Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Số phận đế quốc

 Lịch sử loài người đã chứng kiến nhiều đế quốc - siêu cường như La Mã, Mông Cổ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ , Anh, Pháp, Đức Quốc xã, Nhật Bản. Dù tồn tại ở những thời điểm và vị trí khác nhau, chúng có vài điểm tương đồng : hình thành, phát triển, trở nên hùng mạnh, bành trướng sức mạnh, suy yếu và lụi tàn. Nếu bỏ qua những định kiến và xúc cảm mà chủ yếu là do tác động của truyền thông nơi ta sống khi còn trẻ, có thể nói rằng Liên Xô cũng tương tự như vậy. Điểm khác là do "tuổi thọ" của LX khá ngắn, lại xảy ra ở thời hiện đại nên ta được chứng kiến cả cuộc đời của nó. Liên Xô - tên đầy đủ là Liên Bang các nước Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết - được thành lập ngày 30.12.1922 và nếu tồn tại đến hôm nay thì nó tròn 100 tuổi. Thế nhưng siêu cường này đã "chết yểu" năm 1991, "thọ" có 69 tuổi. Hàng triệu người, từ Đông sang Tây và ở khắp nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam đều còn nhớ như in sự ngưỡng mộ, niềm tin nhiệt thành, sự ủng hộ hết mình dành cho LX. Sau khi LX đập tan cuộc xâm lược của Đức Quốc xã, cắm cờ trên nóc nhà Quốc Hội Đức, giải phóng hàng loạt các nước bị Đức xâm chiếm, họ trở về xây dựng đất nước rộng lớn của mình thành một siêu cường cộng sản, hùng mạnh cả về quân sự, kinh tế và sức hấp dẫn tinh thần. Khi vệ tinh Sputnik bay lên năm 1957, rồi Gagarin bay vòng quanh Trái Đất năm 1961 trên tàu vũ trụ Vostok, nụ cười rạng rỡ trong sáng của anh trở thành biểu tượng của LX, của những gì tốt đẹp, tiến bộ, trong sáng, tử tế, đối lập hẳn với những gì mà loài người chứng kiến ở những nước tư bản cũ: những nhà tư bản giàu sụ sống xa hoa trên sự bần cùng của giai cấp vô sản, các cường quốc như Anh, Pháp vẫn tiếp tục bóc lột các nước thuộc địa, tư bản Mỹ thì hoành hành ở sân sau Mỹ Latin. Vì thế người ta hướng về một LX đang biến những ước mơ hy vọng của loài người thành hiện thực. Nhưng những ước mơ và niềm phấn khởi ban đầu dần dần phai nhạt đi bởi những khó khăn vốn tiềm ẩn cứ lớn dần lên: cuộc chạy vũ trang tốn kém ngốn hết ngân sách để nâng cao đời sống của nhân dân, chính sách kinh tế  chỉ huy tập trung, tập thể hóa cưỡng bức , xóa bỏ sở hữu tư nhân, "cào bằng" thu nhập... tất cả làm suy yếu cố gắng và sáng tạo cá nhân, sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu dầu khí và nguyên liệu thô, một chính sách dân tộc thiên về áp đặt chuẩn mực Nga, một chính sách tôn giáo nhằm xóa bỏ mọi tôn giáo cổ xưa để thay vào đó một "tôn giáo" mới là chủ nghĩa cộng sản, sự đàn áp tàn bạo với những người bất đồng quan điểm và những người có nguồn gốc từ "giai cấp bóc lột" và nhiều vấn đề khác. Thế là LX mất dần sức sống và trở nên trì trệ. Trước nguy cơ đó, để "làm cho LX vĩ đại trở lại" - nói theo kiểu của Trump bây giờ - lãnh tụ LX lúc đó là Gorbachev khởi xướng một chính sách đổi mới toàn diện - tiếng Nga gọi là perestroika - mà trước hết là hệ thống chính trị, cho phép tự do ngôn luận. Có thể ông đã không lường hết được tác động của chính sách đó. Ông đã mở cánh cửa một con đập khổng lồ chứa cả một đại dương những vấn đề trầm trọng của LX tích tụ trong một thời gian dài. Cơn cuồng lũ đó đã phá tan và nhấn chìm siêu cường LX. Sau khi LX tan rã vào năm 1991, đất nước bước vào một thời kỳ hỗn loạn suốt cả chục năm. Khi Putin lên làm tổng thống Nga vào năm 2000, với "bàn tay sắt" của mình, ông lập lại trật tự ở nước Nga. Nhờ chính sách mở cửa cho đầu tư nước ngoài, nguồn thu dồi dào từ xuất khẩu dầu khí, tự do kinh doanh và ngôn luận ở mức độ kiểm soát được, kinh tế Nga phục hồi và có tăng trưởng. Đời sống của nhân dân, nhất là ở các thành phố lớn được cải thiện. Đã có lúc người ta tưởng Nga sẽ đi theo con đường dân chủ tự do như các nước Phương Tây. Nhưng dần dần, người ta nhận ra ông ta có một kế hoạch khác. Putin đã từng nói rằng sự sụp đổ của LX là sự kiện địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20. Ông ta không đùa. Khôi phục LX là bất khả thi nhưng khôi phục đế quốc Nga là có thể bởi ba nước chủ chốt của LX là Nga, Ukraina và Belarus đã lập ra một liên minh mới sau khi LX tan rã. Nhưng vào năm 2004 ở Ucraina xảy ra một cuộc "cách mạng màu" theo hướng đưa đất nước "thoát Nga" để hòa nhập vào Phương Tây, EU và NATO. Điều này sẽ làm hỏng "đại kế hoạch" của Putin và do đó ông ta tìm mọi cách để ngăn chặn. Nhưng dân Ucraina đã quá sợ và chán cuộc sống trong "thế giới Nga" của Stalin rồi nay lại đến một Stalin 2.0 - Putin nên lần này họ quyết đi theo con đường đã chọn. Năm 2014 dân Ucraina lật đổ vị tổng thống thân Nga. Nhận thấy không thể thuyết phục hay mua chuộc để Ucraina theo mình được nữa, Nga bắt đầu âm thầm chuẩn bị cho một "giải pháp cuối cùng". Sáng sớm ngày 24.2. 2022, quân đội Nga ào ạt tràn qua biên giới với Ucraina. Cuộc chiến tranh ác liệt nhất ở Châu Âu kể từ sau thế chiến thứ hai bắt đầu. Và nước Nga thời Putin hiện nguyên hình là một đế quốc tàn bạo, như Đức Quốc xã vậy. Nga đi theo con đường xâm lược của Đức Quốc xã và đang chuốc lấy những thất bại nặng nề. Dù vẫn còn có thể gây thêm nhiều đổ nát, chết chóc, đau thương cho nhân dân Ucraina, Putin cũng đồng thời cũng hủy diệt hết những di sản quý báu mà bao nhiêu thế hệ người Nga đã gây dựng nên. Nước Nga từ chỗ được yêu mến kính trọng ở khắp nơi trên thế giới thì dưới sự lãnh đạo "tài ba" của "Putin đại để" đã trở thành một quốc gia bị căm ghét, tẩy chay gần như ở khắp nơi trên thế giới. Quả là một "thành tích phi thường". Nếu như tuổi thọ của LX còn được gần bảy chục năm thì đế quốc của Putin đang "xuống dốc không phanh". Ngày tận thế của Putin và đế quốc của ông ta đang đến gần. 

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Một chút lịch sử

Những ngày này 50 năm trước , năm 1972, Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng khác ở Miền Bắc Việt Nam phải hứng chịu trong suốt 12 ngày đêm những đợt ném bom hủy diệt của hàng trăm "pháo đài bay" B52 của lực lượng không quân chiến lược Mỹ. Mục đích của chiến dịch này - Mỹ gọi là Linebacker 2 hay là "đợt ném bom Giáng Sinh" - là để buộc Bắc Việt chấp nhận ký Hiệp định Paris theo điều kiện "bổ sung" của Mỹ mà có lẽ là những yêu cầu sửa đổi của Sài Gòn sau khi Mỹ và Bắc Việt Nam đã đồng ý với bản dự thảo cuối tháng 10. Trước khi bắt đầu chiến dịch ném bom, lãnh đạo Mỹ có nói đại ý rằng đó sẽ là những chuyến "dạo chơi ban đêm" trên bầu trời Bắc Việt có lẽ để trấn an tinh thần không quân Mỹ hoặc có thể vì họ đánh giá thấp khả năng chống trả của đối phương. Mỹ không ngờ rằng lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới của Mỹ lại gặp đúng một đối thủ xứng tầm - lực lượng phòng không của Bắc Việt Nam. "Chính sử" của Mỹ thì nói rằng Bắc Việt đã không chịu nổi sức mạnh hủy diệt của B52 và buộc phải quay lại bàn đàm phán để chấp nhận điều kiện của Mỹ. Một số nhà nghiên cứu Mỹ về lịch sử chiến tranh Việt Nam có so sánh kỹ lưỡng bản dự thảo hiệp định được hai bên thống nhất cuối tháng 10. 1972 và văn bản được ký kết đầu năm 1973 đã kết luận là nội dung của hai tài liệu hoàn toàn giống nhau và do đó toàn bộ chiến dịch ném bom là vô ích , là một thất bại chiến lược của Mỹ. Kissinger, ngoại trưởng lừng danh của Mỹ khi đó có nói một câu khá hài hước đại ý là "ta đã ném bom để buộc họ chấp nhận những nhượng bộ của ta". Sau khi ký Hiệp định Paris , Mỹ đã nhanh chóng rút hết quân khỏi Việt Nam. 2 năm sau đó, vào ngày 30.4.1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, đại sứ Mỹ đã buộc phải "di tản" khỏi Sài Gòn trên máy bay lên thẳng cất cánh từ nóc nhà sứ quán. Sau 20 năm bị chia cắt ở vĩ tuyến 17 và chịu đựng một cuộc chiến tranh ác liệt có sự tham chiến của nửa triệu binh sĩ Mỹ, Việt Nam lại tái thống nhất.