Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Nhân - Trí - Dũng

Đức Khổng tử xưa đã từng dạy rằng người có đức nhân thì không lo buồn, có trí tuệ thì không nhầm lẫn, có lòng dũng cảm thì không có gì sợ hãi. Ngày nay chúng ta thường lo lắng, sợ hãi và tối tăm nhầm lẫn. Đó là vì ta tham lam ích kỷ, lúc nào cũng chỉ lo vơ vét cho mình. Thấy kẻ khác có nhiều hơn thì buồn bực. Mình có rồi thì lại lo sợ bị mất. Cái máu háo danh, háo lợi, háo chức quyền nó làm cho cái bảng giá trị của ta méo mó nhầm lẫn hết. Kẻ nhân – trí – dũng thời nay hiếm là vì thế.

Tất cả đều liên quan

Phần lớn chúng ta có lẽ cũng chỉ là những kphàm phu tục tử”   “ăn tục nói phét” ở mức độ khác nhau mà thôi. Nhưng nếu không có chúng ta thì cũng không có các bậc thánh nhân như Phật, chúa Giê-xu, Khổng Tử,v.v. Tương tự như thế, nếu không có những người nông dân vô học “chân đất mắt toét” ở Việt nam, ở Trung hoa, nước Nga xưa hay ở khắp nơi trên thế giới thì những lãnh tụ vĩ đại, những vị tướng huyền thoại biết dựa vào đâu để lập nên “kỳ tích” của mình? Cho nên mọi người và mọi thđều quan trọng cả và đều liên quan đến nhau để cùng tồn tại.

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Ma quỷ ở đâu?


Chúng ta hay tin là có ma quỷ và sợ chúng. Thế cho nên mới có đủ các loại “thầy” có lắm “phép mầu” sẵn sàng “giúp” ta xua đuổi tà ma. Thực ra, lũ ma quỷ đó có ở ngay bên trong ta. Vừa rồi một chính trị gia hàng đầu của một nước phương Tây, ứng cử viên sáng giá chức tổng thống và cũng là một quan chức “chóp bu” của một tổ chức tài chính quốc tế loại lớn nhất bị bắt và đang bị buộc tội toan cưỡng bức một phụ nữ dọn phòng ở một khách sạn. Những chuyện như thế vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Đó có lẽ là lúc bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, như Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều. Ai cũng có thể có những điểm yếu nào đó, như tham tiền bạc, danh tiếng, quyền lực, sắc dục, v.v. Lũ “ma quỷ” ấy thường vẫn ẩn nấp ở trong ta mà có khi ta không biết. Thế rồi khi gặp cơ hội thuận tiện và lừa lúc ta lơ là mất cách giác, chúng “tấn công” vào điểm yếu của ta và có thể hạ gục ta. Đến khi ta tỉnh táo bình tĩnh lại thì chỉ còn biết kêu Trời. Tiêu diệt được lũ quỷ đó không dễ. Người “tốt” là người luôn giam chặt “lũ quỷ” của mình và lúc nào cũng canh chừng không để chúng “xổng chuồng”.

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Luật rừng


Trong thế giới hoang dã, luật lệ do sư tử và hổ báo đặt ra. Nếu con trâu muốn phản đối thì cần có cặp sừng và những cái chân thật khỏe. Thế giới loài người về cơ bản cũng vẫn vận hành theo cách đó. 

Về nhiều mặt, con người ngày nay vẫn không khác xưa mấy. Kẻ mạnh vẫn thường chọn cách giải quyết mâu thuẫn với người khác bằng vũ lực. Còn người yếu thì khó có thể chống lại kẻ mạnh chỉ bằng lẽ phải. Thế giới vẫn vận hành theo cách nguyên thủy này. Chiến tranh vẫn là lựa chọn của người cầm quyền ở cả những nước được cho là “phát triển” và “văn minh” nhất.  

Một nước lớn mạnh vừa qua đã cho một đội biệt kích xâm nhập một nước nhỏ yếu để tiêu diệt người họ đang săn lùng. Việc này rõ ràng là “vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Đối với nước lớn mạnh, đạo lý và luật pháp quốc tế sẽ được họ lớn tiếng bênh vực khi chúng có lợi cho họ. Nếu không, họ sẽ “bất chấp” tất cả, vì biết rằng chẳng ai dám và đủ sức ngăn cản. Trong quan hệ quốc tế, quốc gia hay cuộc sống đời thường, “luật rừng” vẫn là thứ mà kẻ mạnh dùng khi cần thiết.

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Nhân tước hay Thiên tước?


Một nhà toán học trẻ người Nga-Do Thái, được giới toán học coi là thiên tài đã đạt được tất cả những gì mà các nhà khoa học và toán học mơ ước, gồm một giải thưởng được coi là “Nô-ben toán học”, một giải khác kèm theo một triệu Đô-la và vô số những giải khác và những lời mời giảng dạy tại những trường và viện danh tiếng nhất thế giới. Những thứ đó là vinh dự to lớn đối với những người khác. Nhưng trong trường hợp này, dường như mọi thứ là ngược lại. Các tổ chức và cá nhân chủ trì các giải thưởng to lớn và vô cùng uy tín đó lại phải cố nài anh nhận giải, vì có lẽ đó sẽ chính là vinh dự cho họ. Nhưng anh đã từ chối và vẫn tiếp tục cuộc sống thiếu thốn vật chất của một kẻ thất nghiệp. Không ai hiểu nổi anh nên cho anh là “kẻ lập dị”. Làm sao chúng ta có thể hiểu được khi tiền bạc và danh vọng là những thứ chúng ta khao khát nhất. Các nhà khoa học cũng không là ngoại lệ. Người xưa có khái niệm “nhân tước” và “thiên tước”. “Nhân tước” là tất cả những chức tước, danh hiệu, huân chương, v.v. con người nghĩ ra để ban thưởng cho người khác. Còn “thiên tước” có lẽ là những phần thưởng do “Trời” ban tặng. Biết đâu anh đã nhận được “Thiên tước” và vì thế đối với anh, mọi loại “nhân tước” chả còn có ý nghĩa gì nữa?

Thể thao


-->
Tại sao hàng triệu người trên thế giới, phần lớn là nam giới, thích đá bóng và các môn có đua tranh như đấm bốc, v.v. ? Chưa chắc vì ta yêu thể thao, mà có lẽ đó chỉ là cách ta thể hiện cái “máu” hiếu thắng, thích đua tranh để chứng tỏ ta mạnh, nhanh, khéo léo hơn người. Ta cuồng nhiệt, “hả lòng hả dạ”, “đánh trống rước cờ”, bình luận suốt đêm nếu “đội ta” hạ gục đối phương. Nhưng khi thua, ta lại bực bội xỉ vả trọng tài và các cầu thủ thần tượng, ẩu đả với “fan” của đối thủ và đòi sa thải huấn luyện viên.     

Thời tiết

Con người sống trong trời đất nên khó tránh khỏi ảnh hưởng của “tính tình” của trời đất. Hôm nào trời nhẹ dịu mát sáng sủa ấm áp, lòng ta thấy phơi phới, vừa đi vừa tung tăng, huýt sáo như trẻ thơ vậy. Hôm nào trời mưa dầm, xầm xì lạnh lẽo, lòng ta thấy nặng nề u ám làm sao. Nhưng trời đất cũng cho ta một khả năng độc lập tương đối so với trời đất. Thế nên đừng biến mình thành một thứ nhiệt kế và máy đo độ ẩm!

Vòng luẩn quẩn bạo lực


Mới hôm qua, người ta hoan hỷ vì đã hạ sát được người được coi là chủ mưu vụ tấn công hai tòa nhà lớn ở Mỹ làm chết 3.000 người thì hôm nay, đối thủ đã lập tức trả thù bằng cách đánh bom giết chết 80 người. Trong cả hai trường hợp, nạn nhân chỉ là dân thường vô tội. Còn người được “lợi” là lãnh đạo hai bên, họ không những bản thân không chết hay bị thương, mà có lẽ lại còn tiến thêm trên con đường chính trị của mình. Cái luật cổ xưa “mắt đền mắt, răng đền răng” hay “nợ máu trả máu” vẫn ngự trị thế giới loài người cho tới ngày nay. Nó đầy rẫy trong cuộc sống hàng ngày ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ngay đến cả Giáo Hoàng gần đây cũng còn cầu nguyện Chúa Trời hãy “chặt chân” những kẻ ác thì trách gì những lãnh tụ chính trị và những người dân bình thường. Không biết liệu có bao giờ con người có thể thoát khỏi cái vòng “Kim Cô” ấy và có đủ dũng khí để tha thứ thay vì trả thù không?

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Hoa dại

Sau những ngày đông lạnh giá, cây cỏ héo khô xơ xác, mùa xuân lại tới. Mưa xuân với nắng ấm mang sinh khí tràn ngập. Khu nghĩa trang Công giáo cổ trên một ngọn đồi nhỏ ven một thị xã ngoại thành Hà Nội được mùa xuân phủ lên một lớp cỏ cây xanh mướt với bao nhiêu là những bông hoa dại nho nhỏ trắng tinh. Những cây hoa nhỏ mọc lên cả trong những chỗ tưởng chừng như khó mà có sự sống như bát hương trên mộ hay một cái khe nứt bé tý trên nền xi măng. Bàn tay của Trời Đất đã chăm sóc sự sống ở những nơi và những khi ta không có mặt, âu yếm và tỉ mỉ như là cô Tấm trong chuyện cổ tích xưa vậy. Cám ơn Trời Đất! Cám ơn những “cô Tấm” vô hình vô danh!

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Thế giới và Sự khác biệt


Khi ta nhìn một cô gái trẻ đẹp, ta thấy cô ta trẻ đẹp. Nhưng một con hổ sẽ chỉ thấy đó là một món ăn! Những người khác nhau có những cảm nhận khác nhau. Người châu Phi hình như coi một nước da đen bóng và tóc thẳng là đẹp. Người Việt Nam hay Trung Quốc thì lại thích da thật trắng và uốn tóc cho cong. Ngay cả một người thì trong những hoàn cảnh khác nhau hoặc ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời cảm nhận thế giới bên ngoài cũng khác nhau. Ở tuổi đôi mươi, ta thấy cảnh trai gái âu yếm nhau là đẹp và lãng mạn. Khi thành một người già ốm yếu và khó tính, ta lại thấy cái đó “nhố nhăng”. Có vô vàn những cảm nhận khác nhau về cùng một thứ và khó có thể nói được cái nào đúng cái nào sai. Một triết gia Đức thế kỷ 19 cho rằng thế giới chỉ là sự cảm nhận của con người. Vì thế ta nên bớt tranh cãi và cố gắng chấp nhận sự khác biệt. Như vậy cuộc sống sẽ dễ chịu hơn.  

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Cái vòng luẩn quẩn


-->Một thời chúng ta đã từng vô cùng hồ hởi với một viễn cảnh “ngày mai đây tất cả sẽ là chung, tất cả sẽ là niềm vui và ánh sáng”*. Chúng ta đã thành thực tin vào điều đó và đã có những cố gắng vô cùng to lớn, trả giá bằng sinh mạng của hàng triệu người để tiến theo lý tưởng đó. Rồi khi mà tất cả đã là chung, chúng ta mới nhận ra một điều khá cũ là “cha chung thì không ai khóc”, không ai cố gắng làm việc cả nên sản xuất ít ỏi và cuộc sống của hàng triệu người thì luôn thiếu đói và nghèo khổ. Thế rồi bỗng có một người “phát minh ra cái bánh xe”, theo như cách nói của người phương Tây, chỉ ra rằng phải để nông dân làm chủ mảnh ruộng của mình và thóc lúa họ trồng được trên mảnh ruộng đó thì họ sẽ cố gắng nhiều hơn. Nguyên lý cổ xưa đó như một phép lạ đã nhanh chóng làm cho không những đủ ăn mà con dư thừa để xuất khẩu. Thế là người ta vội vã áp dụng cách đó cho công nghiệp, thương mại, v.v. và thấy rõ rằng mọi thứ hàng hóa và dịch vụ đều nhiều lên và tốt lên khá nhanh chóng. Nhiều người cũng phát hiện ra rằng có thể trở nên rất giàu có nếu biết “cách”. Thế là một phong trào tạm gọi là “thi đua tư bản chủ nghĩa” bùng phát một cách mạnh mẽ và tự giác hơn bất cứ cuộc thi đua XHCN nào trước đây. Có thể nói là “nhà nhà và người người” thi nhau mạnh ai nấy được ra sức vơ vét làm của riêng cho mình càng nhiều càng tốt. Kẻ có chức có quyền và gia đình họ và những kẻ nhanh tay nhanh trí thì thu được hàng núi của cải. Đất nước từ chỗ tất cả là chung bắt đầu bị chia nhỏ thành vô vàn “lãnh địa” của các nhà tư bản mới vốn từng là “vô sản” hoặc con cháu của họ. Nhưng không phải tất cả đều được hưởng lợi như nhau từ cuộc tạm gọi là “cách mạng” theo chiều ngược lại này. Hàng triệu người nông dân mất ruộng đất cho những nhà đầu tư dần dần trở thành những người làm thuê, những nhân công rẻ mạt bị bóc lột thậm tệ tại các khu công nghiệp mới. Họ bắt đầu nhận thấy một cuộc sống xa hoa phè phỡn của các nhà “tư bản đỏ” và gia đình con cháu họ. Những sự bất bình của hàng triệu người này sẽ tích tụ và tăng dần lên. “Tức nước thì vỡ bờ”, không có cơ sở chắc chắn nào để loại bỏ hoàn toàn khả năng một viễn cảnh tương tự những gì đang xảy ra ở một loạt các nước Trung Đông. Nếu không có một thay đổi cơ bản trong cách vận hành xã hội, bánh xe lịch sử sẽ lại quay vòng như cũ, với những cuộc cách mạng mới. Cái vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại.
*Thơ Tố Hữu

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Im lặng và Ồn ào


Các nhà người Việt thường bật tivi, để âm lượng lớn mà nhiều khi chẳng ai xem. Nhiều tài xế xe buýt, taxi ở Hà Nội thường bật nhạc, đài tiếng rất to mà hành khách ít khi phản đối. Ở phòng chờ các sân bay ở Việt Nam cũng vậy, lúc nào cũng có tiếng nhạc, tivi đôi khi ở mức có thể gọi là “đinh tai nhức óc”. Hình như chúng ta thấy dễ chịu hơn khi có nhiều tiếng động to, hơn là khi xung quanh im lặng hay chỉ có tiếng nhạc “nền” êm dịu.  Hình như phần lớn chúng ta sợ sự im lặng. Chúng ta không biết làm gì trong sự im lặng. Đọc sách hay suy nghĩ ư? Có vẻ như thói quen này đang dần biến mất. Ngay cả khi chúng ta có vẻ “im lặng”, thì thực ra ta đang “ồn ào” tán gẫu với nhau trên “mạng”. Đầu óc chúng ta trống rỗng nên lúc nào cũng phải có một cái gì đó để lấp đầy. Vì thế mà các quán bia lúc nào cũng đông đúc và ồn ào. Những chỗ đầy tiếng ồn như thế giúp chúng ta tránh phải đối mặt với chính mình trong im lặng, để khỏi thấy rõ sự nghèo nàn và rỗng tuếch của mình. 

Hình như tất cả những gì lớn lao, vĩ đại đều im lặng. Những dãy núi hùng vĩ không “nói” gì. Biển cả mênh mông và sâu thẳm thường cũng chỉ “thầm thì” khe khẽ. Còn vũ trụ là một khoảng không vô tận, tối đen và hoàn toàn im lặng. Thế mà con người lại cứ phải ầm ĩ để chứng tỏ sự hiện diện và “vĩ đại” của mình. May mà xưa nay vẫn còn có những người “mặc nhi thức chi” – tạm gọi là im lặng mà vẫn tỉnh thức và biết rõ mọi thứ, như lời của các bậc thánh hiền xưa kia.

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Sự nhắc nhở của cuộc sống


-->Có lẽ ta sẽ không bao giờ học được điều gì có ích nếu không phải trả giá. Khi gặp khó khăn, hoạn nạn ta mới biết ai là người tốt, kẻ xấu, kể cả ta là loại nào nữa. Xảy ra tại nạn nhà máy điện hạt nhân, ta mới biết nó nguy hiểm như thế nào. Khi lâm vào cảnh bạo loạn hay thiên tai, bị đói khát, khổ cực ta mới biết được sống no đủ yên ổn mỗi ngày ở nhà mình là quý báu. Khi ốm đau ta mới thấy được khỏe mạnh bình thường là may mắn lắm rồi. Khi già yếu ta mới thấy lúc còn trẻ khỏe là hạnh phúc. Chúng ta quen coi mọi thứ là vốn sẵn có như thế. Từ đó chúng ta không trân trọng giữ gìn chúng. Vì thế nên cuộc sống cứ phải “nhắc nhở” và bắt “trả giá” để ta không quên.

Khôn mà dại


Xã hội chúng ta có nhiều người “khôn”. Có những hàng cơm khôn nên mua các loại thực phẩm rẻ tiền kém chất lượng rồi bán cho khách ăn để kiếm lời nhiều hơn, để rồi có khu công nghiệp có hàng trăm công nhân bị ngđộc thực phẩmĐể "tiết kiệm", nhiều nhà thầu sử dụng vật tư và quy trình kỹ thuật chất lượng thấp hơn thiết kế để rồi thì đường mới đã lún, vỉa hè mới đã bong, nhà mới đã nứt. Để tăng thu nhập, không ít bác sỹ cho người bệnh làm cả những xét nghiệm không thật cần thiết. Nhiều giáo viên, nhiều trường học t chức lớp học thêm và buộc học sinh "tự nguyện" học thêm ngoài giở trường để thu thêm tiền học. Kết quả là cả học sinh và giáo viên đều mệt vì quá sức, rồi ảnh hưởng đến chất lượng của việc học và dạy trên lớp. Công chức nhà nước thì ít người làm việc hết lòng hết sức, tranh thủ làm việc riêng trong giờ làm việc. Người vi phạm luật giao thông thay vì nộp phạt theo quy định thì lại "dúi" tiền cho cảnh sát - mà có khi cảnh sát cũng muốn như thế - để cho nhanh mà đôi bên đều "lợi". Có những người có chức có quyền cho mua những máy móc thiết bị cũ hỏng với giá đắt để rồi được người bán "lại quả" hàng triệu Đô la. Có những quan chức ngân hàng cho những dán, những doanh nghiệp đáng ngờ vay những khoản tiền lớn, rồi thì nhận từ họ những "quà biếu" và "phong bì" vô cùng hậu hĩnh và cuối cùng dán thì đổ bể mà tiền cho vay cũng mất. Những thứ đại để như thế có thể kể cả ngày không hết. Có một điểm chung là tất cả đều “khôn”, biết lợi dụng vị trí của mình để thu lợi cho mình cách này hay cách khác và cái “lợi” đó lại là cái hại cho toàn xã hội. Vì thế hàng triệu, hàng tỷ cái khôn vặt ấy cộng lại không thành một cái khôn lớn, mà lại thành một cái dại lớn. Thế là cả xã hội hại lẫn nhau, thay vì mọi người đều trung thực và cố gắng làm lợi cho cộng đồng, cho đất nước phát triển