Lại một "Năm Mới" vụt trôi qua
Bao nhiêu hạnh phúc với khổ đau
Tất cả đi vào quên lãng hết
Một "Năm Mới" mới đến kia rồi
Lại chúc lại tụng lại pháo hoa
Lại mong "Năm Mới" tốt hơn xưa
Để rồi cuối năm quay đầu lại
Vạn sự vẫn thế chỉ trừ ta
Lại một "Năm Mới" vụt trôi qua
Bao nhiêu hạnh phúc với khổ đau
Tất cả đi vào quên lãng hết
Một "Năm Mới" mới đến kia rồi
Lại chúc lại tụng lại pháo hoa
Lại mong "Năm Mới" tốt hơn xưa
Để rồi cuối năm quay đầu lại
Vạn sự vẫn thế chỉ trừ ta
Nói là một nghệ thuật. Nghe và hiểu cũng thế. Mà thậm chí còn khó hơn. Bởi vì người ta thường thích nói chứ mấy ai thích nghe. Nhất là khi nghe những người "khó chịu", những người mà người ta cho là kém hiểu biết, là nói toàn những thứ "vớ vẩn". Chịu đựng được những người như thế và hiểu được người ta muốn nói gì còn hơn một nghệ thuật. Nó là một đạo đức, một tài năng. Bởi vì phải chăng phần lớn chúng ta khó truyền đạt được điều muốn nói và chúng ta thường rất vui khi có người nghe và hiểu được mình.
Tại sao người xưa đã nghĩ tới "Ngày Tận thế"? Có phải vì họ không còn tin là con người có thể giải quyết được vấn đề "tồn tại hay không tồn tại"?
Một "kẻ ngốc", vô tư lự, cười "hềnh hệch" về bất cứ chuyện "vớ vẩn" nào . Một người "hiểu biết" luôn quạu cọ phê phán mọi thứ và mọi người. Ai "khôn" hơn?
Bạn biết cái "trật tự" trong rừng rậm, trên đồng cỏ Châu Phi hay trong đại dương rồi đấy. Bạn có nghĩ rằng cái "trật tự" trong xã hội con người thì có khác không?
Chúa Giêsu có lẽ cũng vốn là một người từng đi trên mặt đất, sống một cuộc sống đơn giản như phần lớn chúng ta thôi. Nhưng ông nhận thấy sự khổ đau cùng cực của dân chúng thời đó do nghèo đói và bị áp bức. Ông muốn thay đổi bằng sự phản kháng bất bạo động. Thông điệp của ông là " Các anh em, hãy thương yêu nhau". Tình thương đó giúp dân chúng đoàn kết và không sợ hãi. Nhưng điều đó lại làm cho những kẻ cầm quyền sợ hãi. Họ kết án tử hình và thi hành án bằng cách đóng đinh ông lên một cái cọc gỗ, hai tay giang ra - có lẽ để đóng đinh cho dễ. Thế rồi xác ông bị bỏ mặc trên cái cột trong tư thế đó, có lẽ để đe dọa dân chúng là nếu chống lại chính quyền thì sẽ bị trừng phạt như thế. Đế quốc La Mã đã vô tình tạo ra Chúa Giêsu như thế. Ông trở thành một trong số ít những huyền thoại lớn nhất trong lịch sử loài người. Câu chuyện về ông bao nhiêu là thật, bao nhiêu là do người đời sau tưởng tượng ra cũng không quan trọng nữa. Tất cả là do con người cần một chỗ dựa tinh thần để sống trong một thế giới bất công và khổ đau vô tận. Đối với đa số chúng ta, tìm đâu ra một chỗ dựa tinh thần tốt hơn là tôn giáo? À, té ra đây cũng vẫn chỉ là một suy nghĩ chủ quan nữa về Thiên Chúa Giáo nhân ngày Chúa Giêsu ra đời mà thôi. Merry Christmas!
Trong trường học với một lũ trẻ con, những đứa yếu, bé nhỏ, hiền lành, nhà nghèo, học kém, có dị tật hay trông khác "bầy đàn" thường bị những đứa to khỏe, hung hãn, nhà giàu hay giỏi hơn coi thường hay bắt nạt. Hình ảnh này mà phóng to lên thì cái bạn thấy chính là cách con người đối xử với nhau, ở phạm vi cá nhân hay một nhóm người như dân tộc, quốc gia hay tôn giáo . Có lẽ nó là bản chất của con người ?
Người Nga có câu tục ngữ tạm dịch ý là "cứ nhẹ nhàng, lặng lẽ mà đi thì sẽ đi được xa. Hơi buồn cười là bây giờ có vẻ họ đang làm ngược lại lời khuyên đó. Nhưng ở đây không nói chuyện của Nga. Có vẻ như người Việt đang hơi bị "vĩ cuồng " với một số thành tựu bước đầu của mình. Đường còn xa lắm.
Hết năm rồi
Ngoảnh lại nhìn năm cũ
Cuộc đời vẫn thế
Hỷ, Nộ, Lạc, Ai...
Con người vẫn khổ đau
Vẫn cố hy vọng
Đợi chút ánh hồng
Le lói phương xa
Một năm lại sắp qua
Bao giờ sẽ khác?
Dậy sớm một sáng mùa đông lạnh giá. Pha một ấm trà ngon nóng bỏng tay. A, niềm vui chỉ giản dị thế thôi sao?
Hà Nội 12 độ C - khá là lạnh, ít nhất là theo "chuẩn" của người Việt. Trong cái lạnh này thì cái người ta muốn đơn giản lắm: được trở về "tổ ấm" của mình, ăn bữa cơm nóng với người thân rồi đi ngủ mà không phải quá lo lắng đến ngày mai. Cất hết những lý luận với những đồ thị loằng ngoằng đi. "Chủ nghĩa" nào mà không đem lại cho dân thường những điều sơ đẳng kia thì đều chẳng có mấy ý nghĩa.
Bạn có nghĩ rằng chỉ cần "uốn ba tấc lưỡi" là có thể "lật ngược" định kiến của người khác về những hành động không mấy tử tế của bạn trong suốt mấy chục năm qua? Tiếng Anh có câu thành ngữ "actions speak louder than words " tạm dịch ý là "nói thì dễ, làm mới khó". Tiếng Việt có câu: "cái lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo". Dù sao thì lời nói tử tế có thể là một khởi đầu tốt. Hãy chờ xem.
Mọi thứ đều vô thường. Nhưng chẳng lẽ cái tình trạng "người ăn không hết, kẻ lần không ra" là một ngoại lệ? Ít nhất là nó vẫn như thế - có lẽ trừ thời kỳ "cộng sản nguyên thủy" - từ khi có loài người cho tới hôm nay, mà có vẻ ngày càng trầm trọng hơn. À, biết đâu tương lai rồi sẽ khác? Có phải chính Phật cũng hoài nghi điều đó? Cho nên mới có lời khuyên là phải sống trong hiện tại?
Dân thì đã khá là chăm chỉ làm ăn và nuôi nhau là chính. Họ còn nuôi cả "quan" nữa . Tất cả những gì mà đất nước có được thì đều là do "Trời" và do dân cả. Cho nên quan nên "biết điều" hơn. Họ phải phục vụ dân tốt hơn , bớt "sách nhiễu" dân hơn . Họ nên hiểu họ là "do dân" chứ không phải là "thay Trời trị dân". Họ phải chấm dứt ngay tệ "ăn cắp" của dân. Cái này không chỉ là việc nhục nhã và đáng xấu hổ. Nếu cứ tiếp tục thì có thể thành một tai họa lớn với hậu quả khó lường. Những văn bản nọ kia với nước ngoài cũng có thể giúp dân, nếu khéo léo tận dụng. Cuối cùng thì ai cũng vì quyền lợi của mình cả. Chẳng ai "cho không" ai cái gì hết.
Phần lớn chúng ta có lẽ cũng chỉ là "con ếch ngồi đáy giếng" nhưng lại rất thích "làm to" câu chuyện của mình. Đấy là người xưa nói như thế. Ngày nay thì chúng ta vẫn là một lũ "ếch". Chúng ta vẫn nằm ở cái giếng có tên là Trái Đất mà không biết là nó nhỏ bé đến mức nào so với Vũ Trụ. Mà bạn biết là chúng ta "ầm ĩ" như thế nào rồi. Trong nhiều ngôn ngữ có thành ngữ "không có gì mà sao ầm ĩ thế". Bởi vì nó là như thế đấy.
"Thoát" Trung, Mỹ, hay Nga đều không dễ bởi các nước lớn đều có "lực hút" mạnh. Cho nên trong cả ngàn năm, dù có tinh thần độc lập cao, Việt Nam vẫn phải "chịu khó" làm chư hầu cho "thiên triều" Trung Hoa để được yên và chỉ phản kháng mạnh mẽ khi không còn lựa chọn nào khác. Để thoát Mỹ, Việt Nam đã phải hứng chịu một sức mạnh quân sự khổng lồ bậc nhất thế giới, chỉ còn thiếu có bom nguyên tử. Áp lực của Liên Xô, rồi Nga là gì thì chỉ có "người trong cuộc" biết rõ, nhưng có lẽ cũng không hề nhẹ. Cho nên cũng không khó hiểu khi Cuba rất kiên cường nhưng vẫn khó "thoát Mỹ". Rồi liệu Ucraina có thoát được Nga không thì ít người dám chắc. Dù có chính nghĩa, Gaza và Palestine khó mà "thoát" được Israel, một nước diện tích nhỏ, dân số ít nhưng lại có sức mạnh quân sự và kinh tế ở tầm cường quốc. Bắc Triều Tiên là một trường hợp khá đặc biệt. Bị kẹt giữa ba nước lớn - Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc, nước này đã cố để có được vũ khí hạt nhân và do đó họ có trong tay một công cụ khá mạnh để chống lại sự "bắt nạt" của láng giềng. Việt Nam thì tuy "thoát" được Mỹ rồi nhưng dần dần vẫn bị cuốn vào quỹ đạo của Mỹ vì sức mạnh của siêu cường kinh tế này và những lợi ích do việc này mang lại. Và lẽ tất nhiên là "thiên triều" Trung Hoa không thích và không dễ dàng để Việt Nam đi "chệch" khỏi quỹ đạo của họ. Đại khái đó là "tấn trò đời" thời hiện đại.
Tại sao người ta cứ "triết lý" mãi về cuộc sống? Có phải để cho đỡ sợ hãi không? Làm sao mà không sợ được khi mọi giáo lý, thánh thần, thiên đường và mọi thứ đại loại như vậy đều không có gì là chắc chắn cả. Chỉ có một thứ chắc chắn. Cái đó đợi chúng ta - tất cả, không có ngoại lệ - đằng kia, ở cuối con đường. Chúng ta biết quá rõ đó là cái gì. Và người ta sợ.
Chỉ có Thượng Đế - Đấng Sáng Tạo và Hủy Diệt - là nắm được chân lý. Bởi thế nên mới có những người muốn làm Thượng Đế hay đại loại như vậy để áp đặt lên người khác những cái mà họ cho là "chân lý" mà thường là những quyền lợi ích kỷ của họ và nhóm của họ.
Nếu tính bằng đồng tiền VN thì khó mà hình dung được số tiền khổng lồ mà một người đàn bà "siêu lừa" đã chiếm đoạt được từ một ngân hàng gần đây vì nó có quá nhiều số 0. Thế cho nên Nguyễn Du đã phải thốt lên :
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan
Mà đám đàn ông thì lại "thấp cơ thua trí đàn bà".
Rồi không biết có phải là cái người được coi là "giàu nhất VN" hiện nay kiếm được nhiều tiền như thế là do dùng toàn "nữ tướng" không?
Có những bức thư, những tấm ảnh, những quyển sách hay kỷ vật được người ta lưu giữ suốt đời. Rồi người ta sẽ ra đi. Những kỷ vật kia sẽ ra sao? Bạn sẽ không thích điều này đâu : Chúng sẽ kết thúc ở một bãi rác nào đó. Sẽ được chôn lấp hoặc tái chế. May hơn thì nằm trong quang gánh của một bà "đồng nát" hay một bà bán xôi. Nhưng đó chỉ là điểm trung chuyển tạm thời thôi. Cuối cùng thì vẫn thành cát bụi cả. Bản thân chúng ta có khác gì không? À, có phải là Kinh Thánh đã nói đại ý rằng tất cả sẽ trở về với cát bụi không?
Chỉ có một thứ người giàu không mua được. Đó là thời gian. Và đó là sự công bằng duy nhất Tạo Hóa ban cho loài người.
Điện Biên 1954
Cũng xứng đáng
Có một Ouverture 1812 lắm chứ
Có lẽ tài năng ấy chưa ra đời
Phải đợi thôi
Sẽ có
Trong tất cả các ngôn ngữ đều có thán từ "Trời ơi". Tại sao? À, tại vì, suy cho cùng thì - như Nguyễn Du đã nói trong Truyện Kiều - muôn sự tại Trời cả.