Cuộc chiến tranh xâm lược Ucraina của Nga kéo dài đã ba năm rưỡi. Nhìn lại thì thấy cuộc chiến này có những điểm khá giống với cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam trước đây. Cái "tội" của Ucraina là vị trí địa lý và nguyện vọng của nó: Nằm giưã một bên là Nga và một bên là các nước EU - NATO. Nguyện vọng của nhân dân Ucraina là có cuộc sống phồn vinh như các nước vốn cùng từng theo phe của Liên Bang Xô viết và cũng từng phải sống trong những xã hội khắt khe và đời sống nghèo khổ. Nga coi đó là "mối đe doạ" cần loại bỏ. Cái "tội" của Việt Nam cũng tương tự. Việt Nam nằm sát phía dưới phe Xã hội Chủ nghĩa, bao bọc xung quanh là các nước trong khu vực ảnh hưởng của Mỹ và đang lo sợ sự bành trướng của phe cộng sản. Còn dân Việt Nam thì có nguyện vọng chính đáng là thống nhất đất nước mình bị các cường quốc nước ngoài chia cắt. Mỹ coi đó là nguy cơ bành trướng của cộng sản và cần thiết phải loại bỏ. Cả hai nước đêù bị các nước lớn lợi dụng. Mỹ và các nước Phương Tây muốn dùng Ucraina làm suy yếu Nga. Trung Quốc khi đó muốn đánh Mỹ "đến người Việt Nam cuối cùng". Khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2/2022, lãnh đạo Nga tin rằng sẽ chiếm được Kiev trong 3 ngày, chính quyền Ucraina sẽ sụp đổ nhanh chóng và dân Ucraina sẽ hồ hởi mang hoa, bánh mì và muối ra đón "quân giải phóng Nga". Sự thật diễn ra đã chứng minh Nga đã đánh giá sai đối phương và có ảo tưởng nghiêm trọng đến thế nào. Người Ucraina đã kháng cự quyết liệt. Người ta còn nhớ rõ về đoàn xe tăng dài tới 60 km của Nga tiến về Kiev đã bị bắn cháy và tê liệt hoàn toàn. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam vào khoảng đầu những năm 60, Mỹ đề ra kế hoạch Stanley Tailor để "bình định" Nam Việt Nam trong 18 tháng. Họ bắt hàng triệu nông dân bỏ làng xóm để vào sống trong các "ấp chiến lược" - một dạng trại tập trung trá hình -với ý đồ tách "Việt Cộng" ra khỏi dân cho dễ tiêu diệt. Chiến lược và kế hoạch này đã hoàn toàn thất bại trước sức kháng cự của dân chúng. Trở lại với Ucraina, sau khi ý đồ "chiếm Kiev trong 3 ngày" hoàn toàn thất bại, Nga chuyển sang chiến lược khác. Đó là dùng sức mạnh và nguồn lực khổng lồ của mình để "đốt sạch, giết sạch, phá sạch" Ucraina như Đức Quốc xã đã từng làm khi xưa. Có lẽ Nga tin rằng Ucraina sớm muộn sẽ kiệt quệ tới mức phải đầu hàng. Đúng là Ucraina phải hứng chịu chết chóc và tàn phá nặng nề. Nhưng Ucraina không đầu hàng. Ucraina không suy yếu mà lại còn mạnh hơn trước. Hạm đội Biển đen hùng mạnh của Nga bị đẩy khỏi căn cứ chính Sevastopol và phải lùi sâu về vùng biển phía xa để tránh bị hủy diệt hoàn toàn. Mới gần đây, lực lượng "pháo đài bay" chiến lược của Nga dù đã lùi xa hàng ngàn km sâu trong đất Nga nhưng vẫn bị chiến dịch Mạng Nhện tài tình của Ucraina hủy diệt tới một phần ba. Mới có ba năm chiến tranh mà Nga đã tổn thất gồm chết và bị thương tới hơn một triệu binh sĩ. Nhiều kho đạn dược và xăng dầu lớn, tổ hợp lọc dầu, nhà máy quân sự, sân bay quân sự, v.v. bị đánh phá nặng nề. Chiến tranh tiêu hao của Nga lại đang bào mòn chính nguồn lực và tinh thần của Nga. Truyền thông chính thống của Nga cố tình che dấu những thiệt hại của Nga. Nhưng chính người dân Nga đã ghi lại cảnh những kho xăng dầu, đạn dược lớn bị trúng drone của Ucraina và cháy nhiều ngày không dập tắt được. Nhưng những nghĩa trang lính Nga mới tử trận mọc lên khắp nước Nga và cứ tiếp tục mở rộng mãi ra nói lên tất cả. Sẽ đến lúc dân thường Nga không còn im lặng chịu đựng được nữa. Họ sẽ không chấp nhận chồng và con em của mình phải chết không phải để bảo vệ tổ quốc như cha ông họ trong Thế chiến 2, mà là trong những cuộc đánh phá nước Ucraina anh em để bảo vệ ngai vàng của "Putin Đại Đế" và túi tiền khổng lổ của giới tỷ phú Nga "bạn bè " của ông ta. Trở lại Việt Nam thì sau khi kế hoạch Stanley Tailor thất bại, Mỹ chuyển sang một chiến lược mới. Đó là chiến tranh "leo thang". Theo chiến lược này, Mỹ đã huy động một lực lượng lớn quân đội chính quy gồm đủ hải - lục - không quân. Số lượng bình sĩ trên mặt đất tăng từ khoảng 20 ngàn năm 1964 lên tới hơn 500 ngàn năm 1968. Lực lượng lục quân này sử dụng tới gần 12.000 máy bay trực thăng cho không biết bao nhiêu những chiến dịch "Tìm và Diệt" du kích và quân Giải Phóng. Không quân Mỹ sử dụng tới 8 căn cứ không quân lớn và hàng chục sân bay nhỏ ở khắp miền Nam Việt Nam để phục vụ cho khoảng hơn 3.500 máy bay chiến đấu các loại. Những máy bay này liên tục bắn phá, ném bom "rải thảm" bằng B-52, ném bom napalm và rải chất độc da cam xuống tất cả những nơi bị nghi là có quân Giải phóng và Bắc Việt. Mỹ đã lập một "kỷ lục" là đã ném xuống Việt Nam tới 4,6 triệu tấn bom. Còn Việt Nam thì lập một "kỷ lục bất đắc dĩ" là nước bị ném bom nhiều nhất trong lịch sử. Để so sánh, lượng bom mà Mỹ ném xuống Đức trong Thế chiến 2 là 1,6 triệu tấn. Về hải quân, thường xuyên có từ 2 đến 4 tàu sân bay Mỹ trực chiến ở khu vực vịnh Bắc Bộ. Mỗi tàu sân bay có khoảng 70-90 máy bay, hàng ngày xuất kích bắn phá Việt Nam trong khoảng thời gian 1964 - 1973. Cần phải kể đến các căn cứ không quân cho B52 ở Thái Lan, Guam, căn cứ không quân và hải quân ở Philippines, tất cả đều tham gia đánh phá Việt Nam. Rồi lại còn sự tham gia trực tiếp của quân đội Nam Triều Tiên với hơn 300.000 binh sĩ nổi tiếng là thiện chiến và tàn bạo. Với lực lượng quân sự vượt trội như vậy, Mỹ tưởng rằng sẽ tiêu diệt quân Giải phóng và bộ đội Bắc Việt Nam nhiều tới mức sẽ không thể bù đắp, sẽ kiệt quệ và sẽ phải đầu hàng. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Mỹ đã tính toán mọi thứ rất giỏi. Nhưng có một điều - mà lại là điều quan trọng nhất - mà Mỹ không tính tới. Đó là sự chịu đựng và hy sinh không bờ bến của quân Giải Phóng và bộ đội Bắc Việt và nhân dân Việt Nam. Lúc đầu thì nhiều binh lính Mỹ cũng hăng hái đi Việt Nam lắm. Dân Mỹ thì không phản đối cuộc chiến này. Nhưng rồi, số lính Mỹ chết và bị thương tăng lên quá nhiều. Dân Mỹ không hiểu tại sao con em họ phải chết trong những khu rừng nhiệt đới xa xôi. Và họ phản đối quyết liệt. Chính Quốc hội đã thông qua quyết định ném bom Bắc Việt Nam. Nhưng rồi Quốc hội Mỹ cũng buộc phải đồng tình với dân Mỹ và phản đối chiến tranh. Kết quả là chính quyền Mỹ phải dừng cuộc chiến, ký Hiệp định Paris và rút khỏi Việt Nam đầu năm 1973. Cuộc chiến tranh ở Ucraina vẫn đang tiếp diễn và rất khó để đoán trước được điều gì. Tuy nhiên, có cơ sở để tin rằng, dù phải chịu thêm vô vàn gian khó, nhưng với quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ thì cuối cùng, cũng như Việt Nam, Ucraina sẽ vượt qua tất cả. Có thể Ucraina sẽ phải tiến hành một cuộc kháng chiến lâu dài cho đến khi nguồn lực và tinh thần của Nga sẽ kiệt quệ đến mức chính quyền Nga phải chấm dứt chiến tranh.