Tổng số lượt xem trang
Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012
Chiếc phong cầm cô đơn
Đêm qua gió lạnh thổi nhiều. Ở trên cao gió cứ rít lên hết cơn này đến cơn khác. Cứ nằm mà nghe gió thổi như thế người ta dễ bị cơn gió cuốn đi xa, xa lắm. Bỗng nhiên nghe thấy hình như có tiếng đàn phong cầm. Tiếng đàn nghe xa xăm và buồn lắm. Phải rồi, đó là một người đàn ông cô đơn lầm lũi ở đầu làng. Đêm lạnh thế này mà sao anh ta không về nhà? Ừ, nhưng mà phải có một chỗ nào đó ấm áp có ai đó chờ đợi thì người ta mới về chứ? Mà biết đâu, cái chỗ đầu làng ấy, bên cây phong lại chính là cái nơi ấm áp nhất của con người tội nghiệp ấy? Bởi đấy có thể là nơi anh ta đã từng có những giờ phút ấm lòng nhất trong một mùa đông tuyết lạnh xa xăm năm ấy.Vẫn biết là cuộc sống chỉ có ở đây ngay giây phút này. Nhưng cái tâm ta nó vẫn thích trốn về quá khứ hơn. Mà lạ là cái quá khứ càng mờ mịt xa xăm thì lại như càng cuốn hút hơn. Một bức ảnh mới chụp bằng loại máy hiện đại với độ nét cao chưa chắc đã đẹp bằng những bức ảnh đen trắng cũ kỹ, mờ nhạt, ố vàng. Một chút âm thanh xa xưa dễ làm nao lòng người ta hơn là những bài hát mới. Quá khứ như là một thứ “lỗ đen” trong vũ trụ vậy. Đã đành là nó hút hết tất cả năm tháng của người ta. Nhưng nó còn hút luôn cả hiện tại của người ta nữa, nhất là trong những đêm đông lạnh lẽo mà nằm nghe gió hú trên cao thế này. Tuổi trẻ của người ta cứ như một bãi cỏ non xanh tươi mơn mởn rực rỡ trong nắng ấm vậy.Thế rồi bãi cỏ tươi mới đầy hoa ấy bị trâu bò và người dẫm đạp lên và chẳng bao giờ có thể trở lại như cũ được. Người ta cứ nhớ cái bãi cỏ ấy, cái tiếng đàn cô đơn ấy, cái cây cô độc đầu làng ấy…
Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012
Vụt qua và biến mất
Có khi nào bạn đi trên một chuyến tàu đêm ở một nơi xa lạ chưa? Khi người ta ở tuổi 17, chưa đi đâu xa bao giờ mà lại được đi chuyến tầu xuyên Xibêri dài cả tuần lễ qua bao nhiêu thành phố và làng mạc xa lạ thì người ta háo hức lắm. Phía trước là nơi nào? Sẽ có gì mới lạ? Những cái “phía trước” ấy cứ vùn vụt trôi qua trước mắt nhanh tới mức ta chỉ có thể thấy mọi thứ loáng thoáng và mờ nhạt. Rồi tất cả nhanh chóng lùi vào phía sau, vào cái bóng đêm sâu thẳm của bạt ngàn rừng tai-ga ở Xibêri. Rồi người ta nhận ra rằng cuộc đời cũng là một chuyến tàu tốc hành đêm như thế. Người ta chẳng biết “tương lai” là gì cho đến khi nó vụt qua trước mắt để trở thành “hiện tại”. Cái “hiện tại” ngắn ngủi và mờ nhạt ấy lại nhanh chóng đi qua mà ít khi ta kịp nhận ra rõ ràng và đậm nét. Tất cả trôi hết vào cái vực thẳm tối đen và mênh mông của “quá khứ”. Năm tháng của người ta cũng như những làng mạc và thành phố ở cái xứ Xibêri xa xôi và lạnh lẽo ấy, trôi qua trước mắt ta và “biến mất”.
Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012
Văn minh "thành công"
Người ta có thói quen là cứ đến cuối năm thì “tổng kết” xem trong năm qua đã và chưa làm được gì. Đó là cái “bệnh thành tích” muôn thuở. Có “đạt” được cái gì thì người ta cũng chẳng vui được bao nhiêu, mà lại hay buồn bã về những cái “chưa đạt” được. Sao người ta không thử thay đổi xem sao? Năm qua đã vứt bỏ được thành kiến nào trong đầu mình không? Có tha thứ cho một kẻ nào đó mà ta vốn không ưa không? Có ngừng oán trách một ai đó hay cái gì đó và thay bằng sự hiểu và cảm thông không? Có bớt kêu ca phàn nàn và lo lắng về các “vấn đề to lớn” của mình không? Có bớt tham lam không? Có làm cho ai đó vui hơn, dù chỉ là một chút không? Có lúc nào đầu óc thảnh thơi không “bận rộn” với bất cứ “công việc” gì mà chỉ chăm chú nghe dế kêu rả rích trong một buổi tối yên lặng ở đâu đó ven một khu rừng không? Có lúc nào nằm ngửa trên một bãi cỏ xanh, vô tư lự mà ngắm một đám mây trắng bay không? Cả cuộc đời ai cũng lo tiến lên,vượt lên, cao hơn, to hơn, nhiều hơn… mà hình như cái “đạt” được chỉ là thêm lo sợ, bực bội và buồn bã. Chúng ta vừa là tác giả, sản phẩm và nạn nhân của một nền văn minh lấy tiền bạc, chức tước, tiện nghi vật chất và tiêu dùng làm thước đo chính cho sự “thành công” của một người. Nền “văn minh” ấy đang dần dần sụp đổ bởi chính sự thoái hóa của con người! Khi một con tàu sắp chìm, dù đó là một con tàu loại “siêu sang”, người ta nên nghĩ đến việc tự cứu mình và những người khác thay vì cố hưởng thụ thêm những tiện nghi của nó.
Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012
Sự thật về con người
Một tâm hồn bệnh tật trong một thể xác mong manh. Có lẽ nào đó là sự thật về con người trên Trái Đất?
Chẳng bao giờ biến mất
Bạn và tôi từ Đất mà ra
Rồi ta lại về với Đất
Sẽ chẳng bao giờ ta “biến mất”
Chỉ chuyển từ dạng này sang
dạng khác mà thôi
Sẽ lang thang mãi mãi trên
đời
Trên Trái Đất và trong vũ trụ.
Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012
Đàn hạc trắng và ngọn đuốc
Ngày ấy Anh trẻ lắm
Tuổi mới ngoài hai mươi
Cùng với đàn hạc trắng
Anh bay giữa bầu trời
Một đêm tháng Mười Hai
Anh hóa thành ngọn đuốc
Thắp sáng rực bầu trời
Bầu trời đêm đất nước
Ngày ấy đã lùi xa
Ngọn đuốc anh đã tắt
Đàn hạc trắng vẫn bay
Bầu trời xanh ấm áp
Sao đêm vẫn lấp lánh
Vẫn khe khẽ thì thầm
Ngày xưa có ngọn đuốc
Thắp sáng rực trời đêm…
Chuyện kể rằng vào một đêm cuối tháng 12/1972, phi
công Vũ Xuân Thiều đã lao thẳng chiếc MIG-21 của mình vào một “pháo đài bay”
B-52 trên bầu trời Hà Nội trong cuộc ném bom “rải thảm” của không quân chiến
lược Mỹ trong chiến dịch Linebacker II – còn được gọi là “đợt ném bom Giáng
Sinh” – với sự tham gia của hơn 200 B-52, ném xuống Hà Nội hơn 20.000 Tấn bom
đạn. Anh Thiều trước là học sinh trường Chu Văn An, Hà Nội.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)