái cực
khác. Có thể gọi đó là “địa ngục” hay là cái gì đó đại loại như thế. Thế mới
thấy “tu” là khó. Tu là phải nhận ra và buông bỏ dần cho đến hết sự “tham, sân,
si”. Ở vào thời “kinh tế thị trường” ngày nay, khi mà đồng tiền lên ngôi cao
nhất, trở thành lẽ sống, “là Tiên là Phật”, thời “có tiền mua tiên cũng được”
mà lại đi nói chuyện “buông bỏ” thì có “lạc đề” không? Không nói thì người ta
bảo sao chuyện quan trọng thế mà không nói? Nói thì người ta lại bảo “biết rồi,
khổ lắm, nói mãi!”. Ngẫm cho kỹ thì chuyện Bắc Hàn là chuyện nhất thời. Chiến
tranh Việt Nam
từng là chủ đề “nóng” trên truyền thông Mỹ và quốc tế suốt cả chục năm. Khi
chiến tranh chấm dứt thì chủ đề “Việt Nam ” cũng nguội dần. Tương tự như
thế, hòa bình ở Triều Tiên rồi sẽ lập lại, hai miền rồi sẽ thống nhất và mọi
chuyện sẽ thành bình thường, sẽ “nguội”. Nhưng chuyện “tham, sân, si” của con
người – mà câu chuyện của cặp đôi vua cà phê này chỉ là một ví dụ nữa - là
chuyện muôn thuở, không lúc nào quá “nóng” mà cũng chưa bao giờ “nguội” cả.
Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019
Một cơ hội lịch sử?
Ở Hà Nội đang có một trong rất ít
sự kiện lôi cuốn sự chú ý của truyền thông toàn thế giới. Đó là cuộc gặp của TT
Mỹ Trump và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Câu hỏi là tại sao lại VN, tại
sao HN? Cả Mỹ lẫn BTT đều có những lý do riêng để đến HN. Mỹ thì có vẻ như muốn
khuyến khích BTT đi theo con đường của VN, một nước từng trải qua một cuộc
chiến ác liệt, đẫm máu với Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Nam Hàn, từng bị cấm
vận, cô lập, kiệt quệ, đói khổ cùng cực cho đến tận cuối những năm 90, từng bị
các nước anh em cùng phe XHCN bỏ mặc, từng bị người “đồng chí” phương bắc phản
bội và xâm lược tàn bạo. Vậy mà VN đã vượt qua tất cả những khó khăn ghê gớm
đó, trở thành một nước khá phồn vinh về kinh tế, đời sống của đa số dân chúng
được cải thiện đáng kể, có quan hệ quốc tế tương đối tốt kể cả với BTT và Hàn
Quốc, Mỹ và TQ, trong khi vẫn duy trì một hệ thống chính trị gần tương tự như
BTT. BTT thì dường như muốn tìm kiếm một lối thoát khỏi tình trạng hiện tại
không mấy dễ chịu. Với một nền kinh tế đóng kín và có lẽ rất yếu, đại đa số
nhân dân bị đói khổ và không có những tự do tối thiểu, bị Mỹ và đồng minh cô
lập và cấm vận hàng chục năm qua – đã từng phải nhận “gạo cứu đói’ của VN – lại
phải duy trì một quân đội khổng lồ và một chương trình hạt nhân tên lửa vô cùng
tốn kém để đối đầu với một Hàn Quốc hùng mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự, đã thế
lại còn được che chở bởi “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ. Lãnh đạo BTT hẳn có lẽ đã
nhận thấy rằng họ khó mà tồn tại bền vững về lâu về dài. Mặt khác thì có lẽ Mỹ
cũng nhận thấy không nên tiếp tục ép BTT nữa. Nói nôm na theo kiểu người Việt
là “thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”. Mới đây thôi thì
BTT đã hành xử gần như là một kẻ như vậy. Họ dọa “xóa sổ” nước Mỹ bằng vũ khí
hạt nhân. Không ai dám chắc rằng BTT không dám làm như vậy khi trong tay họ đã
có – hoặc gần có - tên lửa hạt nhân đủ mạnh để phóng đến Mỹ. Hàn Quốc giàu mạnh
là vậy nhưng vẫn thấp thỏm sống trong tầm bắn của hàng ngàn khẩu pháo tầm xa
của BTT mà khi phát hỏa sẽ biến Seoul thành tro bụi. Bởi vậy nếu BTT thoát khỏi
tình trạng hiện tại thì sẽ có lợi không chỉ cho BTT và Mỹ, mà còn cho cả Hàn
Quốc, Nhật Bản. Cả TQ và Nga thì không khó để nhận ra một hậu quả dễ thấy mà họ
phải hứng chịu bởi một cuộc chiến Triều Tiên mới: hàng vạn, thậm chí hàng triệu
dân tỵ nạn BTT. Nhưng có một điều kiện tiên quyết BTT phải thỏa mãn: từ bỏ vũ
khí hạt nhân! Đó quả là một việc cực kỳ khó chấp nhận với lạnh tụ Kim. Khi
không có vũ khí hạt nhân trong tay, ông ta chả còn gì để “mặc cả” với Mỹ nữa.
Ông ta hẳn là phải biết câu chuyện của Ucraina. Khi LX tan rã vào năm 1991,
Ucraina có trong tay cả một kho vũ khí hạt nhân còn lớn hơn của cả Anh Pháp
cộng lại. Nhưng sau đó, phương Tây và Nga đã “dỗ dành” Ucraina từ bỏ vũ khí hạt
nhân để đổi lấy các lợi ích kinh tế cộng với sự “bảo đảm” an ninh của Nga. Tất
cả vũ khí hạt nhân của Ucraina sau đó được chuyển sang Nga. Mọi việc có vẻ ổn
cho đến năm 2004 khi mà ở Ucraina xảy ra “cách mạng cam” để thoát Nga và vào
EU-NATO. Từ đó, Ucraina đối đầu với một nước Nga khổng lồ trong một thế yếu. Đã
thế, phương Tây lại có vẻ không vội vã gì trong việc cho Ucraina tham gia câu
lạc bộ của họ. Đây chính là lúc vị lãnh tụ trẻ Kim có những quyết đinh “sống
còn” cho đất nước và nhân dân mình. Mặc dù có rủi ro không nhỏ, nhưng nếu từ bỏ
vũ khí hạt nhân, BTT may ra có thể thoát khỏi bế tắc hiện tại. Nếu một phép màu
xảy ra, hai miền Bắc-Nam có thể thống nhất và trở thành một cường quốc như Nhật
Bản trong một tương lai không xa. Nhưng điều đó sẽ có thể là rủi ro lớn cho
triều đại họ Kim: Lúc đó Ô Kim trẻ có thể sẽ không còn trị vì được BTT như cách
gia tộc nhà ông vẫn làm trong nhiều thập niên qua. Đó là điều ông ta có thể
mất. Nhưng ông sẽ được một điều lớn hơn: ghi danh mình vào lịch sử bán đảo
Triều Tiên và thế giới như là một người có công lớn bằng việc hy sinh quyền lợi
của gia tộc và cá nhân mình vì hòa bình và hạnh phúc của nhân dân hai miền trên
bán đảo Triều Tiên, cả vùng Đông Bắc Á và có thể cả TG nữa. Nói như thế có lẽ
cũng không quá bởi khi chiến tranh hạt nhân nổ ra , không ai biết loài người có
còn tồn tại nữa hay không. Tối nay hai ông Trump và Kim sẽ gặp nhau ở ks lịch
sử Metropole Hà Nội. Đó là nơi ngôi sao điện ảnh Mỹ Jane Fonda từng lưu trú
trong chuyến đi phản đối cuộc chiến của Mỹ ở VN, nơi ca sỹ đồng quê Joan Baez
đã hát dưới mưa bom Mỹ, nơi Graham Green đã viết tiểu thuyết The Quite American
đầu những năm 50, nơi Charlie Chaplin đã ở khi đi trăng mật năm 1936. Có lẽ Việt
Nam ,
Hà Nội, ks Metropole sẽ có thêm một dòng đáng nhớ trong lịch sử. Nhưng tất cả
còn ở phía trước trong hai ngày tới. Cũng có thể ngay tối nay. Có lẽ - hy vọng
là thế - cả hai vị khách đặc biệt của nhà hàng Metropole tối nay đã nhận ra
điều đó?