Tổng số lượt xem trang
Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011
Bài học cũ của người quân tử
Nho Giáo xưa nói người quân tử phải luôn chú ý tới chín điều: phải nhìn và nghe cho rõ mọi việc, sắc mặt và cử chỉ phải luôn ôn hòa và tôn trọng người khác, nói năng phải thành thật, nghiêm túc trong công việc, chưa rõ thì phải học hỏi, khi tức giận phải nghĩ tới hậu quả và thấy lợi phải xem có chính đáng không. Ngày nay chúng ta từ bé đến lớn thường phải học “năm điều”, “mười điều”, v.v. Thiết nghĩ “chín điều” trên của Nho Giáo vẫn còn nguyên giá trị với cuộc sống ngày nay.
Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011
Lý trí và Tình cảm
Khi ăn một món ăn, ta có thể cảm nhận ngay là nó ngon hay không ngon mà không cần biết thành phần gồm có rau hay thịt gì, cách nấu thế nào hay chất dinh dưỡng ra sao. Khi tiếp xúc với một người, ta cũng thường có cảm nhận ngay về người đó như ta thích hay không thích, thậm chí có trường hợp ta có thể yêu ngay theo kiểu “sét ái tình” mà chưa cần biết rõ hoàn cảnh gia đình thế nào, học vấn và công việc ra sao, có ưu khuyết điểm gì, v.v. Khi đã không thích một món ăn hay một người thì ta cũng chả còn quan tâm đến các chi tiết khác nữa. Như vậy thì cái gì có ảnh hưởng quyết định đến thái độ và tình cảm của ta với người khác? Có lẽ đó chính là cái cảm nhận có tính trực giác mà không phải là lý trí.
Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011
Giấc ngủ
Giấc ngủ là món quà tốt nhất bạn có thể ban cho bộ óc của mình hàng ngày.
Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011
Khoa học và Tôn giáo
Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011
Láng giềng và bài học cũ
Người xưa nói “bán anh em xa, mua láng giềng gần” là để nói lên tầm quan trọng của quan hệ với láng giềng. Đơn giản là ta không thể ngủ yên nếu có xích mích với láng giềng. Khi không thể hòa thuận với láng giềng, ta còn một cách là dọn đi chỗ khác. Nhưng nếu láng giềng là một nước, ta không thể “dọn” đi đâu được! Khi đã “nhún” hết mức rồi mà nước láng giềng vẫn lấn tới, bởi họ có dã tâm chiếm đất và biển của ta thì chỉ còn hai lựa chọn vô cùng khó khăn. Một là khoanh tay đứng nhìn đất và biển của tổ tiên cha ông để lại một lần nữa bị xâm chiếm. Hai là dũng cảm đứng lên, đoàn kết nhau lại để “sống mái” với kẻ xâm lăng bất kể chúng có quân hùng tướng mạnh hay kiếm sắc tên nhọn đến đâu. Những bài học xưa của tổ tiên vẫn còn nguyên giá trị. Muốn có sức mạnh thì phải đoàn kết trên dưới một lòng. Muốn thế thì vua quan phải “đồng cam cộng khổ” với dân, chén rượu ngon không giành uống riêng mà phải “hòa nước sông” để vua tôi cùng uống. Xem nhân tình thế thái ngày nay, tự nhiên ước gì những hào kiệt xưa như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ tái sinh để đoàn kết nhân dân với những “Nam quốc sơn hà” và “Hịch tướng sỹ” mới.
Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011
Không nỡ và Dửng dưng
Trong đời chúng ta, ai cũng đã từng không nỡ. Thấy một người bị ngã, ai nỡ lòng không giúp người ta đứng lên. Một cái cây non ai nỡ bẻ cành vặt lá. Một đàn gà con ai nỡ giẫm lên. Một cậu bé mời đánh giầy ai nỡ từ chối. Một người già bán vé xổ số ai nỡ không mua. Một người già, tàn tật hay phụ nữ có thai ai nỡ không nhường chỗ trên xe buýt. Những người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, không còn nguồn sống ai nỡ không chung tay giúp đỡ. Chúng ta không nỡ vì ta vẫn còn chút tấm lòng, còn sự thương cảm. Nhưng cũng nhiều khi chúng ta dửng dưng vô tình lắm. Đường phố vừa được quét sạch xong thì ta vẫn thản nhiên vứt rác. Thấy tai nạn giao thông thì ta thản nhiên đi qua như không có chuyện gì xảy ra. Thấy người bị cướp giật túi làm tiền bay tứ tung thì ta không những không nhặt giúp mà lại còn nhẫn tâm lao vào “tranh thủ” hôi của. Có khi ta dừng lại, mà rất nhiều người như thế, thì chỉ để xem và “giải trí” mà ít ai tìm cách giúp người bị nạn. Chữa bệnh cho người nghèo – mà những người như vậy còn nhiều lắm – thì ta thản nhiên bắt họ thanh toán những khoản tiền mà họ sẽ phải lao động cật lực hàng năm trời mới kiếm được. Thực ra chúng ta là những cá nhân phức tạp, với tốt-xấu lẫn lộn và ít khi “trắng đen” rõ ràng. Ý thức được như vậy có lẽ là khởi đầu của quá trình tự biến đổi cho thêm “trắng” bớt “đen”.
Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011
Trách nhiệm
Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011
Xúc động và Chai sạn
Cuộc đời này vẫn còn bao nhiêu điều làm ta xúc động. Trái tim ai không tê tái khi nghe đoạn vĩ cầm do Perlman chơi trong phim “Bản danh sách của Schindler”? mắt ai không rớm lệ khi Valentina Tonkunova hát bài “Nếu như không có chiến tranh”? ai không thấy lòng xót xa khi đọc tin một cô gái nhảy – vốn là một thôn nữ từ một vùng quê nghèo Nam Bộ – bị một tên quỷ dữ giết chết, để lại một mẹ già và một con nhỏ bơ vơ không nơi nương tựa? ai không xót thương người mẹ nằm dưới đáy sông trong con tàu chìm, tay vẫn ôm chặt đưa con nhỏ? Ai không thấy lòng ái ngại khi nghe tiếng rao “bánh khúc” trong trời khuya lạnh giá của người thiếu phụ luống tuổi? May mà cuộc cạnh tranh sinh tồn khốc liệt ngày nay vẫn chưa làm tất cả chúng ta trở nên chai sạn như gỗ đá.
Đấu tranh sinh tồn
Trong thiên nhiên, mọi loài đều phải cố gắng tranh đấu để tồn tại. Hổ báo phải săn bắt hươu nai để ăn. Hươu nai thì phải cố chạy thoát để được sống. Gấu và chim ưng vùng Alaska săn bắt cá hồi. Đàn cá hồi phải cố sức thoát thì mới đến được chỗ sinh sản. Cá đực còn phải cạnh tranh với nhau để giành được con cái. Khi xong “nhiệm vụ” thì chúng kiệt sức chết. Xác chúng là thức ăn nuôi được nhiều loại động vật và chim chóc khác sống sót qua mùa đông lạnh. Cạnh tranh để tồn tại và loài này làm thức ăn cho loài khác, đó là cái quy luật khắc nghiệt của sự sống trên Trái Đất. Con người đã qua hàng vạn năm tiến hóa để tự tách mình ra khỏi loài vật. Nhưng có lẽ về cơ bản chúng ta mới chỉ đạt đến giai đoạn “nửa người nửa thú” mà thôi. Có những người “phát triển” cao hơn, có “chỉ số người/thú ” cao, biết sống với tình thương dành cho đồng loại và vạn vật. Nhưng có những người vẫn còn ở mức độ thấp. Bản năng tranh giành “thức ăn” và “con mái” vẫn cao. Những vụ án “tiền –tình” đầy trên báo chí hàng ngày là minh chứng cho điều đó. Suy rộng ra thì ở cấp quốc gia hay chủng tộc, có những người lãnh đạo rất giỏi và nhiều mưu lược nhưng chỉ số phát triển con người thì vẫn thấp. Điều đó có lẽ giải thích cho những hành động xâm lược ngang ngược từ xưa cho tới nay. “Thức ăn” không chỉ còn là theo đúng nghĩa đen như thời nguyên thủy, mà đã mở rộng thành đất đai, lãnh thổ, rồi nay thành vùng biển, dầu mỏ, v.v. Nhưng sự giành giật thì vẫn tàn bạo và khốc liệt, có lẽ còn hơn đời xưa vì ngày nay con người có trong tay những vũ khí hủy diệt mạnh hơn cung nỏ và đao kiếm nhiều.
Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011
Người mẫu xưa và nay
Ngày nay “đẳng cấp” của một người phụ thuộc vào những thứ bên ngoài như chức vụ, danh hiệu, giá trị cổ phiếu và tài sản, nhà ở, ôtô, quần áo, máy tính, điện thoại, giày, túi xách, nước hoa, đồ trang sức, con chó, bạn tình, v.v. của người ấy. Ngày xưa ở phương Đông, “đẳng cấp” của một người được đánh giá bằng những phẩm chất bên trong như trí tuệ, lòng dũng cảm và nhân ái. Người mẫu của xã hội phong kiến và cộng sản với Trí, Dũng, Nhân dường như đang phải lùi bước trước con người thực dụng và bản năng của xã hội tư bản.
Bận rộn và Rỗi rãi
Khi ta bận rộn bởi một việc gì đó, như là làm việc kiếm sống, cuộc sống của ta không khó. Nhưng chính những lúc rỗi rãi, chúng ta như mất phương hướng, không biết làm gì và khá dễ “làm bậy”. Thế cho nên xưa kia Tăng Tử mới dạy rằng lúc rỗi rãi và ở một mình là lúc khó khăn nhất và cần phải cảnh giác nhất.
Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011
Bạn bè
Chúng ta ai cũng thích có nhiều bạn bè để chơi với nhau cho vui và dựa vào nhau khi cần thiết. Như thế tốt thôi, vì đa số chúng ta yếu đuối và cô đơn, luôn cần dựa dẫm vào người khác. Ví dụ khi gặp cơn khủng hoảng tinh thần, ta tìm đến anh A hay chị B để xin lời khuyên. Nhưng sao ta không suy nghĩ rộng hơn một chút? Ta có thể tìm đến những người “bạn” lớn như Phật hay Khổng Tử, những người có thể cho ta những lời khuyên tốt nhất. Thế giới này đâu chỉ bó hẹp trong phạm vi những người cùng quê, cùng trường lớp, cơ quan, hay một tổ chức. Thế giới rộng lớn biết bao mà nay ở thời đại thông tin nhờ có internet, ta có thể tìm bạn ở khắp nơi và ở mọi thời đại. Như vậy có lẽ ta sẽ có những người bạn lớn là nguồn vui, chỗ học hỏi và chỗ dựa tinh thần vững chắc hơn rất nhiều.
Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011
Chết và Bất tử
Chúng ta ai rồi cũng phải chết. Thân thể chúng ta sẽ tan nát và dần biến thành đất. Hình ảnh và tinh thần ta may ra có thể tồn tại thêm một thời gian ngắn nữa trong tâm trí một số người, để rồi sẽ chìm vào và biến mất trong cái đại dương mênh mông của quá khứ. Dù ta có quyền lực và tiền bạc như các vị vua Ai Cập cổ đại hay các vị “vua” đời nay, dù ta có cả bộ máy truyền thông khổng lồ trong tay để cố làm “bất tử” cái tên tuổi ta, may ra cái mà ta có thể để lại chỉ là những lăng mộ bề thế mà thôi. Người ta sẽ rất nhanh chóng quên đi và không còn quan tâm đến tên và công đức của người trong lăng mộ là gì. Còn những tượng đài ư? Ta có dựng lên bao nhiêu đi nữa thì khi mà dân chúng không ưa ta và không còn gì để sợ hãi nữa, họ sẽ nhanh chóng biến chúng thành những đống gạch, đá và bê-tông vụn. Thế nhưng cũng có một số người, nói như Nguyễn Du là chỉ “mất về thể xác mà còn là tinh anh”. Họ “bất tử” vì ta vẫn còn nhớ họ. Ta nhớ họ vì ta yêu thích họ, vì họ là mẫu người mà ta muốn trở thành, vì họ để lại những gì mà ta yêu thích. Ta thích Chê-Ghêvara vì đó là loại người có nhiều nam tính nhất, đậm chất anh hùng, lãng mạn, cao cả mà lại còn rất đẹp, như ngôi sao điện ảnh vậy. Ta thích Marilyn Monro không phải vì đạo đức của cô mà vì đó là loại phụ nữ có nhiều chất quyến rũ nữ tính nhất, từ khuôn mặt, hình thể, chuyển động đến lời nói. Tên tuổi Tchaikovsky, Mozart, Beethoven, Chopin sẽ còn mãi vì chúng ta sẽ còn mãi mãi xúc động khi nghe nhạc của họ, bởi nó đánh thức những gì trong sáng, cao cả, nhân ái trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta chẳng hề quan tâm là khi họ còn sống họ có bao nhiêu tiền, có bằng cấp gì, làm đến chức vụ hay được những phần thưởng, danh hiệu nào, hay tính tình thô lỗ, kỳ quặc như một số phim gần đây về cuộc đời của họ mô tả. Bill Gates sẽ còn được nhớ không phải về những tỷ đô-la, mà là cái ý chí vươn lên, không cần đi theo những con đường mà ai cũng cho là lý tưởng nhất. Thậm chí chúng ta có thể sẽ khó quên cả một kẻ được mênh danh là “trùm khủng bố” như Bin Laden bởi ông ta dám một mình đương đầu tất cả những siêu cường phương Tây, với một tinh thần “uy vũ bất năng khuất”, đó là vì chúng ta thường bị kẻ mạnh bắt nạt và luôn mong ước có được sự dũng cảm để không chịu khuất phục kẻ mạnh.
Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011
Cảnh giác
Cuộc đời đầy những rủi ro và hiểm họa rình rập ta ở khắp nơi. Vì thế ta cần cảnh giác đề phòng chúng. Nhưng có lẽ cái mà ta phải luôn luôn cảnh giác lại là những phản ứng tức thời của ta khi gặp một vấn đề làm ta khó chịu vì chúng thường khó kiểm soát và có thể gây hậu quả đáng tiếc.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)