Tổng số lượt xem trang
Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018
Đi hay ở?
Năm 2004, ở Ucraina nổ ra cuộc cách mạng cam, nói nôm na là để
"thoát Nga" và "xoay trục" sang phương Tây. Từ đó đến nay,
nước này rơi vào tình trạng suy thoái, bất ổn, chiến tranh, xung đột giữa các
chính trị gia thân và chống Nga. Vấn đề nghiêm trọng nhất là xung đột với nước
Nga láng giềng. Nếu đi ngược thời gian thì tới thế kỷ thứ 9, cả 3 nước Ucraina,
Belarus và Nga hòa trộn vào nhau thành một quốc gia có tên là Rus Kiev, trị vì
bởi gia tộc Rurik. Trong vài thế kỷ sau đó, đã xảy ra các cuộc xâm lược của các
tộc người khác như Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Lit Va khiến quốc gia này tan
rã thành nhiều nhóm nhỏ. Nhóm li tán lên phía bắc dần dần trở thành nước Nga.
Nhóm đi về phía tây thành Belarus. Nhóm cố trụ lại thì thành Ucraina. Nước Nga
dần trở nên một đế quốc rộng lớn và hùng mạnh. Mà đế quốc nào khi lớn mạnh lên
thì đều có xu hướng bành trướng và bá quyền. Trong nhiều thế kỷ, xứ Ucraina
luôn là mục tiêu bành trướng của Nga. Đến thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 thì cả
Ucraina và Belarus đều là một phần của đế quốc Nga. Sau cách mạng Nga 1917, hai
nước này gia nhập Liên Bang Cộng Hòa XHCN Xô Viết. Năm 1991, khi Liên Xô tan
rã, Ucraina, Belarus và Nga trở thành những nước riêng. Trong suốt chiều dài
lịch sử, Ucraina nhiều lần bị các thế lực nước ngoài xâm lược, chiếm đóng, áp
bức. Cũng trong suốt thời gian ấy, người Ucraina luôn tranh đấu cho nền độc lập
của mình. Ngay cả khi thành một trong hơn hai chục nước "anh em"
trong Liên Xô, Ucraina vẫn bị "bắt nạt". Nạn đói năm 1932 ở Ucraina
làm chết khoảng 1,4 triệu người được cho là do nhiều nguyên nhân như thiên tai,
sai lầm của chính sách tập thể hóa nông nghiệp, v.v. Có một số người cho rằng chính quyền Stalin dùng
nạn đói như một công cụ để dập tắt sự phản đối của nông dân Ucraina với chính
sách khắc nghiệt của nhà nước Xô Viết. Xung quanh thời kỳ đó ở Ucraina, có
khoảng 10 ngàn giáo sỹ bị trục xuất hoặc xử bắn, 50 ngàn trí thức bị đày đi
Xi-bê-ri. Trong Thế Chiến II 1941-45, Ucraina tích cực tham gia Hồng Quân Liên
Xô chống lại cuộc xâm lược của Đức Quốc Xã. Tuy nhiên, có một bộ phận dân
Ucraina dưới sự lãnh đạo của những người dân tộc chủ nghĩa Ucraina muốn tranh
thủ hoàn cảnh đặc biệt này để giành lại độc lập cho Ucraina. Họ có những hành
động gây nhiều tranh cãi về sau như hỗ trợ quân Đức đánh Hồng Quân Liên Xô. Cuối
1941, họ tuyên bố nhà nước độc lập Ucraina. Ngay sau đó, người lãnh đạo bị Đức bắt
và giam trong trại tập trung. Miền Đông Ucraina, nơi có nhiều dân Nga sinh sống
chịu ảnh hưởng nhiều của nước Nga. Trái lại, miền Tây Ucraina từ xưa vốn là
vùng ảnh hưởng của châu Âu. Cuộc cách mạng cam lật đổ vị tổng thống thân Nga và
đưa những người thân phương Tây lên nắm quyền. Chính quyền hiện tại muốn đưa
Ucraina vào EU và NATO. Đó là điều mà nước Nga không thích và ngăn cản. Năm
2014, sau một cuộc trưng cầu dân ý được cho là có sự chi phối của Nga, bán đảo
Cri-mê vốn thuộc Ucraina trở thành một phần của nước Nga. Lúc đó cũng xảy ra
cuộc ly khai của 2 tỉnh miền Đông, lập nên 2 nước cộng hòa độc lập thân Nga ở
Donet và Lugan. Chiến tranh giữa nước Donet mới với Ucraina gây ra nhiều tàn
phá và chết chóc cho dân thường ở vùng Donet. Kinh tế Ucraina suy sụp. Từ chỗ
là một nước khá giàu có và phát triển, Ucraina thành một nước loại nghèo nhất
châu Âu. Xã hội có nhiều vấn đề như đấu đá chính trị nội bộ, tham nhũng nặng
nề, tội phạm tràn lan, hàng triệu người rời bỏ đất nước. Quan hệ ngày càng xấu
đi và căng thẳng với nước Nga láng giềng khổng lồ và hùng mạnh là vấn đề đau
đầu khó xử nhất. Mùa đông năm ngoái, do mâu thuẫn với Nga, cung cấp khí đốt bị
cắt giảm, nhiều trường học không được sưởi ấm đã buộc phải đóng cửa một thời
gian. Ucraina là một nước lớn ở châu Âu. Nhưng so với Nga thì Ucraina là một
nước nhỏ và yếu hơn về mọi mặt. Ucraina muốn dựa vào châu Âu và NATO để chống
lại Nga. Trong cuộc cách mạng cam,
một số chính trị gia cấp cao phương Tây đã tới Ucraina để "động viên"
và "hứa hẹn". Thế nhưng con đường sang phương Tây của Ucraina vẫn mờ
mịt. Ucraina chưa đạt được những tiêu chuẩn của Phương Tây để được tiếp nhận vào
"câu lạc bộ" của họ, và cũng chưa rõ bao giờ mới đạt được. Trong lúc
đó thì mới trong vài năm qua, Ucraina đã mất bán đảo Crimê chiến lược và hai
tỉnh miền Đông trong đó có Donet là vùng kinh tế và công nghiệp quan trọng.
Chiến tranh Donet và áp lực của Nga tiếp tục làm Ucraina "chảy máu"
chưa biết đến bao giờ dừng. Các nước lớn phương Tây một mặt tuyên bố "ủng hộ"
Ucraina, mặt khác thì vẫn "chơi" với Nga. Các nước lớn luôn có những
toan tính của họ. Quyền lợi của các nước nhỏ, kể cả các đồng minh gần gũi vẫn
có thể bị "hy sinh" nếu nó không còn phù hợp với lợi ích của nước lớn.
Nếu chịu theo Nga thì Ucraina có thể được "yên ổn" với thân phận
"đàn em". Thậm chí, có chính trị gia loại "diều hâu" của Nga
còn lớn tiếng đe dọa "hủy diệt" Ucraina, nếu không chịu theo Nga. Giữa
vòng xoáy cuộc chơi của các nước lớn, Ucraina như một chiếc lá bị cuốn đi theo
chiều những cơn gió bão. Đó là cái tình thế vô cùng éo le phức tạp, như một câu
ngạn ngữ Việt Nam nói, đi thì dở mà ở
cũng không xong.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)