Trong thế chiến 2, Đức quốc xã đã làm những điều khủng khiếp như các cuộc thảm sát hàng loạt tù binh và thường dân, và đặc biệt là những phòng hơi ngạt và lò thiêu người tại các trại tập trung. Người ta vẫn khó hiểu nổi tại sao những người Đức ấy, trước chiến tranh cũng là những người công nhân hay nông dân bình thường như chúng ta thôi, lại có thể tàn ác đến như vậy? Chính những nông dân Nhật, vốn cần cù và hiền lành, đã biến thành ác quỷ khi hãm hiếp và giết chết hàng trăm ngàn phụ nữ ở Nam Kinh. Còn những thanh niên Mỹ, vốn là những chàng trai sáng láng và “hiền khô” lại biến thành những kẻ giết người máu lạnh, thảm sát một lúc 500 dân làng Mỹ Lai gồm cả phụ nữ và trẻ em. Rồi những người nông dân Khơ Me hiền lành như bao nông dân khác ở đồng bằng Mê Kông, đã biến thành một đội quân tàn bạo, giết chết cả triệu đồng bào mình, nhiều khi bằng chính cái cuốc họ dùng làm ruộng. Còn vô vàn những việc tương tự không thể nào kể hết. Có lẽ cái mầm ác, giống như một loại vi khuẩn, vẫn luôn có ở trong mỗi người chúng ta. Ở điều kiện bình thường, như trong hòa bình thì nó bị kiềm chế. Nhưng nó có thể bùng phát khi có điều kiện, như trong những hoàn cảnh chiến tranh như nói trên. Những người lính ấy vừa là kẻ có tội mà lại vừa là nạn nhân, bởi họ vốn không muốn làm những điều ác ấy. Kẻ có tội là những chính trị gia như Hitle, Pol Pot với những tham vọng chính trị và quyền lực đã đẩy loài người tới chỗ buộc phải chém giết nhau. Chúng là những ác quỷ trong bộ mặt người. Ngày xưa ở Ấn độ có một vị vua vô cùng tàn ác. Nhưng một ngày, Phật đánh thức được cái thiện trong ông ta. Sau đó, vị vua này đã trở thành một vị vua hiền nhất thời bấy giờ. Thiện và Ác luôn ở trong ta. Ý thức được điều đó, ta có thể làm cho Thiện phát triển hơn và Ác không có cơ hội bùng phát.
Tổng số lượt xem trang
Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011
Thiện và Ác
Trong thế chiến 2, Đức quốc xã đã làm những điều khủng khiếp như các cuộc thảm sát hàng loạt tù binh và thường dân, và đặc biệt là những phòng hơi ngạt và lò thiêu người tại các trại tập trung. Người ta vẫn khó hiểu nổi tại sao những người Đức ấy, trước chiến tranh cũng là những người công nhân hay nông dân bình thường như chúng ta thôi, lại có thể tàn ác đến như vậy? Chính những nông dân Nhật, vốn cần cù và hiền lành, đã biến thành ác quỷ khi hãm hiếp và giết chết hàng trăm ngàn phụ nữ ở Nam Kinh. Còn những thanh niên Mỹ, vốn là những chàng trai sáng láng và “hiền khô” lại biến thành những kẻ giết người máu lạnh, thảm sát một lúc 500 dân làng Mỹ Lai gồm cả phụ nữ và trẻ em. Rồi những người nông dân Khơ Me hiền lành như bao nông dân khác ở đồng bằng Mê Kông, đã biến thành một đội quân tàn bạo, giết chết cả triệu đồng bào mình, nhiều khi bằng chính cái cuốc họ dùng làm ruộng. Còn vô vàn những việc tương tự không thể nào kể hết. Có lẽ cái mầm ác, giống như một loại vi khuẩn, vẫn luôn có ở trong mỗi người chúng ta. Ở điều kiện bình thường, như trong hòa bình thì nó bị kiềm chế. Nhưng nó có thể bùng phát khi có điều kiện, như trong những hoàn cảnh chiến tranh như nói trên. Những người lính ấy vừa là kẻ có tội mà lại vừa là nạn nhân, bởi họ vốn không muốn làm những điều ác ấy. Kẻ có tội là những chính trị gia như Hitle, Pol Pot với những tham vọng chính trị và quyền lực đã đẩy loài người tới chỗ buộc phải chém giết nhau. Chúng là những ác quỷ trong bộ mặt người. Ngày xưa ở Ấn độ có một vị vua vô cùng tàn ác. Nhưng một ngày, Phật đánh thức được cái thiện trong ông ta. Sau đó, vị vua này đã trở thành một vị vua hiền nhất thời bấy giờ. Thiện và Ác luôn ở trong ta. Ý thức được điều đó, ta có thể làm cho Thiện phát triển hơn và Ác không có cơ hội bùng phát.
Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011
Nhặt rác
Có một cụ già ngày nào cũng lặng lẽ đi nhặt rác trên bãi biển một thành phố lớn ở miền trung Việt Nam. Nghe nói ngày xưa ông vốn là thị trưởng của thành phố này. Như vậy có thể tin rằng ông không phải nhặt rác để kiếm sống như đa số những người nhặt rác khác mà đơn giản là muốn góp phần giữ cho bãi biển được sạch mà thôi. Nghe chuyện này, chắc phần lớn chúng ta sẽ phản ứng thế này: “Ông này dở hơi à? Đúng là “dã tràng xe cát”, hoặc đại loại như thế. Chúng ta đều rất “khôn” nên chả ai dại mà lại đi dọn rác cho sạch chỉ để rồi ngay sau đó thì người ta lại thản nhiên vứt rác tiếp. Song nghĩ cho kỹ thì tổng của tất cả những cái “khôn” như thế của chúng ta trở thành một cái “dại” to lớn. Ai cũng vứt rác mà không chịu dọn rác của mình thì cả nước sẽ thành một bãi rác. Ai cũng tặc lưỡi ăn cắp vặt một tý thì cả dân tộc sẽ thành một lũ ăn cắp. Ai cũng thiếu trách nhiệm trong công việc hàng ngày của mình, bác sỹ không làm tốt việc khám chữa bệnh, thày giáo không dạy tốt, v.v. vì ai cũng nghĩ rằng tội gì mình phải làm tốt khi người ta chẳng ai làm thì cả nước sẽ chẳng có gì tốt cả. Không ai tự nguyện góp một chút tình thương của mình vào cuộc đời thì cuộc đời sẽ chỉ còn điều ác. Việc lớn phải bắt đầu từ những việc nhỏ và tự giác của mỗi người, như là việc nhặt rác của ông cụ kia.
Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011
Bữa Đại Tiệc
Với người lạc quan, cuộc đời là một bữa đại tiệc. Trang trí cho bữa tiệc là cây cối và cỏ hoa, biển cả và núi sông cùng muôn vàn chim cá muông thú, băng tuyết và sa mạc, tất cả rực rỡ dưới ánh mặt trời và huyền ảo dưới trăng sao. Âm nhạc của bữa tiệc là bản giao hưởng của trời đất có tiếng tí tách của mưa, tiếng cười trong trẻo thiên thần của trẻ thơ, tiếng gầm thét của sấm sét và hổ báo, tiếng thánh thót của họa mi, tiếng rì rào của gió, tiếng biển khơi lúc rì rầm lúc ào ào và muôn vàn âm thanh khác. Thực đơn tiệc do nhà hàng “Thiên Đình” cung cấp gồm có 3 món: Khai vị, món chính và tráng miệng, được phục vụ theo thứ tự từng món một. Bữa tiệc kéo dài cả cuộc đời ta. Tuổi thơ là lúc ta dùng món khai vị. Khi ta là một đứa bé, ta chưa biết gì, không có kinh nghiệm và thành kiến, luôn muốn tự khám phá mọi thứ nên cái gì cũng thấy lạ, thấy hay, thấy đẹp cả và rất ít khi ta chê bai. Đó là món “khai vị” của cuộc đời. Khi ta lớn lên là lúc tiệc phục vụ món chính. Món này là một thứ “lẩu” thập cẩm gồm nhiều thứ. Có thứ rất thơm ngon làm ta mê mẩn, có thứ đắng ngắt, có thứ thì chua cay chảy nước mắt, có thứ nhạt thếch vô vị, mà có thứ xương xẩu dai ngoắc không thể nuốt nổi. Nhưng quy tắc của bữa tiệc là thích hay không, ta cũng phải ăn hết mọi thứ. Đời chúng ta ở tuổi trưởng thành có khác gì món lẩu ấy. Ta mê say với vị ngọt tình yêu để rồi lại cay đắng với thất tình và bội bạc. Ta “lên voi” hỉ hả ngây ngất với thắng lợi về quyền lực, tiền bạc và danh vọng để rồi lại bị “xuống chó” với đau đớn khổ sở nhục nhã khi mất chúng. Cứ như thế, cuộc đời nhanh chóng trôi qua và đến lúc ta dùng món “đét-xe”. Sau những thăng trầm ở tuổi trưởng thành, sau khi đã no sơn hào hải vị, đã “ăn” đủ các loại đòn, ở tuổi già chúng ta thường khôn ngoan hơn, không quá hăm hở với món ngon mà cũng bình thản khi gặp thứ khó nuốt. Nhưng ở tuổi này ta lại gặp những món vô cùng cay đắng và khó nuốt. Đó là những thứ thuộc về tuổi già như đau yếu, xấu xí và cô đơn và nỗi buồn mênh mông là “bữa tiệc” sắp đến hồi kết thúc mà chẳng biết chia xẻ với ai. Nếu không muốn ăn tráng miệng và muốn giữ lại những vị ngọt của tuổi thơ và thanh niên, ta có thể rời bữa tiệc khi nó chưa kết thúc. Có người như Marilyn Monro đã chọn cách đó. Họ trẻ mãi không già. Nhưng phần lớn chúng ta tham ăn và chẳng ai bỏ tiệc cả. Bữa tiệc cuộc đời là thế.
Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011
Mất bò
Người Việt xưa có câu “Mất bò mới lo làm chuồng”. Trâu bò là tài sản lớn của người nông dân, mất trâu bò là mất cơ nghiệp. Ấy thế mà có người vẫn lơ là, đến nỗi bị mất trộm mới lo đi làm chuồng. Nước Nhật bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử, làm chết hàng vạn người và hậu quả phóng xạ hàng chục năm sau vẫn còn. Bởi vậy có lẽ không ai thấm thía sự nguy hiểm của hạt nhân như người Nhật. Năm tháng trôi qua, những người Nhật thế hệ sau dường như quên mất bài học đó, lại cộng thêm sự tin tưởng vào khoa học kỹ thuật mới nên họ xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu về điện. Mọi việc dường như êm đẹp cho đến tháng 3/2011 khi mà động đất và sóng thần gây ra một thảm họa hạt nhân khủng khiếp ở nhà máy điện Fukushima. Chỉ khi đó họ mới hiểu rằng bài học về sự nguy hiểm của hạt nhân nguyên tử vẫn còn nguyên giá trị. Người Nhật dường như bắt đầu chuyển hướng sang điện mặt trời,v.v. để thay thế dần điện hạt nhân. Người Đức có vẻ kiên quyết hơn khi quyết định dứt khoát sẽ loại bỏ hết điện hạt nhân để trừ hậu họa. Còn Việt Nam thì hình như vẫn muốn đi theo con đường của Liên Xô và Nhật. Có vẻ chúng ta đang hồ hởi với con đường “hiện đại hóa” với lòng tin vào sự an toàn của công nghệ mới (có lẽ qua thuyết minh của chuyên gia Nga và Nhật? Họ đang muốn bán thứ đó mà!). Có lẽ chỉ đến khi “mất bò” - khi nhận được bài học cho riêng mình như một Checnobin hay Fukushima Việt Nam thì may ra ta mới tỉnh ngộ.
Phần thưởng nào hơn?
Không biết còn có phần thưởng nào hơn là được sống trên Trái Đất này nữa không? Ấy thế mà từ xưa đến nay, có biết bao nhiêu người lại không nhận ra điều đó, quay lưng lại với cuộc sống và cứ cố đi tìm những “phần thưởng” được mô tả một cách mơ hồ từ tưởng tượng của con người thời xa xưa.
Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011
Tại sao cứ phải “chứng minh”?
Không ai phải thuyết phục và chứng minh sự sáng chói và nóng bỏng của mặt trời vì không có gì có thể che nổi ánh sáng và sức nóng của mặt trời. Có lẽ cũng còn một số điều hiển nhiên khác tương tự. Vậy tại sao Phật giáo, Thiên chúa giáo, v.v. và các nhà hiền triết và đạo đức ở mọi thời đại từ xưa đến nay cứ phải thuyết giáo mãi cho loài người chúng ta là không nên tham tiền bạc vì nó không những chẳng mang lại hạnh phúc mà lại có thể gây ra khổ đau và tai họa, v.v. và v.v. Có lẽ bởi vì những “chân lý” ấy không có sức mạnh hiển nhiên như mặt trời. Vì thế, chúng thường dễ dàng bị che lấp bởi nhiều bức màn “vô minh” thật khó cưỡng lại như tiền bạc, danh vọng, quyền lực, khoái lạc bởi sức hấp dẫn cực kỳ mạnh mẽ và sự hiển nhiên không cần phải chứng minh của chúng.
Tranh luận là vô ích?
Có lẽ không có gì phức tạp bằng suy nghĩ của con người. Hầu như không bao giờ tất cả mọi người hoàn toàn đồng ý với nhau về bất cứ vấn đề gì. Tranh luận thường không giải quyết được vấn đề vì ai cũng tin là mình đúng. Nhưng không có gì tuyệt đối đúng hay sai cả. Ngay cả những thứ từng được coi là chân lý “bất di bất dịch”, là “kim chỉ nam”, là “sách gối đầu”, là đề tài của bao nhiêu diễn văn “hùng hồn đanh thép”, bao nhiêu luận án khoa học “xuất chúng”, v.v. một thời nay đã đi dần vào quên lãng. Với thời gian, mọi thứ đều thay đổi.
Tự giác là khó
Con người sớm nghĩ ra pháp luật, quy tắc đạo đức, nội quy, v.v. vì hiểu rằng người ta tuy nhiều khi biết phải hành xử như thế nào mới đúng nhưng có vô vàn lý do khiến người ta không làm.
Ở một mình khó vì không biết làm gì hoặc làm bậy.
Ở một mình khó vì không biết làm gì hoặc làm bậy.
Thành công hay thất bại?
Ngày này hiệu sách nào cũng đầy các loại “cẩm nang” để thành công trong đủ mọi lĩnh vực mà có thể tóm lại là TIỀN BẠC – QUYỀN LỰC- DANH VỌNG trong một khoảng thời gian ngắn. Xã hội ngày này ít quan tâm đến việc làm thế nào để con người “thành công” trong việc đối xử với nhau và với thiên nhiên cho tử tế hơn. Đó là thất bại.
Thế nào là giác ngộ?
Chúng ta thường cố tích cóp đủ loại kiến thức để có thể có ý kiến – thường là chê bai – về mọi vấn đề hoặc mọi người để tỏ ra mình là người uyên bác hơn người. Nhưng có thể đến một lúc nào đó, ta nhận ra rằng mình cũng chả hơn gì người khác, cũng có khá nhiều khuyết điểm và thói xấu. Dần dần ta thấy thông cảm với mọi người và bắt đầu tha thứ cho họ. Rồi ta sẽ tha thứ cả cho bản thân mình. May ra thì cuối cùng, trong ta sẽ không còn gì ngoài tình yêu với mọi người và bản thân mình. Đó là giác ngộ.
Làm sao để biết mình?
Có lẽ một việc “bổ ích và lý thú” nhất là chăm chú quan sát mọi suy nghĩ, lời nói, cử chỉ, hành động của mình và nghĩ xem tại sao ta lại như thế. Một ngày như vậy ta sẽ “học” được khá nhiều điều về mình.
Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011
Linh hồn sống
Vào tháng 7 âm lich, người Việt ở một số vùng, có lẽ cũng như người Hoa có lễ cúng cô hồn để an ủi nhưng người chết mà cô đơn khổ đau không nơi nương tựa. Người ta cúng bằng những mâm có hoa quả, xôi và có thể cả thịt. Năm nay – và có lẽ mọi năm trước cũng vậy – không biết các linh hồn lang thang có đến “ăn cỗ” không, nhưng nhiều “linh hồn sống" ở một vài vùng quê Nam Bộ, cả trẻ con và người lớn đã xô vào tranh nhau lấy thức ăn. Có lẽ những “linh hồn chết” là bất tử và cũng chả cần xôi thịt nữa. Các vị hãy nhường nhịn và tha thứ cho những người nghèo khổ nhé! Họ còn rất đông ở Việt Nam, ở châu Phi, và ở khắp nơi trên Trái Đất này, thậm chí ở cả những nước được coi là giàu có và văn minh nhất. Họ bị nhiều người khác, trong đó có nhiều người giàu có no đủ giật mất miếng ăn nên mới phải cần đến các vị rủ lòng thương đấy!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)