Có những nhà lãnh đạo lúc đầu rất đáng khâm phục. Nhưng rồi họ bị “say” bởi những lời phỉnh nịnh của đám quần thần và sự tung hô ầm ỹ của dân chúng. Khi đã say, thì say rượu hay say sự sùng bái cá nhân, người ta đều mất tỉnh táo và trở nên lố bịch mà không biết. Người Nga có câu “Từ vĩ đại đến lố bịch chỉ còn một bước”.
Tổng số lượt xem trang
Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011
Vĩ đại và Lố bịch
Có những nhà lãnh đạo lúc đầu rất đáng khâm phục. Nhưng rồi họ bị “say” bởi những lời phỉnh nịnh của đám quần thần và sự tung hô ầm ỹ của dân chúng. Khi đã say, thì say rượu hay say sự sùng bái cá nhân, người ta đều mất tỉnh táo và trở nên lố bịch mà không biết. Người Nga có câu “Từ vĩ đại đến lố bịch chỉ còn một bước”.
Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011
Thùng rác
Chúng ta khá là khôn ngoan khi chọn thức ăn để cho vào bụng mình. Thế nhưng ta lại khá dễ dãi, tùy tiện và dại dột khi chọn “thức ăn” cho cái đầu mình. Ta đọc bất cứ tờ báo hay quyển sách nào ta “vớ” được, xem bất cứ chương trình Ti Vi nào thấy “hay hay”, nghe nhạc một cách tùy tiện, chỉ cốt là có cái gì đó giải trí, “lấp chỗ trống”, thậm chí còn là để “giết thời gian”. Ít khi ta chịu suy nghĩ mình nên đọc cái gì, xem cái gì, nghe cái gì và tại sao. Cứ như thế, ta “vô tư” biến cái đầu mình thành một thùng chứa đủ thứ rác. Tệ hơn nữa, dần dần, những thứ “rác rưởi” ấy “ngấm” vào ta lúc nào không biết. Thế là ta vô tình để chúng chi phối suy nghĩ, cảm xúc và hành động của ta.
Điều kỳ diệu
Đế quốc
Thú dữ
Ta hay ví những kẻ ác, ví dụ những kẻ giết người như loài dã thú, mất hết nhân tính. Thực ra các loài dã thú “vô nhân tính”, như chó sói hay hổ báo cũng chỉ cắn xé và giết khi chúng đói và đó chỉ là cách tạo hóa làm cho chúng tồn tại. Loài người mới là những con thú tham lam độc ác nhất. Vẫn biết vậy nhưng có lẽ vì sự nghèo nàn của ngôn ngữ, ta chẳng biết so sánh cái ác của con người với cái gì nên đành “vu oan” cho loài thú.
Rắn độc cực kỳ nguy hiểm vì có thể cắn chết người ngay tức khắc. Thế nhưng không ai chê trách chúng cả. Tạo hóa sinh ra chúng làm rắn độc, cũng như sinh ra chúng ta làm người, thế thôi. Nên hiểu rằng có lẽ kẻ độc ác tàn bạo cũng là một loài rắn độc hay chó sói trong hình dạng người thôi. Cũng như đối với rắn độc, ta phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác, phòng tránh cẩn thận. Nếu ta có khả năng và nếu cần thiết thì phải “đập chết” chúng.
Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011
Khác hay giống nhau?
Nhìn bên ngoài, loài người có vẻ khác nhau nhiều, như màu da, khuôn mặt, tiếng nói, áo quần, thức ăn, lối sống, tôn giáo, xu hướng chính trị,v.v. Nhưng sâu thẳm bên trong, con người không khác nhau nhiều. Ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp. Ai cũng muốn hạnh phúc, giàu có, khỏe mạnh, được tôn trọng, yêu thương. Nhưng rồi ai cũng sẽ đau khổ, già yếu, bệnh tật và cô đơn. Thế giới có lẽ bớt xung đột và chiến tranh hơn, nếu con người biết bỏ qua cái hình thức bên ngoài để nhìn sâu vào bên trong tâm tư của người khác.
Thế nào là Lịch sự?
Chúng ta thường khá lịch sự với người ngoài như khách khứa mặc dù có khi ta cũng chẳng ưa họ, vì ta muốn giữ hình ảnh đẹp về bản thân mình. Thế nhưng đối với người thân nhất của mình và cần tôn trọng và lịch sự nhất như vợ, chồng, ta lại chẳng còn đủ kiên nhẫn mà giữ lịch sự nữa.
Tôn trọng người khác là phép lịch sự cần thiết nhất.
Bạn chẳng tôn trọng những người quyền thế và giàu có đâu. Bạn sợ họ thì đúng hơn bởi họ có thể ảnh hưởng tới cuộc đời bạn nếu bạn không làm vừa lòng họ. Còn nếu bạn tôn trọng những người lạ, người nghèo, người già nua, tàn tật, xấu xí, trẻ em, và tất cả những ai không thể gây ảnh hưởng tới cuộc đời bạn thì mới là sự tôn trọng thật sự và mới chứng tỏ bạn là người có đạo đức và văn hóa.
Khuyết điểm
Chúng ta thường khá là tinh đối với khuyết điểm của người khác. Hơn nữa, ta lại còn dùng kính phóng đại chúng lên. Còn đối với khuyết điểm của bản thân thì ngược lại.
Có lẽ sự không hoàn thiện là động lực thúc đẩy cuộc sống, để chúng ta có mục tiêu mà theo đuổi, có việc mà làm. Còn nếu mọi cái đều “tuyệt vời” cả thì chúng ta chả còn gì để làm và có khi sẽ không biết sống trên trái đất để làm gì nữa?
Chúng ta đều biết khuyết điểm của mình và tưởng rằng ta có thể khắc phục chúng dễ dàng. Thế nhưng ta vẫn cứ mắc phải hết lần này đến lần khác. Có lẽ Đức Phật đã nhận ra điều này nên Người cảnh báo chúng ta là việc tu là không dễ dàng và thậm chí có thể kéo dài nhiều “kiếp”.
Hãy dè chừng với kẻ “không có khuyết điểm”. Họ chỉ “hơn” chúng ta là khéo che dấu mà thôi.
Chúng ta thường xuyên mắc sai lầm và cứ như thế trong suốt cuộc đời. Có lẽ đó là cách mà “Trời” tạo cơ hội cho ta rèn luyện bản thân và bao dung hơn với người khác.
Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011
Sân khấu Cuộc đời
Shakespear đã từng than rằng đời là câu chuyện của một tên ngốc, om sòm, điên loạn và vô nghĩa. Nếu ông sống vào thời nay, chắc ông sẽ không nói gì khác hơn. Tất cả chúng ta đều đóng một vai nào đó trên sân khấu cuộc đời. Chúng ta ít nhiều đều hóa trang, cố ăn nói và hành xử sao cho giống cái vai mà ta muốn đóng. Lúc gặp sự cố, cái mặt nạ ta đeo bị rơi xuống để lộ ra cái mặt thật của ta. Vở diễn nào rồi cũng đến hồi kết. Khi không còn mũ áo, son phấn, đạo cụ, con người thật của ta lại hiện ra và thường là chẳng đẹp đẽ như cái vai ta đóng trên sân khấu cuộc đời.
Nếu phải lên diễn ở sân khấu một nhà hát, chúng ta sẽ đều là những diễn viên tồi. Nhưng trên "sân khấu" cuộc đời, chúng ta lại diễn giỏi đến mức kinh ngạc. Chúng ta nói dối như thật, đóng vai đạo đức giống tới mức ít ai nghi ngờ.
Cha mẹ và Con cái
Nếu ta không muốn ân hận mãi sau khi cha mẹ mình qua đời, hãy là người con có hiếu khi họ còn sống.
Cha mẹ nào cũng muốn là “lá chắn che chở suốt đời con”. Nhưng có lẽ chúng ta cũng nhận ra rằng chính những đứa trẻ thiếu sự bao bọc che chắn của cha mẹ, sớm phải tự vật lộn với cuộc đời để tồn tại lớn lên có khi lại trở thành những người mạnh mẽ và bản lĩnh.
Chơi và Làm
Người Anh có nói rằng chỉ làm mà không chơi ta sẽ thành kẻ ngu đần. Chỉ khi “chơi” ta mới hoàn toàn tự do và do đó có thể sáng tạo.
Hình như chỉ có con người mới biết “chơi” vì loài vật thì lúc nào cũng “kiếm ăn”. Nhờ biết “chơi”, con người trở nên khác loài vật.
Vấn đề không phải là chơi hay không chơi, mà là chơi cái gì và như thế nào.
Thân phận loài người
Con người đã sống hàng triệu năm trên Trái Đất. Không biết bao nhiêu lớp người đã sinh ra, lớn lên rồi chết đi sau khi đã tìm đủ mọi cách để cải thiện cuộc sống của mình. Vậy mà sau hàng triệu năm cố gắng đó, về cơ bản chúng ta vẫn tối tăm, hỗn loạn, tham lam, hung bạo, sợ hãi, bệnh tật, đói nghèo và khổ đau. Hy vọng về một ngày nào đó con người sẽ thoát khỏi cái đại dương khổ đau mênh mông này hình như ngày càng xa mờ hơn. Có lẽ nào số phận chúng ta lại là như thế? Có lẽ nào Chúa Trời nhân từ bao dung lại trừng phạt chúng ta lâu như thế? Có lẽ nào chúng ta đã tu nhân tích đức hàng vạn đời nay mà vẫn không được giải thoát?
Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011
Khó Khăn
Một cuộc đời may mắn, thẳng băng, không gặp một khó khăn đáng kể nào có lẽ không phải là thứ dành cho bậc đại trượng phu.
Thầy
Thầy là người thỉnh thoảng dạy ta một số điều. Cuộc sống thường xuyên dạy ta nhiều điều. Nhưng cuối cùng, không ai có thể làm hộ ta việc đúc kết tất cả những bài học đó, rút ra những điểm cốt lõi, quyết định phải làm gì và giám sát việc thực hiện. Ta mới là người thầy quan trọng nhất của ta. Có lẽ vì thế nên Đức Phật mới dạy là mỗi người phải là “ngọn đèn” của mình, chứ không phải là một người thầy nào.
Thành Kiến
Thành kiến của người khác đối với ta là một bức tường nhiều khi do chính ta góp phần dựng nên trong quá khứ. Ta sẽ phải tốn nhiều công sức mới có thể phá vỡ được nó.
Đầu óc chúng ta chứa đủ loại thành kiến. Chúng ta quen dán cho mỗi người, mỗi thứ một “nhãn hiệu” nào đó, rồi thì cứ thế “kết luận” ngay trong mọi trường hợp mà ít khi chịu suy xét cẩn thận.
Tha Thứ
Khó có hòa bình nếu ta không thể tha thứ cho người khác về những gì họ đã gây ra cho mình, hoặc cha mẹ, ông bà, tổ tiên họ đã từng gây ra cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình.
Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011
Người Đẹp
Ngày nay ở khắp thế giới người ta thi “Hoa Hậu” với mục đích là xem ai đẹp nhất. Thế nào là đẹp thì có thể đoán qua các tiêu chuẩn. Đó là chân có dài không, tỷ lệ “ba vòng” có ở mức tối ưu không. Hình như các nghiên cứu về những đặc điểm hấp dẫn của phụ nữ đối với đàn ông về phương diện tình dục, khả năng mang thai, sinh con và nuôi con của phụ nữ cũng tương tự. Chọn như thế là hợp với lẽ tự nhiên. Có lẽ người xưa cũng nhận ra điều đó nên mới có câu ca dao “Những người thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”. Nhưng rồi những “nữ hoàng sắc đẹp” này thường lại hay bị tai tiếng. Thực ra thì họ chỉ đẹp hơn người thường về phần “thân” thôi, vì tiêu chí chọn lựa chỉ nhắm khá kỹ vào “ba vòng” của họ chứ có xét gì về đạo đức đâu mà trách họ. Giả sử có muốn chọn người đẹp cả phần “tâm” nữa thì cũng khó bởi không có cuộc thi nào có thể xác định được. Ấy là chưa nói những cô gái có “tâm” chắc gì đã thích mặc mỗi bộ đồ lót đi nghễu nghện trên sân khấu có đèn pha rọi vào cho khán giả, hình như phần lớn là đàn ông ngồi dưới xem. Vì thế ta nên nhìn nhận những người đẹp này đúng với cái họ có, nghĩa là có khuôn mặt và hình thể đẹp, thế thôi. Nhưng vấn đề không phải là họ. Xã hội tiêu dùng ngày nay do đàn ông thống trị đang tìm đủ mọi cách để thỏa mãn tối đa các giác quan mà nhà Phật gọi là “lục căn”, và dĩ nhiên, “sắc” là một trong những món đàn ông “hám” nhất. Bọn họ, nhất là những kẻ giàu có và thích ăn chơi trác táng sẽ không tiếc tiền cho việc này.
Người xưa ca ngợi bậc “đại trượng phu” là người giàu sang không thể làm hư hỏng, nghèo khó không thể làm cho hèn hạ, sức mạnh không thể khuất phục. Nhưng thái độ của các bậc đó trước mỹ nữ thế nào thì hình như chưa thấy nói đến. Có lẽ người xưa đã biết rằng sắc đẹp có thể làm “nghiêng nước, nghiêng thành” nên đã cẩn thận không tuyên bố một điều họ không chắc lắm!
Ngoại Giao
Ta thường chỉ thấy mặt ngoài của ngoại giao với những người ăn mặc bảnh bao, nói năng lịch sự, hay dự các buổi họp hay tiệc long trọng. Một số tài liệu mật bị tiết lộ gần đây phơi bày cái “bên trong” không được đẹp đẽ cho lắm. Thực ra chúng ta cũng đều như vậy, nói với người khác một đằng, nghĩ về họ một nẻo, mà hành động thì lại khác nữa.
Miếng Ăn
Đàn chó đói sẽ tranh giành nhau, nếu chỉ có một cục xương. Nếu có đủ cho cả đàn, chúng sẽ không tranh nhau. Bầy người đói cũng tranh nhau – như khi xảy ra động đất, chiến tranh, nạn đói, v.v. - nếu chỉ còn một chiếc bánh mỳ. Nếu có đủ bánh cho tất cả, có thể họ sẽ chia đều và không tranh nhau. Tuy nhiên, lúc nào cũng có một vài kẻ tham, khôn, nhanh, mạnh hay may hơn những người khác chiếm lấy nhiều bánh hơn. Tranh giành nhau thường dẫn đến đánh nhau. Suy rộng ra, đó là cách hành xử của con người với nhau từ xưa đến nay, dù đó là cái bánh mỳ, ngôi nhà, mảnh đất, mỏ dầu hay một vùng biển thì cũng không khác nhau là mấy.
Nhiều người theo đạo Ki-tô trước mỗi bữa ăn đều cám ơn Trời đã cho bánh ăn. Đó là một tục lệ rất ý nghĩa nếu ta hiểu được rằng không phải lúc nào ta cũng có sẵn cơm ăn. Có lúc ta phải nhịn đói, phải đổ mồ hôi nước mắt, phải chịu cay đắng, thậm chí phải giành giật, nhục nhã, mới có miếng ăn. Người Việt Nam xưa có câu: “ Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)