Sáng nay bé Quỳnh dậy sớm hơn mọi ngày. Em mặc bộ quần
áo trắng, đi giày trắng, cổ đeo chiếc khăn quàng “Thiếu Niên Tiền Phong” đỏ
tươi. Em có vẻ háo hức lắm bởi hôm nay là Ngày Khai Trường. Hơn nữa em lại còn
là thành viên đội trống, sẽ đánh những nhịp trống rộn ràng trong sân trường
trước hàng ngàn học sinh và thày cô giáo. Quỳnh là một trong 22 triệu học sinh
cả nước bước vào một năm học mới ngày 5/9 hàng năm. Dù kinh tế có phát triển
trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo với mức thu nhập
xếp vào hàng trung bình thấp. Số lượng học sinh lớn như thế đồng nghĩa với một
gánh nặng cho toàn xã hội trong đó gia đình các em phải gánh vác một phần không
nhỏ. Câu nói “hy sinh đời bố, củng cố đời con” không chỉ là nói đùa mà là một sự
thật. Ở Việt Nam thì ít gia đình, kể cả khi rất nghèo nề hà điều đó. Nhưng rồi
sự hy sinh của gia đình và sự vất vả của các em trong nhiều năm có dẫn đến kết
quả gì không thì ít ai dám chắc. Học thì vất vả tốn kém là thế nhưng khi ra
trường lại khó có việc làm. Nếu có việc làm thì ít khi hợp với cái đã học ở
trường. Có việc làm cũng chưa yên bởi lương thường quá thấp so với giá cả. Ấy là
chưa nói đến chuyện “lót tay”, một yếu tố mà hầu như ai cũng phải tính đến
trong dự trù chi phí để học được trường tốt, để có việc làm. Nhưng vượt qua tất
cả những khó khăn kể trên vẫn là điều có thể. Nhưng vẫn còn một điều quan
trọng, có khi là quan trọng nhất, nhưng lại là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Đó là câu chuyện học cái gì và để làm gì,
nói một cách văn vẻ là “triết lý giáo dục”. Đó là chủ đề mà các cơ quan về
chính sách và quản lý giáo dục, các chuyên gia đủ loại, giáo viên, rồi cả học
sinh và phụ huynh bao năm nay cứ bàn đi xới lại. Cũng từng có không ít những
cải cách tốn kém với những khoản ngân sách lớn. Kết quả vẫn chỉ là những thay
đổi “nhỏ giọt”, chưa có dấu hiệu nào của một thay đổi gốc rễ và đột phá. Người
ta đổ lỗi cho nhau thay vì chỉ ra đâu là nguyên nhân chính. Thực ra có lẽ người
ta vẫn biết đâu là gốc rễ vấn đề nhưng ngại đụng đến khu vực đó. Người ta không
tin có thể thay đổi được. Nếu xã hội là một đoàn tàu thì giáo dục có lẽ chỉ là một
toa tàu. Cái mà người ta cố gắng bấy lâu nay chỉ là sắp xếp lại một chút ở
trong cái toa tàu ấy. Có thể tốt hơn một chút như sạch hơn, trật tự hơn. Còn
lại, mà lại là những điều quan trọng nhất như đi đâu, nhanh hay chậm… thì lại
là việc của cái đầu tàu, của người lái tàu, người chỉ huy cả hệ thống chạy tàu.
Bé Quỳnh và hàng triệu em khác hôm nay tung tăng tới trường. Các em còn quá nhỏ
và ngây thơ để hiểu rằng các em đang đi trên một đoàn tàu cũ kỹ, ỳ ạch, cọc
cạch rung lắc trên những đường ray cổ lỗ cả trăm năm. Có thể rồi đây, những thế
hệ học sinh tương lai sẽ không còn phải đi trên những con tàu đáng buồn như thế
nay. Không ai dám chắc là bao giờ cả.