Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Có phải tại Mùa Thu?


Cứ ngơ ngẩn ra vào
Xốn xang như có người giục dã
Bỗng nhìn ra sân qua kẽ lá 
Rạo rực nắng vàng 
Trời Hà Nội thẳm xanh 
Mùa thu bất tận
mê hồn vạn vật
Có phải tại Mùa Thu?

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Đâu cần ai “lo”?



Có một kẻ
Trong rừng rậm lang thang
Lượm lặt những bông hoa
Bé nhỏ không tên
ven đường bên suối
Ngắm chiếc lá rụng
Xoay tròn theo gió
Nhẹ nhàng rơi xuống bãi cỏ xanh
Vài chú kiến con
Tất bật tha mồi về tổ
Trên kia giang cánh vỗ
Phóng khoáng đại bàng tự do
Dưới này vài chú chim non
“chic chic” chiếc mỏ con chờ mẹ
Vẩn vơ cứ nghĩ
Cuộc sống này thật bình yên
Cứ như thế
Đã bao vạn hay triệu năm?
Đâu cần ai “lo” cho nó?

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Lại nghĩ về hy vọng


Cuộc sống trong trại tập trung của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến 2 bắt đầu từ sáng sớm. Một miếng bánh mỳ mốc meo cứng quèo hoặc một củ khoai tây thối là bữa sáng của tù nhân. Ngay sau đó là phải nhanh chân tới buổi điểm danh bởi khi lính SS đọc tới tên mà bạn không có mặt là đủ lý do để nhận một loạt đạn ngay sau đó trước mặt mọi người. Sau đó là đập đá, khuân đá lên đồi và những việc đại loại như vậy. Như thế là may bởi có lúc còn phải khuân hàng ngàn xác chết từ trong phòng hơi ngạt để đưa vào lò thiêu. Mệt quá ngồi nghỉ hoặc làm việc chậm thì cũng sẽ lập tức bị một loạt đạn của lính SS trên chòi canh. Rất “xứng đáng” như thế bởi bạn không còn phù hợp để làm việc! Được “lao động” như thế này còn là may bởi nhiều người không qua được vòng “phân loại” của một viên sỹ quan Đức ngay sau khi vừa bước xuống từ những chuyến tàu hỏa từ khắp các nước Châu Âu thì sẽ được đưa thẳng vào phòng hơi ngạt. Nếu bạn tuyệt vọng và thấy không muốn sống nữa thì quá dễ. Chỉ cái tuyệt vọng ấy cũng đủ làm bạn gục ngã chứ chưa cần tới loạt đạn của SS. Nhưng con người vẫn sống và hy vọng. Bọn SS cố hết sức để giết và tiêu hủy cho hết hàng triệu người chúng gom từ khắp nơi về. Mỗi ngày có khoảng 20.000 người, phần lớn là người Do Thái được đưa vào lò thiêu. Nhưng những đoàn tàu cứ ùn ùn kéo về vượt quá công suất của phòng hơi ngạt và lò thiêu. Đức Quốc Xã chẳng kịp “thanh toán” hết mọi người trước khi bỏ chạy khi Hồng Quân Liên Xô tiến vào trại tập trung. Và nhiều người đã sống sót cuộc diệt chủng lớn và khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người với 6 triệu người bị tàn sát. Thì ra con người ta vẫn hy vọng khi không còn gì để hy vọng. Đó là cái sức mạnh kỳ diệu của hy vọng. Đó là điều cần thiết bởi khi cái ác vẫn còn trên Trái Đất thì không có cơ sở nào để loại trừ khả năng rằng những việc tương tự sẽ không bao giờ xảy ra. Bằng chứng là cuộc diệt chủng 2 triệu người của Khơ Me Đỏ năm 1975-1979, cuộc diệt chủng gần 1 triệu người Ruanđa ở châu Phi năm 1994, cuộc diệt chủng 8.000 người ở một ngôi làng Bosnia ở châu Âu năm 1995 và vô số cuộc tàn sát hàng loạt “nhỏ” khác mà người ta khó có thể biết và nhớ hết.

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Khoảng lặng


Có lẽ âm nhạc là một cách Thượng Đế hiện ra với con người. Những bản nhạc, những bài hát hay thấm được vào những chỗ sâu thẳm nhất trong tâm hồn, đánh thức dậy cái phần trong sáng cao cả linh thiêng nhất trong con người mà Thượng Đế ban tặng. Những bản nhạc và bài hát như thế lại thường có một khoảng lặng im như tờ. Đó là lúc mà tâm hồn ta “cộng hưởng” với bài hát, ca lên những nốt nhạc lời ca từ sâu thẳm trong ta mà chỉ có ta “nghe” thấy để hòa vào giai điệu của bài hát. Cuộc sống là một bản giao hưởng khổng lồ với đủ các sắc thái hoành tráng, vui sướng, lãng mạn và bi thương. Ta cũng cần phải có những “khoảng lặng”như thế, một mình trong tĩnh lặng tuyệt đối để tâm hồn ta có thể “hát” giai điệu thiêng liêng của mình.

Một điều tưởng tượng


Bệnh tật có từ khi loài người sinh ra trên Trái Đất. Cũng từ đó bắt đầu có những người tìm cách chữa trị bệnh tật mà ngày nay ta gọi là bác sỹ. Cái ác cũng có từ khi đó nhưng không được coi là một loại bệnh và có lẽ vì thế con người chưa chú tâm vào nghiên cứu như là một chứng bệnh để tìm cách chữa trị. Một kẻ ác điển hình của thế kỷ 20, mà có lẽ là mọi thời đại là Hitle. Đây là một người có thể nói là xuất chúng về ý chí vươn tới mục tiêu, khả năng tổ chức và lôi cuốn quần chúng đi theo mình. Nhưng có lẽ Hitle bị chứng loạn thần kinh hoang tưởng nên đã đặt ra những mục tiêu và biện pháp thực hiện điên rồ khủng khiếp và đã gây ra cuộc Thế Chiến 2, một tội ác lớn nhất trong lịch sử loài người, giết chết 50 triệu người. Tương tự như vậy, những kẻ hoang tưởng điên rồ khác như Stalin, Mao, Pôn pốt… cũng đều nắm được quyền lực chính trị để rồi cũng gây nên những tội ác không kém phần tàn bạo. Giả sử con người coi điều ác là một bệnh và từ xa xưa đã tìm cách nghiên cứu và chữa trị thì biết đâu những kẻ ác không thể lên làm lãnh đạo bởi họ không vượt qua được cuộc “kiểm tra sức khỏe” về bệnh “ác”. Thực ra thì Phật, Chúa Giê-su, Khổng tử, v.v. cũng có thể coi là những “bác sỹ” vĩ đại về căn bệnh này. Nhưng về cơ bản, điều ác cũng chỉ mới được xem xét về mặt đạo đức thôi. Vì thế cái ác chưa được dạy, học và chữa trị như bệnh tim mạch chẳng hạn. Biết đâu một ngày nào đó, con người phát hiện ra loại “virus ác” và cách chữa trị chúng? Loài người có mặt trên Trái Đất cả triệu năm rồi mà cách đây mới hơn 500 năm còn chưa biết là Trái Đất tròn, cách đây mới hơn trăm năm còn ước mơ sẽ bay lên được như chim. Không có gì là không thể. Anhxtanh nói rằng điều quan trọng là trí tưởng tượng chứ không phải là kiến thức.

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Sự ngọt ngào của cái "tẻ nhạt"


Những thứ có vị mạnh và đậm đà như nước mắm, ớt, hạt tiêu, dấm, rượu, v.v. chỉ là những “gia vị” để thêm vào chút ít mà không thể thay thế những thứ cơ bản thiết yếu như không khí, cơm, rau và nước. Cũng như vậy, những thứ đậm đà hơn trong cuộc sống như xúc cảm mạnh của vui, buồn, cay đắng, chua chát thì cũng chỉ là “gia vị” mà không thể thay thế cuộc đời bình lặng hàng ngày mà nhiều lúc tưởng như nhạt nhẽo vô vị. Cơm tưởng như là “nhạt” nhưng khi nhai kỹ lại có vị ngọt nhẹ nhàng dễ chịu. Biết sống không phải là cố thêm vào cho nhiều “gia vị” mà là biết sống chăm chú, kỹ lưỡng cuộc sống tưởng như tẻ nhạt hàng ngày để tìm ra sự ngọt ngào của nó.