Tổng thống Mỹ có vẻ như đang khuấy đảo nước Mỹ và thế giới và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nước Mỹ và thế giới. Thực ra câu chuyện một người lãnh đạo tối cao của một nước lớn có thể gây ra những tàn phá cực kỳ nghiêm trọng cho thế giới và cho nước mình không phải là điều mới. Thế giới đã thấy Hitler gây ra cuộc chiến tranh thảm khốc nhất lịch sử loài người với cái chết của hàng trăm triệu người. Mao sau khi đã gây ra nạn đói làm chết hàng chục triệu người trong thời kỳ "Đại Nhảy Vọt" lại tiếp tục gây ra cuộc "Cách mạng văn hóa vô sản" 1966 - 1976 , đưa Trung Quốc vào một thời kỳ hỗn loạn và tàn phá bậc nhất lịch sử. Khi đó, Trung Quốc hầu như đã bị dìm xuống tận đáy và không còn con đường nào khác ngoài việc phải "ngoi lên" để sống sót. Và khi đó bắt đầu sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc. Cho nên dù cho người ta có nói rằng "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" thì lịch sử dường như chỉ ra điều khác. Chính những cá nhân như Hitler, Stalin, Mao, Đặng Tiểu Bình đã làm cho lịch sử đi theo những hướng mà chúng ta đã thấy. Phải chăng quần chúng ngày nay vẫn chỉ là những "đàn cừu" và vẫn chịu sự dẫn dắt của những "kẻ chăn cừu" thời hiện đại?
Tổng số lượt xem trang
Thứ Ba, 25 tháng 2, 2025
Thứ Tư, 19 tháng 2, 2025
Tư bản ngày nay
Mới chỉ có chưa đầy một tháng từ khi lên cầm quyền, ban lãnh đạo mới của Mỹ đang làm lộ dần ra một bộ mặt "xấu xí" của mình: ích kỷ, tham lam, trịch thượng, hung hăng , tráo trở và vô đạo đức. Thế giới đang chứng kiến một nước lớn cậy khỏe cậy giàu đang áp đặt "luật rừng" lên một số nước nhỏ yếu hơn và lại còn đang gặp nạn. Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, người ta bắt đầu nghi ngờ những gì Karl Marx và Lenin đã viết về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Ban lãnh đạo Mỹ sẽ còn gây ra những tổn hại gì nữa thì còn phải chờ xem. Nhưng ít nhất thì ở thời điểm hiện tại, họ dường như đã "giúp" chứng minh rằng Marx và Lenin vẫn còn đúng với thời đại bây giờ. Tư bản và đế quốc ngày nay có khác xưa về hình thức nhưng bản chất của chúng thì hầu như không thay đổi.
Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2025
Ai thắng? Ai thua?
Khi một"cuộc chơi địa chính trị" bắt đầu, đa số chúng ta - thường dân của những nước nhỏ - thường bị cuốn vào việc ủng hộ bên này hay bên kia. Có thể một số lãnh đạo của các nước nhỏ cũng biết mình chỉ là "con tốt" trong trò chơi đó. Nhưng "lực bất tòng tâm", họ biết làm gì? Đến khi "cờ tàn" , mọi người bắt đầu hiểu ra "câu chuyện" thì thường là đã quá muộn. Thế giới có lẽ vẫn chỉ là "ván cờ" của các siêu cường trong cuộc cạnh tranh "ai là bá chủ thế giới" ? Liệu mọi từ ngữ "to lớn và hoa mỹ" mà dân chúng thường nghe qua truyền thông và nhiều khi cảm thấy khá "tâm đắc" có khi chỉ là những "trò lừa" tinh vi? Có một điều có thể dân thường vẫn biết mà không làm gì được: Họ luôn là bên thua cuộc.
Thứ Tư, 12 tháng 2, 2025
Trời có phù hộ?
Bạn có"cầu Trời khấn Phật" không? Rồi thì đốt một mớ "tiền giả" để mong Trời giúp bạn? Bạn có biết rằng có hàng tỷ người cũng đang làm thế không? Mà có khi lại còn "chăm chỉ " hơn nữa kia. Bạn nghĩ rằng bạn là ai mà Trời phải quan tâm hơn? Bạn nghĩ bạn "đặc biệt" hơn 7 tỷ người ngoài kia chăng? Bạn có nghĩ rằng Trời chỉ đơn giản làm "việc của Trời" không?
Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2025
Đám đông
"A gentleman must be calm under all circumstances". Không nhớ nguồn gốc của câu nói tiếng Anh này. Hình như là ở trong một bài học tiếng Anh hồi xưa. Giữ được bình tĩnh là điều không dễ. Có thể bạn không phải là dạng người thường ngay lập tức"nhảy dựng " lên vì những chuyện"không đâu". Nhưng khi ở giữa một đám đông, có lẽ để giữ được mình không bị cuốn theo xu hướng "hot" nào đó là điều không dễ. Đám đông như là sóng biển. Phải là người mạnh mẽ và bản lĩnh lắm mới giữ được mình.
Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2025
Ai có quyền?
Chính phủ mới của Mỹ đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì đã gây ra những phản ứng mạnh trong nước và trên thế giới. Đúng sai thế nào thì có lẽ phải cần thêm thời gian mới rõ được. Tuy nhiên, người ta có thể thấy cách nước Mỹ - quốc gia giàu mạnh và có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới hoạt động thế nào. Họ đã bầu ra tổng thống. Ông ta có được số phiếu bầu theo quy định sau khi ông ta thuyết phục được dân Mỹ về những gì ông ta sẽ làm nhằm "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" như xưa. Dân Mỹ đã trao cho tổng thống quyền lực lớn cùng ngân sách và phương tiện để thực hiện mục đích đề ra. Nhưng giữa lời nói và việc làm luôn có sự khác biệt. Đó có lẽ là bình thường vì "nói dễ làm khó" mà. Việc gì thì cũng luôn có người ủng hộ, kẻ phản đối vì không có cách gì để làm vừa lòng tất cả được. Ví dụ có sự phản đối việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp nhưng có vẻ như đa số không phản đối nên việc đó vẫn được tiếp tục. Về đối ngoại thì có sự phản đối dữ dội chống lại ý định mua đảo Greenland hay nhất là việc Mỹ sẽ "sở hữu" dải Gaza, chuyển gần hai triệu dân ở đó đi nơi khác và xây dựng vùng đất ấy thành một "Riviera của Trung Đông". Dân Mỹ cũng có lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, những việc như thế là "không thể chấp nhận được"đối với nước ngoài chứ dân Mỹ thì vẫn "ăn ngon ngủ yên" như thường. Họ có tâm lý "siêu cường" của "Đế Quốc Mỹ " mà. Cái gì áp đặt được lên nước khác mà dân Mỹ thấy "có lợi" thì họ không phản đối, thậm chí kể cả khi những việc đó bị coi là thiếu đạo đức hay vi phạm luật pháp quốc tế. Hay như việc chấm dứt hoạt động của USAID - cơ quan viện trợ Mỹ thì dân Mỹ có vẻ cũng "cho qua" vì họ có vẻ không biết rõ cơ quan này làm gì và không chắc là cái đó có lợi cho dân Mỹ, dù cho việc chấm dứt viện trợ này có thể bị coi là "tàn nhẫn và vô nhân đạo" đối với những người đang hưởng lợi. Tương tự như thế, việc "đụng đến " FBI và CIA cũng không gây ra phản ứng mạnh nào bởi những cơ quan này thường hoạt động trong "bóng tối " và không ai biết chúng tiêu hết bao nhiêu tiền. Nhưng cái gì cũng có giới hạn. Khi người ta bắt đầu "đụng đến" kho bạc Mỹ và thông tin cá nhân của hàng triệu người Mỹ như số an sinh xã hôi, tài khoản cá nhân, v.v. thì người Mỹ lập tức "nổi điên" lên, dù cho mục đích có thể là làm cho chi tiêu công "hợp lý" hơn. Các cuộc biểu tình phản đối nổ ra và có vẻ đang lan rộng. Cơ chế "hãm phanh" những hành động vượt quá "vạch đỏ" dường như đã được bật lên và bắt đầu có tác dụng. Sơ bộ thì có thể thấy rằng dù tổng thống - và đặc biệt là vị siêu bộ trưởng "hiệu quả chính phủ" - tỷ phú giàu và giỏi nhất thế giới - có quyền lực lớn đến đâu và sẽ làm gì đi nữa thì vẫn không thể làm những gì mà đa số dân Mỹ không thích và không cho phép.
Thứ Năm, 6 tháng 2, 2025
Người ở đâu?
Đất nước xưa nghèo lắm
Lặng lẽ ngồi đó
Người gom góp từng tờ báo cũ
Gói kỹ từng cái chăn bông
Quá cũ không chống nổi những đêm đông
triền miên lạnh lẽo
Thức ăn vài đĩa bé tẹo
Căn phòng chật chội dột nát
Hè nóng như lửa đốt
Đông lạnh lập cập hàm răng
Người vẫn bình thản như không
Vô vàn mối lo
Cùng ai chia xẻ?
Quần áo sờn cũ quá
Gạo thiếu, bữa đói bữa no
Mong thời gian chóng trôi qua
Biết đâu cuộc đời sẽ khác?
Rồi thời gian trôi qua thấm thoắt
Cuộc đời đã đổi khác
Người đang ở đâu?
Ngọn nến lung linh
như nhắc nhở
Người chẳng ở đâu xa cả
Người luôn ở trong ta
Mãi mãi
Mợ mất ngày 9 tháng Giêng Âm lịch
Thứ Tư, 5 tháng 2, 2025
Vài câu hỏi nhỏ
Bạn có thấy rằng có quá nhiều điều vô lý và bất công không? Bạn có nghĩ rằng bạn có thể hiểu được chúng không? Bạn có nghĩ rằng bạn có thể giải quyết được những vấn đề đó không? Bạn có nghĩ rằng bạn không nên mất thì giờ và đau đầu vì thế không? Có còn vài điều gì làm bạn vui không? Vậy tại sao lại không hướng vào những điều đó?
Thứ Hai, 3 tháng 2, 2025
Nhàn cư
Có phải hồi nãy bạn nằm và lo lắng về một "vấn đề" gì đó không? Rồi bạn dậy, pha trà uống và xem tin tức mới nhất. Thế rồi bạn "quên mất " những vấn đề làm bạn lo lắng lúc nãy. Chúng đi đâu rồi? Mà chúng có thực sự là "vấn đề " mà bạn phải chú ý để giải quyết không? Hay đó chỉ là cái "trò chơi " - hay trò bịa đặt, nói dối, hay gọi là gì tùy bạn - do bộ não "quá thông minh" - hay gọi là ngu ngốc, hay bất trị, hay lừa đảo cũng không sai - của bạn tạo ra. Mà lại cứ liên tục như thế mới khổ thân chúng ta chứ. Có phải vì thế mà những nhà sư cứ liên tục "đọc kinh gõ mõ" không? Có phải họ làm thế để cho cái đầu của họ bận rộn, có việc mà làm, để khỏi nghĩ lung tung? Có phải người xưa đã nói: Nhàn cư vi bất thiện?
Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2025
Công dã tràng
Cổ Hy Lạp có chuyện một ông vua phạm tội nặng nên bị các thần trừng phạt. Ông ta phải đẩy một tảng đá lên đỉnh núi. Khi tảng đá gần lên đến đỉnh thì ông bị trượt tay và tảng đá lăn xuống chân núi. Thế là ông ta phải làm lại từ đầu và cứ thế lặp đi lặp lại mãi, cực kỳ khổ sở mà vẫn thất bại. Bạn thử nhìn quanh và nghĩ xem, có bao nhiêu người mà cuộc đời cũng "lên voi xuống chó" giống như ông vua kia? Ấy là nói về những người tạm gọi là"thành đạt " theo nghĩa là leo lên được chức vụ cao, danh tiếng lớn và có nhiều của cải tiền bạc. Nghĩ thêm một chút thì té ra, đó là câu chuyện về tất cả chúng ta. Cả đời bạn ra sức học hành thi cử. Khi làm việc thì mệt mỏi tranh đấu căng thẳng để lên lương lên chức. Thế rồi chưa "thành công" được bao nhiêu thì bắt đầu già yếu, bệnh tật. Cuối cùng thì điều không tránh khỏi sẽ xảy ra: Cái Chết. A, có phải là người Việt cũng đã nói về điều này từ lâu rồi không qua câu ca dao:
Dã tràng xe cát biển Đông
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì .
Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2025
Nhiều hay ít?
Ai ai cũng cố sống tối đa
Danh vọng, bạc tiền đã mệt chưa?
Hay là trở về với tối thiểu?
Nhẹ nhàng thanh thản với Tự Do