Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Nông Dân

Chúng ta ngày nào cũng ăn cơm, thịt cá và rau, rồi lại còn “đét-xe” hoa quả nữa. Ai cũng biết nông dân phải vất vả như thế nào mới làm ra những thứ đó. Nhưng chúng ta vẫn chỉ coi họ, những người nuôi sống chúng ta như những kẻ “nhà quê” dốt nát. Khi có chiến tranh thì họ là lính chủ lực ra trận đầu tiên. Không ai biết bao nhiêu người đã không trở về. Những người may mắn trở về thì lại tiếp tục cuộc sống thiếu thốn vất vả ở thôn quê. Vì thế năm nào cũng có nhiều học sinh từ nông thôn ra thành phố thi đại học với hy vọng thoát khỏi những vùng quê nghèo. Nhưng không phải tất cả có thể theo con đường đó. Con em nông dân nghèo thường ít được học hành đầy đủ. Đối với đa số, nếu không muốn làm ruộng nữa – mà đôi khi muốn cũng không được vì đất khô cằn do thiếu nước hoặc đất ruộng đã bị những “nhà đầu tư” móc ngoặc với đám quan chức tham nhũng chiếm đoạt rồi - thì chỉ còn cách làm thợ ở các công ty và nhà máy để cho các nhà tư bản trong và ngoài nước bóc lột sức lao động với tiền công rẻ mạt. Phụ nữ còn có thể đi làm giúp việc ở các gia đình khá giả ở thành phố. Cô nào trẻ hơn thì có thể lấy chồng ngoại quốc mà thường là những người “ế vợ” tại các nước giàu hơn như Đài Loan hay Hàn Quốc. Họ phải trả tiền cho những kẻ môi giới và bị đối xử gần như những món hàng ở chợ nô lệ thời cổ La Mã vậy. Nếu muốn có thu nhập nhanh và nhiều hơn thì phải vào làm trong ngành “công nghiệp tình dục”. Ở đây, những cô gái nghèo tội nghiệp phải bán tuổi trẻ, sức khỏe, nhân phẩm và tương lai để đổi lấy những đồng tiền của lũ đàn ông mà nhiều người trong số họ sau đó lại đeo mặt nạ lên và tiếp tục đóng vai những công dân đáng kính. Đại để đó là thân phận buồn của nông dân nghèo ngày nay. Sự cùng cực của một số đông dân nghèo thường là mầm mống của các cuộc bạo động xã hội từ xưa tới nay. Chúng có thể khá đẫm máu, như lịch sử đã từng chứng kiến nhiều lần.

Nô Lệ


Nô lệ thân xác ý thức được mình là nô lệ nên có thể vùng lên phá xiềng xích giành tự do. Nô lệ tư tưởng bị trói buộc bởi những xiềng xích vô hình. Đầu óc họ bị "tẩy" và “lập trình” nên không ý thức được tình trạng nô lệ của mình. Vì thế họ khó giành tự do hơn. 

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Con ếch

Người Việt có câu “Ếch ngồi đáy giếng” để chỉ người hiểu biết hạn hẹp, như con ếch tưởng bầu trời chỉ to bằng miệng cái giếng. Ta cũng chỉ như con ếch đó thôi. 

Suy Nghĩ về Đọc Sách

Người xưa nói “Dưỡng tử giáo độc thư” đại ý là nuôi con thì phải dạy con đọc sách. Sách xưa chủ yếu dạy cách làm người. Ngày nay cha mẹ thường bận kiếm sống nên việc dạy “đọc sách” phó thác cả cho trường học. Trường học thì “nhồi nhét” một khối lượng quá lớn những thứ không mấy cần thiết cho cuộc sống và quá ít về đạo lý làm người. Cứ xem trong cái cặp nặng trình trịch của các em học sinh thì khắc biết. Kết quả là số học sinh thích đọc sách không nhiều. Còn đạo lý làm người do ít được coi trọng nên khó mà chống chọi được sự tấn công ồ ạt của lối sống trọng tự do cá nhân, sùng bái hình thức, tiền bạc và tiêu dùng đang được cổ vũ bởi các bộ máy thông tin đại chúng thiếu ý thức và trách nhiệm.

Đọc sách có thể hiểu theo nghĩa thông thường là đọc sách báo giấy hay trên mạng internet. Hiểu rộng hơn thì có thể “đọc” từ một dòng suối trên núi, những hòn đá dưới suối, chiếc lá xoay tròn theo dòng nước, con cá nhỏ đang bơi, đám mây bay, mưa rơi, v.v. và muôn vàn thứ khác trong cuộc đời xem chúng muốn nói với ta điều gì. Tương truyền Khổng Tử đứng ngắm dòng sông và than rằng "Cứ chảy mãi thế này ư?". Dường như ông đã "đọc" được điều dòng sông muốn nói, đó là cuộc sống là một dòng chảy vô tận. Đức Phật khi còn là một vị vua trẻ - đang sống trong nhung lụa và chưa biết gì về cuộc đời - một hôm đi ra phía ngoài cung điện và nhìn thấy những người già sắp chết, người nghèo khổ cùng cực, người tàn tật ốm đau, và Người đã "đọc" được thông điệp về đời người là sinh bệnh lão tử. “Thông minh” theo tiếng cổ Hy-Lạp có nghĩa đen là đọc giữa các hàng chữ. Đọc sách theo nghĩa thông thường đã cần phải thông minh. “Đọc” theo nghĩa rộng thì lại càng cần thông minh. Đọc sách có lẽ cũng giống như đãi vàng vậy. Số lượng và chất lượng thu được phụ thuộc vào sự cần cù, phương pháp đọc và sự may mắn. Có một số rất ít người ít đọc sách theo nghĩa thông thường, nhưng Trời lại ban cho họ khả năng “đọc” trực tiếp từ thiên nhiên và từ cái tâm mênh mông của họ. Vì không phải mất công gạn lọc “sạn” thường là có rất nhiều trong các loại sách thông thường, họ hiểu rất nhanh, sâu và rộng mọi vấn đề. Đức Phật, Khổng Tử, Lão Tử, Chúa Giê-su và những bậc thánh hiền, minh triết lớn trong lịch sử là những người như thế. Còn chúng ta - những người bình thường - thì không có cách nào khác là phải ra sức “đãi cát tìm vàng”. 

Có những quyển sách có thể làm thay đổi cuộc đời ta. Nhưng đó là quyển sách nào và ta có tìm thấy nó không thì nhiều khi lại là sự ngẫu nhiên. Sách chỉ có ích khi ta học được một điều gì hay, tự kiểm chứng và biến thành cái “biết” của mình. Còn thuộc lòng hàng đống sách thì có tác dụng là biến ta thành nô lệ cho ý tưởng của người khác.

Rượu


Rượu là một phát minh khá độc đáo của người. Nó có thể làm nhạc và thơ bay bổng lên, tăng sự thành thật và bạo dạn, giảm bớt nói dối và nhấn chìm sự tỉnh táo sáng suốt.

Con vật khát mới uống. Con người không khát vẫn uống. Rượu là thứ nước con người thường uống khi không khát và có thể biến con người thành con vật.

Ai "lái" đời ta?

Cuộc đời ta là kết quả của vô số quyết định lớn bé của ta. Mọi quyết định đều dựa vào thông tin ta nhận được và được “xử lý” dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của ta. Không khó để hiểu rằng đa số quyết định đều có thể sai ở mức độ khác nhau. Đó là vì thông tin ta thu được có thể không chuẩn xác, còn kinh nghiệm và kiến thức của ta thì hạn chế. Nói rộng hơn thì có lẽ các quyết định của bất cứ ai, kể cả người đứng đầu những nhà nước hay tổ chức cũng vậy thôi.

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Sự vĩ đại chân chính

Điều đáng kính trọng của người bình thường – có hàng tỷ người như vậy đã, đang và sẽ sống trên trái đất – là họ chịu được cái nhàm chán của cuộc sống thầm lặng, bằng lòng sống cuộc đời bình dị, cam chịu những lo toan vất vả hàng ngày, những vui buồn nhỏ nhoi, những khổ đau chỉ mình họ biết, và cuối cùng chết lặng lẽ, đi vào dĩ vãng trong sự quên lãng, không ai còn nhớ đến họ nữa. Họ sống như bụi trong đời và chết đi như cát trong biển cả. Họ như người lính vô danh, bình thản ngã xuống, may ra thì trở về, chẳng hề kể công, chẳng ai biết đến. Nhưng chính nhờ họ, những con người vô danh đó chứ không phải các vĩ nhân, mà cuộc sống được duy trì và loài người tồn tại được đến bây giờ.

Xã Hội là gì?

Xã hội là thể hiện ra bên ngoài của những gì bên trong đầu óc con người.


Ác Quỷ là gì?

Cơn giận hay những ham muốn không kiểm soát được có thể biến người ta thành ác quỷ trong chốc lát, có thể làm những việc để rồi phải ân hận suốt quãng đời còn lại.

Tảng Đá và Giọt Nước

Có một tảng đá lớn bên bờ biển. Chắc nó ở đó lâu lắm rồi, có thể đã hàng triệu năm. Mặc cho nắng mưa sóng gió, tảng đá vẫn cứ trơ trơ đứng đó giữa trời đất, không hề thay đổi. Ở đời, có người cũng sống hiên ngang cứng rắn như tảng đá này. Cũng có người lại sống khiêm tốn, mềm mại, biến hóa như giọt nước, lúc thì trôi trên biển cả, lúc thì thấm xuống đất sâu, lúc thì bay lên trời thành mây. Khó nói cách nào là hay hơn.

Mỗi con người cũng như một giọt nước. Như giọt nước, ta chẳng quan trọng gì hết, kể cả ta có là một “giọt nước to” hay “giọt nước vĩ đại”. Như giọt nước, rồi ta cũng tan biến trong đất hay bốc hơi lên trời. Như giọt nước, có ta, thiên hạ cũng chẳng đông vui thêm, mà không có ta cũng chẳng kém đi. Như giọt nước, ta không mất đi, mà chỉ di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, từ dạng này sang dạng khác. Như giọt nước, ta cũng vô danh. Nhưng nếu không có rất nhiều giọt nước tập hợp lại, không có sự sống. Không có rất nhiều người tập họp lại, không có loài người. Vai trò của ta là như vậy. 

Hàng Xóm

Có một gia đình giàu có sống thừa thãi trong một ngôi nhà sang trọng. Hàng xóm của họ là một gia đình nghèo đông con, kiếm ăn vất vả, thường xuyên cãi nhau và có khi còn đánh nhau. Nhưng vì một lý do khách quan, nhà giàu kia không thể dọn nhà đi chỗ khác được, mà cũng không thể đuổi nhà hàng xóm đi chỗ khác được. Họ cũng không có cách gì ngăn được hết ảnh hưởng của nhà hàng xóm đến cuộc sống nhà mình. Bạn sẽ làm gì nếu bạn ở vào hoàn cảnh đó?  Suy rộng ra, về cơ bản đó cũng là câu chuyện về quan hệ của những nước giàu với những nước nghèo ngày nay.

Quyền Lực


Phần lớn chúng ta đều muốn thống trị người khác, theo cách này hay cách khác. Không có khao khát nào mạnh bằng ham muốn quyền lực vì chúng ta tin rằng có quyền lực là có tất cả. Chúng ta làm đủ mọi cách để có quyền lực nhiều hơn. Quyền lực càng to lớn thì sự tranh giành càng gay gắt. Những mưu mô nham hiểm nhất, biện pháp tàn bạo nhất, vô lương tâm nhất sẽ được sử dụng nếu cần thiết để chiếm được và giữ quyền lực. Xung đột, chiến tranh là kết quả tất yếu của quá trình này.   

Chúng ta đã và đang chứng kiến những người có quyền lực to lớn ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều người này đã lạm dụng quyền lực của họ để lừa dối, áp bức, chiếm đoạt và thu lợi cá nhân. Nhưng dù có hung tàn và xảo quyệt đến đâu, sự cai trị của họ đều dẫn đến thống khổ cùng cực của đại đa số quần chúng. Kết cục là quần chúng sẽ nổi dậy đào mồ chôn họ và chính quyền của họ.


Để giành được quyền lực thật khó. Để từ bỏ quyền lực còn khó hơn nhiều. Ta được làm vua suốt đời ư ? Quá ít! Thế còn con ta? Cháu ta? Chắt ta?

Chúng ta ai cũng muốn có nhiều quyền lực. Ta muốn bất cứ cái gì ta nói ra mọi người đều “cúi rạp” mà nghe. Ta muốn mọi người phải nhớ ơn khi ta ban phát “ơn huệ” cho họ, và nhất là phải “biết điều”, nghĩa là phải có “phần trăm” xứng đáng. Ta muốn có quyền lực để trừng phạt những kẻ trái ý ta không ưa. Ta muốn có quyền lực vì nó mang đến cho ta nhiều tiền bạc để ta có nhà cao cửa rộng, ô-tô sang trọng, rồi thì thỏa thích ăn chơi. Nhưng trong cái đám đang kính cẩn cúi đầu ấy không thiếu kẻ đang rủa thầm ta. Những th “phần trăm” là những quả bom nổ chậm và có ngày làm tan xác kẻ nhận. Chẳng có gì là mãi mãi cả. Kẻ có quyền lực rồi sẽ bị “hạ bệ” bởi những kẻ cũng hám quyền lực. Nếu không thì cuối cùng vẫn phải về hưu, rồi già nua, bệnh tật, ốm yếu chẳng mấy chốc sẽ tới và sẽ phải đối mặt với chính mình và thực tế phũ phàng này:gieo cái ác thì phải gặt cái ác.


Chúng ta đều là những nhà độc tài khi ta có quyền lực, dù là ở trong một gia đình, một công ty, một nước. Nếu có thể, ai cũng muốn thống trị thế giới, bắt cả thế giới phải theo ý mình.  

Tình Dục


Đối với loài vật, tình dục thật giản đơn vì chúng chỉ dùng đúng chức năng của nó là duy trì nòi giống. Loài vật làm chuyện đó một cách thật tự nhiên, khi cơ thể chúng phát triển đủ sẵn sàng sinh sản. Chúng không che dấu, không xấu hổ, không lạm dụng. Con người đã biến tình dục vốn tự nhiên và giản đơn như vậy thành một điều vô cùng rắc rối và phức tạp. Đầu tiên là dựng lên đủ điều cấm kỵ, luật lệ, quy tắc tôn giáo, đạo đức, hình phạt, cách ăn mặc, v.v. để cản trở việc đó. Nhưng tình dục là một trong những bản năng tự nhiên mạnh mẽ nhất, thực chất đó là bản năng sinh tồn, mà tạo hóa đã ban cho con người. Cuối cùng, con người lại phá vỡ tất cả những cản trở đã tồn tại hàng thế kỷ, thậm chí ngay ở cả những xã hội khắt khe nhất, để trở lại cái bản tính tự nhiên của mình - được tự do tình dục. Nhưng lần này, con người lại vượt quá cái tự nhiên lành mạnh để sang một thái cực khác, biến tình dục trở thành một thứ hàng hóa, một trò giải trí, một ngành “công nghiệp”, một thứ hủy hoại sức khỏe thể chất và tinh thần lành mạnh, làm con người trở thành nô lệ và hèn hạ, làm khái niệm "yêu" trở nên méo mó và hoen ố.

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

Tranh Luận


Phần lớn ý kiến đều bị hạn chế bởi hiểu biết, kinh nghiệm và ý muốn áp đảo người khác. Vì thế các cuộc tranh luận, dù là giữa hai người, hai tổ chức, hai tôn giáo hay hai quốc gia về cơ bản là vô ích. Không thể thắng trong các cuộc tranh luận bằng lời nói, người ta sẽ tiếp tục “tranh luận” bằng quả đấm hoặc súng đạn. Đại để đó là cách loài người giải quyết mâu thuẫn từ xưa đến giờ. Và tất nhiên, lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.

Vấn đề khó


Trong cuộc sống cá nhân hàng ngày, ta thường gặp vô số “vấn đề”. Hình như mọi vấn đề cuối cùng đều tự nó được giải quyết ổn thỏa. Chỉ còn một vấn đề thực sự là khó giải quyết thôi. Đó là cách chúng ta “giải quyết” vấn đề. Ta cứ “sôi sùng sục lên” khi bị ai đó đụng chạm tới. Ta “lao vào cuộc” ngay để giải quyết. Kết quả thường là sự việc nhỏ thì thành ra to, đang chẳng có gì thì thành ra vô cùng nghiêm trọng. Nói rộng ra, quan hệ giữa các nước về cơ bản cũng như vậy.

Tại ai?


Tạo hóa khá là công bằng khi “chia” đều cho tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo sang hèn một khoảng thời gian trong vòng 100 năm. Sử dụng 100 năm ấy như thế nào thì con người được tự do quyết định. Thế nhưng phần lớn chúng ta không muốn làm chủ cuộc đời mình. Ta không dám quyết định mình phải sống như thế nào. Ta thích ỷ lại vào người khác, vào "lãnh đạo", vào các loại "thầy", vào "số phận". Thế rồi khi không được vừa ý mình, ta lại cầu Trời và oán Trời.

Quà của Trời


Cuộc sống của ta là một món quà của Trời Đất. Nếu may mắn được ban thêm tài năng như chơi piano giỏi, giọng hát hay hoặc giỏi toán, v.v. thì hãy cám ơn bằng cách cống hiến cho mọi người những bản đàn hay, những ca khúc đẹp hay lời giải cho những bài toán khó, v.v. Đa số chúng ta không có tài gì đặc biệt thì hãy cám ơn bằng cách cố giữ gìn cuộc sống của mình, giúp đỡ người khác nếu có thể và cần thiết để họ cũng được hưởng món quà quý báu Trời Đất ban cho họ.

Thời Gian


Thời gian là kẻ hủy diệt vô hình. Hãy nhìn những người già với làn da khô đét nhăn nhúm, khuôn mặt và dáng người biến dạng méo mó. Hãy nhìn những cành khô lá héo. Hãy nhìn những bông hoa cánh tàn nhị rữa. Thời gian là bạn đồng hành của cái chết. Nhưng thời gian cũng đồng thời sinh ra sự sống mới. Hãy nhìn những em bé, những chú gà con, những chồi lá non xanh mởn, những nụ hoa chúm chím. Sống và chết chỉ là hai giai đoạn nối tiếp nhau của một vòng quay không ngừng.


Sự mải mê kiếm tiền và tranh đấu làm lãng quên sự ngắn ngủi và mong manh của cuộc đời. Chỉ đến khi những người thân yêu ra đi đột ngột thì ta mới bừng tỉnh và nuối tiếc rằng ta đã dành quá ít thời gian để yêu thương.  
 
Có những người không biết dùng thời gian của họ vào việc gì nên đành “giết” thời gian bằng một việc vô bổ nào đó. Giá mà họ có thể san xẻ thời gian cho người biết dùng nó.

Những lúc rảnh rỗi lại là quãng thời gian khó sống nhất. Nhiều người sợ những lúc ấy bởi họ có cảm giác trống rỗng, vô vị, chơi vơi không biết làm gì. 

Dù có sống đến trăm năm hay một ngàn năm hay bao lâu đi nữa, thì cái khoảng thời gian ấy cũng vẫn chỉ là một “tích tắc” so với thời gian vô cùng vô tận của trời đất. Còn con người thì cũng chỉ là những hạt bụi bé nhỏ li ti trong vũ trụ bao la vô bờ bến.

Bình thường và muôn thuở


Thiên nhiên là sự tuần hoàn vĩnh cửu của sự sống và cái chết. Con người và mọi sinh vật khác chết đi thì hòa vào đất và trở thành đất. Từ đất, cỏ cây hoa trái sinh ra. Cỏ cây hoa trái lại nuôi người và các loài vật. Trong cái sống đã có cái chết và ngược lại, trong cái chết đã có mầm mống của sự sống.

Nếu đến một lúc nào đó mà Trái Đất bị hủy diệt hoàn toàn, như khi bị va vào một thiên thể khác hay bị hút vào một cái “lỗ đen” vũ trụ chẳng hạn thì ta cũng phải hiểu rằng đó là một phần trong cái “kế hoạch tổng thể” của “Chúa Trời” mà thôi. Thực ra những sự hủy diệt tương tự như thế có lẽ đang xảy ra “hàng ngày” trong vũ trụ. Sinh diệt là việc bình thường và muôn thuở.

Thánh Thần


Con người không thể biết Thượng Đế, cũng như cái máy tính, dù có siêu đẳng đến đâu cũng không thể biết người làm ra chúng. Vì không thể biết nên con người tự tạo ra vô số thượng đế, thánh thần rồi các loại “ăn theo” như các loại “thầy” theo ý muốn và trí tưởng tượng của mình, để rồi lại bị trói buộc, thất vọng và khổ đau bởi chính sự tưởng tượng đó.

Con Người và Con Vật


Tạo Hóa cho con người những bản năng cơ bản như thở, ăn, ngủ, sinh sản, nuôi con, tự vệ là để cho con người tồn tại. Các giác quan và mọi cơ quan khác trong cơ thể con người suy cho cùng là để cho mục đích đó. Tất cả những thú vui, những sự dễ chịu, những kỹ năng mà con người theo đuổi đều liên quan tới mục đích đó. Trời cho ta biết ngon khi ăn là để ta sẽ tiếp tục ăn; biết ngủ ngon là để ta tiếp tục ngủ; biết cảm giác khoái lạc của tình dục là để sinh con cái; thích sự dễ chịu trong các căn nhà tiện nghi vì đó là nơi có điều kiện tốt cho ăn, ngủ, sinh sản; thích phụ nữ có “ba vòng” đẹp vì đó là “đối tác” tối ưu về phương diện tự nhiên cho làm vợ, làm mẹ và nuôi con. Mỗi người đều biết và cố gắng để tự tồn tai. Song dường như Tạo Hóa cũng biết khả năng tồn tại của con người không đều nhau. Có những người lớn cũng không thể tự tồn tại được như người già yếu, tàn tật hoặc kém khả năng kiếm sống. Và thế là Trời lại ban cho con người một khả năng đặc biệt là biết thông cảm yêu thương giúp đỡ người gặp khó khăn và các sinh vật khác. Có lẽ chính đặc tính này mới làm cho con người khác loài vật. Còn nếu không, ta vẫn chỉ là một loài vật ăn tạp và tinh ranh mà thôi. Mà lại còn tệ hơn vì ta tham lam, tranh giành của đồng loại và các loài sinh vật khác.  

Nhiều loài vật không chỉ biết cách kiếm thức ăn mà còn biết để dành cho các bữa sau. Cũng như các loài vật ấy, con người cũng tích trữ cho nhu cầu tương lai. Đó là bản năng tồn tại.  Nhưng có lẽ con người phải hơn loài vật ở chỗ là biết dừng lại khi đủ và biết chia sẻ với đồng loại và các loài sinh vật khác trên Trái Đất. Nhưng con người tham lam vô độ, vẫn không dừng và chia sẻ. Họ đang cố tình làm ngơ trước nguy cơ hủy hoại môi trường sống trên Trái Đất và tự hủy hoại mình.