Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

Muhammad Ali



Những năm 60 thế kỷ trước, ở tuổi 20, chàng thanh niên da đen Casius Clay - sau này anh tự đổi tên thành Muhammad Ali* - nổi lên như một siêu sao thể thao, với ba lần vô địch thế giới boxing nhà nghề hạng nặng, những hợp đồng thi đấu nhiều triệu đô-la và hàng triệu người hâm mộ ở Mỹ và khắp thế giới. Đó cũng là lúc mà tệ phân biệt chủng tộc ở Mỹ vẫn ngự trị. Được hoan nghênh nhiệt liệt ở nơi khác, nhưng về đến thành phố Louisville quê nhà, anh vẫn không được phép vào những quán cà-phê chỉ dành cho người da trắng. Đó cũng là lúc mà cuộc chiến tranh Việt Nam lên đến đỉnh cao, với nửa triệu lính Mỹ đang tham chiến ở Việt Nam, hàng triệu người Việt Nam đã chết, số lính Mỹ chết cũng tăng nhanh, với người da đen chiếm tỷ lệ cao. Đó cũng là lúc Casius nhận thức được sứ mệnh của cuộc đời mình. Đó là tranh đấu, không phải ở trên võ đài với những tay boxing khác, mà là chống lại cả một hệ thống xã hội phân biệt chủng tộc, giàu nghèo và bất công ở Mỹ, vì những giá trị nhân văn và hòa bình thế giới. Trong lúc tỷ lệ dân Mỹ ủng hộ cuộc chiến Việt Nam còn ở mức cao, thanh niên Mỹ vẫn còn chấp nhận đi lính tham chiến ở Việt Nam như là một bổn phận với đất nước mình, Casius Clay từ chối vào quân đội. Anh đã có những tuyên bố có thể tóm lược lại như sau: Tại sao tôi phải đi đánh nhau với Việt Cộng ? Tôi đâu có thù hằn gì với họ? Ít nhất thì họ cũng chưa bao giờ gọi tôi là "tên da đen" như ở đây! Tại sao tôi lại phải đi đánh nhau với những người nghèo, người da màu để bảo vệ một nước Mỹ của những ông chủ nô da trắng, một hệ thống nơi mà con nhà giàu thì đi học, còn con nhà nghèo thì đi lính đánh nhau, người da đen thì bị đối xử như súc vật? Tôi sẽ chiến đấu, thà chết ở đây trong cuộc đấu tranh chống lại hệ thống ấy. Anh đã đánh đổi tất cả sự nghiệp đỉnh cao,vinh quang chói lọi trên vũ đài boxing, hàng núi tiền bạc, chịu bản án tù đày, chịu sự tước đoạt quyền thi đấu, chịu sự đe dọa, phỉ báng của cả nước Mỹ mà lúc đó còn đang ủng hộ cuộc chiến Việt Nam để đấu tranh đến cùng, được sống trọn vẹn với niềm tin mãnh liệt của mình. Và chỉ vài năm sau, hầu như cả nước Mỹ đã thay đổi, quay lại, theo anh để chống lại cuộc chiến Việt Nam. Anh từ bỏ cuộc chiến trên võ đài boxing để dấn thân vào một cuộc chiến vĩ đại hơn cho những giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại. Có lẽ anh là biểu tượng của những gì tốt đẹp nhất của nước Mỹ. Mà có lẽ của cả loài người.

*Muhammad Ali, 74 tuổi, huyền thoại boxing thế giới vừa mới qua đời ở Mỹ.

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Những câu chuyện cũ


Gần đây có một bài viết được lan truyền trên mạng*. Tác giả, một phụ nữ trẻ, cho rằng người Việt bây giờ rất hèn hạ. Bài viết mạnh mẽ, sâu sắc và dũng cảm. Chỉ muốn bàn thêm một chút là cái gì đã làm cho chúng ta thành hèn? Làm gì để thoát hèn?

Từ xa xưa, người Việt đã ý thức được hèn là xấu. Đầu thế kỷ 11, vua chúa Việt Nam lập ra Quốc Tử Giám ở Hà Nội - khi ấy gọi là Thăng Long - để làm nơi thờ Khổng Tử và chỗ học tập cho con cái họ và về sau mở rộng cho tất cả những người trẻ giỏi giang trong nước. Ở đó người ta học lời dạy của các thánh hiền Nho Giáo:

Phú quý bất năm dâm
Bần tiện bất năng di
Uy vũ bất năng khuất

Giàu sang không thể cám dỗ
Nghèo khó không thể lay chuyển
Quyền uy không thể khuất phục

Đó là tư cách của bậc quân tử: Không chịu sống hèn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, một trong những người "Tây học" xuất sắc nhất cũng đã phải thừa nhận rằng thế hệ ông về mặt khí phách thì vẫn không sánh được với các nhà nho xưa. Cái học ấy đã góp phần giúp cho người Việt xưa trong nhiều thế kỷ có nhân cách cao, không chịu sống hèn, chịu làm nô lệ. Nhưng rồi thế giới đổi thay. Có lẽ chưa bao giờ mà Việt Nam, một đất nước bé nhỏ, bình lặng sau lũy tre làng lại bị xáo trộn lớn như trong thế kỷ 20. Các tư tưởng mới, các cường quốc lớn từ đông sang tây đều cố tranh giành ảnh hưởng ở đây, và gây ra một trong những cuộc chiến tranh dai dẳng và đẫm máu nhất, Cuối cùng thì đất nước cũng được thống nhất dưới sự quản trị của người Việt. Hết chiến tranh, đất nước rơi vào cảnh đói khổ vì cấm vận của Mỹ, cả Liên Xô và TQ đều cắt viện trợ, cộng thêm hai cuộc chiến tranh nữa ở biên giới phía bắc và phía tây nam. Trong bối cảnh đó,Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào sức mình, mà chính là sức dân, cái sức mạnh đã giúp cho nước Việt tồn tại được tới bây giờ. Sự "giải phóng" nông dân vào giữa những năm 80 đã tạo nên đột biến to lớn. Lương thực thiếu tới mức mà nhiều người tin rằng Việt Nam sẽ không bao giờ có thể đủ ăn. Vậy mà khi "cánh cửa" chỉ mới mở hé thôi cho một chút "gió mới" lọt vào thì cả nước như bừng tỉnh. Việt Nam nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu gạo. Thế là cái "cánh cửa" ấy cứ dần mở rộng ra. Đời sống vật chất của hàng triệu người được cải thiện đáng kể. Cũng gần như đồng thời, cái xấu xa, hèn hạ xuất hiện ngày càng nhiều. Báo chí trong nước bây giờ đầy ắp hai thứ: quảng cáo bán hàng và tin tức cướp-hiếp-giết và nhiều thứ tệ hại nữa. Xã hội Việt Nam đã biến đổi tới mức kinh ngạc. Khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh. Đạo đức thì suy đồi khủng khiếp. Dường như có một bầy quỷ dữ đang tàn phá xã hội. Chúng len lỏi khắp nơi, không chừa một ai, hay một nơi nào cả. Gọi tên nó là lòng lam, ích kỷ hay là gì tùy bạn, bởi chúng có nhiều tên, nhiều bộ mặt lắm. Cần nói ngay là chúng chẳng phải từ phương tây đến hay ở địa ngục lên. Chúng vốn ở ngay đây, ngay trong mỗi chúng ta. Trước kia luôn bị giam giữ và canh chừng cẩn thận nên chúng đành nằm yên chờ thời cơ. Sự giam giữ canh chừng đó được thực hiện bởi chính quyền, xã hội, làng xóm, trường học, gia đình và từng con người bằng những giá trị đạo đức, niềm tin vào Trời Phật, nhân quả thiện ác, sự đề cao danh dự và nhân cách. Nhưng rồi những giáo lý mới, niềm tin mới từ nước ngoài xuất hiện và thay thế hệ thống cũ mà người ta vội vàng vứt bỏ vì cho là phong kiến, duy tâm, cổ hủ, lạc hậu, là nguyên nhân làm cho nước nhà suy yếu đi và bị Pháp xâm chiếm. Thế là từ khi "mở cửa", không còn bị giam hãm nữa, hàng triệu con quỷ xổng chuồng. Một mặt sự tham lam tạo nên cơn sốt làm giàu, có tác động gia tăng của cải vật chất, làm cho đời sống vật chất của người dân được cải thiện đáng kể. Mặt khác thì cũng chính sự tham lam không được kiểm soát tốt ấy đang đảo lộn và tàn phá nền đạo lý truyền thống.

Xưa có câu chuyện cổ về một chàng trai nghèo bắt được một cái chai. Trong cái chai đó có một con quỷ. Nghe lời dỗ ngon dỗ ngọt của quỷ, chàng mở nút chai. Thế là con quỷ thoát ra, biến thành một tên khổng lồ và lập tức đe dọa giết chàng trai ấy. Cũng như vậy, chúng ta cũng đã để xổng con quỷ tham lam vô độ, và nó đang đe dọa sự sống còn về tinh thần và môi trường sống của chúng ta. Câu chuyện kể tiếp rằng sau đó, chàng trai đã khôn khéo lừa cho con quỷ lại chui vào chai và đóng nút lại. Lần này, con quỷ lại van nài chàng trai mở nút và hứa là sẽ làm cho chàng trở nên giàu có hạnh phúc. Sau khi cân nhắc kỹ, chàng trai dù biết là có thể có rủi ro nhưng vẫn quyết định mở nút chai lần nữa vì tin vào khả năng xử lý các vấn đề sẽ phát sinh của mình. Và chàng trai thông minh dũng cảm đó gặp may, được toại nguyện. Còn chúng ta thì có vẻ như đang lúng túng chưa biết làm thế nào để "quản lý" được lũ quỷ. Làm sao kiềm chế được sự tham lam ích kỷ vô độ? Làm sao trở lại sự quý trọng và đề cao nhân cách và danh dự? Làm sao để xã hội ngừng việc quá đề cao tiền bạc, sự giàu sang, tiện nghi vật chất? Làm sao để xã hội ngừng chạy theo tiền bằng mọi giá, bất chấp cả nhân phẩm, dùng cả những cách hèn hạ, vô lương tâm nhất? Hiện tại thì có lẽ chưa có một cách gì hữu hiệu cả. Có lẽ chúng ta chưa có khả năng như chàng trai kia, biết cách thuần phục con quỷ và bắt nó phục vụ mình. Chúng ta hèn vì cam tâm làm nô lệ cho lũ quỷ để thu lợi cho mình dù biết là hại cho người khác.

Thực ra thì có lẽ người ta cũng biết cách "xử lý quỷ" rồi. Bao nhiêu người đã qua trường lớp ở phương tây, dự hội thảo, đi tham quan khảo sát khắp nơi, mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy rồi? Bao nhiêu sách vở, bài báo, luận văn TS đã được viết ra rồi? Cho nên người ta thừa biết rằng nhiều nước trước khi trở nên văn minh hiện đại như ngày nay đã từng phải trải qua giai đoạn bị quỷ dữ hoành hành. Gọi là tư bản hoang dã, thân hữu hay là gì thì tùy bạn. Lòng tham tiền bạc và quyền lực xưa nay vẫn vô độ. Không được kiểm soát thì nó thành tàn bạo, hoang dã. Nhưng từ chỗ "biết" đến chỗ "hành động" luôn có một khoảng cách. Dường như có một lực cản, một sức ì. Người ta e ngại, chần chừ. sợ thay đổi, xáo trộn, sợ rủi ro, sợ ảnh hưởng tới quyền lợi của nhóm mình, gia đình và bản thân mình. Biết thế là hèn nhưng không phải ai cũng đủ lương tâm để hy sinh cá nhân vì lợi ích cộng đồng, dũng cảm để thoát ra, nhất là khi người ta đang yên ấm, "ổn định" trong cái hèn ấy.

Có nhiều bạn trẻ bây giờ, như bạn gái trẻ tác giả bài "người việt nam hèn hạ" hay như cô giáo trẻ ở Hà Tĩnh với bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh?"  thật là xuất sắc, thông minh, dũng cảm, có ý thức muốn thay đổi và không hề hèn hạ chút nào. Nhờ họ, tình hình có thể sẽ được cải thiện sớm hơn. Còn nếu không, cái hèn sẽ leo mãi tới đỉnh, còn đạo lý xã hội cứ tuột dần xuống tận đáy. Kinh Dịch, một trong những kiệt tác triết học cổ xưa nhất của loài người có chỉ ra rằng sự vật cùng thì tắc biến, biến tắc thông. Khi hàng triệu người bắt đầu "ngán" kiểu xã hội thèm khát và sùng bái những xe bentley, điện thoại vertu, túi hermes hay những thứ đại loại như thế, khi họ không còn muốn để cái giả dối, cái ác, cái đểu cáng, cái hèn hạ bao vây, đè nặng và chi phối cuộc sống hàng ngày nữa thì sự dồn nén sẽ tới cùng, trở thành một sức mạnh to lớn, tạo ra biến đổi. Lúc đó, xã hội sẽ bật lên và chuyển biến theo chiều ngược lại. Đó là dịch, quy luật của vạn vật. Gọi nó là cách mạng, đổi mới  hay là gì thì tùy bạn.

* Xem bài Người việt nam hèn hạ